Bài học từ việc trượt tuyết
Chúng tôi kết thúc một tuần học trượt tuyết.
“Con cảm thấy hài lòng về việc trượt tuyết lần này chứ?” Tôi hỏi cô bạn nhỏ.
“Vâng.” Cô bé gật đầu. “Con không nghĩ hôm nay mình lại có thể trượt 4 lần như vậy.”
Hai ngày đầu, mẹ con tôi luyện tập các động tác cơ bản ở vùng đất nhô lên dưới chân núi. Ngày thứ 3, lên núi cấp độ dễ, từ từ trượt xuống mất gần một tiếng, vì cô giáo phải cầm tay cô bạn nhỏ cả quãng đường. Ngày 4 lại lên núi, mất nửa tiếng không cần phải cầm tay nữa. Và ngày cuối cùng, tốc độ nhanh hơn, chỉ mất 10 phút cho một lần trượt trên núi, hai mẹ con có đủ thời gian để trượt 4 lần trong buổi học.
“Con biết điều mà mẹ thấy ấn tượng nhất là gì không?”
Cô bé nhìn tôi.
“Mặc dù đúng là mẹ cũng rất bất ngờ là mình có thể trượt xuống 4 lần ngày hôm nay. Nhưng điều mẹ ấn tượng nhất là việc con ngã 5 lần, và lần nào con cũng dũng cảm đứng dậy tiếp tục trượt xuống.”
Tôi nói tiếp: “Việc không ngại bị ngã là một điều vô cùng quan trọng. Nó là một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi, và nó giúp mình nâng cao khả năng thích ứng phục hồi.”
Khi tôi còn ở tuổi đi học, vì luôn muốn làm mọi chuyện một cách hoàn hảo mà tôi tạo nên áp lực không cần thiết lên bản thân mình, sau đó hay có tâm lý sợ thử cái mới vì sợ làm không tốt. Vì thế trong quá trình đồng hành với bạn nhỏ, thay vì tập trung vào thành tích, tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần không sợ sai, không sợ vấp ngã.
…
“Con còn nhớ điều mẹ bảo con hôm đầu mình lên núi không?” Tôi hỏi tiếp.
Hôm đó cả hai chúng tôi đều cảm thấy mọi thứ thật khó khăn, trong lòng có nhiều sợ hãi. Cô bạn nhỏ của tôi nhiều lần nước mắt lưng tròng.
“Khi mọi thứ cảm thấy khó, đó là khi mình đang phát triển và học hỏi. Con cứ tưởng tượng giống khi là có một nguồn sáng đang ở trong bụng con. Mỗi lần con thấy khó, đó là khi nguồn sáng lớn dần lên, cho con thêm sức mạnh, giúp con trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy đó là một cảm giác tốt.”
…
Tôi lại hỏi: “Con còn nhớ mẹ bảo tại sao cảm thấy khó bây giờ khi con còn nhỏ lại là một điều tốt không?”
“Có ạ.” Cô bé gật đầu: “Vì khó bây giờ thì mọi thứ lớn lên sẽ dễ dàng hơn.”
“Đúng rồi.” Tôi mỉm cười: “Và con thấy đấy, sau vài ngày con cố gắng luyện tập, cái khó nó bắt đầu trở thành không khó lắm. Nếu con cứ tiếp tục cố gắng vượt qua những cái khó trong việc học tập, trong việc phát triển kỹ năng, cứ thế cứ thế cuộc sống của con sau này sẽ không chỉ dễ dàng hơn mà còn thú vị và phong phú hơn.”
…
Tôi cũng bảo thêm, khi cô bé kiên trì làm giỏi một thứ gì đó, cô bé cũng sẽ bắt đầu có nhiều niềm vui và sự yêu thích với việc đó.
Ví dụ như là, trong chuyến đi đầu tiên ở Thuỵ Sĩ, cô bé thấy mọi thứ rất khó chưa hoàn toàn có nhiều niềm vui. Nhưng lần này khi ở vùng đất nhô lên dưới chân núi, vì thuần thục kỹ năng cơ bản hơn, chúng tôi chơi trượt lên trượt xuống rất vui, còn thi tốc độ và thay phiên quay phim nhau.
Vì ngọn núi hiện vẫn ở mức độ hơi khó nên chúng tôi chưa hẳn thấy vui. Nhưng đợi tới năm sau khi có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn rồi, thì lúc đó ngọn núi cũng sẽ trở thành rất vui.
Cô bé có vẻ suy nghĩ điều mẹ nói, rồi bảo: “Giờ con muốn quay lại ngọn núi ở Thuỵ Sĩ lần trước. Con nghĩ con sẽ có thể trượt ngọn núi đó dễ dàng hơn lần trước.”
Tôi mỉm cười. Tôi thích sự tự tin đó. Đó đích thực là thành quả mà tôi muốn nhìn thấy.
…
Trong quá trình đồng hành với con, tôi luôn cố gắng tìm những khoảnh khắc phù hợp để trò chuyện thảo luận như vậy, cùng nhau đúc kết các bài học từ các hoạt động, các tình huống xảy ra.
Tôi nhìn thấy được ngày qua ngày tháng qua tháng, dù cô bé có thể không nhớ cụ thể những điều đã nghe đã nói, nhưng nó đã đi vào tiềm thức, trở thành một phần tính cách con người, trở thành kim chỉ nam cho cô bé sau này bước vào đời.
💗
