Chia sẻ kinh nghiệm đàm phán hoà giải của chồng
Mới tìm được bài viết này trong máy từ cách đây năm tháng rồi, nhận ra trong năm 2017, vợ chồng vô cùng hoà thuận, hình như là chưa có vụ giận dỗi nào. Thực sự chẳng nhớ nổi lần cuối giận dỗi là khi nào. Tuy nhiên mình vẫn xin chia sẻ bài viết trước khi mình lại quên mất.
—
Bài viết từ tháng 11 năm 2016
Hôm trước hai vợ chồng có chút chuyện giận dỗi. Sau khi hoà giải rồi đúc kết lại, mình nhận ra lần nào mình phát nổ là chồng cũng áp dụng các bước sau đây và thường hết sức hữu hiệu. Xin chia sẻ cho ai quan tâm:
# Bước 1: Quan sát phát hiện
Khi giận dỗi, mình thường mặt sưng mày xỉa yên lặng như hến. Nói chung là sưng xỉa thế mục đích chính cũng là để thu hút sự chú ý của chồng. Những lúc như thế mà chồng vô tâm bỏ qua là y như rằng chiến tranh sẽ bùng nổ. Được cái chồng mình rất chịu khó quan sát. Thấy vợ yên lặng không nói gì là bắt đầu phát giác điều bất thường ngay.
# Bước 2: Khéo léo dò xét
Khi đã “ngửi” thấy mùi thuốc nổ, chồng sẽ bắt đầu dò xét bằng các câu hỏi mở có ý võ đoán:
– Em đang giận à? – Chồng đánh trực tiếp.
– Không. – Vợ cụt lủn.
– Em buồn?
– Không. – Vẫn lắc đầu làm màu.
– Tâm sự cho anh biết có chuyện gì làm em không vui.
– Không có chuyện gì. – Mồm nói vậy nhưng mặt vẫn sưng lên một đống.
Giờ chồng có thể khẳng định là có chuyện.
# Bước 3: Bình tĩnh đối phó
Khi đã xác định là có vấn đề, chồng giữ thái độ bình tĩnh vui vẻ. Vì chồng biết nếu chồng khó chịu hay kêu ca sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Chồng luôn dùng một trò hài hước nào đó để cố làm vợ hạ hỏa. Đây là một ví dụ:
– Anh không tin. Chắc chắn là có gì. Để anh thử dò tìm xem nào…
Chồng nói với giọng tinh nghịch, rồi bắt đầu đưa tay sờ mó đầu của vợ:
– Để anh xem có dò ra được gì từ đầu của em…
Vợ không nói gì, vẫn quay mặt đi.
– Dò mắt thế nào… – Tay chồng sờ xuống mắt vợ.
– Tai… – Chồng nói rồi sờ tai vợ. – Hay là… mũi.
Ngón tay chồng dừng lại trên chóp mũi của vợ xoay xoay ấn ấn. Vợ nhột quá đẩy tay chồng ra, lạnh lùng bảo:
– Anh đi ngủ đi. Có gì mai mình nói chuyện.
– Anh làm sao mà ngủ được nếu mà vợ anh còn đang giận. Em nói cho anh biết đi mà. – Chồng nài nỉ.
Vợ mồm nói lạnh vậy thôi chứ lòng cũng hơi nguôi nguôi một tí nhờ chiêu hài hước của chồng.
# Bước 4: Kiên trì cậy miệng
Chồng biết vợ phải nói ra được thì mới có thể giải toả, nên rất kiên quyết tìm ra nguyên do. Chồng ôm chặt vợ:
– Em mà không nói, anh không buông em ra.
Chiêu này thường khá có công dụng. Vợ xoay xoay một hồi không đẩy nổi chồng ra, biết không thoát được nếu không chịu nói, nên bắt đầu nói với giọng bực tức:
– Em không thích anh. Không thích cách anh nói chuyện với em… bla… bla…
# Bước 5: Giải thích xoa dịu
Giờ chồng bắt đầu nắm được nguyên do, từ tốn mở các nút thắt:
– Anh hoàn toàn không có ý đó. Anh không bao giờ nghĩ là em… bla… bla… Ý anh là… bla… bla…
Vợ nghe một hồi thì cũng bùi bùi tai, nhưng tất nhiên giận dỗi đâu thể xoa dịu một cách dễ dàng như vậy.
# Bước 6: Xin lỗi thành khẩn
Cái điểm mấu chốt quan trọng mà vì sao chồng luôn thành công rực rỡ đó là nhanh nhẹn nhận sai về mình và thành khẩn xuống nước xin lỗi, cho dù vợ có là người sai rành rành. Ba từ “Xin lỗi em” khi được phát ra trong sự thành khẩn, thì ngay lập tức toàn bộ cái bực tức giận dữ trong lòng vợ cứ gọi là tan biến thành bọt nước, tự dưng nhìn ra lỗi sai của mình, cũng xin lỗi chồng luôn.
# Bước 7: Tăng cường kết thúc
Và thêm một điều vô cùng quan trọng nữa để giảm thiểu giận dỗi trong tương lai, đó là chồng luôn hứa sẽ thay đổi và chồng thực sự thay đổi đúng với lời hứa của mình. Tất nhiên là vợ cũng học hỏi từ kinh nghiệm để thay đổi cho phù hợp.
Có lẽ vì thế mà càng lúc các vụ giận dỗi càng ít đi đáng kể. Hồi mới quen hai ba tuần lại có đợt giận dỗi, vậy mà bây giờ ba, bốn tháng mà chưa giận dỗi gì. Hình như cũng thấy hơi nhớ nhớ. 😂
—