Chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh cho người mới bắt đầu
# Lời mở đầu:
Tôi bắt đầu hứng thú với nghệ thuật nhiếp ảnh từ khi có bé Anna. Lúc bé mới ra đời, tôi toàn dùng điện thoại chụp bé mọi lúc mọi nơi. Mặc dù tiện ích nhưng mà chất lượng ảnh thường không được như ý muốn. Vì muốn có được ảnh đẹp hơn, nghệ thuật hơn, tôi quyết định nâng cấp máy ảnh và tham gia vào một khoá học chụp ảnh ngắn hạn. Tôi đã học được một số kiến thức cơ bản, rất đơn giản nhưng lại khiến những bức ảnh chụp đẹp lên thấy rõ. Tôi muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm của mình trong post này.
—
# Chọn máy ảnh:
Bước đầu tiên là phải chọn được một máy ảnh tốt vừa túi tiền. Tôi được giới thiệu 3 máy ảnh DSLR nghiệp dư cho người mới bắt đầu, đều trong khoảng £300 (khoảng 9 triệu VND): Canon D1200, Canon 100D, và Nikon 3300.
Sau khi nghiên cứu và so sánh, tôi quyết định chọn mua Canon 100D, vì nó hiện là máy nhẹ nhất và nhỏ nhất trong dòng DSLR, thuận tiện cho việc mang vác đi lại. Tôi có sử dụng trang web camera decisions để so sánh các máy (link ở cuối bài). Trang web này rất hữu ích vì chỉ cần đánh tên của 2 máy nhất định, trang web sẽ liệt kê tất cả các điểm giống và khác, tốt và xấu về 2 máy này.
[Ảnh 1a: máy ảnh Canon 100D đi cùng ống kính 18-55mm f/3.5-5.6 khi mua]
Sau một thời gian khi đã thành thạo hơn, tôi nâng cấp máy ảnh và chọn Canon EOS 6D Mark II. Đây là máy ảnh full-frame nhận được nhiều review tích cực, giá cả phải chăng so với các máy ảnh full-frame khác.
Lời khuyên của mình là nên mua máy ảnh không có ống kính và mua ống kính riêng, vì ống kính đi kèm máy ảnh thường không phải là loại ống kính tốt hữu dụng.
[Ảnh 1b: máy ảnh Canon EOS 6D Mark II, không có ống kính]
Link tới máy ảnh trên Amazon: Canon EOS 6D Mark II Digital SLR Camera – Black
# Các thông số máy ảnh quan trọng:
Ba thông số dưới đây là nền tảng cho nghệ thuật nhiếp ảnh, quyết định liệu một bức ảnh có đủ sáng hay không. Các thông số này thường hiện lên ở phía cuối trong ống ngắm hoặc trên màn hình của máy khi ấn nhẹ nút chụp ảnh.
[Ảnh 2: Hiển thị thông số máy ảnh]
1) Độ nhạy sáng (ISO): Số càng nhỏ thì máy ảnh càng ít nhạy cảm với ánh sáng và càng mịn hơn. Chính vì thế trong trường hợp thiếu sáng, số ISO được thiết lập cao lên để tăng độ nhạy cảm với ánh sáng. Tuy nhiên điểm không hay của số ISO cao là hình ảnh sẽ bị nhiễu hơn, đặc biệt là khi phóng to.
Thông thường tôi hay sử dụng:
• ISO100, 200: ở ngoài trời vào ban ngày
• ISO400, 800: ở trong nhà và những nơi không có nhiều ánh sáng
• ISO1600: tôi tránh sử dụng từ 1600 trở nên, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn dùng 1600 khi buổi tối ở trong nhà và đèn không sáng đủ.
2) Khẩu độ (Aperture): Số f càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn (ví dụ f/1.8 là khẩu độ lớn, f/10 là khẩu độ nhỏ hơn). Số f nhỏ có 2 tác dụng:
i) Lượng ánh sáng đi vào lớn hơn, ảnh sẽ sáng hơn
ii) Khu vực lấy nét càng nhỏ hơn và nền đằng sau càng mờ đi đáng kể
[Ảnh 3: Ảnh chụp sử dụng f/4.0 có nền mờ hơn so với ảnh chụp f/10.0]
• f/1.8 – f/2.8: cho ảnh chân dung và tĩnh vật
• f/2.8 – f/4.5: cho ảnh chân dung và tĩnh vật chụp rất gần
• f/1.8 – f/4.5: cho ảnh phong cảnh
Tôi không hay sử dụng khẩu độ nhỏ hơn f/4.5.
3) Tốc độ (Shutter speed): Tốc độ đóng mở của ống kính càng nhanh (số càng cao) thì càng chụp rõ nét được vật thể đi chuyển nhanh.
• 1/400 trở lên: cho vật di chuyển nhanh như xe cộ
[Ảnh 4: Ảnh chụp với tốc độ 1/30 chủ thể đi chuyển trên xe đạp bị mờ trong khi ảnh chụp với tốc độ 1/1000 rất rõ nét]
• 1/250 trở lên: cho trẻ em vì thường trẻ em hay cử động và di chuyển khi chụp ảnh
• 1/80 trở lên: cho tĩnh vật
• 3″ trở xuống: cho vẽ và viết chữ bằng đèn
[Ảnh 5: Tôi để máy ảnh trên bàn vì khi tốc độ mang trập chậm rất dễ bị rung. Tôi nhờ cậu anh họ sử dụng đèn từ điện thoại để vẽ trái tim khi tôi bấm máy chụp]
# Lấy nét (focus):
Sau khi đã điều chỉnh các thông số, một điều quan trọng nữa để có được ảnh đẹp đó là lấy nét (điểm sắc nét tập trung nhất của bức ảnh). Tôi thường không sử dụng cơ chế tự động lấy nét (autofocus) mà tự mình chỉnh lấy nét để đạt được hiệu quả như ý muốn.
Tôi chỉ sử dụng lấy nét một điểm (single focus) (thay vì nhiều điểm) vì nó tập trung vào điểm mình muốn nhấn và tạo nên độ sâu cho ảnh hơn.
Cho các chủ thể di chuyển như trẻ em, tôi sử dụng lấy nét liên tục để điểm lấy nét tự động chỉnh theo chủ thể (Al Servo).
—
# Chọn ống kính:
Ống kính thường có 2 thông số: zoom (độ phóng gần hay xa) và số f tối thiểu. Nhìn chung khi mua ống kính, tôi luôn chọn ống kính với số f thấp. Trong quá trình nghiên cứu, tôi tìm ra một số ống kính hay được sử dụng khi mới bắt đầu là:
• Canon 85mm f/1.8: chụp chân dung
Link Amazon: Canon EF 85mm f/1.8 USM Lens – Black
• Canon 50mm f/1.4 hoặc f/1.8: chụp chân dung
Link Amazon: Canon EF 50 mm-f/1.4 USM Lens 20 cm – Black
Link Amazon: Canon EF 50mm f/1.8 STM
• Sigma 24-70mm f/2.8: chụp chân dung, đường phố, cuộc sống
Link Amazon: Sigma 24-70mm F2.8 DG OS HSM Lens (filter thread 82 mm) for Canon lens bayonet black
• Tokina 11-16mm f/2.8: chụp phong cảnh
Link Amazon: TOKINA ATX-I 11-16mm F2.8 Canon EF,TO1-ATXI1116C
• Sigma 8-16mm f/4.5-f/5.6: chụp phong cảnh
Link Amazon: Sigma 8-16mm f4.5-5.6 DC Lens for Canon Digital SLR Cameras with APS-C Sensors
—
# Các chế độ chụp ảnh:
P = Programme (Chế độ tự động): Ngoài ISO ra, các thông số sẽ được thiết lập tự động bởi máy ảnh để mà tấm ảnh có được sự phơi sáng phù hợp, đó là vừa đủ sáng. Sau khi hiểu rõ về các thông số tôi không sử dụng chế độ này nữa vì nó thường không thể hiện được hết thần thái của bức ảnh.
Av = Aperture Priority (Chế độ ưu tiên khẩu độ): Ở chế độ này bạn phải thiết lập ISO và khẩu độ. Máy ảnh sẽ tự động thay đổi tốc độ màn trập để có sự phơi sáng phù hợp. Tôi vẫn sử dụng chế độ này khi phải chụp ảnh trong hoàn cảnh ánh sáng thay đổi liên tục. Ví dụ chụp ảnh mọi người một cách tự nhiên trong một bữa tiệc, mỗi người một chỗ sẽ có ánh sáng khác nhau.
Tv = Shutter speed Priority (Chế độ ưu tiên màn trập): Ở chế độ này bạn phải thiết lập ISO và tốc độ màn trập. Máy ảnh sẽ tự tính toán khẩu độ để có sự phơi sáng phù hợp. Chế độ này tôi ít sử dụng nhưng có thể hữu dụng khi cần chụp vật thể đi chuyển với tốc độ nhanh như là nước chảy hoặc xe cộ đi lại.
M = Manual (Chế độ chỉnh tay): Đây là chế độ mà tôi sử dụng nhiều nhất. Ở chế độ này bạn phải tự thiết lập cả 3 thông số. Điều may mắn là trong góc ngắm và màn hình của máy ảnh có hiển thị thanh bù sáng giúp bạn biết được liệu tấm ảnh có gần với ánh sáng tự nhiên mắt thường nhìn thấy không. Nếu thanh chỉ ở vị trí số 0, có nghĩa là ảnh sẽ có độ sáng như mắt nhìn thấy. Có nhiều hoàn cảnh ảnh sẽ đẹp hiện nếu có chút thừa sáng (đó là khi thanh ở vị trí số cộng). [Xem ảnh 2 ở trên]
Cách chỉnh thông số để tăng độ phơi sáng bao gồm:
– Tăng ISO
– Giảm số f (tăng khẩu độ)
– Giảm tốc độ màn trập
—
# Các điều đơn giản có thể làm bức ảnh chụp trong chuyên nghiệp hơn hẳn:
• Không sử dụng ánh đèn flash của máy ảnh.
• Khi chụp chân dung chú ý khung cảnh xung quanh không để những thứ không cần thiết lọt vào khung hình.
• Tận dụng các bố cục của khung cảnh, chất liệu hình dáng của các bề mặt xung quanh để tạo nền cho nhân vật. Ví dụ:
– Chụp ảnh qua một khung nào đó để tạo khung tự nhiên. [Ảnh 6]
– Các bức tường sần sùi thường tạo nên nền thú vị.
– Tận dụng đường dẫn tự nhiên đến nhân vật như là đường gạch trên tường trên nền nhà. [Ảnh 7]
– Tận dụng các cấu chúc lập lại như bậc thang, thanh sắt hàng rào…[Ảnh 8]
• Muốn chụp ảnh chân dung trên nền đơn giản, nên chọn màu trắng vì màu trắng phản chiếu ánh sáng làm sáng nhân vật hơn. Có thể tận dụng tường nhà, màn gió hoặc ga trải giường.
• Chú ý bố cục màu sắc để nhân vật nổi bật trên nền. Nếu biết trước sẽ đi chơi đâu có thể mặc màu phù hợp với khung cảnh.
• Có thể áp dụng bố cục tỷ lệ 1/3, tức là khi đối tượng hoặc khu vực được chụp trong ảnh được chia thành 3 phần – cả chiều ngang và chiều dọc, và chủ thể chính không đặt ở chính giữa ảnh mà đặt ở tỷ lệ 1/3 của bức ảnh. Nhiều khi bức ảnh có thể chụp không đúng theo tỷ lệ nhưng mà có thể crop ảnh sau khi chụp để đạt được tỷ lệ này. [Ảnh 9]
# Link hữu ích:
Bài tập nhiếp ảnh:
Kiến thức về nhiếp ảnh
http://vuanhiepanh.com
So sánh máy ảnh
http://cameradecision.com/search
***
One Reply to “Chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh cho người mới bắt đầu”