Nhật ký nuôi con 2 tuổi

1. Giờ ăn cơm, con nghịch nghịch chòi chân lên bàn.

Mình nghiêm giọng: “Anna, con bỏ chân xuống. Con có thấy ai như con không!?” (Nói xong cũng thấy hơi hối hận tí.)

Con trơ mắt nhìn mình như thể mình vừa nói tiếng Hoả tinh.

Chồng liền quay sang con nhỏ nhẹ hỏi: “Anna, chân của ba đâu rồi?”

Con rất thích chơi trò chỉ ra các bộ phận cơ thể, ngay lập tức cười toe toét chỉ xuống dưới đất.

Chồng giọng vẫn rất dỗ ngọt: “Đúng rồi, chân ba đang ở dưới đất. Lúc ăn cơm, mọi người để chân xuống đúng không?”

Con nhìn nhìn một hồi rồi bắt chước ba nó bỏ chân xuống.

Hài… Dạy trẻ con đúng là phải có chiêu!

2. Một lần đẩy con đi chơi. Hai vợ chồng vừa đi vừa nói chuyện. Mỗi lần nhắc tới con, chồng lại nhỏ giọng, rồi đánh vần từng chữ cái “C-O-N”, chứ không nói hẳn ra như bình thường.

Mình nhìn chồng thắc mắc: “Sao anh phải đánh vần từ “Con” làm gì?”

Chồng vẫn thì thầm: “Em nói nhỏ thôi. Dạo này C-O-N hiểu nhiều thứ rồi. C-O-N biết mình đang nói chuyện về C-O-N, nên mình phải cẩn thận em ạ.”

Hi hi, tự dưng thấy chồng dễ thương ghê, luôn nhạy cảm chú ý cả những điều nhỏ nhặt. Đúng là bây giờ nói chuyện cũng cần phải cân nhắc lời nói hơn và tránh nhận xét khi bé có mặt, để bé cảm thấy được sự tôn trọng của bố mẹ dành cho bé.

3. Ngồi trên ghế đá ngoài công viên.

Mình: “Sau này mà con đi học Đại Học Cambridge thì tốt. Em sẽ có dịp về thăm trường cũ nhiều hơn.”

Chồng gật gù.

Mình: “Nhưng mà con cái thường hay phản kháng, chắc sẽ không thích đi theo con đường của bố mẹ đâu.”

Chồng: “Không sao. Nếu con nó chọn học Oxford cũng được, không nhất thiết phải vào Cambridge.”

=> Ái chà, nhiều lựa chọn quá nhỉ! Không Cambrige thì Oxford.

Chỉ là đùa vậy thôi, chứ hai vợ chồng mình cực kỳ thoải mái về chuyện con muốn học trường gì, học ngành gì. Tuy nhiên đúng là từ bây giờ con bắt đầu ý thức được những chuyện xung quanh rồi, đùa kiểu này sau lưng thì được, chứ trước mặt con thì cũng không được cho phép nữa.

4. Dạo này con đi nhà trẻ, chiều nào mình cũng đến đón con rồi về nhà nấu cơm. Đến giờ thì hai mẹ con lại chạy ra đón ba. Mắt con rất tinh, ba mới ở đầu đường xa tít tắp mà đã nhìn thấy rồi, chạy thật là nhanh ra, vừa chạy vừa cười toe toét, đến nơi một cái là nhào vào ôm chặt lấy ba, rất là tình cảm.

Hôn hít chào nhau xong, bao giờ ba cũng hỏi Anna: “Where did you go today?” (“Hôm nay con đi đâu?”)
Anna cười tươi nhìn ba trả lời: “Nursery.” (“Nhà trẻ.”)

Ba hỏi tiếp: “What did you do at nursery?” (“Con làm gì ở nhà trẻ?”)
Anna đảo mắt nghĩ nghĩ, nhưng thường là chưa đủ vốn từ và chắc cũng chưa nhớ hết được để trả lời. Vậy là ba sẽ gợi chuyện chi tiết, ví dụ như là: “Did you go out to the garden?” (“Có phải con đi ra vườn?”), “Did you play on the slide?” (“Có phải con chơi cầu tụt?”), “Did you eat pasta?” (“Có phải con ăn mì ống?”).
Anna cũng hay gật gật nhắc lại lời ba.

Xong ba lại hỏi: “Where did Daddy go today?” (“Hôm nay ba đi đâu?”)
Anna hí hửng: “Daddy go work train.” (“Ba đi làm bằng tàu.”)
=> Cái này thì Anna biết mặc dù vẫn chưa thể nói cả câu hoàn chỉnh.
Ba cười nhắc lại: “Yes, Daddy went to work by train.” (“Phải rồi, ba đi làm bằng tàu.”)

Ngày nào ba cũng nói chuyện với con như vậy. Trên đường đón con về từ xe buýt, mẹ cũng hỏi con những câu này nhưng bằng tiếng Việt.

Mình và chồng hi vọng có thể hình thành thói quen từ sớm là luôn dành thời gian nói chuyện tâm sự với con. Trẻ con thay đổi liên hồi. Quan sát những nhu cầu của con là thiết yếu, nhưng dành thời gian nói chuyện tâm sự là vô cùng quan trọng để hiểu con hơn và giúp con tin tưởng gần gũi với bố mẹ.

5. Mấy tuần trở lại đây, con bắt đầu ngỗ nghịch ương bướng hơn một chút. Ví dụ: Một lần hai mẹ con đi bộ từ trạm xe buýt về nhà, con không chịu đội mũ mà khăng khăng ném mũ xuống đất, mẹ nhặt lên thì ăn vạ đòi mẹ bỏ mũ lại chỗ cũ. Trời thì nắng, mang vác đồ nặng, con cứ thế đứng khóc nhè. Cuối cùng mẹ phải nhặt mũ, nhấc bổng con lên vác về nhà.

Sau những vụ ăn vạ như thế, hai vợ chồng quan sát và nhận ra một xu hướng chung: Mệt hoặc đói khát luôn làm con dễ ăn vạ hơn. Có lẽ là điều hiển nhiên thôi, nhưng mình phải luôn tự nhắc bản thân tìm hiểu lý do cho sự ương bướng của con để mà không nổi nóng một cách vô cớ. Nổi nóng thường chỉ khiến cho tình huống tồi tệ hơn.

Nhưng cũng có lúc không phải do mệt mỏi hay đói khát mà chỉ là đơn thuần con đang muốn thử khám phá cái giới hạn, cái gì được cho phép, cái gì không được cho phép, nếu làm điều không được cho phép thì sẽ có hậu quả gì. Ví dụ: Mình bảo con không được ném đồ ăn xuống đất, nhưng càng bảo thì con càng ném nhiều hơn. Thường điều này có nghĩa là con đã chán ăn rồi, mình nhắc nhở rồi xử lý nhanh gọn bằng cách dọn sạch đồ ăn đi, hoặc cho con tạm nghỉ rồi quay lại ăn tiếp sau. Nhiều hôm, ngoài mặt cố giữ bình tĩnh, nhưng trong đầu thì cũng nóng lắm.

Có một điều chồng nói mà mình thấy rất hữu ích: “Em đừng giận con. Con chỉ là đang cố học hỏi thế giới này hoạt động ra sao thôi.”

Đúng là như vậy. Với con tất cả mọi thứ đều mới mẻ. Không phải là con muốn làm khó mình hay muốn gây rắc rối, mà chỉ là đang cố tìm hiểu và học hỏi mà thôi. Tự nhủ với bản thân điều này, mình thường bình tĩnh hơn để xử lý tình huống.

6. Một buổi tối, ăn cơm xong, mình từ phòng bếp vào phòng khách thấy chồng ngồi trùm chăn kín mít giữa nhà như thể đang chơi với con. Nhưng vài giây sau nghe thấy tiếng con đang chơi đẩy xe ở cửa bên kia.

Mình tò mò hỏi: “Anh làm cái gì thế?”

Chồng kéo chăn xuống khỏi đầu: “Anh đang dụ con chơi lều.”, rồi quay sang mình: “Mẹ cháu bé, vào lều với anh nào.”

Mình tay cầm cốc trà mồm nhấm nháp bánh bích quy, ngồi xuống ghế sofa: “Em đang bận ăn bánh uống trà.”

Vừa lúc đó con lon ton chạy vào, chồng lại tiếp tục trùm chăn lên đầu dụ khị: “Con có muốn vào lều với ba không nào? Trong này thật ấm cúng quá!”

Con nhìn nhìn rồi lờ ba nó đi, quay mông chạy thẳng về phía xe đẩy chơi tiếp.

Chồng bỏ chăn ra thở lấy hơi: “Trong lều thật nóng quá!”

Vợ: “…” Thật không hiểu cái trò này.

Con lại chạy vào. Chồng trùm chăn dụ tiếp: “Con muốn vào lều không? Vui lắm!”

Con nói tiếng “Không” rõ to rồi lại quay lưng chạy mất. Vợ cười rũ rượi.

Cứ như thế chừng chục lần, cuối cùng con cũng chịu vào. Thế là hai ba con ngồi chơi trong lều.

Một lúc sau, mình ăn bánh uống trà xong, vừa đặt cốc xuống nói: “No quá!”, đã nghe thấy tiếng chồng vọng ra dưới đống chăn bùng nhùng: “Mẹ nó ơi vào lều nào!”

Mình phì cười, đúng là chịu thua tính kiên trì của bố cháu bé. Cuối cùng cả nhà ngồi chơi trong lều. Hoá ra trong lều còn có cái bô cho cháu bé ngồi nghỉ, và thêm bạn búp bê Zizi nữa. Ba dạy cháu chơi đóng mở cửa lều. Vậy là tối hôm đấy, cháu học nói thêm được hai từ “đóng” và “mở”.

0 Replies to “Nhật ký nuôi con 2 tuổi”

  1. Excellent weblog here! Additionally your web site so much up very fast! What web host are you using? Can I get your associate hyperlink for your host? I wish my web site loaded up as fast as yours lol

  2. It’s really a great and useful piece of info. I’m happy that you simply shared this useful information with us. Please stay us informed like this. Thank you for sharing.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!