Chia sẻ kinh nghiệm xin 100% học bổng tiến sỹ từ trường đại học Cambridge
Dạo vừa rồi mình mới chia sẻ với mọi người về cuốn truyện “Dấu yêu Cambridge” sắp ra lò của mình (nhờ anh covid mà giờ không còn “sắp” nữa mà phải đợi tới tháng 10 lận, mong mọi người kiên nhẫn chờ đợi), thêm lướt mạng tình cờ đọc được bài chia sẻ của một bạn về kinh nghiệm nhận 100% học bổng thạc sỹ và tiến sỹ ở Cambridge, làm mình bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa ấy, và quyết định viết bài này chia sẻ về kinh nghiệm xin 100% học bổng tiến sỹ của mình, đúng hơn là cả quá trình đi du học của mình, coi như ôn lại kỷ niệm.
Hả?! Tiến sỹ?! Đọc tới đây chắc một số bạn đọc quen thuộc của blog, hay người thân bạn bè biết rõ mình chắc đang thắc mắc, có khi đến em gái mình nó cũng phải giật mình: “Chị học tiến sỹ lúc nào mà em không biết thế nhỉ?!”
Nô! Nô! Nô! Mình đích thị không phải Đốc tờ Jones gì cả. Mình chỉ học tới thạc sỹ (là vì thất nghiệp không xin được việc nên cứ phải học tiếp học mãi, khổ quá), chứ chưa từng học tiến sỹ. Ngày đó, khi học thạc sỹ, sợ ra trường lại bị thất nghiệp tiếp nên mình cũng tranh thủ đi xin học tiến sỹ chuyên ngành Kinh Tế. Kiểu, lo xa nên cần các phương án đề phòng. Khi xin được học bổng 100% tiến sỹ cũng là lúc anh Big 4 nhận mình vào làm. Thế là thôi, bái bai Cambridge, mình hế lô London. Nói tóm lại, cơ hội tới, mình bỏ học, khăn gói lên thủ đô kiếm miếng cơm.
Làm thế nào để được nhận vào Cambridge?
1. Điều kiện tối thiểu là học giỏi điểm cao!
Nghe thì hơi phũ nhưng sự thực là nếu bạn học kém, điểm thấp, bạn không có cửa. Những trường top đầu của Anh và Mỹ luôn có vô số đơn đăng ký từ khắp mọi nơi trên thế giới, mà số lượng đầu vào thì có hạn. Phần lớn học sinh sinh viên được nhận vào Oxbridge (gọi tắt của Oxford và Cambridge) đều thuộc top đầu tại trường cũ của họ.
Nhưng mà bạn hãy khoan tưởng tượng tới con nhà người ta, học hành siêu đẳng, đi thi quốc gia quốc tế đạt giải lọ giải chai, mà chẹp miệng lắc đầu: “Không đến lượt mình!”. Trên thực tế, bạn không cần giải quốc gia quốc tế, bạn không cần phải là siêu nhân người máy, bạn không cần phải là đỉnh của đỉnh, bạn không cần là con nhà lòi học chuyên từ hồi mẫu giáo. Bạn chỉ cần là người có chút khả năng học hành, nhưng luôn cố gắng hết sức mình, bạn vẫn có thể vào Cambridge.
Như mình đây, nhà mình ở ngoại thành thành phố, hồi cấp một mình học trường tỉnh gần nhà, chẳng có danh tiếng gì. Lên cấp hai, may mắn được vào trường năng khiếu nhưng đậu gần chót bảng. Lên cấp ba, may mắn lần nữa trượt chuyên Toán nhưng chốt bảng lớp chuyên Anh. Đi học xếp hạng tiếng Anh thuộc về nửa cuối lớp, chẳng có cửa vào đội tuyển đi thi.
Không quá xuất sắc nổi trội bất kỳ một môn học nào, nhưng môn nào mình cũng cố gắng làm bài tập về nhà đầy đủ, ôn tập cẩn thận mỗi khi có kiểm tra, không chỉ coi trọng những môn thi đại học. Vậy là cuối năm điểm trung bình cấp hai, cấp ba của mình thường trên 9 phẩy, hay đứng đầu lớp về điểm xếp hạng chung.
Nhờ điểm phẩy cao mà mình xin được 50% học bổng tại trường Bellerby tại Cambridge để học khóa học phổ thông (hay còn gọi là A-level). Các bạn chú ý là Oxbridge chỉ nhận học sinh học A-level và không nhận học sinh học Foundation vào khóa học đại học của họ. Lúc đó mình biết, điểm học của khóa học A-level này sẽ quyết định đầu vào Cambridge, nên mình học vô cùng chăm chỉ. Sau giờ lên lớp mình ngồi vào bàn học, cuối tuần cũng ngồi ôn tập (mình không đùa khi mình nói trước đây thậm chí tới mất điện mình cũng bật nến lên ngồi học). Nếu người ta có “chê” mình đầu to mắt cận hay mọt sách, mình cũng mặc kệ vì mình biết cái gì quan trọng với mình.
Thường đầu vào khóa học đại học của Cambridge chỉ yêu cầu 3 môn, nhưng mình chọn năm môn A-level: Maths, Further Maths, Economics, Psychology và Politics. Oxbridge thường không thích những môn không truyền thống học thuật như là Accounting hay Business Studies. Nhưng nếu bạn muốn thiên về Business hay Finance, thì có lẽ đằng nào cũng không nên chọn Oxbridge vì đó không phải là điểm mạnh của Oxbridge. Cả năm môn này mình đều được trên 95% điểm trung bình, và có hơn nửa số bài thi (tổng số bài thi chắc 30 bài, 6 bài mỗi môn) mình đạt 100%. Dù điểm không phải là tất cả, nhưng mình biết điều này là cái mình có thể cố gắng được, nên cố gắng hết sức mình. Một lần nữa mình xin nhắc lại, không phải mình thông minh xuất chúng gì, đơn giản là mình bỏ rất nhiều công sức và cộng thêm một chút may mắn. Chắc bạn đã nghe câu: “Thiên tài chỉ có 1% là thông mình, 99% là sự nỗ lực rèn luyện”. Mình bắn đại bác không tới cái ngưỡng cửa thiên tài, nhưng ngay cả đến người được mệnh danh là “thiên tài”, họ cũng thừa nhận cái cần bỏ vào là 99% sự nỗ lực rèn luyện.
Nhận được 60% học bổng học phí khóa học Kinh Tế tại Cambridge, mình lại tiếp tục công việc con kiến cần mẫn của mình, mỗi ngày một chút học tập chăm chỉ. Năm đầu mình đứng trong top 6% của khóa chừng 130 người, hai năm cuối dịch lên được một chút thành 5%. Nói chung trong cuộc đời mình không có cái gì gọi là thành công đột phát kiểu trúng sổ xố, không có cái gì gọi là xuất sắc khác người đỉnh của đỉnh. Cái gì cũng dần dần từ từ, từng bước từng bước, và phải bỏ vô cùng nhiều nỗ lực. Lúc đó mình có một niềm tin mãnh liệt là: “Cái gì cũng có thể đạt được nếu mình cố gắng hết sức mình.”
Nhờ thành tích học tập tốt, mình được nhận vào cả Cambridge và Oxford cho khóa thạc sỹ nghiên cứu Kinh Tế. Tuy nhiên khóa học của Oxford là hai năm, trong khi chỉ mất một năm ở Cambridge, thêm đó mình không xin được nhiều học bổng, kinh tế gia đình không đủ, cho nên dù khao khát thử sức Oxford lắm, mình quyết định tiếp tục ở lại Cambridge. Vì đã học khóa đại học ba năm tại Cambridge, khóa học Thạc Sỹ trở nên dễ dàng thuận lợi hơn vì có nhiều mảng kiến thức trùng lặp. Mình tiếp tục đạt điểm giỏi, đứng đầu điểm thi không tính bài Dissertation. Nhưng điểm Dissertation của mình chưa đủ điểm xuất sắc, nên khi xếp hạng chung không đạt được vị trí đầu, dù cũng lọt vào top 5.
Chắc nhiều bạn đọc tới đây suy nghĩ: “Mình học đại học ở Việt Nam chứ không sang Anh từ phổ thông, chắc làm gì có cơ hội xin được thạc sỹ hay tiến sỹ.” Thực ra cơ hội đúng là thấp hơn một chút nếu bạn không sang Anh từ phổ thông, nhưng không là không có cơ hội. Bạn sẽ cần phải có những điểm khác để bù vào một chút như là kinh nghiệm việc làm, hoạt động xã hội nổi bật, hay giải lọ giải chai.
2. Đam mê và mục đích
Nếu bạn đã muốn học thêm cao nữa (Thạc Sỹ hay Tiến Sỹ), bạn cần phải có đam mê và mục đích. Vì sao bạn muốn theo đuổi ngành bạn học thêm nữa? Bạn muốn có những đóng góp gì cho xã hội? Tưởng tượng ra việc đọc sách nghiên cứu thêm về chủ đề đó có khiến bạn cảm thấy hào hứng và muốn thức dậy ngay để bắt tay vào làm?
Tiến sỹ là một quá trình học tập nghiên cứu không hề dễ dàng. Nó rất khác với việc ngồi trên ghế nhà trường được thầy cô cầm tay uốn nắn cho mọi thứ. Phần dạy học trên giảng đường chỉ chiếm chừng 10%, phần lớn thời gian trong ba bốn năm, bạn sẽ phải tự mày mò, tự tìm hiểu. Dù có sự hướng dẫn chỉ điểm có giáo sư phụ trách, bạn vẫn phải là người làm chủ quá trình. Số lượng người bỏ dở chương trình tiến sỹ giữa chừng không phải là ít.
Khi mình nói mình không xin được việc ở trên và quyết định học Thạc Sỹ, đó chỉ là 30% của lý do. 70% còn lại là mình rất yêu thích môn học của mình và mình biết mình có khả năng học tiếp được. Mình lúc đó thực sự suy nghĩ liệu mình có nên đi theo còn đường học thuật này. Tuy nhiên tới phút cuối, mình nhận ra mình không có một chủ đề cụ thể mình thực sự đam mê, và mình muốn có nhiều kinh nghiệm việc làm và cuộc sống trước, chính vì thế mình có thể dễ dàng từ bỏ học bổng 100% của mình để lên Luân Đôn.
Đam mê và mục đích không chỉ quan trọng ở cấp độ thạc sỹ tiến sỹ, mà ngay từ chương trình đại học. Mình nghĩ một phần giúp mình thành công được nhận vào đại học Cambridge cũng là vì từ đơn đăng ký tới phỏng vấn, mình đều thể hiện được ra sự yêu thích của mình đối với môn học, và những điều mình muốn đóng góp cho xã hội thông qua chương trình học này.
3. Tư duy suy luận và cách suy nghĩ không theo lối mòn
Ở trên mình nói điểm cao rất quan trọng, nhưng chỉ có điểm cao không thì không đủ. Không ai học vẹt mà có thể vào được Cambridge. Tư duy suy luận và khả năng nghĩ xa hơn những kiến thức trên sách vở vô cùng quan trọng. Hồi ở Việt Nam, ngoài môn Toán ra, phần lớn các môn học mình chỉ lên lớp ngồi ghi chép nghe giảng, về nhà làm bài tập về nhà, lên lớp học vẹt trả bài làm kiểm tra, học xong quên tiệt không nhớ một chữ nào. Một phần vì đó là cách học mình được dạy từ nhỏ, một phần vì có quá nhiều môn học và còn phải học thêm học nếm không có thời gian học sâu hay tìm hiểu thêm cái gì.
Khi sang tới Anh học phổ thông, mình cố rèn luyện cho mình khả năng suy luận, khả năng suy nghĩ cao hơn một chút. Cái gì cũng hỏi tại sao, hỏi ảnh hưởng và tác động của nó lên các vấn đề khác như thế nào. Mình không quan trọng câu hỏi của mình có ngu ngốc không, mình cứ hỏi thôi. Được cái thầy cô rất thích khi học sinh hỏi, nên luôn nhiệt tình trả lời giúp mình hiểu sâu thêm. Và cái việc hay hỏi này của mình cũng tạo ra ấn tượng tốt với thầy cô, khi làm đơn đăng ký vào Cambridge, thầy cô viết cho mình nhận xét (reference) rất tích cực.
Tư duy suy luận, cách suy nghĩ về vấn đề, cách dẫn nối tới các vấn đề liên quan, là điều ghi điểm với các giáo sư trong phỏng vấn vào chương trình đại học của Cambridge (chú ý Thạc Sỹ và Tiến Sỹ không có vòng phỏng vấn, chỉ cần nộp đơn). Các giáo sư không hỏi các câu hỏi cắc cớ đòi hỏi sự phản ứng thông thái cáo siêu như người ta vẫn đồn đại, mà đơn giản chỉ hỏi các phần mình đã học trong chương trình học phổ thông, và cố gợi ra cách mình suy nghĩ về vấn đề.
4. Hoạt động ngoại khóa
Hồi ở Việt Nam, mình làm lớp trưởng và bí thư, nhưng cũng không có tham gia đóng góp tình nguyện hay hoạt động ngoại khóa gì nổi trội. Sang tới Anh học phổ thông, mình cố gắng tham gia các câu lạc bộ ở trường ví dụ câu lạc bộ Mỹ Thuật. Một phần vì sở thích, tham gia cho vui, ngồi học không cũng mụ đầu, một phần vì mình biết các trường đại học luôn coi trọng hoạt động ngoại khóa này. Mình cũng không làm gì quá nổi bật, đơn thuần là tham gia đúng kỳ một tuần một buổi, kiên trì không bỏ buổi nào.
Lên tới đại học, mình năng nổ hơn một chút. Mình tham gia vào câu lạc bộ Judo, câu lạc bộ cầu lông. Mình cũng tham vào vào hội các nhà kinh tế trong college của mình, xung phong làm chân hội trưởng tổ chức các sự kiện như ăn uống, talks cho college. Nói chung lời khuyên của mình cho các bạn học sinh là nếu có cơ hội nên tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động ngoại khóa, không chỉ để có cái để nói khi xin việc, xin các khóa học cao hơn, mà để phát triển bản thân mình một cách toàn diện và cũng là một cách để thư giãn thoải mái đầu óc.
Nhưng xét về mặt lợi ích cho việc xin vào Cambridge, bạn tuyệt đối không cần phải siêu đỉnh trong phần hoạt động ngoại khóa, nếu bạn đỉnh được thì cứ đỉnh, vì bạn sẽ có thể được nhận thêm học bổng (đặc biệt âm nhạc và thể thao) nhưng đó không phải điều kiện thiết yếu và ban tuyển sinh nhìn vào. Bạn chỉ cần có tham gia các hoạt động là được rồi.
5. Kinh nghiệm tình nguyện việc làm
Trong các mùa hè, mình cũng gắng xin việc làm, tuy nhiên vì thiếu kinh nghiệm, kỹ năng cộng thêm tiếng Anh kém, những công việc thực tập ở công ty lớn đều không xin được. Không nản, mình bắt đầu tìm các cơ hội nhỏ hơn bớt cạnh tranh, ví dụ làm tình nguyện cho các tổ chức từ thiện ở trong thành phố, tình nguyện phụ vặt trong lớp học tại các trường tiểu học, làm thêm cho các đề án ở trường ít người xin, làm thêm online về khoản thu thập dữ liệu cho các tổ chức nhỏ có liên quan một chút tới ngành của mình… À thậm chí mình đã làm lao công lau dọn ở trường để kiếm cơm (nghĩa đen luôn, vì làm lao công ở trường được ăn ở miễn phí và cũng được trẻ thêm theo giờ).
Những công việc mình xin thực sự không có cái nào được cho là khó, hay cạnh tranh cao, hay siêu lắm, giỏi lắm, nhưng mình không ngại điều đó. Có được cơ hội nào là mình nắm lấy cơ hội đó, và mình học được rất nhiều từ các cơ hội này.
Nếu có cái nào tâm đắc nhất thì mình xin giới thiệu SEALNet. SEALNet có lẽ một trong những cái khó nhất mà mình đã xin. SEALNet tổ chức các đề án phi lợi nhuận ở các nước khác nhau vào mùa hè, thường với mục đích giúp đỡ phát triển cộng đồng. Để tăng khả năng trúng tuyển, mình xin vào đề án SEALNet ở Việt Nam. Năm đó mình và các bạn tới một trường tiểu học ở Hà Nội để làm về đề án môi trường. Đó là một trong những kinh nghiệm đáng nhớ nhất của mình. Và mình rất khuyến khích các bạn tìm hiểu những cơ hội làm đề án tình nguyện như vậy.
6. Khả năng nghiên cứu
Khả năng nghiên cứu chưa quá cần thiết cho chương trình đại học, tuy nhiên bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn trong chương trình thạc sỹ, và vô cùng thiết yếu cho chương trình tiến sỹ. Tuy nhiên, trong quá trình xin thạc sỹ và tiến sỹ của mình, mình hoàn toàn không cần phải có kinh nghiệm nghiên cứu thêm. Một phần vì các khóa học đại học sẽ phần nào trang bị cho sinh viên khả năng này từ việc làm luận án, và chương trình thạc sỹ sẽ càng có nhiều thời gian để nghiên cứu và làm luận án hơn.
7. Giáo sư hướng dẫn
Chương trình đại học và thạc sỹ mình chỉ cần đăng ký là được, tới chương trình tiến sỹ mình cần phải trình lên ý tưởng và phải có giáo sư trong trường đang giảng dạy chủ đề này và có hứng thú nhận đề án của mình. Nếu bạn xin vào từ chương trình thạc sỹ, quá trình tìm chủ đề và giáo sư hướng dẫn sẽ đơn giản hơn nhiều. Thứ nhất là mình sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều giáo sư trong quá trình học tập, tự động họ sẽ quen mặt mình. Và đặc biệt nếu mình chịu hỏi han về bài giảng sẽ tạo được ấn tượng tốt.
Thường khi mình đã là học sinh trong trường rồi, các giáo sư sẽ dễ dãi hơn với ý tưởng mình đề ra. Có thể ý tưởng không giỏi hay xuất chúng gì, họ cũng sẽ vẫn nhận vì họ biết thường hướng đi của nghiên cứu tiến sỹ sẽ thay đổi nhiều theo thời gian và họ có thể chỉ điểm hướng dẫn mình từ từ. Tuy nhiên nếu đăng ký trực tiếp vào tiến sỹ mà không qua khóa học thạc sỹ sẽ khó khăn hơn, và cần phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứ để đề ra một ý tưởng tốt. Nói thực khi mình viết ý tưởng cho đề án tiến sỹ, thực sự mình chẳng thấy tâm đắc gì cho cam và đề án mình đưa ra vô cùng chung chung, nhưng vẫn được giáo sư chấp nhận.
8. Tiếng Anh
Ở Anh, học phổ thông cần IELTS 5.5, đại học cần 6.5, thạc sỹ cần 7.0 hoặc 7.5. Khi mình mới sang Anh thi thử được 5.5. Mình dành một tháng ngày đêm ngồi ôn luyện tiếng Anh, kiểu học tiếng Anh cấp tốc tại trường A-level của mình, rồi thêm một năm vừa học các môn học vừa trau dồi tiếng Anh. Mùa hè năm sau, mình về Việt Nam thi được 8.0.
Dù 8.0, nhưng mình nói thật với các bạn, mình thấy tiếng Anh mình dở tệ, đặc biệt là nghe nói. Mình vốn là không có năng khiếu ngoại ngữ, người ta nói hai từ khác nhau mà mình nghe như một, người ta nói một từ mình nhắc lại trẹo lưỡi vẫn không đúng. Hồi đầu mới sang mình sốc lắm, phát hiện ra những âm mà mình nói ở Việt Nam đều sai bét bè be, nói ở đây chả ai hiểu mình nói gì.
Thôi, lại cần cù bù thông minh. Đã năng khiếu không bằng người khác thì mình cần dùng cái chăm chỉ nó kéo lại. Nói chung mình không có nhiều vấn đề với nghe giảng hay đọc sách, có thể nghe chậm đọc chậm hơn người khác một chút, nhưng cũng không vấn đề gì. Cái mình cảm thấy khó khăn nhất là kỹ năng nói, và mình phải mua sách luyện âm, học lại từng âm một, nhắc theo đài theo đĩa tới trẹo cả lưỡi. Nói thực tới giờ mình vẫn phải không ngừng trau dồi tiếng Anh.
Vì sao bị từ chối bởi Cambridge?
Từ đầu bài tới giờ mình nhấn mạnh rất nhiều về việc cố gắng nỗ lực vì đó là yếu tố quyết định của mình. Tuy nhiên, đó là yếu tố cần, không phải là yếu tố đủ. Có nhiều bạn không được nhận vào Cambridge, không phải các bạn chưa cố gắng hết sức mình, mà có thể là do năm đó tỉ lệ cạnh tranh cao hơn, có nhiều sinh viên nhỉnh hơn, hoặc là trong vòng phỏng vấn, bạn ấy vì lo lắng mà mất điểm… Có ty tỷ lý do ngoài kiểm soát của mình.
Mình đã từng gặp các bạn trẻ mà mình thấy các bạn giỏi vô cùng giỏi, giỏi hơn mình rất nhiều cái ngày xưa ấy về đủ các mặt luôn, nhưng đi thi vào Oxbridge lại không may mắn. Chính vì thế có bị từ chối với Oxbridge thì cũng đừng nên nản lòng, đừng cho rằng mình không đủ khả năng. Như bất kỳ quá trình tuyển chọn nào, quá trình lựa chọn của Oxbridge cũng rất khả năng loại ra những ứng cử viên tiềm năng. Mình cũng đã bị từ chối bởi vô số các công ty lớn nhỏ nổi tiếng có vô danh có, nếu mà mình kể ra chắc đếm không hết. Cái quan trọng là thua keo này ta bày keo khác. Không lấy được cơ hội này ta tìm cơ hội khác.
Ngoài ra Oxbridge cũng không phải là điểm đến phù hợp cho tất cả mọi người. Có nhiều bạn của mình trong khóa học đại học 3 năm, dù vào được Cambridge, nhưng chật vật khổ sở suốt 3 năm. Tại sao phải đầy đọa bản thân cả 3 năm giời như vậy? Trên thực tế, học trường khác được điểm khá 2.1 còn dễ xin việc tương lai sáng lạng hơn bị điểm yếu kém ở Cambridge khó qua được vòng loại trong phỏng vấn xin việc.
Xin học bổng như thế nào?
Khi được nhận vào chương trình đại học 3 năm, mình xin được £8,000 để đóng góp vào £12,500 tiền học hàng năm từ Cambridge Overseas Trust. Lên thạc sỹ, mình xin được £6,000 học bổng và thêm £3,900 tiền học sinh nghèo vược khó, nhưng chi phí học phí thạc sỹ khá đắt, trên £20,000. Chỉ tới khi lên tới tiến sỹ thì mình mới xin được 100% bao gồm cả tiền học và tiền ăn ở.
Ngày đó mình rất mừng khi được nhận một chút học bổng để vào học Cambridge, nhưng khi vào rồi mới nhận ra phần lớn sinh viên quốc tế đều được nhận học bổng, và không ít sinh viên Việt Nam được nhận học bổng toàn phần 100% kể cả cho khóa học đại học 3 năm. Oxbridge rộng rãi hơn rất nhiều các đại học khác trong việc trao học bổng, không chỉ có quỹ trường, quỹ college, quỹ khoa, mà còn vô số các quỹ nhỏ lẻ khác. Lý do vì sao sinh viên được nhận ít hơn, trong một số trường hợp không phải là do khả năng học tập thành tích của sinh viên, mà là do khả năng tài chính của college.
Cambridge có 31 college, hay còn gọi là trường đại học thành viên, mỗi college sẽ có khả năng tài chính khác nhau. Học bổng mình nhận được là từ quỹ riêng gọi là Cambridge Overseas Trust, cũng tương đương với một số bạn khác, nhưng các bạn khác được college hỗ trợ thêm trở thành học bổng toàn phần, còn college mình nghèo hơn nên không hỗ trợ rộng rãi. Việc được nhận học bổng từ college bao nhiêu phù thuộc vào bao nhiêu người đăng ký cho college đó và college cho bao nhiêu suất học bổng. Khi đăng ký tiến sỹ, mình đăng ký hai college, St John’s và King’s College. St John’s cho mình vào danh sách đợi của quỹ college. St John’s thông báo với mình rằng trường chỉ cho ra 6 suất học bổng toàn phần, và thường sẽ có danh sách dự trữ 12 sinh viên đề phòng 6 sinh viên đầu không nhận và đi chỗ khác học. Trong danh sách dự trữ này năm đó mình đứng thứ 6. Mình quyết định chọn King’s College và sau đó được nhân học bổng toàn phần từ quỹ Combridge Overseas Trust.
Quá trình xin học bổng cũng cùng một quá trình với đăng ký đầu vào, và cũng dựa trên những yếu tố mình đã nhắc ở trên.
Điều mình thực sự thành công là gì?
Nhìn lại cả quá trình, điều mình cảm thấy thành công nhất không phải là vào được Cambridge, hay nhận được học bổng, mà là trong mỗi bước đi mình đều đã cố gắng hết sức mình và khi nhìn lại không có gì phải hối hận.
Phương châm sống của mình chính là:
Cố gắng hết sức mình, không e dè thất bại.
Được thì được, không được thì thôi.
Không làm cái này, ta làm cái khác.
Link tới bài viết chia sẻ về việc học tiếng Anh: http://www.chuyencuangan.com/hoc-tieng-anh/
Link tới bài vết chia sẻ về việc du học việc làm ở Anh: http://www.chuyencuangan.com/du-hoc-va-viec-lam/
Link tới bài giới thiệu về “Dấu yêu Cambridge”: http://www.chuyencuangan.com/dau-yeu-cambridge-gioi-thieu-sach/
Đừng quên để lại email để nhận thông báo khi có bài viết mới nhé! Bạn có thể đăng ký ở cuối bài viết này nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi đăng ký, nếu bạn không được email từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).
Em rất thích bài viết này, cảm ơn chị ạ
Bài viết hay quá. Mình cũng không phải thuộc loại học sinh giỏi từ nhỏ, được giải lọ giải chai. Mình cũng xin được vài học bổng nhỏ để học thạc sỹ ở Anh, lúc đó cũng vui, nhưng qua thì mới biết sinh viên quốc tế ai cũng được hb. Mình cũng thuộc loại cần cù bù thông minh, không có gì xuất sắc. Đã vậy sang Anh lại còn ngộp hơn vì gặp quá nhiều người giỏi. Mình đã học xong thạc sĩ và cũng có ý định học tiếp. Bài viết giúp mình tự tin hơn nhiều lắm. Cám ơn bạn.
Mình cảm ơn bạn đã đọc và để lại lời nhắn cho mình nhé. Mình thực sự rất vui khi chia sẻ của mình có ích cho mọi người. Đặc biệt là thường mình không nhận được nhiều phản hồi cho những bài chia sẻ kinh nghiệm kiểu này trên trang Facebook của mình, nên nhiều lúc cũng lưỡng lự không biết có nên viết nhiều hơn. :))))
Cám ơn chia sẻ của chị. Theo chị, giữa việc được học bổng cover đc khoản tiền lớn ở 1 trường DH ranking thấp, với việc đc học bổng nhỏ ở 1 trường ĐH ranking cao, chị sẽ lựa chọn cái nào ạ? Em cám ơn chị.
Chị sẽ chọn trường ranking cao em ạ. Cũng tuỳ theo cao thấp là bao nhiêu, nhưng theo chị thấy ranking của đại học có ảnh hưởng khả năng xin được việc làm.