Luân Đôn nơi em tìm thấy anh – Chương 4: Cuộc hẹn đầu tiên?

Tôi đang ngồi kiểm tra lại tài liệu chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau, thì thấy màn hình điện thoại hiển thị có tin nhắn mới: “Hôm qua anh ngủ quên nên không kịp đăng ký chơi cầu lông, giờ họ hết chỗ mất rồi. Hay là mình đi ăn trưa nhé.”

Trên chuyến tàu từ hội thảo về ngày hôm qua, anh bảo sẽ giúp tôi đăng ký chơi cầu lông chủ nhật tuần này. Tôi quay ra cô em gái đang ngồi làm bài trên giường:

– Hồng ơi, sao tự dưng anh ấy lại rủ đi ăn trưa thế này? Thế này có phải anh có ý gì với chị không?

Hồng rướn người nhìn vào điện thoại tôi đang chìa ra:

– Cũng có thể. Nhưng cũng có thể chỉ có ý bạn bè ăn uống cùng nhau. Chị đừng vồ vập quá. Cứ từ từ thôi.

Tôi 23 tuổi nhưng mà rất không có kinh nghiệm mấy chuyện này. Hồi đi học tôi bận học bận chơi, chưa từng vướng bận vào mấy chuyện yêu đương. Hai tháng trước khi mới chuyển lên Luân Đôn, tôi có hẹn hò một anh chàng người Scotland quen qua mạng hai lần. Nhưng vì tính cách và suy nghĩ khác nhau nên cũng chẳng đi đến đâu. Em tôi 17 tuổi mà còn biết nhiều hơn tôi, tự dưng trở thành quân sư quạt mo cho bà chị.

– Chị thấy nếu mà bạn bình thường mới quen gặp nhau chỉ để chơi cầu lông, thì cầu lông hủy là thôi chứ, sao lại còn rủ đi ăn uống. Chắc là phải có ý gì rồi.

Cả tối tôi dán mắt vào màn hình điện thoại đọc đi đọc lại tin nhắn, như thể có cái mật mã tình yêu huyền bí gì đấy trong những dòng chữ này. Đến cả lúc đi ngủ tôi vẫn còn nghĩ ngợi mông lung.

***

Tiếng nhạc xập xình cùng tiếng người nói cười vọng vào từ phòng khách. David gõ cửa:

– Bọn anh có tiệc ngoài này, em thích thì ra chơi cùng nhá.

Tôi mở cửa:

– Cám ơn anh. Em phải ôn thi chắc hôm nay không tham dự cùng mọi người được.

Ngành kiểm toán của tôi đòi hỏi bằng cấp chuyên ngành. Trong ba năm đầu, ngoài đi làm ra tôi vẫn phải học thi. Tôi cứ ngỡ đi làm rồi sẽ hết phải lo thi cử, ai dè cái thi cử nó vẫn tiếp tục bám theo tôi.

– Sao suốt ngày học thế em không thấy chán à? Cuộc đời thì phải hưởng thụ chứ! – David vẫn tiếp tục cố gạ tôi ra.

– Để lần khác anh ạ. Mấy tuần nữa em thi rồi. – Tôi vừa nói vừa đóng cửa từ từ ra ý đuổi David đi.

David quay đi nhưng vẫn cố để lại một câu:

– Học ít thôi em ạ!

David là bạn cùng nhà ở phòng kế tôi. Anh là người nhập cư từ Cộng Hòa Séc. Anh tầm 30 tuổi, đã ở Anh làm thợ xây chắc cũng phải gần 10 năm rồi. Anh thường mặc áo phông, quần thụng toát lên vẻ bụi bụi từng trải. Anh ở cùng với bạn gái Angela đến từ Ý. Angela hiện đang học năm thứ hai ngành truyền thông phim ảnh ở một trường ở trong trung tâm Luân Đôn. Ở cùng nhà còn có hai anh chàng Séc khác tầm 20 tuổi cũng làm trong ngành xây dựng.

Phòng trọ của chị em tôi nằm trên tầng mái của tòa nhà ba tầng, vốn là một ga tàu cũ được cải tạo lại thành căn hộ cho thuê. Vì không được chăm nom trình tu lâu ngày nên trông khá là xập xệ. Toà nhà này nằm trên đường Edgware Road, giữa khu người Trung Đông phía Tây Bắc của trung tâm Luân Đôn. Con đường ngập tràn quán xá nghi ngút khói thuốc shisha. Mặc dù không phải là khu vực nguy hiểm nhất Luân Đôn, nhưng thỉnh thoảng vẫn có các vụ đâm chém đánh nhau, mất cắp mất trộm. Lúc đầu khi mới chuyển đến, tôi không biết vẫn còn đặt mua hàng hóa gửi về khu nhà. Nhưng lần nào cũng biến mất không tăm tích. Cũng may là tôi cũng chẳng mua gì đắt tiền.

Tìm thuê nhà ở Luân Đôn cho một người nhập cư mới chân ướt chân ráo lên thủ đô không quen biết ai như tôi quả là không dễ dàng gì. Giá cả nhà ở đâu cũng rất đắt đỏ và đặc biệt là không có mấy chỗ cho hai người chung một phòng. Phần lớn các chỗ tốt hay làm khó người nhập cư, đòi hỏi phải có người giám hộ là dân bản địa hoặc là phải trả tiền thuê nhà trước sáu tháng, một năm.

Mặc dù có đi xem nhiều các căn hộ khác nhau, cuối cùng vẫn đành chọn ở khu này. Tôi có dự định là chỉ ở tạm một hai tháng đợi quen chỗ làm, quen thành phố rồi sẽ kiếm chỗ khác tốt hơn. Được cái là những người ở cùng nhà với tôi, mặc dù không chung sở thích, lối sống, suy nghĩ, nhưng cũng đều là những người rất tốt và thân thiện. Không thì chắc tôi cũng không trụ lại ở chỗ này được lâu.

***

11 giờ 29. “Hừm, muộn rồi mà sao chưa thấy đến nhỉ?” – Tôi nghĩ thầm
11 giờ 30. Tôi bắt đầu nóng ruột.
11 giờ 35. Tôi ngó liên tục ra cửa.
11 giờ 37.

– A, mẹ! – Chloe reo lên, chạy ngay ra cửa.

Mẹ Chloe cúi xuống thơm vào má em rồi nói to vọng qua phòng:

– Cám ơn các cô nhé!

Cuối cùng thì tôi có thể thu dọn được rồi. Tôi nhanh chóng sắp xếp bàn ghế, nhặt các mảnh giấy vụn trên bàn, bút chì màu, keo dán bỏ vào hộp. Cứ hai tuần một lần vào sáng chủ nhật, tôi lại giúp trông các bé ở nhà thờ để cho bố mẹ các bé có thể nghe giảng kinh thánh. Chúng tôi dạy các bé các câu chuyện đơn giản trong kinh thánh, hát các bài hát về Chúa Trời, bày trò cho các bé chơi và cùng các bé vẽ vời tô màu.

Mặc áo khoác, đội mũ đeo găng tay, tôi liếc nhanh màn hình điện thoại thấy tin nhắn từ 15 phút trước: “Anh đợi bên ngoài rồi nhé.”. Tôi vẫy tay chào mọi người rồi vội vã chạy ra cửa.

Vận chiếc áo khoác màu đen, cổ quấn chiếc khăn đơn giản với các sọc màu tối, anh mặc quần bò màu sẫm và đi giầy thể thao trắng. Trông anh rất chững chạc nam tính, mà vẫn toát ra vẻ tươi trẻ khỏe khoắn. Anh mỉm cưởi vẫy tay khi thấy tôi chạy tới.

–  Xin lỗi anh, em hơi muộn! Mẹ của một bé đến hơi trễ. – Tôi vừa nói vừa thở hổn hển lấy hơi.

– Không sao em. Anh đợi cũng không lâu lắm. – Anh cười. Tôi nhận ra là hôm nay anh không đeo kính. Đôi mắt màu xanh lá của anh càng trở nên xanh hơn.

Anh dẫn tôi tới một quán pub dọc bờ sông Thames, nhìn bên ngoài trông giống như là một ngôi nhà cổ. Pub là một nơi rất đậm văn hóa Anh Quốc. Trong những thế kỷ trước pub là nhà công cộng nơi để người dân tụ tập, uống rượu và ngủ lại. Bây giờ nó giống như là nhà hàng hơn là một quán rượu. Nhưng nó vẫn có quầy bán các đồ uống ở ngay giữa quán. Nhiều người vẫn vào pub để uống bia rượu và xem các trận đấu thể thao.

Vào thế kỷ thứ 17, Samuel Pepys đã mô tả các quán pub này như là “trái tim của nước Anh” trong các tác phẩm của mình. Thời sinh viên, tôi chủ yếu nấu ở nhà hoặc ăn nhanh ăn tạm cái gì đấy, chứ hiếm khi nào đi nhà hàng. Thế nên mặc dù cũng có biết qua nhưng chưa từng đặt chân vào các quán thế này.

Chúng tôi chọn một bàn ở trong góc quán nhìn ra dòng sông Thames. Không khí trong quán thật ấm cúng với ánh nến chập choạng và ánh đèn neon dọc theo các dải lá kim trang trí trên bệ cửa sổ và trên trần nhà.

– Em là người Việt Nam đầu tiên mà anh biết đấy. – Anh nói tay đưa cho tôi khăn giấy ăn – Ở Việt Nam mọi người dùng ngôn ngữ gì? Có nhiều người biết tiếng Pháp không?

– Ngôn ngữ nói ở Việt Nam là tiếng Việt. Dưới thời Pháp đô hộ thì mọi người bị ép học và nói tiếng Pháp. Ông bà em chắc là biết một ít tiếng Pháp. Nhưng bây giờ phần lớn mọi người học tiếng Anh ở trường. Tiếng Trung cũng trở nên phổ biến hơn.

– Anh có học một chút tiếng Trung ở đại học. Thật quả là khó về thanh điệu. Anh cứ lẫn lộn thanh điệu tùm lum.

Tôi nhìn anh ngạc nhiên, lại thêm một điểm giống nhau nữa:

– Em cũng học tiếng Trung ở đại học đấy. Nhưng em thấy không quá khó với người Việt Nam vì tiếng Việt còn nhiều thanh điệu hơn.

– Còn nhiều hơn cơ à? Em thử nói hết thanh điệu tiếng Việt cho anh nghe xem nào.

– Đây nhé, em sẽ nói từng từ một, xem anh có nghe ra không.

Tôi chậm rãi phát âm từng từ:

– a…à… á… ả… ã… ạ…

Anh bắt chước tôi nói lại, nhưng mà thanh nọ lái sang thanh kia, khổ sở môi tròn môi dẹt. Không muốn anh chùn bước trước việc học tiếng, tôi khen khích lệ:

– Anh nói khá lắm! 

Anh bật cười trước lời khen rộng rãi của tôi, lắc đầu chịu thua:

– Em nhân nhượng anh rồi. Anh thấy âm nào cũng giống âm nào cả.

Chúng tôi cứ thế chuyện nối chuyện. Tôi mới quen anh được hơn nửa tháng, vậy mà tôi cảm thấy như biết anh từ lâu lắm rồi. Tôi và anh, hai người tưởng như không có gì liên quan về tuổi tác, về văn hoá, về lối sống, về hoàn cảnh gia đình, lại có vô vàn những điểm chung về sở thích thói quen và suy nghĩ tư tưởng. Chúng tôi hiểu nhau tới lạ kỳ. Có nhiều người khi nói chuyện, tôi tưởng mình nói điều gì hiển nhiên lắm rồi, người ta vẫn không hiểu. Giống như là tôi đang phát sóng lệch kênh. Còn tôi với anh, có dùng sai từ, câu cú chẳng ra đâu vào đâu, chúng tôi vẫn hiểu ý nhau. Cứ như là có thể đọc suy nghĩ của nhau.

– Mình gọi hóa đơn tính tiền ăn ra nhé. Em sẽ trả một nửa. – Nói chuyện với anh thời gian lúc nào cũng trôi qua thật nhanh. Nhoáng cái mà đã hơn hai tiếng đồng hồ. 

Anh mỉm cười:

–  Không sao đâu em. Anh đã trả lúc gọi món ở quầy rồi. Lần này để anh đãi em.

Tôi ngạc nhiên. Vì chưa đi ăn quán pub kiểu này bao giờ nên không biết là phải trả tiền trước khi ăn. Từ thời đi học, tôi với nhóm bạn người vẫn hay quen chia phần trả tiền hoặc là ai trả người nấy. Nhưng cũng ngại không muốn đôi co nhiều, tôi bảo anh:

– Cám ơn anh nhá. Vậy để em đãi anh lần sau.

Bầu trời hôm nay thật là trong xanh. Một vài cụm mây trắng trôi lững lờ như thể đang thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của Luân Đôn trong chiều đông se se lạnh. Tôi đứng trên cây cầu bắc qua sông Thames, ngắm nhìn cả thành phố bắt đầu lác đác lên đèn. Luân Đôn trong ánh đèn buổi chiều tàn thật là lộng lẫy kiêu sa. Ở đằng xa sau những toà nhà kính chọc trời vẫn còn hửng sáng sắc vàng dịu êm của những tia nắng cuối cùng. Tôi không kìm được phải thốt lên:

– Thật là đẹp quá!

Thỉnh thoảng lại có một cơn gió vô tình thổi qua làm hai cục bông trắng trên cái mũ trùm kín tai của tôi bay phất phới. Không khí lạnh đến rùng mình, nhưng lòng tôi lại cảm ấm áp vô cùng. Tôi bất giác hỏi anh:

–  Anh có tin vào tình yêu không điều kiện không? Yêu không vì lý do gì. Yêu không đòi hỏi. Yêu chỉ vì yêu.

– Có, anh tin chứ. – Anh nhoẻn miệng cười nhìn tôi đầy trìu mến. 

Tim tôi rộn lên một cảm giác xốn xang khó tả.

Bước đi cạnh anh dọc dòng sông, có một vài lần tay tôi chạm vào tay anh, không biết là vô tình hay hữu ý. Mặc dù qua hai lớp găng tay dày, tôi vẫn cảm nhận sự hồi hộp lan tỏa trong tim. Một nửa trong tôi chỉ muốn nắm lấy tay anh. Một nửa còn lại thì rụt rè nhút nhát, không biết liệu anh có cảm thấy con tim dao động như tôi không?

Anh dẫn tôi đến Canary Wharf, khu trung tâm thương mại mới của thủ đô Luân Đôn, nằm ở phía Đông của thành phố. Khu vực này chen chúc những tòa nhà kính chọc trời cao nhất nhì Châu Âu, bao gồm nhiều trụ sở chính của các ngân hàng và doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Điểm thu hút của Canary Wharf là nó được bao bọc bởi dòng sông Thames. Cứ đi một đoạn tôi lại nhìn thấy các con tàu nằm nghỉ yên bình trên bến tàu, thi thoảng nhẹ nhàng đung đưa theo nhịp nước.

Ngay giữa quảng trường Cabot rộng lớn lọt thỏm giữa các tòa nhà là cây thông lớn bên cạnh vòi phun nước. Cây thông cùng với hàng cây quanh quảng trường được trang hoàng rực rỡ với ánh đèn neon sáng lóa sẵn sàng cho ngày lễ Giáng Sinh.

– Anh đứng vào đây. Em chụp cho anh cái ảnh kỷ niệm. – Tôi nói chỉ tay vào thành của vòi phun nước phía trước cây thông.

Tôi lấy cái điện thoại HTC của tôi chụp cho anh. Anh cũng giúp tôi chụp một cái ảnh.

– Không biết anh chụp có bị mờ không? – Anh nói đưa lại điện thoại cho tôi – Anh không quen với máy điện thoại cảm ứng màn hình thế này. Anh chỉ có gọi với nhắn tin, nên chỉ dùng loại Nokia cơ bản thôi.

Lâu lắm rồi tôi mới gặp người dùng loại Nokia cũ này. Tự dưng tôi thấy thật yêu cái mộc mạc đơn giản này của anh.

– Anh chuyển về đây được nửa năm rồi. – Anh vừa nói vừa mở cửa căn hộ – Cũng may là chủ cũ để lại hết các đồ đạc trong nhà nên anh không phải mua sắm gì nhiều.

Lần trước ở buổi hội thảo cuối tuần, tôi có kể cho anh về vấn đề với căn hộ hiện tại của tôi và có đề cập là đang tìm một chỗ ở mới. Vừa hay cậu bạn của anh vừa chuyển ra, anh đề nghị cho chị em tôi ở tạm nếu tôi cần gấp một chỗ ở. Thế nên là nhân tiện hôm nay gặp mặt anh mời tôi đến nhà xem có vừa ý không.

Căn hộ hai phòng ngủ của anh nằm ngay gần cầu Tháp (Tower Bridge) và vũng tàu thủy St Catherine’s, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Luân Đôn. Căn hộ nhìn rất hiện đại với sàn gỗ sáng, cửa kính lớn và ban công nhìn ra trường học đối diện với toà nhà. Rèm cửa, thảm, ghế sofa và tranh trên tường được phối màu cẩn thận với gam màu chính là sắc tím trang nhã thanh lịch. Trong nhà không có nhiều đồ đạc. Mọi thứ toát lên vẻ đơn giản, không cầu kỳ như người chủ của nó vậy.

– Em muốn uống gì để anh lấy cho? Có trà, cà phê, và nước hoa quả.

– Cho em nước trắng là được rồi. – Tôi nói ngồi xuống chiếc ghế ăn cạnh chiếc bàn kính.

Tôi cảm thấy thật lạ bước vào nơi anh ở, bước vào không gian riêng của anh. Tôi cảm thấy như là một bước gần hơn với anh.

Chúng tôi chỉ vừa kịp uống miếng nước, xem căn phòng là đã tới giờ đi nhà thờ. Cả buổi ở nhà thờ tôi cứ liếc trộm anh, tò mò không biết anh cảm thấy thế nào về mình.

– Anh sẽ đi với em ra trạm tàu? – Anh nói khi tiếng dương cầm vừa vang lên báo hiệu buổi lễ kết thúc.

Tôi mỉm cười gật đầu, vui sướng thầm trong bụng.

Vẫn là con đường Threadneedle Street mà tôi đi bộ hai tuần một lần tới nhà thờ. Đi với anh, con đường không còn cái vẻ ngạo nghễ trước kia. Nó tự dưng trở thành con đường dải lụa màu hồng, lãng mạn nhất Luân Đôn.

Chúng tôi bước đi chầm chậm trong yên lặng. Anh nhìn đăm chiêu xuống đường như thể có điều gì muốn nói mà không biết phải nói thế nào.

– Hôm nay em cảm thấy rất… đặc biệt dành thời gian với anh. – Tôi ngập ngừng mở lời trước. – Không phải ai em cũng cảm thấy đặc biệt thế này.

Tôi nín thở chờ đợi phản ứng của anh.

Anh đưa mắt nhìn tôi, môi nở một nụ cười hiền ngượng ngùng:

– Anh cũng cảm thấy rất đặc biệt với em.

Anh nói tiếp:

– Không hiểu sao anh cảm thấy rất thoải mái với em. Anh không phải là người dễ thân thiết với người khác. Thông thường phải sáu tháng, một năm thì anh mới có thể thấy thoải mái. Vậy mà với em ngay từ những lần đầu anh đã thấy rất thân thiết và dễ dàng mở lòng.

Lời anh nói làm tôi cảm thấy đê tê mê như thể vừa rít một liều shisha. Ấy là tôi đoán thế chứ cũng chưa thử shisha bao giờ.

Cửa trạm tàu đã ngay kề bước chân tôi. Lần đầu tiên tôi thấy thật là tiếc sao con đường lại ngắn thế.

– Cám ơn em nhé! – Anh nói khi chúng tôi dừng chân trước cửa trạm tàu – Anh đã có một thời gian thật tuyệt vời.

Tôi nhe răng cười toe toét:

– Em cũng vậy. Cám ơn anh.

Nói rồi chúng tôi cứ thế đứng nhìn nhau cười thêm một lúc.

– Muộn rồi, em phải về đây. Em gái em đang đợi cơm. – Tôi nói giọng có chút tiếc nuối.

– Ừ vậy em xuống trước đi rồi anh sẽ về. – Anh gật đầu.

Tôi quay người rảo bước xuống trạm tàu điện ngầm. Tôi vẫn còn cảm thấy mình đang sống trong mơ. Nếu nó là một giấc mơ, tôi thực sự không muốn tỉnh giấc. Quay đầu vẫy chào anh lần cuối, tôi nhảy chân sáo đi khuất vào trong.

***

www.facebook.com/chuyencuangan/

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!