Empathy – Dạy con thấu cảm

Sáng nay vào phòng chải đầu cho con gái, thấy cậu chuột hamster nhô cái đầu tò mò ngó ra từ cái lồng, đang đúng lúc cao hứng, mình hềnh hệch cười mở lời chào rất hào sảng:

“Hello! Hello! Mi dậy rồi ha? Đêm qua mi ngủ ngon không?”

Cô con gái đang đứng để mẹ chải đầu, liền quay lại ngay nói nhỏ:

“Mẹ, mẹ đừng dọa bạn í.”

Mình thanh minh:

“Ô, mẹ có dọa bạn ấy đâu. Mẹ chỉ là thân thiện nói chào buổi sáng thôi mà.”

Cô gái bảo:

“Mẹ, bạn ấy nhỏ như vậy. Đối với bạn ấy, mẹ rất là lớn. Mẹ nói to, bạn ấy sẽ sợ đấy. Thế nên mẹ nói nhẹ nhàng với bạn ấy thôi.”

Ha ha đúng là mới sớm ngày ra mà cái giọng mình to gầm nhà thật.

Phải nói lúc nghe con gái nhắc nhở mẹ như vậy, mình thấy mừng rơn trong bụng.

Vì sao? Vì đây là lời mà ba vẫn nói với cô bé mỗi tối. Cô bé đã ghi nhận lại và đưa nó vào cách suy nghĩ và tư duy của bản thân. Cô bé đã biết đứng từ góc nhìn của chú chuột hamster để nhìn, để cảm và hành động. Đây chính là một phần của empathy, hay còn gọi là thấu cảm.

Chuyện này làm mình nhớ tới một lần khác, khi mình mời cô bạn thân L cùng chồng và cậu con trai một tuổi tới nhà chơi. Cô bạn này của mình hay có thói quen đến muộn. Dù biết vậy, mình vẫn liên tục nhìn đồng hồ và chạy ra của ngóng, tới mức bị chồng con trêu gọi là người gác cửa.

Đến khi thấy muộn gần cả tiếng đồng hồ rồi, mình liền bật lời cảm thán:

“Lâu quá, giờ này mà L vẫn chưa đến.”

Cô con gái ngồi chơi bên cạnh liền quay sang bảo mình:

“Mẹ, tại cô L có em bé nên mới đến trễ đó. Có em bé bao giờ cũng mất thời gian sửa soạn hơn.”

Có lẽ mọi người đã nghe nói tới trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient/ Emotional Intelligence). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng EQ là yếu tố rất quan trọng giúp con người thành công trong mối quan hệ, sự nghiệp và cuộc sống xã hội. Và empathy, sự thấu cảm, là một thành phần thiết yếu của EQ.

Theo nhà nghiên cứu Decety và Cowell (2014), thấu cảm bao gồm ít nhất ba khía cạnh:

• thứ nhất, nhìn nhận sự việc từ góc độ của người khác, đó là “tôi biết bạn đang đối mặt với điều gì, bạn nghĩ gì và bạn cảm thấy như thế nào” – còn gọi là “cognitive empathy”

• thứ hai, cảm giác được cảm xúc của người khác, đó là “nỗi buồn của bạn khiến tôi cũng cảm thấy buồn” – “emotional empathy”

• thứ ba, biến điều mình nghĩ và cảm thành hành động muốn giúp đỡ

Ở ví dụ trên, Anna đã có cognitive empathy, nhìn sự việc từ góc độ của người khác, và trong trường hợp của chuột hamster, cô bé đã biến nó thành hành động nhắc nhở mẹ để bảo vệ chú chuột.

Thấu cảm hoàn toàn có thể dạy dỗ được từ tấm bé. Dưới đây là một số điều ba mẹ có thể làm để giúp bé phát triển sự thấu cảm, trí tuệ cảm xúc:

1. Thể hiện sự thấu cảm đối với bé.

Trong mỗi tình huống, thay vì mắng mỏ quát nạt, hãy cố bình tĩnh hiểu vì sao bé lại hành xử như vậy và diễn đạt sự hiểu của mình bằng lời nói: “Ba/mẹ biết con cảm thấy… vì…”

Hãy dành thời gian nói chuyện và hỏi bé hàng ngày: Hôm nay con học những điều thú vị gì? Điều gì hôm nay con cảm thấy khó nhất? Có chuyện gì làm con vui? Có chuyện gì làm con buồn?…

Khi ba mẹ dành nhiều thời gian để quan tâm và đáp ứng những nhu cầu về thể chất và tinh thần của con, đứa con sẽ lớn lên với cảm giác an toàn và tự tin hơn trong mối quan hệ, và cũng thường sẽ có sự thấu cảm với những người xung quanh. Kết quả này đã được ghi lại trong các nghiên cứu.

2. Giúp bé gọi tên cảm xúc tiêu cực của bản thân và kiểm soát những cảm xúc đó.

Nhiều khi những cảm xúc tiêu cực như là giận dữ, xấu hổ, ghen tức… tạo nên rào cản cho sự thấu cảm. Cha mẹ có thể giúp bé bằng cách hướng dẫn bé gọi tên những cảm xúc này và khuyến khích bé nói ra tại sao bé lại cảm giác như vậy. Rồi có thể giúp bé bình tĩnh lại bằng cách cùng nhau hít thật sâu, thở ra bằng miệng và đếm tới năm.

Cha mẹ cũng có thể đọc sách về cảm xúc cùng với bé để giúp bé phân biệt các cảm xúc khác nhau. Ở cuối bài viết mình có giới thiệu một số sách cho bé, và cho người lớn. 

Cha mẹ chú ý rằng cảm giác “xấu hổ” (shame) và “có lỗi” (guilt) có ảnh hưởng khác nhau tới ứng xử của trẻ:

• Cảm giác “xấu hổ” khiến đứa trẻ không thấu cảm được với người khác, vì tất cả những gì đóng chiếm tâm trí đứa trẻ là bản thân nó và cái điều nó vừa làm, thay vì hậu quả của hành động lên người khác.

• Trái lại cảm giác “có lỗi” thường giúp trẻ nghĩ tới cảm giác của người kia và thể hiện sự thấu cảm.

Vì thế khi trẻ làm gì đó sai, đừng gọi nó là đứa trẻ hư, đừng mắng mỏ, đừng đổ lỗi, khiến nó phải xấu hổ mà hãy nhẹ nhàng nói với con về ảnh hưởng của hành động lên người kia và cảm nhận của người kia. Ví dụ, có thể hỏi con: “Bạn ấy cảm thấy như thế nào?” “Nếu ai làm thế với con, con sẽ cảm thấy như thế nào?” hoặc chia sẻ từ cảm nhận của bản thân: “Ngày trước ba/mẹ bị…, ba/mẹ đã cảm thấy…”

3. Luôn nói về các góc nhìn và cảm nhận của người khác trong đối thoại và hoạt động hàng ngày

Trong các cuộc đối thoại hàng ngày, hãy giúp con nhìn sự việc từ góc độ của những người khác. Như ví dụ mình đã kể trên về việc chăm sóc thú nuôi, về việc bạn đến trễ… Ví dụ khác là khi đọc trên báo thấy một chuyện gì đó, có thể đem chuyện đó ra kể và phân tích cảm nhận suy nghĩ của những người liên quan.  

Cha mẹ và bé cũng có thể chơi trò nhìn nét mặt của các nhân vật trong ảnh để đoán cảm xúc, hoặc khi sách, có thể dừng lại để thảo luận về cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật trong câu chuyện.

Và một điều rất quan trọng là cha mẹ cần nhất quán trong lời nói và hành động của mình. Không thể nào dạy con thấu cảm trong khi bản thân mình không thể hiện sự thấu cảm với người khác. Vì thế hãy năng làm gương cho con nhé!  


👉 Sách cho bé:

• Bộ sách của giảng viên, nhà trị liệu tâm lý người Pháp Isabelle Filliozat: Tiki | Amazon – “My emotions” | Amazon – “my fears” | Amazon – “My anger” |

• Bộ sách về các cảm xúc của tác giả người Nhật Suzuki Mio: Tiki | Shopee |

• Sách tiếng Anh cho bé “What are feelings?” có hình lật mở của nhà xuất bản Usborne: Tiki | Amazon |

• Sách tiếng Anh cho bé “My many coloured day” của tiến sỹ Seuss, một tác giả viết sách thiếu nhi nổi tiếng: Amazon |

• Sách tiếng Anh cho bé “Only You Can Be You!” của Nathan và Sally Clarkson, họa sỹ minh họa Tim Warnes: Amazon |

👉 Sách cho người lớn:

• Sách của Daniel Goleman, một tác giả và một nhà báo ngành khoa học, về “Trí tuệ cảm xúc” lọt vào danh sách bán chạy nhất của Thời Báo NewYork, và được dịch ra 40 thứ tiếng: Tiki | Shopee | Amazon |

• Daniel Goleman cũng viết một cuốn sách khác về “Trí tuệ cảm xúc ứng dụng trong công việc”: Tiki |Shopee | Amazon |

• Daniel Goleman sau đó cũng tham gia cùng nhiều tác giả khác viết ra bộ 6 cuốn xuất bản bởi trường đại học Harvard “Harvard Business Review: Emotional Intelligence Series” (bản tiếng Anh): Tiki | Amazon (bộ 6 cuốn) | Amazon (bộ 14 cuốn)


👉 Bài viết trước trên blog liên quan tới EQ:
Giúp con vượt qua cảm xúc giận dỗi
Cha, con và EQ
👉Link tới các bài dạy con khác: Dạy con
👉 Nguồn tham khảo cho bài viết (tiếng Anh):
zerotothree.org – How to help your child develop empathy
parentingscience.com – Teaching empathy tips
harvard.edu – Tips for cultivating empathy

👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!