Một lần gặp bộ trưởng và Bài học từ vị nữ giám đốc
1. Ở Anh, mỗi Bộ đều có một người đứng đầu bộ lựa chọn qua bầu cử, được gọi là Secretary of State (Thư ký Nhà nước – SoS), và một người đứng đầu không qua bầu cử được gọi là Permanent Secretary (Thư ký thường trực – PS).
2. Ngày đội mình làm xong báo cáo tài chính cuối năm, có đặt lịch 15 phút trình giấy tờ lên cho bác ký. Bình thường chỉ cần một người, là anh quản lý của mình, mang giấy tờ lên thôi. Nhưng đợt này anh ấy rủ thêm mình và hai người nữa trong đội đi cùng.
Thế là bốn người lục đục ôm ba tập giấy dày hơn 600 trang leo lên đỉnh tòa nhà xin bác ký tặng 18 cái chữ ký.
Tới nơi được bác mời vào phòng ngồi quanh một cái bàn tròn. 18 chữ ký, xem chừng cũng mất một ít thời gian, vậy là vừa ký bác vừa… kể chuyện.
Bác kể một lần bác phát biểu ở một hội nghị có ghi hình đàng hoàng. Xong xuôi, bác được tặng cho một cái đĩa video làm quà lưu niệm mang về.
Tới nhà, bác cũng chẳng xem lại mà chỉ quẳng ngoài phòng khách thôi, rồi đi tắm rửa thay đồ.
Bẵng một lúc sau, từ trong nhà đi ra, bác bỗng thấy mình chình ình trên cái ti vi. Bác hơi hốt hoảng, tưởng truyền hình đăng tin vịt tin gà gì. Nhưng nhìn lại thì thấy không phải, bác thở phào.
Là ba đứa con bác đang chổng mông ngồi xem cái đĩa video kia.
Chúng nó thốt lên: “Didn’t know this is what you do at work!” (“Không ngờ đây là cái bố làm ở chỗ làm.”)
Bác cười cười phổng mũi: “What?” (“Sao con?”)
Chúng nó trả lời: “So boring!” (“Chán ốm!”)
Bác oạch!
3. Mình không gặp bác nhiều. Gặp bác nói chuyện vài câu thì có mỗi lần ấy. Các lần khác chủ yếu thấy bác lượn qua lượn lại gần chỗ mình ngồi. Mỗi lần bác đi qua, thể nào cũng có một loạt tiếng thì thầm liếc liếc bảo: “Bộ trưởng kìa! Ông cao cao ấy.”, hay “Bác ấy trẻ quá! Nhìn cứ như mới 50 ấy.” (Mình chẳng biết bác bao nhiêu tuổi). Nhìn chung thấy bác thân thiện dễ gần, cũng quý quý bác.
Một lần khác thì ngồi trong hội trường nghe bác cập nhật về tình hình Anh Quốc rời khỏi khối châu Âu, và những tiến triển trong Bộ về mặt này. Ngồi nghe cho biết thì mình cũng gật gật gù gù. Thấy bác nói chuyện cũng hơi ề à (Thế mà ngày xưa đọc sách thấy người ta bảo, muốn làm cao nói chuyện phải bỏ mấy cái từ ề à, cũng không nhất thiết à nha).
Đến cuối buổi, phần câu hỏi và trả lời. Mở màn là một câu hỏi từ phía cuối hội trường. Một câu hỏi từ một người nghe rất cay cú. Có vẻ người hỏi rất tức tối về việc Anh Quốc rời khỏi khối châu Âu. Mình không nhớ cụ thể nhưng đại ý là: “Nhìn thấy rất nhiều cái hại từ việc rời khỏi khối châu Âu, tại sao các Bộ Trưởng lại không cùng nhau đình công kiên quyết ngăn Thủ Tướng?”
Chậc, nghe giọng điệu câu hỏi cảm tưởng bác vừa đặt câu hỏi sẵn sàng ném cái ghế thẳng vào mặt Bộ Trưởng.
Hội trường căng thẳng. Mình cũng phải nín thở, sợ giùm bác Bộ Trưởng.
Nhưng mà bác Bộ Trưởng rất bình tĩnh nhé. Bác trả lời dài loằng ngoằng mình cũng chẳng nhớ hết, nhưng đại ý là quyết định rời thì đã quyết rồi. Giờ mình chỉ làm hết chức trách nhiệm vụ, giúp các quyết định của bộ Nội Các trong quá trình thực hiện quyết định này, được sáng suốt nhất, dựa trên cơ sở bằng chứng dữ liệu cụ thể, chứ không chỉ là đoán mò nữa.
Thực sự mình cũng thấy hơi oan bác Bộ Trưởng. Đi hay ở lại đều là do người dân bỏ phiếu mà. Dân chủ tự do, phải nghe lời kết quả bỏ phiếu thôi. Biết làm sao giờ.
Cái mình phục là thái độ bình tĩnh của bác Bộ Trưởng trước thái độ chống đối.
Quả thực làm cao không dễ, áp lực cũng kinh lắm.
4. Ở chỗ mình làm, họ hay tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp, giúp nhân viên các cấp có cơ hội gặp gỡ học hỏi kinh nghiệm từ những người cấp cao, thường là giám đốc trở lên.
Buổi đầu tiên mình đi, họ có mời 4 vị khách tới nói chuyện, đều là giám đốc trong các lĩnh vực khác nhau. Mình vẫn nghĩ là giám đốc thì phải ăn nói chim bay bướm lượn thế nào thì mới nắm được cái ghế này. Nhưng vẫn có một hai người nói chuyện hơi ề à một chút, khiến mình nhận ra khả năng nói mượt không phải là tất cả.
Có một vị nữ giám đốc khiến mình rất khâm phục. Bác làm giám đốc cũng nhiều năm rồi, kinh nghiệm trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, mà toàn là lĩnh vực khó nhăn trên trang đầu các mặt báo.
Bác rất trẻ trung thanh lịch. Tác phong cực kỳ chuyên nghiệp. Ăn nói dõng dạc đâu có đó. Và đặc biệt là những chia sẻ khiến người nghe không khỏi cảm thấy được truyền cảm hứng.
Bác chia sẻ ba điều từ sự nghiệp của bản thân:
- Thứ nhất: Learn about yourself
Điều thứ nhất là tìm hiểu về bản thân mình. Mình muốn gì, mình thích gì, điểm mạnh của mình là gì, điểm yếu của mình là gì. Chỉ khi nắm được những điều này thì mới có thể tìm được công việc khiến mình thức dậy mỗi sáng và cảm thấy hào hứng đến chỗ làm.
Điều này mình thấy rất đúng. Nhiều lúc cuộc sống bận bịu nhiều thứ khiến người ta quên đi việc nhìn lại bản thân. Dành thời gian suy nghĩ về bản thân mình, về những điều mình đã làm sẽ giúp đỡ tích cực cho phát triển sự nghiệp về mặt lâu dài.
- Thứ hai: Get over the imposter feeling
Điều thứ hai là vượt qua hội chứng “kẻ giả mạo” hay còn gọi là hội chứng “kẻ lừa đảo”. Đó là cảm giác mình không có đủ khả năng, mình kém cỏi, mình không phù hợp cho cái vị trí mình đang ngồi. Hội chứng này có thể tấn công bất cứ ai, nhưng thường xảy ra nhiều hơn với phụ nữ và các nhóm thiểu số.
Mình biết nhiều người trải qua cảm giác này, nhưng có thể nghe trực tiếp từ một con người thành công về mọi mặt và đĩnh đạc tự tin như bác, có cái gì đó động viên mình rất nhiều. Kiểu như là… À, hoá ra không chỉ có mình thi thoảng cảm thấy vậy, mà cả những người sáng loá như bác giám đốc cũng có lúc cảm thấy như vậy.
- Thứ ba: Don’t be afraid to stay long in one position – career can zig zag. The important thing is what you can learn from it.
Đừng e ngại ở lâu trong một vị trí, sự nghiệp có thể lên lên xuống xuống. Điều quan trọng là bạn học được gì từ công việc đó vị trí đó.
Bác bảo ngày nay mọi người nhảy việc quá nhiều, muốn thăng tiến quá nhanh. Nhiều lúc cần ở lâu đủ để thực sự học hỏi và làm điều gì đó có ảnh hưởng tích cực lên lĩnh vực mình làm.
Một lần nữa, chia sẻ của bác khiến mình thấy khí thế hừng hực, không sợ phải làm ở một vị trí quá lâu.
5. Mấy tháng vừa rồi mình quá bận bịu với báo cáo cuối năm, bây giờ mới có lỗ để thở. Thực sự hi vọng trong mấy tháng tới mình có thể nhìn nhận lại bản thân và xác định điều mình mong muốn cho công việc và sự nghiệp của mình là gì.