Đồng hành cùng con vào tuổi mới lớn

1.
Con gái tôi hỏi: “Nếu từ trước mà mẹ biết cô A (cô giáo dạy thêm) hay đổi lịch phút cuối như vậy, mẹ còn muốn cô ấy dạy con không.”

Con A dạy thêm con gái tôi luyện thi vào cấp 2. Cô có trình độ sư phạm rất tốt, mỗi tội cô hơi… ngẫu hứng, hay đổi giờ đổi lịch đột xuất, có lần do cô nổi hứng đi du lịch, có lần do bị kẹt xe, có lần đơn giản là cô… quên mất có lịch dạy 🤣.

Tôi nói: “Mẹ vẫn sẽ làm việc với cô, vì cô dạy tốt và có nhiều năng lượng tích cực. Với cả tiếp xúc và làm việc với những người có tính cách phong cách khác nhau giúp mình có kinh nghiệm đa dạng hơn.”

Còn chồng tôi thì nói: “Việc cô hay đổi lịch phút cuối như vậy cũng tốt, dạy cho mình linh hoạt hơn, học được cách thích ứng với những tình huống ngoài ý muốn. Con học được điều này từ bé thì rất tốt.”

Chúng tôi thường dùng những tình huống hàng ngày để giúp con học được điều gì đó hữu ích và có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống.

2.
Hai vợ chồng tôi cũng hay nói chuyện với nhau về việc nuôi dạy con cái. Hôm trước chúng tôi thảo luận về việc đồng hành với con qua tuổi dậy thì.

Tôi bảo: “Em nói với con là nếu khi nào con cảm thấy giận dữ bực bội hay buồn bã, con cứ tâm sự với mẹ. Hai mẹ con mình sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn này.”

Chồng tôi gật gù rồi nói: “Anh có nghe một bài podcast gần đây có nói rằng cảm xúc có thể là phản ứng phù hợp với những hoàn cảnh nhất định. Ví dụ khi gặp chuyện buồn, mình cảm thấy buồn. Mình không nói đừng buồn nữa, vì buồn là cảm giác phù hợp với hoàn cảnh.”

Tôi thấy điều chồng tôi nói rất đúng. Học cách vượt qua cảm xúc không hẳn là bảo đừng cảm giác như vậy nữa, mà là học cách gọi tên cảm xúc, hiểu vì sao mình cảm giác như vậy và hiểu ảnh hưởng của cảm xúc lên suy nghĩ hành động, và làm thế nào để điều chỉnh cho hợp lý.

3.
Chồng tôi cũng nói thêm bài podcast nhắc việc các mối quan hệ chất lượng với người lớn đối với trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng trong việc phát triển sức khoẻ tinh thần, ví dụ với bố mẹ, với ông bà, với thầy cô giáo. Lý do tại sao nhiều thanh thiếu niên rơi vào tr. ầ.m cảm cũng là do thiếu đi những mối quan hệ chất lượng với người lớn trưởng thành xung quanh như vậy. Chính vì thế chúng tôi rất vui là con gái có cơ hội dành nhiều thời gian với ông bà, có mối quan hệ tốt với cô giáo ở trường và cô giáo dạy thêm.

Đối với tôi việc kết nối với con rất quan trọng. Có một đợt, con tôi có chút chuyện với bạn bè ở trường. Trong gần một tuần, chồng tôi và tôi thay phiên nhau nói chuyện với con mỗi tối. Có lúc hơn cả một tiếng đồng hồ. Chúng tôi thường lắng nghe, phân tích, cho lời khuyên, kể chuyện của bản thân khi còn nhỏ, và lập kế hoạch plan A, plan B, plan C giúp con học cách xử lý tình huống theo trình tự. Tôi cảm thấy điều này không chỉ giúp con học cách vượt qua, mà còn giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết chất lượng giữa bố mẹ và con cái.

💗

P/S ảnh: Em Anna “bị” ba mẹ lôi đi làm vườn giúp một trung tâm cho người nghỉ hưu. Lúc trên xe em bảo muốn về nhà. Mà tới khi đến nơi, em lại là người làm hăng nhất, một mình làm cả cái góc vườn. 

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!