Luân Đôn nơi em tìm thấy anh – Chương 10: Chạy đua
Thứ hai. Ngày đầu tuần. Ngồi vào bàn học từ 8 giờ sáng, quyết tâm hừng hực.
Còn đúng gần một tuần nữa là thi. Ở công ty tôi, thi trượt không phải là chuyện đùa. Bình thường thi trượt một lần sẽ được thi lại thêm một lần nữa. Nhưng thi trượt dưới 45% thì bị đuổi cổ khỏi công ty ngay lập tức. Hàng năm vẫn có một vài người phải khăn gói ra đi trước khi hoàn thành chương trình học. Đặc biệt đối với người nhập cư như tôi, thị thực ở lại Anh là do công ty bảo lãnh, mất việc không đơn giản chỉ là đi kiếm việc khác. Mất việc cũng đồng nghĩa với bị trục xuất về quê. Trước đây tôi không muốn về quê ngay sau khi học vì sợ phụ tiền, phụ trông mong của bố mẹ. Bản thân tôi cũng muốn có được kinh nghiệm đi làm để học hỏi những cái hay cái mới ở đất nước tiên tiến hàng đầu này. Giờ còn thêm yếu tố tình. Mất cái tình này, không biết bao giờ mới có thể tìm lại được.
Có thêm nguồn động lực mới này, lòng quyết tâm của tôi, vốn đã cao, nay còn cao hơn. Vì cái tương lai hạnh phúc lâu dài, tôi đành hy sinh cái hưởng thụ ngắn hạn. Ấy là tôi quyết định không sang chỗ anh cho tới tận tối thứ sáu, mà ở nhà đóng cửa tu luyện. Về mặt kỹ thuật chuyên sâu, giáo trình của bằng cấp chuyên ngành này không thấm vào đâu so với lúc học đại học. Nhưng cái khó của nó là phải học một lượng kiến thức lớn trong một thời gian ngắn. Mặc dù có cả ngày để học, tôi vẫn cần buổi tối để luyện tập thêm trả lời các câu hỏi và làm bài kiểm tra thử để bảo đảm sẵn sàng cho kỳ thi thật. Thế nên không thể tối nào cũng tót qua chỗ anh. Anh cũng không muốn ảnh hưởng tôi tập trung ôn luyện, tuy nhiên vẫn muốn gặp tôi một chút nên dự định mai sẽ qua thăm tôi.
—
8 giờ 40. “Chào buổi sáng. Anh vừa đến chỗ làm, cũng vừa đặt cuộc hẹn với bác sỹ cho tầm gần trưa. Em có khỏe không?” – Tiếng tin nhắn từ anh.
“Em khỏe, cám ơn anh. Hôm nay anh cảm thấy thế nào?”
“Lúc thức dậy anh thấy rất khỏe. Giờ lại thấy hơi mệt. Để tẹo nữa xem bác sỹ nói gì.”
“Ok, vậy nhớ cho em biết nhé.” – Tôi nhắn lại rồi quẳng cái điện thoại qua một bên.
Kể từ hôm tôi mạnh dạn nhắn cái tin “Em nhớ anh”, cả tuần nay, ngày nào của tôi cũng bắt đầu bằng một tin nhắn chào buổi sáng từ anh. Có lẽ việc hàng ngày viếng thăm anh tận nhà giúp tôi biết anh nhanh hơn rất nhiều so với các cuộc hẹn thông thường khác. Ở bên anh mới có một tuần thôi mà tôi khám phá thêm rất nhiều thứ về anh:
1. Anh không có tài khoản Facebook. Sau buổi hội thảo cuối tuần, như tất cả mọi người khác trong thời buổi công nghệ thông tin này, tôi lên Facebook cố dò xét thêm thông tin về anh. Tôi tìm kiếm cả buổi cũng không thấy. Lúc đầu tôi còn tưởng là do tên của anh chung chung quá. Có đến vài trăm người trên Facebook có cùng tên họ với anh. Tôi có thích anh mấy cũng không thể ngồi kiểm tra trang cá nhân của hết tất cả mọi người.
Thời buổi này hiếm khi nào có thể gặp một người ở độ tuổi 20, 30 mà không có Facebook như anh. “Anh cũng có thử qua, nhưng không thích lắm. Anh chỉ thích gặp mặt trực tiếp, chứ không thích nói chuyện bằng bàn phím.” – Anh bảo. Tôi cũng không quá ngạc nhiên sau khi biết anh vẫn dùng loại Nokia cục gạch thậm chí còn không có cả Internet.
2. Anh có biệt tài biến tôi thành con nít. Chuyện bắt nguồn từ việc tôi khám phá ra anh có một chút OCD giống tôi. OCD là từ viết tắt của Obsessive-Compulsive Disorder, dịch sang tiếng Việt là rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nghe thì có vẻ đao to búa lớn lắm. Nhưng nói theo ngôn ngữ bình dân thì nó đơn giản chỉ là tính không chịu được lộn xộn. Sách trên giá, anh phải phân loại đàng hoàng, theo đúng thứ tự nội dung đề mục. Đồ đạc trang trí trong nhà anh rất thích đặt đối xứng ngăn nắp. Ví dụ có ba cái quả bóng thủy tinh màu tím trang trí kệ sách. Anh phải đặt chúng thẳng tắp một hàng với khoảng cách đều nhau.
Cái OCD của tôi là về độ sạch hơn là độ lộn xộn. Tôi không thể chịu được lên giường mà không tắm rửa trước, hay là ăn chung thìa và uống nước chung một chai với ai. Tôi bảo anh: ‘Dù sao thì anh cũng gọi là hôn em rồi. Em cho anh được làm ngoại lệ ăn uống chung với em.’
Anh cười phá lên: ‘Thật vinh hạnh cho anh quá’, rồi xoa đầu tôi: ‘Cô bé dễ thương của anh.’
Tự dưng tôi cảm thấy như là một cô nhóc 10 tuổi. Tôi phụng phịu: ‘Em nghiêm túc mà, dễ thương ở chỗ nào?’
Anh lại cười xoa đầu tôi thêm phát nữa: ‘Đấy, lại dễ thương tiếp rồi.’
Không hiểu sao so với người khác tôi thấy mình trưởng thành, người lớn lắm. Nhiều người còn bảo tôi nói chuyện già dặn. Vậy mà chỉ với mấy câu nói đùa, mấy cái xoa đầu của anh là tôi lộ bản chất con nít, thích làm nũng, thích mè nheo.
3. Ngón tay của anh dài và mảnh khảnh.
‘Anh xoè bàn tay ra.’ – Tôi nói xoè năm ngón tay đưa lên trước mặt làm mẫu.
‘Để làm gì?’ – Anh vẫn chưa hiểu mô tê gì, nhưng cũng làm theo.
Tôi úp năm ngón tay của mình lên ngón tay anh: ‘Đọ ngón tay.’
Tôi thích thú cảm nhận hơi ấm từ lòng bàn tay của anh. Thật ra bàn tay của anh không to hơn bàn tay của tôi là mấy, nhưng ngón tay xương xương và dài hơn.
‘Tay của em lạnh thế! Để anh sưởi ấm cho.’ – Anh đan các ngón tay qua kẽ bàn tay của tôi, kéo lại gần phà hơi ấm lên, rồi quay ra cười bảo tôi – ‘Anh rất thích cầm tay em thế này.’
4. Anh có gửi tiền hai lần một năm giúp đỡ một cậu bé nghèo ở Ethiopia. Hôm ấy tôi lục lọi giá sách đầy ắp sách của anh. Anh bảo tôi là thỉnh thoảng anh phải cho bớt sách đi vì không có đủ chỗ để. Khi tôi vừa kéo một cuốn sách ra thì tình cờ nhìn thấy một bức thư để mở trên đầu kệ sách. Tôi biết tôi nên tôn trọng thư tín của người khác, nhưng giấy viết thư màu xanh với các họa tiết ngộ nghĩnh và nét bút nguệch ngoạc khiến tôi không khỏi tò mò.
‘Thư của ai mà dễ thương vậy anh?’ – Tôi quay ra hỏi anh.
Anh kể cho tôi là qua một tổ chức từ thiện, hàng năm anh vẫn gửi tiền cho cậu bé chủ yếu để đóng góp vào việc học. Số tiền không nhiều đối với những người sống ở nước phát triển này, nhưng lại có giá trị vô cùng to lớn với cậu bé. Anh bắt đầu gửi khi anh 21 tuổi và cậu bé 9 tuổi. Cậu bé vẫn hay viết thư cám ơn và nói cho anh biết cậu đã dùng tiền anh cho vào việc gì.
‘Mặc dù anh rất vui có thể giúp được cậu bé, nhưng hơi tiếc là anh không cảm nhận được mối quan hệ cá nhân với cậu bé.’ – Anh nói – ‘Anh cũng muốn biết thêm về cậu ấy nên hay hỏi điều này điều nọ trong thư anh gửi, nhưng cậu bé chỉ luôn hồi âm với một khuôn mẫu nhất định, thay vì trả lời câu hỏi của anh.’
‘Em nghĩ có thể là do ngôn ngữ hạn chế.’ – Tôi an ủi anh – ‘Với cả cậu ấy vẫn còn bé thế chắc cũng không nghĩ tới trở nên gần gũi thân thiết với anh.’
Nếu tôi là anh, tôi biết tôi cũng sẽ cảm thấy hơi buồn.
5. Cuốn sách yêu thích của anh là tác phẩm “Anna Karenina”* của nhà văn Tolstoy.
‘Vì sao?’ – Tôi hỏi anh.
‘Vì anh thích nhân vật Levin trong tác phẩm.’
‘Anh thích ở chỗ nào?’ – Tôi tò mò.
‘Levin là người nông dân chăm sóc một trang trại nhỏ. Anh là người rất tốt bụng nhưng lại không giỏi ăn nói. Anh yêu và tỏ tình với một cô gái thành phố, nhưng cô ấy thích những cuộc sống thành thị phồn hoa hơn, nên từ chối anh. Sau một thời gian ở thành phố, cô ấy bắt đầu nhận ra tất cả chỉ là sáo rỗng phù phiếm. Levin vượt qua cái tôi cá nhân để cầu hôn cô lần nữa. Cuối cùng anh có được cuộc sống hạnh phúc với cô ấy.’
Tôi ôm cánh tay anh dựa đầu lên vai anh:
‘Anh yên tâm. Kể cả anh không giỏi ăn nói, em vẫn thích anh nhất.’
Dòng suy nghĩ miên man của tôi bị ngắt quãng bởi tiếng tin nhắn mới: “Bác sỹ bảo là anh bị dịch cúm, không nên quá lo lắng, nghỉ ngơi là ổn thôi.”
“Vậy anh có phải xin nghỉ ốm tiếp không?”
“Không, nhưng mà anh sẽ làm việc ngắn giờ thôi. Ít nhất là đi lại từ nhà đến chỗ làm cũng dễ dàng.”
Tôi phân vân. Mặc dù tôi rất muốn gặp anh ngày mai, nhưng có lẽ tốt hơn cho anh nếu anh có thể nghỉ ngơi. Tôi nhắn cho anh, cố cưỡng lại cái ích kỷ muốn gặp anh nhen nhói trong tim: “Em nghĩ có lẽ tốt nhất anh không nên ra ngoài vào buổi tối, mà nên dành trọn thời gian nghỉ ngơi tuần này.”
Anh suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Ừ, có lẽ tốt nhất là thế. Anh cảm thấy bị ốm thế này anh thật ích kỷ không quan tâm được tới em. Anh muốn khỏe hẳn để có thể nghĩ cho em nhiều hơn.”
“Em sẽ nhớ anh, nhưng mà còn vui hơn với quyết định của anh.” – Tôi cố gắng lạc quan, mặc dù tôi biết tôi sẽ nhớ anh khủng khiếp.
“Ừ, anh cũng vậy.”
—
“Anh về nhà rồi. Anh thấy làm việc hôm nay thế là đủ.” – Tin nhắn của anh đến lúc 5 giờ chiều. – “Em học thế nào rồi?”
“Em hôm nay học cũng được nhiều nhiều. Chắc do môn này cũng không khó. Anh ăn gì cho bữa tối?”
“Anh vừa mua một ít cá trên đường về nhà. Em chắc sẽ không tin là anh không thích hải sản nhỉ?”
Tôi bật cười nhớ lại mấy hôm trước ở siêu thị anh mới bảo tôi là không thích hải sản: “Haha, đúng vậy đấy. Anh mua cá gì?”
“Anh mua cá tuyết. Sẽ nấu với hành. Giờ không có ai ăn cùng nên không sợ hơi thở hôi. Hai chị em em định ăn gì? Nhớ em lắm, quen ăn cùng nhau mất rồi. Nhưng anh biết em phải tập trung học.”
Tôi mỉm cười: “Em định nấu chả thịt viên với nước sốt cà chua. Cũng nhớ anh lắm. Thật là tốt được ở bên anh, nấu nướng và ăn cùng nhau. Em sẽ tìm thêm nhiều các công thức món ăn mới để nấu các món đa dạng cho anh ăn. Em phải học tiếp đây. Anh ăn ngon miệng nhá.”
“Sẽ rất thú vị thử các món mới cùng nhau. Tẹo nữa lại nói chuyện với em nhé.”
—
Cả tối chúng tôi cứ thế nhắn tin qua, nhắn tin lại. Anh nghỉ ngơi xem ti vi, còn tôi thì vẫn cắm cúi làm bài. Thực ra làm bài chỉ ba phần thôi, còn nghĩ về anh là bảy phần.
“Bing” – Tiếng tin nhắn mới từ anh. Đã gần 10 giờ rồi chắc anh nhắn để chúc ngủ ngon đây mà.
“Chào Ngân, bỗng dưng anh cảm thấy rất nhớ em. Bây giờ thì anh đã hiểu em cảm thấy thế nào hôm em nhắn tin bảo em nhớ đến phát khóc. Xin lỗi em, anh không muốn làm phiền em học, nhưng anh chỉ muốn cho em biết anh cảm thấy thế nào. Anh đi ngủ bây giờ đây. Chúc em ngủ ngon nhé!”
Trong quãng đường cảm xúc từ đầu tới giờ, tôi luôn là người chạy nhanh hơn. Tôi biết người nhanh hơn cũng sẽ là người chịu thiệt thòi, nhưng tôi không thể kiềm chế nổi tốc độ của con tim. Anh vẫn cố đuổi theo tôi. Mặc dù đợt cúm này của anh cho chúng tôi cơ hội để ở gần nhau, nó cũng làm chậm anh lại. Lần này xa nhau có lẽ cũng là lúc để cả hai có thời gian nhìn lại chặng đường, chiêm nghiệm về cảm xúc của bản thân. Tôi mừng là anh không bị tốc độ siêu nhanh của tôi làm sợ hãi. Và cuối cùng anh cũng đuổi kịp tôi một chút rồi.
“Em cảm thấy rất cảm động bởi những điều anh nói. Cả tối em cứ nghĩ về anh. Ngủ ngon Simon. Chúng ta sẽ sớm gặp nhau thôi.”
***
Chú thích: Đề phòng có bạn thắc mắc, tôi xin khẳng định rằng tên con gái chúng tôi không có liên quan tới tác phẩm văn học “Anna Karenina” của nhà văn Tolstoy. Cuộc đời của Anna trong chuyện thực ra rất buồn.
www.facebook.com/chuyencuangan/