Chia sẻ về nghề Kế Toán tại Anh Quốc
Nhờ có câu hỏi gần đây của một bạn đọc mà mình nhận ra mình chưa viết bài chia sẻ cụ thể về ngành nghề kế toán và kiểm toán ở Anh Quốc của mình. Hôm nay mình xin viết một bài chi tiết chia sẻ về nghề kế toán, hi vọng giúp cho các bạn cân nhắc chọn lựa nghề nghiệp. Nếu bạn đọc muốn hỏi thêm về khía cạnh gì khác, cứ để lại lời nhắn cho mình trong phần bình luận và mình sẽ thêm vào bài viết nhé.
- Kế toán làm những gì?
- Lương bổng cơ hội thăng tiến của ngành kế toán?
- Cần bằng cấp gì để trở thành kế toán?
- Người thế nào thì phù hợp với ngành nghề?
- Thông thường người Việt Nam có những con đường nào để xin việc ở Anh Quốc?
1. Kế toán làm những gì?
Nếu nhắc tới nghề kế toán, chắc mọi người sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh một người ngồi văn phòng với cuốn sổ đầy chặt những con số ở trước mặt, một bên là cái máy tính bảng, bên còn lại đống hoá đơn chứng từ. Hình ảnh này không hoàn toàn sai, nhưng chỉ là một khía cạnh vô cùng nhỏ của nghề kế toán. Trên thực tế không phải kế toán nào cũng nhập dữ liệu hoá đơn. Bản thân mình trong nghề hơn 7 năm nay, chưa từng nhập bất cứ một cái hoá đơn nào vào hệ thống.
Nghề kế toán bao gồm những trách nghiệm gì phụ thuộc nhiều vào kích cỡ của công ty, của tổ chức. Nếu tổ chức nhỏ, kế toán có khả năng làm từ A đến Z, việc nhỏ việc lớn gì cũng đến tay, từ nhập hoá đơn cho tới lên kế hoạch chiến lược tài chính. Tuy nhiên nếu tổ chức lớn (ví dụ như bộ trung ương nhà nước như của mình, hay top 500 công ty trên sàn chứng khoán của Anh), sẽ có rất nhiều các nhánh nhỏ khác nhau trong bộ phận tài chính, và công việc kế toán sẽ có phạm vi hẹp hơn nhưng sâu hơn.
Bộ phận tài chính thường được chia thành các nhánh sau:
• Finance Operations – Vận hành tài chính: Đây chính là nhánh làm nhiệm vụ nhập hoá đơn từ nhà cung cấp vào hệ thống, gửi hoá đơn tới khách hàng, thanh toán hóa đơn, tính lương và trả lương… Bộ phận này không đòi hỏi nhiều kiến thức kế toán, chủ yếu là làm theo quy trình, vì thế chưa có bằng cấp cũng có vào bộ phận này.
• Financial Accounting/ Reporting – Báo cáo tài chính: Đây là nhánh chuẩn bị báo cáo tài chính theo quy định của nhà nước pháp luật, đòi hỏi kiến thức kế toán cao. Báo cáo thường được làm sau 6 tháng và 1 năm. Nếu có sự thay đổi gì trong luật kiểm toán, nhánh này sẽ chịu trách nghiệm tiến hành áp dụng. Báo cáo sẽ được kiểm tra sát sao bởi bên kiểm toán, thường được sử dụng bởi các đối tượng bên ngoài có quan tâm tới công ty như là các nhà đầu tư, ngân hàng, giới truyền thông… Thông thường cần phải có bằng cấp chuyên ngành để vào bộ phận này. Có rất nhiều kiểm toán, sau khi rời công ty, sẽ vào nhánh này vì kinh nghiệm có liên quan chặt chẽ. Hiện đây là nhánh mình đang làm.
• Financial Management/ Analysis – Quản lý và phân tích tài chính: Đây là nhánh chuẩn bị báo cáo cho nội bộ của công ty, đối tượng sử dụng là quản lý giám đốc để nắm rõ tình hình lợi nhuận của công ty và ra các quyết định kinh doanh. Báo cáo được sản xuất hàng tháng để quản lý giám đốc được cập nhật thường xuyên. Bộ phận này đòi hỏi kiến thức kế toán chắc chắn nhưng không cần phải quá phức tạp.
• Strategic Finance/ Finance Planning – Chiến lược và kế hoạch tài chính: Đây là nhánh lên kế hoạch và chiến lược tài chính 1 năm, 5 năm, 10 năm cho công ty. Bộ phận này không đòi hỏi nhiều kiến thức kế toán mà cần hơn là hiểu biết và kiến thức về việc kinh doanh của tổ chức.
• Finance Business Partnering – Cộng sự tài chính kinh doanh: Đây là nhánh đứng giữa tài chính và kinh doanh làm cầu nối giữa hai bên, cần phải hiểu về kế toán (nhưng không cần phải hiểu rõ hết các phần phức tạp) và hiểu về việc kinh doanh của tổ chức. Nhiệm vụ có thể là phụ trách ghi chép lên kế hoạch tài chính cho một nhánh kinh doanh cụ thể nào đó của doanh nghiệp, hoặc cầm ngân sách cho một đề án… Công việc của nhánh Cộng sự tài chính kinh doanh này thường đa dạng nhất, đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt để có thể làm cầu nối các bên.
2. Lương bổng cơ hội thăng tiến của nghề kế toán?
Mình liệt ra dưới đây các cấp bậc thăng tiến trong các công ty. Mức lương đưa ra dựa trên hiểu biết của mình, không phải thống kê chính thức. Mức lương sẽ khá là khác nhau giữa Luân Đôn và ngoài tỉnh, và cũng phụ thuộc vào kích cỡ của công ty.
• Kế toán viên cấp thấp dưới 3 năm kinh nghiệm (Junior Accountant): Lương £20k – £40k một năm trước thuế (chừng £1.4k – £2.5k một tháng sau thuế, ~ 42tr – 75tr VNĐ một tháng). Ở mức độ này thường chưa học xong bằng cấp kế toán chuyên ngành.
• Kế toán viên nhiều kinh nghiệm hơn (Senior Accountant): Lương £45k – £70k một năm trước thuế (chừng £2.8k – £4.1k một tháng sau thuế, ~ 84tr – 123tr VNĐ một tháng). Phần lớn các kế toán giành được bằng cấp chuyên ngành rồi hay đạt tới mức độ này. Ở Luân Đôn hoàn toàn có thể đạt tới mốc £70k sau 6 tới 8 năm kinh nghiệm.
• Kiểm soát viên tài chính (Financial Controller): Lương £60k – £100k một năm trước thuế (chừng £3.6k – £5.5k một tháng sau thuế, ~ 108tr – 165tr VNĐ một tháng). Những ai có khả năng hơn thì sẽ có thể thăng tiến tiếp tới mức này sau 7 tới 15 năm kinh nghiệm tuỳ theo mức độ công ty lớn nhỏ.
• Giám Đốc Tài Chính (Finance Director): Lương £80k – £150k một năm trước thuế (chừng £4.5k – £7.5k một tháng sau thuế, ~ 135tr – 225tr VNĐ một tháng). Chỉ một số ít sẽ tiến tới cấp độ này.
• Tổng Giám Đốc Tài Chính (Chief Financial Officer CFO): £150k – £500k (chừng £7.5k – £23k một tháng sau thuế, ~ 225tr – 690tr VNĐ một tháng). Thêm một số cực ít tiến tiếp tới mức này.
• Tổng Giám Đốc Điều Hành (Chief Executive Officer CEO): tuỳ theo cỡ công ty, ở những công ty lớn, lương bổng của CEO sẽ là vào triệu bảng một năm. Và một số cực cực ít tiến tiếp tới mức tận cùng điều hành tổng công ty luôn.
Theo mình quan sát thì đi theo nhánh Vận Hành Tài Chính (Finance Operations), thăng tiến sẽ chậm hơn các nhánh tài chính còn lại ở các tổ chức lớn, vì sẽ biết nhiều về các quy trình vận hành nhưng ít tiếp xúc với mảng kinh doanh. Muốn thăng tiến lên cao, kiến thức tài chính chỉ là một phần, cái quan trọng hơn nữa phải biết sử dụng kiến thức tài chính này để hỗ trợ sát sao cho việc kinh doanh và điều hành tổ chức.
3. Cần bằng cấp gì để trở thành kế toán?
Ở Anh để làm kế toán bằng cấp chuyên ngành ACA/ACCA quan trọng hơn bằng đại học. Ngày nay có nhiều tổ chức nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông vào làm luôn mà không cần phải học đại học. Thường dưới chương trình học nghề Apprenticeship do nhà nước phần nào tài trợ.
Nếu có học đại học, cũng không quan trọng học ngành gì. Vì khi bắt đầu công việc kế toán, thông thường sẽ vừa làm vừa học bằng ACA/ACCA, tất cả sẽ được huấn luyện từ đầu. Chương trình dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở các tổ chức lớn được gọi là Graduate Scheme.
Bằng ACA/ACCA mất ít nhất 3 năm vừa học vừa làm để hoàn thành, có chừng 15 bài kiểm tra. Phần kinh nghiệm việc làm là bắt buộc để tốt nghiệp ACA/ACCA.
4. Người thế nào thì phù hợp với nghề kế toán?
Tuỳ theo các nhánh tài chính mà kỹ năng cần có cũng khác nhau, nhưng nhìn chung nếu bạn có những điểm sau, thì có thể sẽ thích hợp với công việc kế toán:
• Thích làm việc với những con số, excel, thích phân tích số liệu
• Cẩn thận tỉ mỉ kỹ càng
• Chăm chỉ không ngại làm việc thêm giờ để kịp thời hạn (Ngành kế toán thường hay có nhiều thời hạn báo cáo cố định, theo tháng, theo quý, theo năm, nên chắc chắn sẽ có những giai đoạn phải làm thêm giờ, đặc biệt ở các tổ chức lớn).
• Trung thực (tuyệt đối không khai khống số má nghe, đi tù chứ chẳng đùa đâu 😆)
Nếu muốn thăng tiến thì cần thêm:
•Khả năng giải quyết vấn đề
•Khả năng phân tích phản biện đặt câu hỏi
•Khả năng hiểu tận gốc vấn đề
•Khả năng nhìn nhận lại những cái mình đã làm để học hỏi, thay đổi và phát triển
Từ chức vụ quản lý trở lên (kế toán có nhiều kinh nghiệm hơn) thì sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm để làm tốt và thăng tiến, bao gồm kỹ năng chỉ huy, giao tiếp và tạo sự ảnh hưởng, làm việc nhóm.
Muốn lên tới chức vụ Kiểm Soát Viên Tài Chính và cao hơn thì ngoài kiến thức nghiệp vụ, các kỹ năng mềm, còn phải biết rõ về mảng kinh doanh của tổ chức, và biết cách sử dụng tài chính để hỗ trợ ban Giám Đốc đưa ra các quyết định kinh doanh.
Có bạn đã từng hỏi mình nghề Kế Toán có vất vả không. Vất vả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn tham vọng tiến xa bao nhiêu. Nếu bạn muốn nhàn sẽ có nhàn, nhưng tất nhiên đổi lại lương bổng sẽ không nhiều, chức vụ sẽ không cao. Còn muốn lên cao, kiếm nhiều tiền, thì không chỉ kế toán mà ngành nào cũng vất vả.
5. Thông thường người Việt Nam có những con đường nào để xin việc ở Anh Quốc?
Theo quan sát của mình có nhiều con đường để trở thành kế toán ở Anh. Sau đây là một số con đường của bản thân mình và một số bạn mình đã gặp.
• Sang Anh từ 16, 17 tuổi học phổ thông 1 hoặc 2 năm, rồi học đại học 3 năm không quan trọng môn gì, rồi tốt nghiệp xin vào công ty vừa học vừa làm bằng ACA. Con đường này thường cơ hội cao nhất, vì khoảng thời gian học tập dài bên Anh giúp có thời gian nâng cao ngôn ngữ, thích ứng với môi trường văn hoá con người, và có nhiều cơ hội luyện tập từ xin việc thực tập tới việc chính thức.
• Tốt nghiệp đại học ở Việt Nam hoặc đã đi làm ở Việt Nam, sang Anh học Thạc Sỹ (cũng không quan trọng mấy là môn gì, nhưng nếu học gì đó về tài chính kế toán sẽ có thể giúp ích cho thêm một chút tự tin vì mình sẽ nắm rõ các thuật ngữ chuyên ngành), rồi tốt nghiệp xin đi làm. Con đường này sẽ vất vả hơn vì chỉ có 1 năm để vừa học ngôn ngữ, vừa học kiến thức ôn thi ở trường, vừa xin việc. Tuy nhiên giờ nước Anh có chính sách cho du học sinh ở lại 2 năm sau khi tốt nghiệp nên cũng có thêm chút thời gian.
• Học và làm việc ở Việt Nam, sau đó xin vào công ty lớn đa quốc tại Việt Nam (ví dụ Big4 – PwC, KPMG, Deloitte, EY), rồi xin chuyển sang các nước nói tiếng Anh ở châu hoặc châu Âu. Theo như chia sẻ của một bạn mình biết đã đi con đường này, bạn bảo là cơ hội được chuyển cũng khá thấp, không phải dễ dàng.
• Lấy chồng hoặc sang Anh theo chồng con, rồi xin đi làm. Con đường này thì phải tuỳ theo kinh nghiệm kiến thức từ Việt Nam và khả năng ngôn ngữ. Thông thường các bạn đi theo con đường này cần một thời gian để học ngôn ngữ trước. Việc không có bằng cấp tại Anh và kinh nghiệm liên quan sẽ khiến việc xin việc khó hơn. Theo mình thấy tốt nhất nếu có điều kiện thì vẫn cứ nên đi học Thạc Sỹ rồi sau đó tốt nghiệp xin việc. Còn không thì có thể bắt đầu bằng các xin việc trong bộ phận Vận Hành Tài Chính vì công việc đơn giản hơn không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành hay tiếng Anh trình độ cao.
Chú ý: Chia sẻ của mình dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân nên mang tính chủ quan và có nhiều khả năng là chưa tính đến hết tất cả các trường hợp và tình huống. Nếu bạn nào có kinh nghiệm nào khác, thì hãy để lại lời bình luận để mình thêm vào bài viết nhé.
Link tới các bài viết liên quan khác:
👉 Về thu nhập của kế toán theo thời gian và kết hợp với đầu tư: link
👉 Về các kênh thông tin và nguồn link để xin việc: link
👉 Về giá cả cuộc sống ở Anh Quốc: link
👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 |Shopee 2 |
Em chào chị Ngân, biết tới bài blog này của chị khá muộn nhưng vẫn hứng thú và đọc nó. Em đọc được một số thống kê báo cáo hiện nay thì nghề nghiệp dễ bị biến mất nhất do chuyển đổi số có ngành kế toán, vậy chị nghĩ sao về điều này với nghề kế toán trong tương lai, cần làm gì, học gì để có thể hòa nhập với sự biến chuyển ấy.? Một câu hỏi nữa em muốn hỏi là em học Financial- Banking kết hợp ACCA rồi sau đó học CFA, để làm thiên về mảng Financial Analysis nhiều hơn có phải con đường đúng đắn không? Em cảm ơn chị rất nhiều ạ. 😍.
Chào em, cảm ơn em đã để lại lời nhắn cho chị nhé. Theo chị thấy thì đúng là có một số yếu tố/bộ phận trong ngành kế toán có thể bị thay thế, thường là bộ phận làm về những quá trình processing đơn giản, không cần nhiều suy nghĩ, nhưng rất khó để thay thế hoàn toàn các bộ phận trong ngành kế toán. Thường thì kiến thức kế toán chỉ là nền tảng cơ bản thôi, còn đâu khi mình phát triển thêm trong sự nghiệp sẽ là các kỹ năng mềm mình cần để tới các vị trí cao hơn.
Về việc bằng cấp, chị không biết rõ hết về các bằng cấp khác. Nhưng theo chị thấy nếu em muốn làm về Finance nhìn chung và không muốn chuyên sâu về kế toán thì có thể bằng ACCA không cần thiết lắm.