“Come on, you can do it!”

Hôm qua mình thuyết trình trước ban Giám Đốc và Bộ Trưởng về chủ đề tài chính phức tạp và khô khan. Mình không phải là một người thích thuyết trình, đặc biệt là thuyết trình bằng tiếng Anh. Mình đã thuyết trình một vài lần trước đám đông, nhưng chưa lần nào trước mặt tất cả những cán bộ cấp cao nhất trong Bộ.

Khi vừa nghe Giám Đốc mở lời gợi ý điều này, một góc trong lòng mình đã bắt đầu run. Tuy nhiên, giây phút đó mình đã gật đầu đồng ý cái rụp không chần chừ. Vì mình biết có cơ hội thì phải chộp lấy. Vì mình biết muốn phát triển thì phải đẩy giới hạn của bản thân. Muốn trưởng thành, muốn giỏi hơn, phải bước ra khỏi vùng an toàn.

Thực ra trong một mức độ nào đó, cái cảm giác run rẩy trong lòng là một cảm giác tích cực, một cảm giác cần có. Nếu mình có thể làm một điều gì đó dễ dàng không có sự run rẩy, không có một cảm thiếu an toàn, thì còn gọi gì là bước ra khỏi vùng an toàn. Vì thế dù run rẩy e sợ không phải là một cảm giác dễ chịu, mình học cách trân trọng nó, yêu lấy nó.

Trong cuốn sách “A history of Britain in 21 Women” của Jenni Murray (tạm dịch “Lịch sử của nước Anh qua 21 người phụ nữ”, một cuốn sách rất hay, rất Anh, rất truyền cảm hứng) có nhắc tới vị nữ thủ tướng Anh nổi tiếng Margaret Thatcher. Bà là thủ tướng Anh cầm quyền lâu nhất của thế kỷ 20 (từ năm 1979 tới năm 1990) và là nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh. Bà được mệnh danh là “Iron Lady” (“Người đàn bà thép”) vì phong cách lãnh đạo cứng rắn không bao giờ thỏa hiệp. Bà có nhiều người thích, cũng có nhiều người ghét vì những chính sách cứng rắn của mình. Nhưng không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Thatcher lên kinh tế, chính trị và văn hoá nước Anh. Và cũng nhờ có những người phụ nữ như Thatcher, mà công cuộc bình đẳng giới có những bước tiến lớn.

Trong cuốn sách, tác giả Jenni Murray có một đoạn kết khá thú vị về Thatcher. Tác giả viết, khi Thatcher từ chức, đài radio thông báo ông John Major sẽ lên kế nhiệm. Lúc đó con trai tác giả, một cậu bé 7 tuổi đã hỏi mẹ: “Mẹ, có phải họ nói là John Major sẽ là thủ tướng?” Khi mẹ cậu trả lời: “Phải rồi con.” thì cậu rất ngạc nhiên và bảo mẹ: “Nhưng, mẹ ơi, con tưởng đó là việc của phụ nữ!”

Thatcher không phải là nhà đấu tranh bình đẳng giới, thậm chí là đi ngược lại. Trong thời gian cầm quyền bà không giúp đỡ phụ nữ bước vào bộ nội các và thậm chí là thích làm việc với đàn ông hơn. Nhưng bà rốt cuộc lại có đóng góp cho công cuộc bình đẳng giới vì bà chỉ ra cho thế giới thấy phụ nữ có thể làm được những gì, và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ.

Mình viết rất dài về Thatcher vì mình là một trong những phụ nữ được Thatcher truyền cảm hứng, không phải vì mình đặc biệt ủng hộ tư tưởng chính trị hay chính sách của bà, mà là vì sự mạnh mẽ vượt qua đối lập để theo đuổi lý tưởng của bản thân, đặc biệt trong một môi trường hoàn toàn áp đảo bởi đàn ông. Và mình càng được truyền cảm hứng hơn khi biết được rằng người phụ nữ thép mạnh mẽ này, cũng như mình, là một người sợ việc phát biểu trước đám đông.

Trong một cuốn sách về Ronald Reagan và mối quan hệ gần gũi của Thatcher với vị tổng thống Mỹ này, Thatcher đã chia sẻ với tác giả James Rosenbush về nỗi sợ nói trước công chúng: “Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn loại bỏ được nỗi sợ hãi này, không, không bao giờ. Thi thoảng khi tôi lên tới bục phát biểu, tôi nói với bản thân mình rằng: “Come on, old gal, you can do it.” Nhưng mà cái chút sợ hãi đó sẽ luôn ở đó, và cái năng lượng mà bạn có thể lấy từ nó sẽ cho bạn sự dũng cảm để nói ra những điều bạn phải nói.”

Trong giây phút mình cảm thấy run sợ, mình đã nghĩ tới Thatcher, nghĩ tới nỗi sợ hãi mà bà cảm thấy, rồi nghĩ tới việc bà dùng nỗi sợ hãi đó để làm bàn đẩy cho bản thân, mình tự dưng cảm thấy mình cũng sẽ làm được.

Ngày hôm đó, bài thuyết trình diễn ra suôn sẻ. Cả Giám Đốc và phó Giám Đốc đều có lời khen ngợi. Trong lòng mình có một cảm xúc hài lòng không hề nhỏ. Tới chính bản thân mình cũng phải ngạc nhiên vì cảm xúc đó. Sự hài lòng này không phải đến từ lời khen ngợi đã nhận được, mà đến từ việc biết được rằng mình đã đẩy giới hạn của mình ra xa hơn một chút. Có thể không phải là vạn dặm mà chỉ là một gang tay, nhưng ngày hôm nay mình đã là một người dũng cảm hơn ngày hôm qua một chút.

💪

—-
P/S sách:
👉Cuốn sách “A history of Britain in 21 Woman” không có bán ở Việt Nam, nên mình xin để link Amazon của Anh thôi: Amazon
👉Nếu mọi người muốn đọc thêm về Thatcher thì có thể đọc cuốn “Margaret Thatcher – Hồi ký bà đầm thép” (chú ý: mình cũng chưa đọc nhưng mà thấy sách được giá tốt): Tiki | Shopee

—-
P/S Link:
👉Link tới bài viết trước của mình chia sẻ tip nói trước đám đông và phát biểu trong phòng họp.
👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!