Ăn dặm
ĂN DẶM (PHƯƠNG PHÁP TỰ CHỈ HUY)
Ở Anh có hai phương pháp ăn dặm: ăn dặm xay nhuyễn (Puree led weaning PLW) và ăn dặm tự chỉ huy (Baby led weaning BLW). PLW là phương pháp truyền thống bắt đầu quá trình ăn dặm bằng cách xay nhuyễn đồ ăn ra thành bột từ 6 tháng tuổi (thậm chí có thể bắt đầu từ 4 tháng tuổi) và dần dần xay bớt nhuyễn đi cho tới khi bé ăn được đồ thô. BLW thì bỏ qua toàn bộ giai đoạn ăn nhuyễn và nhảy thẳng tới ăn thô từ 6 tháng tuổi. Sau khi nghiên cứu một số tài liệu về việc ăn dặm, chúng tôi quyết định áp dụng BLW.
—
# Làm thế nào để áp dụng BLW
Áp dụng BLW cực kỳ đơn giản. Nguyên tắc chính là nhà ăn gì thì cho bé ăn đấy. Không cần cầu kỳ nấu riêng, không cần máy xay máy nghiền gì cả. Tuy nhiên có một vài điều quan trọng cần lưu ý:
– Đồ ăn cần được cắt thành miếng vừa tay cho bé cầm, đặc biệt khi khả năng cầm nắm và nhặt đồ của bé chưa được phát triển đầy đủ. Từ rau củ tới thịt thà, tôi thường cắt thành một miếng dài dài thon thon chừng ngón trỏ của người lớn khi mới bắt đầu.
– Khi để đồ ăn lên khay của bé, chỉ nên để ba bốn món để cho bé có sự lựa chọn nhưng không bị hoa mắt vì quá nhiều lựa chọn.
– Không cho muối và đường vào đồ ăn cho bé. Muối có thể gây tổn thương cho thận của bé trong khi đường làm hỏng răng. Dưới một tuổi chỉ nên cho ăn tối đa là 1g muối theo chỉ dẫn của y tế Anh (xem link ở cuối cho các độ tuổi khác). Sau 1 tuổi, có thể cho bé ăn tối đa là 2g muối mỗi ngày. Thông thường, tôi sẽ nấu đồ ăn cho cả nhà mà không có muối, đường. Sau khi đồ ăn chín, lấy một phần ra cho bé rồi mới nêm muối đường vào. Trên lý thuyết ăn ít muối đường đi cũng rất tốt cho sức khỏe của người lớn.
– Đồ ăn phải được nấu chín hẳn, không tái, sống.
– Bé phải ngồi khi ăn, không nằm, không nghiêng ngả để tránh bị hóc, bị sặc.
– Tuyệt đối không bao giờ để bé ngồi ăn một mình không có sự quan sát của người lớn. Mặc dù khả năng bị hóc là cực nhỏ, người lớn vẫn cần phải lưu ý. Trong trường hợp bị hóc, bé có thể sẽ không phát ra âm thanh gì, nên phải quan sát bé khi bé ăn.
Nếu có thể thì nên cho bé ăn một bữa nhỏ nhỏ giữa các bữa chính cùng gia đình.
—
# Các dụng cụ cần thiết
1. Ghế ăn dặm cho bé
Một điều thiết yếu của BLW là cho bé được tham gia vào bữa cơm gia đình. Nếu gia đình ngồi bàn ăn cơm thì nên mua ghế cao bằng tầm bàn. Nếu gia đình ngồi đất thì nên mua ghế thấp sạt đất.
2. Yếm ăn
Yếm ăn chắc chắn là không thể thiếu nếu bạn không muốn phải ngâm bộ quần áo mấy hôm để hết các vết bẩn. Mà kể cả có yếm ăn, rất tiếc là bẩn quần áo là điều không thể tránh khỏi.
3. Thảm ăn
Nếu ai mà không muốn đồ ăn rơi vãi ra sàn nhà có thể dùng một tấm bạt nilon lớn kê dưới ghế ăn dặm. Tuy nhiên bản thân tôi thấy thì lau sàn gạch dễ hơn lau thảm.
—
# Ưu điểm của BLW
Điều tôi thích nhất ở phương pháp này là bé sẽ nhanh chóng học được tự ăn, không cần người lớn phải bón đút. Sau khi bé tự bốc ăn rồi, dạy bé dùng thìa cũng không khó. Người lớn có thể ăn uống nói chuyện trong khi bé tự ngồi ăn ngon lành.
Ngoài ra cho bé tự ăn, bé sẽ có thể phát triển kỹ năng sử dụng tay và miệng một cách tự nhiên nhất. Đây cũng là cách để bé tự mình khám phá các loại đồ ăn với mùi vị, hình dáng, màu sắc khác nhau. Nó cũng giúp cho bé phát triển sở thích ăn uống và ít kén ăn hơn.
Nếu vẫn chưa bị thuyết phục với các ưu điểm tôi kể ra bên trên, bạn có thể tham khảo thêm ở bài báo tôi đặt link dưới bài viết này.
—
# Nhược điểm của BLW
Khi tôi chưa bắt đầu, điều tôi lo sợ nhất là bé bị hóc, nghẹn dẫn tới hậu quả khôn lường. Tuy nhiên các bạn cần lưu ý hóc nghẹn khác với ọe. Bé có thể nhìn như là muốn oẹ đồ ăn ra, nhưng đấy chỉ là một phản ứng tự nhiên khi bé còn chưa quen với đồ ăn. Khi đồ ăn chưa xuống cổ họng bé đã oẹ ra để tránh bị hóc. Nhiều lúc nhìn tưởng như là bị hóc. Bé đặc biệt ọe nhiều hơn trong 2 tháng đầu, và dần dần sẽ bớt đi.
Thực ra khả năng bị hóc nghẹn là rất thấp. Anna nhà tôi ăn dặm từ trước tới nay chưa bị hóc lần nào. Để giảm thiểu khả năng bị hóc bố mẹ nên làm theo đúng các chỉ dẫn trong phần áp dụng ở bên trên (đó là ngồi ăn, có giám sát của người lớn, cắt đồ ăn vừa tay). Những quả nào tròn như nho, phải luôn cắt ra làm đôi, làm tư. Các mẹ cần đặc biệt chú ý học thật kỹ phương pháp sơ cứu trong trường hợp trẻ bị hóc nghẹn, vì một khi đã bị hóc nghẹn thì chậm một giây hậu quả rất khôn lường. Xem link ở dưới bài viết về cách sơ cứu hóc nghẹn ở trẻ nhỏ.
Một nhược điểm khác của BLW đó là bẩn. Sẽ không tránh khỏi việc bé sẽ bôi bẩn lên quần áo và vất đồ ăn khắp mọi nơi. Tôi nhận thấy bé càng lớn thì sẽ càng ít bẩn đi. Tôi nhận ra khi bé ném đồ ăn đi, hoặc là do không thích hoặc là do no rồi. Nếu do không thích thì tôi đổi món. Nếu no rồi thì thôi không ép bé ăn thêm.
—
# Kinh nghiệm với Anna
Khi Anna vừa sang 6 tháng tuổi, chúng tôi bắt đầu để bé tham gia giờ ăn cùng với gia đình. Bé ngồi cùng bàn với cả nhà, nhưng mà ghế ngồi có gắn khay ăn riêng. Chúng tôi để ba món, một rau, một khoai, một thịt lên khay của bé để bé tuỳ ý lựa chọn. Khả năng cầm nắm của Anna có hơi chậm so với trung bình. Trong khi các bạn khác đồng lứa nhặt đồ chơi bỏ vào mồm ngậm ầm ầm, Anna vẫn chỉ quan sát là chính, không với, không nhặt, không bỏ vào mồm. Chính vì thế, đối với đồ ăn, trong tháng đầu Anna chỉ nhìn thôi chứ không có hứng thú nhặt lên.
Khi Anna được 7 tháng, bé vẫn chưa hứng thú sờ đồ ăn. Chúng tôi bắt đầu thấy hơi mất kiên nhẫn. Tất cả các trang diễn đàn BLW đều nói rằng hầu hết các trẻ lúc đầu chỉ chơi với đồ ăn là chính, không ăn uống gì mấy tới tận 9, 10 tháng. Tuy nhiên từ bé Anna đã thuộc dạng nhẹ cân hơn trung bình, lại thêm áp lực vì ông bà hai bên thường xuyên hỏi thăm chuyện ăn uống, và áp lực từ các bạn đồng trang lứa ăn bột rất khoẻ, thế là chúng tôi bắt đầu xay nhuyễn một số đồ ăn và đút cho bé. Tuy nhiên chúng tôi không bỏ cuộc BLW, và vẫn để đồ ăn thô trên khay cho bé kể cả khi đút đồ nhuyễn. Thực ra kể cả đồ ăn nhuyễn Anna cũng không chịu ăn cho tới khi bé 7 tháng rưỡi.
Sự kiên trì để đồ ăn thô trước mặt bé và cho bé tham gia bữa ăn cùng gia đình cuối cùng cũng đạt được thành công. Khi bé 8 tháng tuổi, bé bắt đầu nhặt đồ ăn bỏ vào mồm. Chúng tôi cũng dừng ngay đồ nhuyễn. Lúc đầu bé rất là lúng túng. Bé chỉ cầm được miếng to dài, và không nhặt được miếng nhỏ lên. Nhiều lúc dường như bé vẫn chưa ước lượng chính xác được miệng ở đâu nên cứ chọc chọc lên má thay vì bỏ vào mồm. Dần dần từ từ bé khá lên mỗi ngày.
Đến bây giờ bé 11 tháng tuổi, bé ăn rất tốt từ rau củ tới thịt thà. Món ưa thích của bé là trứng gà, thịt gà, rau súp lơ, cà rốt. Tuy nhiên bé vẫn thích hoa quả nhất. Giờ tôi không phải cắt hình thù nhất định nữa. Miếng to, miếng bé, bé đều nhặt được hết. Tuy nhiên vẫn phải tuyệt đối tránh hình tròn như nho hay viên bi. Những thứ lỏng như sữa chua, tôi vẫn đút cho bé hoặc là lấy hoa quả chấm vào sữa chua cho bé tự thưởng thức.
—
# Ví dụ một vài món ăn đơn giản của Anna
– Đơn giản nhất là cắt rau củ thành miếng dễ cầm rồi luộc. Các rau tôi hay cho Anna ăn là cà rốt, bí, súp lơ, bắp cải, giá đỗ.
– Lòng đỏ trứng có nhiều chất béo, rất tốt cho trẻ. Rán hoặc là hấp thì dễ cho bé cầm hơn là luộc.
– Ruột bánh mì phết thêm tí bơ không có muối. Bơ cũng có nhiều chất béo, tốt cho trẻ.
– Thịt gà, lợn luộc/ rán/ quay, cắt thành miếng nhỏ.
– Mỳ hoặc bún xào với lòng đỏ trứng, thịt gà và giá đỗ.
Xin xem album ‘Món ăn cho bé’ để biết thêm chi tiết món ăn.
—
# Lời kết
Cả quá trình ăn dặm (kể cả PLW và BLW) đòi hỏi bố mẹ phải thật KIÊN NHẪN. Không nóng lòng khi thấy con nhà người ta ăn nhiều, ăn khỏe, trong khi con nhà mình lại cứ ném đồ ăn xuống đất. Các bạn có thể yên tâm là dưới 1 tuổi sự phát triển của bé phụ thuộc phần lớn vào sữa mẹ/ sữa bột. Ăn dặm chỉ chủ yếu cho trẻ làm quen với đồ ăn. Thế nên không cần lo lắng nếu bé chưa chịu ăn ngay trong mấy tháng đầu. Tuyệt đối không ép bé ăn. Không thì bé có thể liên hệ việc ăn uống với các giác không vui và sẽ không thưởng thức đồ ăn.
Một điều khác rất bức bối với các bậc cha mẹ nhưng thực ra cũng rất bình thường đó là hôm nay con ăn nhiều nhưng ngày mai con có thể ăn rất ít hoặc không chịu ăn. Thậm chí đến người lớn cũng có ngày ăn ít, ăn nhiều. Nên không thể nào ép bé ngày nào cũng phải ăn một lượng bằng nhau. Tôi xin nhắc lại bé vẫn có đủ chất từ sữa nên đừng lo lắng.
Quá trình ăn dặm đúng là làm tôi trải qua nhiều giai đoạn cảm xúc, buồn có, vui có. Tuy nhiên cái vui chắc chắn đánh bật cái buồn. Nhìn con có những trải nhiệm mới, nếm các đồ ăn mới, mày mò thích thú khám phá các cảm giác khác nhau từ đồ ăn, tôi thấy cái khổ từ việc dọn dẹp nó cũng đáng lắm.
Nếu ai có câu hỏi hay muốn tôi đi sâu hơn vào khía cạnh nào, xin cứ cho tôi biết. Tôi rất vui nếu có thể giúp được các mẹ. Chúc các mẹ tận hưởng những giây phút này cùng con nhá!
—
# Hỏi đáp
1. Đồ ăn có phải luộc chín hơn cho người lớn không?
Không nhất thiết, nhưng nếu muốn an tâm thì có thể luộc kỹ hơn một chút. Khi mới bắt đầu nên nấu mềm cho bé dễ ăn, nhưng đừng quá mềm vì bé cầm sẽ bị nát.
2. Có nên bắt đầu ăn dặm sớm hơn 6 tháng?
Cuốn “Ăn dặm tự chỉ huy” của Gill Rapley và Tracey Murkett (sách có bản tiếng Việt) khuyên là không nên bắt đầu ăn dặm sớm hơn 6 tháng. Đây cũng là lời khuyên của tổ chức y tế thế giới WHO (World Health Organisation). Có một vài lý do như sau:
– Đồ ăn không có nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng bằng sữa mẹ/ sữa bột. Các em bé có dạ dày rất nhỏ và cần một lượng chất dinh dưỡng và năng lượng rất tập trung mà chỉ sữa mẹ/ sữa bột có thể cung cấp được cho sự phát triển của bé.
– Ngoài ra nếu cho bé ăn đồ ăn sớm quá, hệ thống tiêu hóa của bé chưa phát triển đầy đủ để lấy được hết những thứ tốt từ đồ ăn.
– Trẻ em ăn đồ ăn sớm có khả năng cao hơn bị nhiễm khuẩn hoặc là bị dị ứng vì hệ thống miễn dịch của bé chưa được phát triển đầy đủ.
3. Khi mới bắt đầu, nên cho bé những đồ ăn gì?
Khi mới bắt đầu, khả năng cao là bé sẽ ăn rau củ trước. Nhưng nên để lên khay của bé cả thịt cả rau để bé có sự lựa chọn.
4. Khi mới bắt đầu, có nên đợi bé đói mới cho ăn?
Không. Bé cần phải uống đầy đủ sữa mẹ/ sữa bột như bình thường trước khi cho ăn. Đồ ăn ở giai đoạn đầu chủ yếu là để bé mày mò khám phá làm quen, không có giá trị dinh dưỡng nhiều. Khi bé no và vui vẻ thì sẽ thích thú khám phá hơn.
5. Nên tránh những đồ ăn gì khi mới bắt đầu?
– Như đã nói ở trên, đường và muối nên thật hạn chế trong đồ ăn của trẻ. Chú ý trong một số đồ ăn kể cả không có bỏ thêm đường muối cũng đã có sẵn một hàm lượng muối đường nhỏ, ví dụ như bánh mì, cơm, cá mặn. Tất nhiên là vẫn có thể cho trẻ ăn những đồ này nhưng chỉ cần lưu ý không cho ăn quá đà.
– Không nên cho bé thử mật ong tới tận khi bé 1 tuổi vì mật ong có một số vi khuân có thể có hại tới hệ thống tiêu hóa của bé.
– Không nên cho bé ăn lạc, đậu phộng cả hột tới tận khi bé hơn 5 tuổi. Nếu muốn cho bé thử, nên nghiền nát ra và thêm vào đồ ăn. Nhưng cũng chú ý là có nhiều bé có thể dị ứng với lạc và đậu phộng, nên cần phải cẩn thận, chỉ cho bé thử một lượng rất nhỏ ban đầu.
– Cá và đồ biển tốt cho bé. Tuy nhiên trong cá có thể có một hàm lượng thủy ngân nhỏ. Không nên cho bé ăn cá nhiều hơn hai lần một tuần. Sò có nguy cơ gây ngộ độc thức ăn nên phải được nấu thật chín.
– Mặc dù có thể dùng sữa bò để chế biến đồ ăn sau khi bé 6 tháng, nhưng không nên cho bé uống sữa bò tới tận khi sau 1 tuổi. Khi cho bé uống sữa chú ý dùng sữa bò đầy đủ chất béo, không dùng loại chất béo thấp.
6. Có nên cho trẻ uống vitamin khi ăn dặm?
Bộ y tế Anh vẫn khuyến khích trẻ từ 6 tháng trở lên nên uống vitamin, đặc biệt là trẻ bú sữa mẹ (trong sữa bột có nhiều vitamin và khoáng chất nên thường không cần bổ sung ngoài). Vì thế ăn dặm vốn không ảnh hưởng tới việc dùng vitamin hay không. Tuy nhiên khi bé ăn nhiều hơn, có thể giảm liều lượng vitamin nếu thấy phù hợp. Xin tham khảo ý kiến của bác sỹ địa phương về loại vitamin cần thiết cho bé.
7. Nên cho trẻ ăn bao nhiêu bữa mỗi ngày?
Cứ khi nào nhà ăn thì nên cho bé ăn. Tuy nhiên khi tôi mới bắt đầu tầm 6, 7 tháng, con chẳng ăn mấy chỉ chơi là chính. Tôi thường cắt bữa sáng, chỉ cho bé ăn dặm bữa trưa, bữa tối. Đến gần 9 tháng tuổi khi bé ăn lên được một chút, thì tôi bắt đầu cho bé ngày ba bữa. Vì bé dậy lúc 8.30 sáng, tôi cho bé ăn sáng lúc 9h, bữa trưa lúc 1h và bữa tối 7h. Thỉnh thoảng tôi cho bé ăn thêm bữa nhẹ lúc 11h và bữa chiều lúc 3-4h, ví dụ như chuối, lê, ruột bánh mì phết bơ, trứng rán, nói chung cái gì dễ làm. Cho bé ăn nhiều bữa có thể giúp tổng lượng ăn cả ngày nhiều hơn, mặc dù sẽ mệt cho mẹ hơn. Chính vì thế khi bận, tôi vẫn bỏ qua bữa nhẹ.
—
# Link hữu ích
Tôi chỉ cần tìm kiếm ‘ăn dặm tự chỉ huy’ là có rất nhiều các bài báo khác nhau. Tôi có đọc qua bài báo dưới đây và thấy khá là hữu ích, mời các bạn tham khảo:
http://mecuti.vn/huong-dan-cho-be-an-dam-theo-phuong-phap-tu-chi-huy-baby-led-weaning-blw-hieu-qua.html
Link tới phương pháp sơ cứu khi hóc nghẹn:
http://m.eva.vn/lam-me/tuyet-chieu-so-cuu-nhanh-khi-tre-bi-hoc-nghen-c10a234021.html
Link tới trang của y tế Anh về lượng muối cho phép:
http://www.nhs.uk/chq/Pages/824.aspx?CategoryID=51
#andam #BLW #andamtuchihuy #Anna