Ngành Ngân Hàng Đầu Tư (Investment Banking)
Lần trước mình đã chia sẻ với mọi người về lương bổng trong ngành Kiểm Toán. Hôm nay mình xin chia sẻ thêm về những điều mình tìm hiểu được về ngành Ngân Hàng Đầu Tư (Investment Banking), một ngành hót hòn họt với mức lương bổng không tưởng trong thế giới tài chính nhưng mức độ xì chét cũng không kém phần.
1. Ngân hàng đầu tư làm những gì?
Ngân hàng đầu tư là một bộ phận của ngân hàng cung cấp những dịch vụ sau cho các tổ chức, công ty và chính phủ:
- làm trung gian tài chính: ví dụ giúp công ty phát hành cổ phiếu, giúp tìm nhà đầu tư cho trái phiếu doanh nghiệp;
- làm cố vấn tài chính: ví dụ tư vấn chiến lược về các vấn đề tài chính;
- trợ giúp sáp nhập và mua lại (Merger and Acquisition): đánh giá giá trị của việc mua lại và giúp các bên tìm ra mức giá hợp lý.
2. Cấu trúc
Ngân hàng đầu tư chia ra làm Front Office, Middle Office, và Back Office:
- Front Office: được cho là gương mặt, bộ phận đối ngoại làm việc với khách hàng hay còn gọi là bộ phận kiếm cơm của ngân hàng.
- Middle Office: bộ phận làm nhiệm vụ hỗ trợ Front Office như là quản lý rủi ro, quản lý tài chính, tư vấn pháp luật.
- Back Office: được cho là xương sống, không trực tiếp làm việc với khách hàng, không kiếm doanh thu, mà vận hành bộ máy tổ chức, ví dụ như kỹ thuật (IT), nhân lực (HR), kế toán…
3. Cấp bậc và lương bổng
Lương bổng của Back Office ở ngân hàng so với mặt bằng chung có thể cao hơn một chút, nhưng không thể nào sánh với Front Office. Middle Office được thơm lây một chút từ Front Office, nhưng cũng không thể nào sánh bằng.
Mức lương dưới đây là dành cho Front Office (nguồn ghi cuối bài, số đã làm tròn, lương cả năm trước thuế), chú ý lương là cố định còn thưởng tùy năm, tùy xem công ty có kiếm được nhiều lợi nhuận hay không:
> Analyst: Khi mới ra trường, sẽ được nhận vào làm Analyst.
Analyst năm 1 (Khởi điểm, mới ra trường): Lương £50k + Thưởng £40k = Tổng £90k (Sau thuế: £5k/tháng)
Analyst năm 2: Lương £55k + Thưởng £60k = Tổng £115k (Sau thuế: £6k/tháng)
Analyst năm 3: Lương £60k + Thưởng £70k = Tổng £130k (Sau thuế: £6.5k/tháng)
> Associate: Sau khi làm Analyst được 3 năm, sẽ được lên chức làm Associate. Hoặc nếu học xong bằng MBA, cũng có thể được tuyển vào thẳng làm Associate.
Associate năm 0 (mới thăng chức hoặc khởi điểm sau MBA): Lương £80k + Thưởng £30k = Tổng £110k (Sau thuế: ~£6k/tháng)
Associate năm 1: Lương £90k + Thưởng £70k = Tổng £160k (Sau thuế: £8k/tháng)
Associate năm 2: Lương £105k + Thưởng £100k = Tổng £205k (Sau thuế: £10k/tháng)
Associate năm 3: Lương £120k + Thưởng £100k = Tổng £220k (Sau thuế: £10.5k/tháng)
> Vice President: Sau 3 năm Analyst, 3 năm Associate, sẽ được lên chức kế gọi là Vice President (hay viết tắt là VP). Kể từ cấp bậc này việc lên chức không còn dễ dàng, thường sau 3 năm có thể lên tiếp tới chức Director (Giám Đốc), nhưng cũng có người tắc ở VP mãi mãi. Theo thống kê, VP năm 1 trung bình kiếm cả lương cả thưởng là £250k (Sau thuế: £12k/tháng), VP năm 3 trung bình khoảng £320k (£15k/tháng). Lương cứng không thưởng trung bình từ £120k tới £170k.
> Director: Lương cứng trung bình £200k tới £300k, thưởng có thể bằng 100% – 200% lương.
> Managing Director (MD): Sau hai năm làm Director, thành công lên chức sẽ trở thành MD. MD lương cứng trung bình từ £350k tới £550k, thưởng tùy năm và có thể bằng 100% – 200% lương đưa tổng lên khoảng 1 triệu bảng. Chú ý rằng vị trí MD không quan trọng hoành tráng như cái tên chỉ ra (ngoài việc kiếm vô cùng nhiều tiền), vì một ngân hàng có thể có tới 500 MD.
4. Mất bao lâu để lên tới chức MD?
Thống kê chỉ ra rằng, với bằng đại học, trung bình mất 17 năm rưỡi, tức là ra trường năm 21 và tới năm 38 tuổi có thể kiếm tới triệu bảng. Nếu học bằng MBA, thì trung bình mất 13 năm, tuy nhiên MBA thường đòi hỏi ít nhất 2 năm kinh nghiệm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, nên số tuổi sẽ tương đương tầm 38 tuổi để làm tới chức MD.
Tuy nhiên, trong lịch sử đã có trường hợp đã trở thành MD ở tuổi 27 tại Goldman Sachs (Kunal Shah).
5. Độ xì chét
Ngành Ngân Hàng Đầu Tư với mức lương bổng hót hòn họt như vậy tất nhiên là rất cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ sức lực để theo vì độ xì chét vô cùng cao. Khi mới vào ở mức Analyst, làm việc từ 9 giờ sáng tới nửa đêm là chuyện thường xuyên, làm việc cuối tuần cũng là một điều tất yếu. Dù đã lên tới chức Director hay MD thì vẫn phải làm tới 10 giờ đêm. Trung bình giờ làm việc một tuần là 80 tới 100 giờ. Rất nhiều người dù vào được, cũng không theo nổi tới hết cấp bậc Associate vì sự xì chét của công việc. Nói chung có thể gọi là làm việc không có thời gian để thở.
6. Danh sách các ngân hàng có bộ phận Ngân Hàng Đầu Tư lớn
Goldman Sachs, JP Morgan Chase, Barclays, Bank of America Corporation, Morgan Stanley, Deutsche Bank, Citigroup, Credit Suisse, UBS Group AG, HSBC Holdings plc.
7. Một số chia sẻ
Nếu bạn nào biết Tiếng Anh có thể đọc thêm về chia sẻ trực tiếp của những người đã làm trong ngành trên trang web quora này:
https://www.quora.com/topic/Investment-Bankers
8. Nguồn
https://news.efinancialcareers.com/uk-en/164/the-current-state-of-salaries-bank-by-bank
https://www.glassdoor.co.uk/Salaries/director-investment-banking-salary-SRCH_KO0,27.htm
https://www.quora.com/How-long-does-it-take-an-investment-banker-to-become-a-director-of-finance
Trang web để tính lương sau thuế: https://www.moneysavingexpert.com/tax-calculator/
https://www.investopedia.com/articles/investing/111114/worlds-top-10-investment-banks.asp
Nguồn ảnh: https://www.investopedia.com/articles/personal-finance/042215/what-do-investment-bankers-really-do.asp