Dạy con 4 tuổi rưỡi

1. Em họ Anna được mẹ mua cho váy công chúa Bạch Tuyết.

Anna nhìn nhìn một hồi rồi trườn lên thì thầm vào tai mình: “Mẹ ơi, con muốn một cái váy công chúa giống như vậy.”

Mình đã đoán trước nhìn váy công chúa đẹp xinh kia cô bé thể nào cũng nảy sinh ham muốn. Nhưng mình không thuộc dạng dễ dàng chiều theo ý thích của con, vì mình muốn con biết chừng mực và học được rằng không phải cái gì muốn là cũng có được.

Mình bảo: “Con đã có ba cái váy công chúa ở nhà rồi, Elsa, Anna và Rapunzle này. Và con muốn ba mẹ mua cho một cái vào Giáng Sinh nữa mà phải không?”

Cô bé gật đầu: “Vâng, con muốn váy Lọ Lem vào Giáng Sinh.” Rồi nói thêm: “Nhưng con cũng muốn váy Bạch Tuyết này nữa.”

Mình đáp: “Mình không thể lúc nào cũng mua váy công chúa. Mình phải đợi các dịp mới mua được. Hay là mình đợi tới sinh nhật con thì mua váy Bạch Tuyết?”

Cô bé gật đầu, rồi bảo: “Con còn muốn thêm váy nàng tiên cá nữa.”

Mình hỏi: “Vậy mình phải đợi tới dịp nào để mua váy tiên cá bây giờ nhỉ?”

Cô bé suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Giáng Sinh năm sau mẹ ạ.”

Mình cười: “Ừ, giờ mình sẽ mua váy Lọ Lem cho Giáng Sinh, mua váy Bạch Tuyết cho sinh nhật, và mua váy nàng tiên cá cho Giáng Sinh năm sau nhé.”

Và cả hai mẹ con đều hài lòng với kế hoạch này, kế hoạch do cả hai mẹ con cùng nhau vạch định.

2. Một trong những điều mình cảm thấy tương đối thành công trong việc rèn rũa con đó là rèn cho con tính không ăn vạ. Không bao giờ có chuyện Anna sẽ giẫy lên đòi cái gì khi bố mẹ không cho, vì đơn giản Anna học được rằng dùng cách đó sẽ không bao giờ có được cái mình muốn.

Ngay từ khi con còn rất bé, bất cứ khi nào con khóc lóc đòi hỏi cái gì, mình sẽ không bao giờ chiều theo ý con. Mình luôn bảo: “Con gái, khóc lóc sẽ không đạt được cái con muốn. Mẹ sẽ chỉ lắng nghe con khi con đã nín khóc và nói chuyện tử tế hơn.”

Thậm chí ngay cả khi con không khóc mà chỉ mè nheo nhõng nhẽo, mình ngay lập tức cảnh báo: “Con gái, mình không cần phải nói chuyện bằng giọng nhõng nhẽo đó. Con có thể nói chuyện lịch sự tử tế hơn mà phải không?”

Bây giờ con bốn tuổi, mình nói như vậy, con sẽ ngay lập tức sửa chữa cách nói chuyện. Nhưng những buổi ban đầu không phải lúc nào nói là con cũng nghe ngay.

Khi con hai tuổi, ở cái tuổi “terrible two” thử thách giới hạn của bố mẹ, đã có lần mình phải chạy ra vườn để con giãy đành đạch một mình trong nhà. Lần đó con không chịu tự mặc quần áo, mà muốn mẹ mặc quần áo cho. Mình biết con có thể hoàn toàn tự mặc được những thứ đồ đơn giản này vì con đã từng tự làm trước kia. Con cũng không ốm đau bệnh tật gì để cần sự quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn bình thường.

Mình biết rõ đây là giai đoạn thử thách giới hạn, một khi đã bước vào cuộc chiến phải vững tâm tới cùng. Mình đã phải bảo bà ngoại đi lên phố chơi để mình ở nhà một mình xử lý tình huống, vì con không ăn vạ được mình sẽ tìm bà ăn vạ và bà ngoại thương cháu sẽ dễ dàng buông xuôi.

Lần đó, sau một hồi giẫy giụa khóc lóc kêu gào không được gì, con đã tự mặc quần áo vào. Và đó là lần cuối cùng con giẫy giụa như thế.

3. Một điều khác mình đang tập trung dạy con là cách ứng xử tại bàn ăn, bao gồm ăn ngồi tại bàn không chạy nhảy không xem ti vi, ăn dùng thìa dĩa không dùng tay bốc (trừ những thứ có thể dùng tay như là khoai tây chiên, bánh mì), ăn chờ đợi mọi người và cầu nguyện trước khi ăn, ăn xong bê bát đĩa của mình để gần chậu rửa bát.

Một lần, mình có người bạn qua chơi, trong bữa ăn, Anna liên tục dùng tay bốc cơm, bốc thịt. Mình căn dặn thì cô bé sửa, nhưng chỉ một lúc sau đâu lại vào đấy. Suốt bữa ăn, mình phải nhắc rất nhiều lần và mình chú ý rằng cô bé đôi lúc có dấu hiệu cố tình như thể hiện sự phản kháng.

Tối hôm đó, sau khi tắm rửa tắt đèn chui vào chăn, hai mẹ con nằm nói chuyện trước khi đi ngủ.

Mình nắm tay con thủ thỉ: “Anna này, mẹ thực sự rất không thích nhắc nhở hay mắng mỏ con trước mặt người khác.”

Cô bé ngước mắt nhìn: “Tại sao?”

Mình đáp: “Mắng con như vậy cả mẹ và con đều không vui có phải không?”

Cô bé gật đầu: “Vâng.”

Mình hỏi: “Con có thể giúp mẹ một điều được không?”

Cô bé tò mò nhìn mình: “Vâng?”

Mình tiếp: “Lần sau khi mà mẹ nói “Con gái, con có thể không sử dụng tay bốc đồ ăn được không?”, con có thể nghe lời mẹ và làm như mẹ bảo có được không? Sử dụng dao dĩa khi ăn không chỉ giúp con không bị giun trong bụng mà còn là một cách tôn trọng người khác nữa.”

Mình không rõ cô bé có hiểu hết lời mẹ nói không, nhưng cô bé nhẹ gật gật đầu.

Mình chú ý những ngày hôm sau cô bé không còn dùng tay bốc nhiều nữa, và nếu có quên và mình nhắc, cô bé vui vẻ sửa ngay chứ không có thái độ phản kháng mẹ.

4. Mình nghĩ nói chuyện nhẹ nhàng tôn trọng, giải thích cụ thể rõ ràng về lý do hậu quả như vậy luôn giúp cho trẻ hiểu rõ vấn đề và dễ nghe lời hơn.

Một ví dụ đơn giản khác, mình đi ô tô cùng bé Bông, em họ của Anna. Ở Việt Nam đi xe thường không cần cài dây an toàn khi ngồi hàng ghế sau, nhưng mình đi xe ở Anh quen cài dây, nên mình bảo Bông: “Bông ơi, để bác cài dây an toàn cho con nhé.”

Bông lắc đầu ngay: “Không, con không thích.”

Mình bảo: “Bông biết tại sao đi xe phải cài dây an toàn không?”

Bé ngước mắt nhìn mình tò mò: “Tại sao ạ?”

Mình bảo tiếp: “Vì nếu Bông không cài dây an toàn, khi ba dừng xe lại đột ngột, con sẽ bị ngã lộn người về phía trước, và thậm chí có thể bị đập đầu vào kính kìa.”

Bông mở to mắt ngạc nhiên: “Thế á?”

Mình gật đầu: “Ừ, vậy Bông muốn bác cài dây cho không?”

Bông liền nhanh lẹ gật đầu đồng ý.

Và thậm chí lần sau lên xe, cô bé đã chủ động đòi mình cài dây cho.

5. Một điều mình luôn cố tránh đó là mắng mỏ hay quát nạt con trước mặt người khác. Mình nghĩ đó không chỉ là một cách dạy dỗ không hiệu quả dễ gây phản kháng, mà còn thiếu tôn trọng đối với con và với những người xung quanh.

Một lần trong bữa ăn cùng với ông bà nội của Anna, Anna không chịu ăn mà mè nheo và nghịch ngợm đồ ăn. Mình đã nghiêm khắc nhắc nhiều lần mà không được, con thậm chí còn nghịch nhiều hơn, cố ý làm trái lời mình.

Sau một hồi, mình liền đưa con ra chân cầu thang khuất khỏi phòng ăn. Nếu người khác phạt con ngồi bậc cầu thang tự ngẫm lại hành động của bản thân, thì mình thích cùng con ngồi bậc cầu thang tránh xa khỏi thế giới nhộn nhạo ngoài kia để hai mẹ con có khoảng không gian yên tĩnh thủ thỉ tâm sự ngẫm lại tình huống vừa qua.

Mình đọc sách đã từng thấy nhiều người khuyên nhủ về việc dạy con trong khoảng không gian riêng thay vì trước mặt người khác, nhưng phải đến khi trải nghiệm mới thấy nó thật hiệu quả, không chỉ giúp con bình tĩnh tập trung hơn mà còn giúp mẹ với con gần nhau hơn về mặt tình cảm và tinh thần.

6. Trong tất cả mọi điều, điều quan trọng nhất vẫn là không nổi nóng. Những lúc hành xử trong nóng giận luôn là những lúc khiến mình phải hối hận. Chính vì thế, khi cảm thấy máu nóng bốc lên đầu, mình luôn tránh đi để bình tĩnh hơn.

Một khi trong tâm thế bình tĩnh đối mặt với tình huống, mình thấy đầu óc sáng suốt, lựa chọn được lời nói và hành động thích hợp, có thể đối xử với con bằng sự kiên nhẫn và tình thương.

Sau những lần như thế, mình luôn cảm thấy hài lòng về cách xử sự của mình, và cảm thấy mẹ với con xích lại gần nhau hơn.

 

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!