Nhật ký nuôi dạy con 2 tuổi rưỡi (phần 2)
Trong bài viết này mình xin tiếp tục chia sẻ một số câu chuyện nhỏ về việc nuôi dạy con, hi vọng là giúp ích được cho mẹ nào gặp phải những vấn đề giống mình.
1. Sợ đi bác sỹ:
Anna rất sợ đi bác sỹ. Từ khi còn bé tí hin bạn ấy đã chẳng thích đi bác sỹ tí nào. Không bị tiêm chích thì cũng bị chọc chọc mồm miệng mắt mũi khắp mọi nơi. Cứ đến cửa bệnh viện phòng khám chưa vào tới nơi là bạn đã khóc ầm ĩ đòi về. Đã bị ốm khó chịu trong người thì chớ, mặt mày mắt mũi còn nhoen nhoét đỏ lừng đỏ lựng vì khóc lóc sợ hãi.
Mình thấy cứ thế này mãi thì không được, nhìn bạn ấy tội quá cơ. Thế nên mình bắt đầu chủ động hơn tìm biện pháp giúp bạn ấy khắc phục.
Mình ngay lập tức đi tìm mua một bộ đồ chơi đồ dụng cụ y tế. Ngày nào cả nhà cũng chơi trò giả vờ làm bác sỹ.
Chơi trò đóng giả tình huống này không chỉ là để giúp Anna làm quen và vượt qua nỗi sợ, mà còn rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ và tư duy sáng tạo của bé.
Ba mẹ làm mẫu trước rồi hướng dẫn Anna cầm cái đo nhịp tim đặt lên ngực ba. Mẹ sẽ hỏi: “Tim của ba đập nhanh hay đập chậm hả Anna?” Với bé tầm hai tới ba tuổi, câu hỏi nên đặt ra đơn giản dễ hiểu và dễ trả lời. Ví dụ: đo nhiệt độ thì hỏi “Nhiệt độ nóng hay lạnh?”, đo huyết áp thì hỏi “Huyết áp cao hay thấp?”…
Anna sẽ theo thế mà chọn một từ ngắn trả lời: “Nhanh”, “Nóng”, “Cao”, “Thấp”…
Mỗi lần nghe nhịp tim cho ba, Anna thường rất hí hửng và luôn miệng nói: “Daddy, Daddy, Daddy!” như là để tạo ra hiệu ứng âm thanh cho hành động khám của mình, rồi sau đó sẽ nhanh nhảu đi lấy thuốc cho “bệnh nhân ba” uống.
Cứ đều đặn như vậy, ngày nào ba mẹ cũng rủ Anna chơi trò này.
Mấy hôm trước, Anna phải đi khám bác sỹ lần nữa vì bị đau bụng đi táo. Như thường lệ khi mới vào tới cửa, Anna liền khóc oà lên. Khi bác sỹ lấy ống nghe ra, Anna nhất quyết không chịu để bác sỹ khám, mà liên hồi ngọ nguậy khóc lóc đòi về.
Ba bạn liền chỉ vào ống nghe của bác sỹ bảo: “Nhìn kìa, có phải giống cái nghe ở nhà của Anna không? Giống như Anna hay nghe bụng cho ba mẹ ấy.”
Có vẻ như điều này bắt đầu thu hút sự chú ý của bạn ấy. Bạn ấy ngừng khóc nhìn nhìn vào cái ống.
Khi bác sỹ đặt ống nghe lên bụng, bạn ấy không còn ngọ nguậy nữa. Rồi ba bạn nghịch nghịch gọi tên bạn: “Anna, Anna, Anna!” theo đúng cái giọng điệu bạn hay gọi “Daddy, Daddy, Daddy!” để nhắc bạn nhớ về trò chơi ở nhà.
Quả nhiên, bạn đã chịu để cho bác sỹ khám. Mặc dù bạn ấy chưa vui vẻ hoàn toàn, nhưng chịu ngồi yên cho bác sỹ khám như vậy đã là một bước thành công lớn.
2. Bệnh lười:
Thi thoảng bạn Anna nhà mình hay lên cơn lười. Ví dụ, hôm rồi bạn ấy đứng chỉ tay vào búp bê Zizi cách bạn ấy chừng năm bước chân, nài nỉ ba đang ngồi cạnh: “Ba ơi, giúp con lấy Zizi với.”
Tất nhiên là ba bạn ấy làm gì có chuyện thông đồng với mấy cái cơn lười bất chợt này. Mấy bạn bé này thông minh lắm, biết có thể ỷ lại một lần là sẽ có lần sau ngay. Có nhiều thứ tưởng như rất nhỏ nhặt, nhưng nếu không chú ý và uốn nắn, lâu ngày sẽ rất dễ hình thành thói quen xấu, và càng để lâu thì sẽ càng khó sửa. Mình chắc chắn là không muốn cảnh một ngày khi con mười hai, mười ba tuổi, chỉ biết nằm ườn trên giường và chờ bố mẹ hầu hạ.
Trong tình huống này, ba vui vẻ bạn bảo bạn: “Con tự lấy đi. Con làm được mà.”
Bạn lắc đầu nhũng nhẽo ngay: “Con không thể, ba ơi.”
Ba vẫn giữ giọng dịu dàng nhìn bạn hỏi: “Tại sao lại không thể?”
Câu hỏi “Tại sao?” bao giờ cũng rất hữu ích trong các cuộc đối thoại. Cho dù ba bạn ấy biết thừa là bệnh lười chứ gì nữa, nhưng ba vẫn muốn nói chuyện và lý luận với bạn. Để bạn ấy được nói ra những lý do và suy nghĩ của mình như thế này thường có hiệu quả hơn rất nhiều so với những lời dạy bảo khắt khe nghiêm khắc.
Bạn ấy nhăn nhó trả lời: “Vì nó xa quá.”
Dạo này bạn ấy đã bắt đầu biết lý do lý trấu rồi. Tất nhiên lý do này làm sao thuyết phục được ba.
Ba đáp lại: “It is as far away for me as it is for you.” (“Thì nó cũng xa với ba giống như với con thôi.”)
Mẹ biết là nếu áp đặt thì Anna sẽ càng phản kháng, và vui vẻ thì Anna sẽ dễ hợp tác hơn. Thế nên là mẹ liền tham gia, cười hì hì hà hà như có cái gì buồn cười lắm, rồi nói chêm vào: “Anna tự làm được mà.”
Bạn ấy ngún nguẩy thêm hai giây rồi cũng theo mẹ cười cười và tự chạy đi lấy.
Khi bạn ấy chạy đi lấy, ba ngay lập tức lên tiếng tán thưởng hành động tự giác này: “Yay! Look at you go. Good that you’ve got legs.” (“Yay! Nhìn con tự chạy đi lấy kìa. Thật tốt là con có chân.”) Sự tán thưởng kịp lúc kịp thời luôn giúp khuyến khích những hành động tích cực.
3. Chơi với con:
Ba của Anna rất giỏi chơi với bạn ấy. Mình thực ra là rất kém trong việc chơi với con. Mình tự thấy là rất khó và rất mệt. Ví dụ mình có thể lôi sách ra đọc với con. Nhưng đọc được chừng hai ba cuốn là mình thấy chán. Mình có thể lôi một món đồ chơi ra, nhưng ngồi loay hoay được năm mười phút thì sẽ chẳng biết phải làm gì tiếp với món đồ chơi này. Mình cũng bị tính ỷ lại ba bạn Anna vì ba bạn ấy chơi giỏi quá nên mình không sợ bạn ấy bị thiệt thòi.
Nhưng rồi một hôm ba bạn ấy phải đi tắm sau khi tập thể dục buổi sáng, ba bạn bảo mình: “Em chơi với con một chút để anh đi tắm.”
Ba bạn đi rồi. Mình quay sang hỏi bạn: “Anna ơi, mình chơi trò gì bây giờ?”
Bạn nhìn qua một lượt đống đồ chơi rồi bảo mình: “Con muốn ba.”
Mình nhẹ nhàng bảo: “Ba đi tắm rồi, một chút ba xong thì sẽ xuống chơi với Anna.”
Xong mình lôi một cái xích đu và cầu tụt đồ chơi ra rủ bạn ấy chơi. Bạn ấy cũng ngồi xuống, đặt mấy người nhựa vào đẩy đẩy và tụt tụt. Nhưng được hai phút, bạn ấy liền đứng bật dậy lò dò bước đi quanh quanh luôn miệng gọi ba. Bạn ấy còn kéo tay mình mò lên tận phòng tắm xem ba bạn ấy tắm.
Mình bỗng có chút tự suy ngẫm về bản thân. Con mình nó nghiện ba nó quá thể. Đây là một điều tốt. Tuy nhiên có phải mình chơi với con 10 phút mà cũng không chơi nổi? Mình chẳng phải là lơ là gì con. Con cũng vẫn quấn mình, đặc biệt là những lúc khó chịu và đau ốm, nó luôn tìm đến mẹ trước, nên mình biết là mình vẫn có vị trí quan trọng. Chỉ có điều mình phải thừa nhận mình thua kém ba nó nhiều về khoản chơi với con.
Có lẽ là lo xa quá, nhưng mình không muốn trở thành một trong những bậc cha mẹ không gần gũi với con, không hiểu con cái của mình. Mình cũng muốn là một người bạn của con, chứ không chỉ là đơn thuần là bậc cha mẹ chăm cái ăn, cái ngủ. Và với con nhỏ tầm hai, ba tuổi thế này, khi mà nói chuyện tâm sự thường không kéo dài quá dăm ba phút, việc chơi với con chính là cách để gần gũi hiểu con và làm bạn với con.
Vậy là mình bắt đầu chịu khó học cách chơi với bạn ấy. Đây là một số ví dụ của một số hoạt động:
- Tối nào mình cũng đọc sách cho bạn ấy nghe. Có thể là sách đơn giản thôi như là chỉ ra các con vật, nhưng luôn có thể hỏi thêm và dạy bạn ấy về màu sắc, số đếm, xa gần, to nhỏ…
- Chơi trò giả vờ làm cái này cái kia giống như trò giả vờ khám bệnh mình kể ở phần 1, còn có thể giả vờ đi mua đồ, giả vờ nấu ăn, giả vờ đi nhà trẻ… Trò giả vờ này nhìn thì đơn giản, nhưng sách có nói là đặc biệt tốt cho sự phát triển trí não của bé.
- Thi thoảng mình cũng lấy các dụng cụ đơn giản như chăn, gối, ô… để xây nhà cho bạn, rồi cùng chơi trò cốc cốc ai ở nhà, người này tới thăm, người kia tới thăm.
- Mua giấy về làm thủ công, ví dụ như dính hình ngộ nghĩnh lên giấy.
- Vẽ và tô màu cùng nhau…
Nói chung cái quan trọng nhất là không chỉ ném một món đồ chơi để bạn ấy tự ngồi nghịch còn mình thì ngồi chơi điện thoại hay là bận rộn làm gì khác. Phải thực sự chơi cùng với bạn ấy như một người bạn, chơi cùng nhau, vui cùng nhau. Và tất nhiên gắng suy nghĩ về những lợi ích giáo dục của các trò chơi để kết hợp khi có thể.
4. Xem Ti Vi:
Mình luôn cố gắng hạn chế việc cho con tiếp xúc với Ti vi và điện thoại, nhưng mình không thể phủ nhận nhiều lúc thực sự mình cũng cần nghỉ ngơi. Thế nên là mình cố gắng chọn những đĩa phim có tính chất giáo dục. Thực tế là mình chẳng biết là con có học được gì nhiều từ những đĩa phim này không nhưng mà ít nhất còn tốt hơn là những nội dung chưa được chọn lọc.
Mình sẽ cập nhật trong bài viết này một số đĩa dành cho trẻ em mà mình thấy khá thú vị (đều mua được từ trang Amazon):
- “Sing and Sign” (Sasha Felix 2001): Đây là đĩa nhạc dạy trẻ em ngôn ngữ ký hiệu tay, đặc biệt cho trẻ em chưa biết nói. Đĩa nhạc quay những cảnh khác nhau gần gũi với trẻ như là đi nhà trẻ, đi chơi vườn hoa, đi sở thú, và dạy trẻ các bài hát phù hợp với hoàn cảnh. Vì Anna từng đi học lớp ngôn ngữ ký hiệu tay khi bạn ấy còn bé, mình mua đĩa này cho bạn ấy xem và bạn ấy cũng học được một số ký hiệu bằng tay.
- “Tractor Ted Farm Visit”: Đĩa này ông bà bạn Anna tặng, dạy trẻ em về việc nhà nông, trồng rau củ như thế nào, hái rau củ như thế nào, có một số hình ảnh hoạt hình mình hoạ nhưng chủ yếu là hình ảnh thật quay ở nhà nông. Vì không có nhiều hoạt hình, tưởng sẽ không gây chú ý cho Anna, nhưng không ngờ Anna rất thích. Mình xem mà thấy cũng học được kha khá kiến thức.
- “Planes, Trains, and Trucks” (PBS Kids): Đĩa hoạt hình dạy đánh vần của Mỹ. Các con vật đều được ghép lại bằng chữ cái. Các đoạn phim ngắn dạy bé về từ đồng âm, chữ nào thì ghép thành từ.
- “Little Einsteins” (Disney Junior): Đĩa hoạt hình nói về cuộc thám hiểm của 4 bạn trẻ, kết hợp âm nhạc cổ điển vào các hoạt cảnh khác nhau để dạy các bé về âm nhạc.
Thường thì mình không bao giờ cho Anna xem quá 30 phút một ngày. Được cái Anna cũng không phải nghiện TV lắm. Nhiều lúc đòi bật lên nhưng cũng chẳng xem mấy, cứ chạy loăng quăng.
Điện thoại thì mẹ chỉ cho xem những đoạn phim mà mẹ quay của Anna và ba Anna. Mỗi lần thì mẹ chỉ cho xem chừng 5 phút. Có hôm thì chỉ được xem mấy đoạn dài chừng chục giây. Vì mẹ rất nghiêm khắc với bạn về chuyện này, nên khi mẹ đòi lại điện thoại là bạn ấy ngoan ngoãn trả lại ngay chứ không chầy bửa ỉ ôi.
Ngày hôm nay có một cuộc đối thoại rất hài hước. Cả nhà sáng đi nhà thờ, chiều đi mua sắm về rất mệt. Ba mẹ đều bị đau lưng nữa. Đây chính là lúc mà mẹ muốn bạn ngồi xem phim cho ba mẹ nghỉ ngơi.
Mẹ gạ gẫm bạn: “Anna con xem gì không?”
Bạn trả lời rất dõng dạc: “Không!”
Mẹ tiếp tục: “Con muốn xem “Thomas the Tank Engine” không?” (“Thomas” là một trong những đĩa yêu thích của bạn ấy.)
Bạn lắc đầu: “Con đã xem đĩa ấy rồi mà mẹ.” (–> Sáng nay mẹ đúng là cho bạn ấy xem, mà bạn ấy xem có 5 phút là chán.)
Mẹ với chưa bỏ cuộc: “Hay là xem “Frozen” nhé?”
Bạn vẫn lắc đầu: “Không!” Giọng bắt đầu hơi khó chịu rồi, kiểu “Con đã nói không rồi sao mẹ còn hỏi.”
Mình gạ tiếp: “Hay là xem “Peppa Pig”? Ba vừa mới mua cho con đấy.”
Lần này bạn giẫy lên như đỉa phải vôi: “Không, con không muốn xem Peppa Pig một tí nào!”
Cuối cùng ba bạn phải lên tiếng: “Không sao Anna. Con không cần phải xem nếu con không muốn!”
–> Mình thật không biết là phải nên vui hay nên buồn. Đây đúng là phản ứng mà mình luôn muốn, nhưng mà cái lúc mà mình muốn được nghỉ ngơi thế này thì đúng là hơi muốn khóc với sự kiên quyết của bạn ấy.
Vậy là cả chiều lại chạy loanh quanh chơi cùng ba mẹ và bà. Có một lúc còn đòi học mẹ nhổ tóc bạc cho bà.
Nhìn chung mình nghĩ TV, điện thoại cũng không có gì là xấu, chỉ là mình biết cách dùng đúng liều lượng là tốt nhất, chứ đừng phụ thuộc và thay thế những giây phút chơi đùa chất lượng với con cái. Bây giờ có thể chưa nhìn thấy tác hại ngay, nhưng thực sự là nó không chỉ ảnh hưởng tới phát triển của trẻ, mà còn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Chị rất đồng ý với em về bài viết, chị chia sẻ thêm kinh nghiệm của chị khi đưa bé đi bác sĩ nhé.
Khi bé phải đi bác sĩ, theo chị là đừng nói dối bé. VD như bé hỏi hôm nay có phải chích không mẹ, nếu mình không biết chắc bé có phải chích hay không, hãy trả lời “Mẹ không chắc nữa”; nếu đưa bé đi chích ngừa (thì chắc chắn là có chích :D), hãy nói với bé là “Có con ạ”. Sau đó, nếu bé hỏi “Chích có đau không mẹ?” thì hãy trả lời sự thật, rằng chích sẽ đau (chị chưa thấy ai chích mà không đau cả :))), nhưng không đau nhiều lắm đâu con. Phương pháp của chị là khi đến đoạn bé phải chích, hãy lái sự tập trung của bé sang một việc khác, lúc đó bé sẽ quên cơn đau. Giống như anh Simon lái sự chú ý của Anna vào việc gọi “Anna, Anna, Anna” thì lúc đó chị hay rủ bé đếm số “Bây giờ con với mẹ đếm từ 1 đến 5 là xong nè. Rồi nha, 1,2,3,4,5!”. Thông thường khi mình đếm đến 5 là y tá cũng sẽ chích vừa xong mũi thuốc, vậy là hoàn thành mục tiêu 😀 Chị luôn dùng cách này, từ khi Boo 2.5 tuổi đến giờ, và thấy nó luôn hiệu quả đó em. Em có thể thử 🙂
Chúc Anna không còn sợ bác sĩ nữa và sẽ không còn khóc mỗi khi đi tiêm nhé.
Cảm ơn chị chia sẻ nha chị. Em hoàn toàn đồng ý với chị là nên nói thật. Khi nào Anna phải đi tiêm, em sẽ dùng cách chị chỉ.