Một buổi thuyết trình

1. Đầu tuần vừa rồi, đang chuẩn bị xách cặp ra về thì sếp ới lại bảo:

“Mấy hôm nữa có cuộc họp toàn ngành, tranh thủ cơ hội này em làm bài thuyết trình về cái chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mới, phổ cập cho anh em đồng nghiệp cái nhỉ.”

Giải thích cho bạn nào không biết về ngành kế toán, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (International Financial Reporting Standards, hay viết tắt là IFRS) là chuẩn mực mà nhiều tổ chức bên Anh áp dụng, nôm na giống như là luật kế toán. Cứ vài ba năm các bác trong ban tổ chức soạn luật lại sửa sửa chỉnh chỉnh, nghiên nghiên cứu cứu, tòi thêm ra các cái điều luật mới khiến cả nước khổ sở thay đổi hệ thống số má. Một phần việc hiện tại của mình là ngồi mần mấy cái luật này rồi đi phổ cập lại, hoặc là tư vấn cho các bên chưa rõ luật.

Khi nghe sếp đề xuất, mình đơ vài giây, vì cái tội chuẩn mực báo cáo tài chính mới này mình cũng không chưa biết nhiều. Dạo này ngập đầu với chuẩn bị cho mấy việc khác, chưa có thời gian nghiên cứu về chuẩn mực quốc tế mới mà tận năm 2020/21 mới bắt đầu áp dụng.

Mình thật thà: “Nhưng em có biết gì nhiều đâu mà phổ thông ai.”

Sếp bảo: “Không cần biết nhiều, chỉ cần thuyết trình 5-10 phút mấy cái thay đổi chính thôi.”

Mình vẫn tỏ thái độ lưỡng lự. Dù thuyết trình 5-10 phút nhưng công chuẩn bị chắc chắn ít nhất vài tiếng đồng hồ, cần phải nghiên cứu sách vở rồi phải chuẩn bị tài liệu thuyết trình. Mà họp liên ngành kiểu này ít nhất sẽ tầm ít nhất 20 tới 30 người. Mình đã có kinh nghiệm dẫn cuộc họp nhưng chủ yếu là họp đội của mình tầm dưới 10 người, toàn người thân thiết cười hì hì hà hà suốt ngày với nhau. Giờ nghĩ tới viễn cảnh thuyết trình trước đám đông toàn người lạ, có nhiều người cấp trên mình một chút, mình cũng thấy run lắm.

Sếp tiếp: “Đây là cơ hội tốt cho em đấy, giới thiệu mình với đồng nghiệp khác. Dù sao thì sau này các câu hỏi về chủ đề này cũng đều do em đảm nhiệm.”

Mình suy nghĩ thêm một chút nhưng cuối cùng thì cũng gật đầu đồng ý. Mình biết sếp muốn cho mình cơ hội luyện tập thuyết trình nói trước đám đông. Và mình cũng luôn muốn bước ra khỏi vùng an toàn. Chắc chắn sẽ không thoải mái, nhưng chính sự không thoải mái này sẽ nới rộng giới hạn của bản thân.

2. Ngày hôm sau, mình dành vài tiếng đồng hồ đọc tài liệu, chuẩn bị các slides thuyết trình. Tối về lấy chồng ra luyện tập. Bận rộn con cái nên chỉ có tầm nửa tiếng luyện tập nhưng cũng đủ để cảm thấy tự tin hơn. Ngôn ngữ vẫn là một điểm yếu của mình. Ở Anh hơn chục năm rồi nhưng ngôn ngữ của mình vẫn chưa được tự nhiên. Đặc biệt trong môi trường có áp lực, mình hay nói nhanh phát âm không chuẩn nuốt từ khiến người nghe khó theo dõi. Mình biết điều này nên cố gắng nói chậm lại, luyện tập nói đi nói lại các từ mình hay bị vấp.

Đến lúc lên giường đắp chăn đi ngủ rồi, mình vẫn còn ngó sang chồng tranh thủ: “Anh, nghe em thuyết trình nốt thêm một lần nữa nhé.”

Bác chồng nghe đi nghe lại cả chục lần đã mệt phờ râu, mắt nhắm tịt, một tay gác trán một tay vẩy vẩy bảo: “Em nói hay lắm rồi, em không phải lo. Sẽ ổn thôi. Thôi đi ngủ đi em.” 😂

3. Ngày hôm đó, đồng nghiệp kéo nhau đến rất đông. Sao mà đông thế không biết, phòng họp to đùng mà không đủ chỗ ngồi cả lên bàn ở trong góc (ơ lạ, tuần nghỉ giữa học kỳ của các bé học sinh mà không ai đi du lịch hay nghỉ ốm gì à 😂). Mình đến sớm ngồi ngay đầu bàn gần chỗ dây cắm, để lúc được giới thiệu là với cái dây cắm cái laptop thuyết trình luôn. Phải nói cả buổi tim mình cũng đập nhanh hơn thường, ngồi chờ tới lượt mình mà nghe chẳng hiểu mấy người kia nói gì mấy, câu được câu mất.

Nhưng chả hiểu sao khi đến lượt mình, tự dưng lại thấy bình tĩnh lạ. Cái vụ luyện tập quả là giúp ích rất nhiều. Nói vẫn hơn nhanh hơn mong muốn, nói vẫn đôi chỗ nuốt từ, sai chính tả tùm lum , các câu đùa vẫn chưa tự nhiên, nhưng theo mình tự thấy là nội dung chính rõ ràng rành mạch trong thời gian được quy định là 10 phút, thậm chí còn dõng dạc trả lời thêm một câu hỏi từ khán giả ở cuối (dù câu trả lời nội dung chính là: Tôi không biết😂).

4. Thực ra buổi họp này không có giám đốc hay phó giám đốc gì nên không quá áp lực. Các đồng nghiệp trong ngành nhà nước rất thân thiện dễ gần. Mục đích chủ yếu là phổ cập kiến thức chứ không phải là muốn thuyết phục ai hay là đề xuất phương án chiến lược gì. Thế nên việc mình thuyết trình vậy cũng không phải là điều gì to tát.

Nhưng cái quan trọng là những tác động của việc này vào suy nghĩ và nhận thức của bản thân mình.

Sau buổi thuyết trình, mình có thấy rất thỏa mãn, rất sung sức, rất tràn trề động lực trong công việc. Một cảm giác vô cùng mãnh liệt xuất hiện trong suy nghĩ của mình:

“Mình làm được và mình muốn làm nhiều hơn nữa.”

Và mình biết đó chính là kết quả tuyệt vời của việc nắm lấy cơ hội bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân.

Sự không an toàn luôn đi kèm với cơ hội.

5. Hôm đấy, có một đồng nghiệp viết email gửi cho mình bảo bài thuyết trình rất rõ ràng, một đồng nghiệp khác tình cờ gặp chỗ uống cà phê cũng bảo: “Bài thuyết trình của mày sáng nay rất là rõ ràng. Tao ước gì mày là cô giáo giảng bài kế toán cho tao luôn đi.” (Chị này hơn chức mình nhưng vẫn đang học bằng kế toán).

Mình chẳng biết có phải mọi người khen lịch sự không, nhưng mình vẫn thấy rất vui. Tự dưng làm mình nhớ hồi đi học mình đã từng thuyết trình môn Tâm Lý và cũng khá thích việc giải thích kiến thức lại cho người khác. Có khi nếu ngành kế toán không thành mình chuyển sang làm ngành sư phạm nhỉ. 😂

Ảnh: Con đường tới chỗ làm một ngày sáng mùa đông

0 Replies to “Một buổi thuyết trình”

  1. Mình kinh nghiệm hồi xưa hay đi thuyết trình phương án cho khách hàng nhiều, với hồi đại học toàn thuyết trình cãi nhau với các nhóm khác ầm ầm nên giờ chẳng biết sợ. Dù nói tiếng Đức mới 3 năm nay, lâu lâu gặp chữ nào không biết mình nói tiếng anh hoặc giải thích luôn tại chỗ ý mình thế này thế nọ. Hay được các bạn quốc têa hỏi bí quyết làm sao mà tự tin vậy, có gì đâu, bài t làm theo t là quá tốt nên phải làm sao chứng minh cho người khác thấy. 🙂

    1. Bạn có được kinh nghiệm và sự bạo dạn như vậy là quá tốt, sẽ giúp hoà nhập nhanh chóng trong cuộc sống và công việc. Mình từ bé hay có cái bệnh quan trọng suy nghĩ của người khác về mình nên tạo ra giới hạn cho bản thân. Khi lớn lên thì mới học cách phá bỏ nó, vẫn cố gắng từng bước học cách cân bằng yếu tố bên trong và bên ngoài.

    1. Đúng là có adapt anh ạ. Nhưng mà không phải IPSAS mà là họ có cái riêng do bộ Tài Chính xuất bản hàng năm, gọi là Government Reporting Framework Manual.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!