Khi nào có thể “tự do tài chính” và “nghỉ hưu sớm”

Vừa rồi nổi máu nghề nghiệp, mình ngồi lấy excel ra tính toán kế hoạch 50 năm cuộc đời. Mình tính ra rằng nếu công việc của chồng và mình không bị ảnh hưởng bởi Covid, thì 14 năm nữa, năm 2034, khi mình 46, chồng 51, con 18, hai vợ chồng có thể “nghỉ hưu sớm”, hay đúng hơn là “tự do tài chính” như người ta thường nói, tức là có thể không cần đi làm mà vẫn có đủ nguồn thu nhập thu động để trang trải hết chi phí cuộc sống, và lúc đó đi làm chỉ chủ yếu do mình thích thôi chứ không phải do mình cần.

Thú thật, dù công việc liên quan tới quản lý tài chính và những con số, gần 9 năm qua, mình chưa bao giờ nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc hay suy tính cho tương lai, một phần vì không ai dạy bảo cho, một phần vì bản tính mình hay bay lơ lửng trong không không trung, một phần vì cuộc sống thường bận bịu với những cái lo lắng khó khăn trước mắt. Ví dụ, lúc mới ra trường thì lo tìm việc, lúc tìm được việc thì lo làm cho tốt giữ cái thị thực định cư, lúc ổn định công việc chút rồi thì lại lo con nhỏ, phải tới lúc này, khi con được 5 tuổi rồi, mình mới cảm thấy ổn định mọi bề để suy nghĩ một chút về vấn đề tài chính và tương lai về lâu về dài.

Tiền chỉ là một công cụ của cuộc sống, và nếu sống mà lúc nào cũng chỉ nghĩ hay phải nghĩ tới tiền thì cuộc sống rất là u ám hạn hẹp. Nhiều người vì mải mê kiếm tiền mà không có thời gian tận hưởng cuộc sống, còn nhiều người khác thì vì không khôn khéo trong việc quản lý tài chính mà lúc nào cũng khổ sở vì tiền. Mình nghĩ người khôn ngoan là người không lấy tiền làm mục đính sống và mục đích việc làm, tuy nhiên vẫn biết rõ nhu cầu về tài chính của bản thân và tính toán đầy đủ cho tương lai.  

Vậy mình tính toán về độ tuổi và thời gian “tự do tài chính” như thế nào?

Thứ nhất, mình cân nhắc về thời gian trả hết nợ nhà. Mình mua nhà trả góp thời hạn là 30 năm, tức là nếu theo hợp đồng thì phải tới năm 2044, khi mình 55 tuổi, mới trả xong hết nợ. Mình ký hợp đồng thời hạn dài chủ yếu để không tạo áp lực tài chính đề phòng trường hợp rủi ro, vì nếu ký hợp đồng ngắn hạn hơn thì khoản trả bắt buộc mỗi tháng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, mình có ý định trả thêm hàng tháng để kết thúc khoản nợ này sớm 10 năm, vào thời đúng thời điểm “tự do tài chính”. Khi muốn được “tự do tài chính” thì căn nhà mình ở cần phải thuộc hoàn toàn về mình và không còn dính nợ nần gì. Khi mua nhà, mình cũng chọn lựa nhà cửa vừa phải, đủ với nhu cầu của gia đình, chứ không qua xa hoa rộng lớn. Vì nhà càng to, càng đắt thì nợ càng nhiều, càng lâu trả hết. Cũng giống như mua những thứ đồ xa xỉ không cần thiết cho bản thân mình.

Thứ hai, mình cân nhắc về tiền nuôi con ăn học, vì đây là một khoản không nhỏ trong chi tiêu hàng tháng của gia đình, đặc biệt là mình gửi con học trường tư. Vào năm 2034, năm con 18 tuổi, thì mình cũng không cần phải lo lắng về chuyện tiền học hàng năm cho con nữa, và tiền học đại học của con có thể được trích ra từ tài khoản của riêng con. Từ năm con ra đời, mình đã mở tài khoản riêng cho con. Tiền mọi người cho con vào dịp này dịp kia mình đều bỏ vào tài khoản của con, mỗi năm vợ chồng cũng bỏ một chút vào đó. Tính tới con năm 18 tuổi, thì cũng được một khoản kha khá đủ để con trang trải chi phí học đại học và những năm đầu ra trường.  

Sau khi dẹp hai khoản chi lớn là trả nợ nhà và nuôi con ăn học sang một bên thì chi phí còn lại chỉ đơn giản là cuộc sống căn bản của hai vợ chồng. Mình chia ra làm hai khoản: thứ nhất là khoản căn bản tối thiểu, bao gồm ăn uống, đi lại, mua sắm và vui chơi giải trí căn bản, và thứ hai là khoản linh hoạt dành cho những chi phí có cũng được mà không có cũng có thể cắt giảm như là đi du lịch. Mục tiêu của mình là vào năm “tự do tài chính”, thu nhập thụ động của mình sẽ chi trả được cho cả hai loại chi tiêu này, nhưng chia ra rõ ràng như vậy giúp mình nắm được sự linh hoạt cho phép.

Bước tiếp theo là tính toán khoản mà mình có thể để dư ra hàng năm từ thời điểm bây giờ tới thời gian “tự do tài chính” cho việc đầu tư và tạo thu nhập thụ động. Rồi sau đó nhân tổng số tài sản đầu tư với phần trăm thu nhập ước chừng hàng năm để tính ra thu nhập thụ động hàng năm của mình. Mình nhận thấy việc ghi lại rõ ràng thu nhập, chi tiêu cũng như đầu tư hàng tháng rất có ích. Nó giúp mình có số liệu để dựa vào khi tính toán cho tương lai.

Ở bên Anh, thu nhập thụ động thường đến từ đầu tư bất động sản và các quỹ cổ phiếu. Vì thị trường có phần trưởng thành hơn nên thu nhập đầu tư trung bình tầm 3%-4% một năm, chứ không cao như những thị trường đang và mới phát triển ở Việt Nam. Theo mình tìm hiểu và từ kinh nghiệm của người mới bắt đầu như mình, những đầu tư có thu nhập cao tầm 7% trở nên thường đi kèm với mức độ rủi ro cao hơn. Hiện tại mình mới đầu tư một chút, rải rác nhiều nơi thay vì tập trung vào một chỗ để dàn trải rủi ro. Đặc biệt năm nay có dịch Covid, chưa rõ liệu khủng khoảng tài chính có trầm trọng hay không nên mình đầu tư có phần rụt rè. Đúng hơn là mình muốn thẳng tay đầu tư đầu tư lắm, nhưng toàn bị anh chồng, nghề nghiệp “chuyên viên quản lý rủi ro”, gàn. Lời khuyên của “chuyên viên” này là nền kinh tế sắp đi xuống rồi, lúc đó cơ hội đầu tư sẽ có nhiều. (Căn bản một trong những công ty ảnh có đầu tư nho nhỏ từ năm ngoái vừa tuyên bố phá sản do bị ảnh hưởng của Covid làm ảnh bị thua lỗ một chút, nên anh có phần cẩn trọng hơn).

Ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản và các quỹ cổ phiếu, có nhiều người có tạo thu nhập từ viết blog, tuy nhiên mình không nghĩ viết blog có thể tính là thu nhập thụ động, vì tạo nhu nhập từ việc viết blog đòi hỏi khá nhiều công sức trong việc viết lách. Mình đã chia sẻ một chút về việc kiếm tiền qua blog trong bài viết này: Chuyển từ wordpress.com sang wordpress.org và bắt đầu “sự nghiệp” kiếm tiền qua blog.

Thực ra mình chưa từng bao giờ có ý định nghỉ hưu sớm vì tại thời điểm này mình khá yêu thích công việc của mình, và có thể nhìn thấy những phát triển tích cực của bản thân nhờ có công việc hàng ngày. Tuy nhiên, tính được ra thời điểm “tự do tài chính” vẫn giúp mình định hình được mức độ tài chính của mình, và hình thành kế hoạch cụ thể rõ ràng hơn cho tương lai. Trong những bài viết kế tiếp, khi có nhiều kinh nghiệm hơn một chút, mình sẽ chia sẻ cụ thể về việc mình đầu tư vào cái gì và đầu tư như thế nào. Và để đợi xem, 14 năm nữa, liệu mình có thể thực sự “tự do tài chính” được không nhé. 😊


Link tới các bài viết khác về chủ đề tài chính cá nhân: http://www.chuyencuangan.com/category/tai-chinh-ca-nhan/

Nguồn ảnh: Image by  Nattanan Kanchanaprat from https://pixabay.com

Link tới giới thiệu ngắn về mình cho bạn đọc mới của blog: http://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/

Hãy kết nối với mình trên facebook: https://www.facebook.com/chuyencuangan/

Và đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).


6 Replies to “Khi nào có thể “tự do tài chính” và “nghỉ hưu sớm””

    1. Chào bạn, cảm ơn bạn đã để lại email để đăng ký nhận thông báo. Tuy nhiên bạn cần nhập email vào phần “Để lại email để theo dõi blog” ở cuối bài viết này hoặc bên tay phải, rồi bấm nút “Đăng ký”. Sau đó sẽ có email tự động gửi cho bạn hỏi bạn xác nhận. Bước này để đề phòng có người sử dụng email không có sự đồng ý của bạn. Sau khi bạn xác nhận bằng cách bấm vào link trong email, bạn đã thành công đăng ký. Cảm ơn bạn nhé!

    2. Mong các bài viết tiếp theo liên quan tới kế hoạch tài chính của chị ạ!

      1. Cảm ơn em đã để lại lời nhắn! Chắc chắn trong tương lai chị sẽ chia sẻ nhiều hơn. 🙂

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!