Quyền lựa chọn của con
Sáng nay theo thường lệ thứ sáu hàng tuần, tôi đưa con đi học lớp hát và làm dấu hiệu. Kiểu lớp này là dành cho các bé từ 6 tháng tuổi tới tầm 2 tuổi. Đây là cách để giúp các bé có thể giao tiếp trước khi phát triển ngôn ngữ nói.
Cô giáo hát các bài khác nhau và làm dấu hiệu để mẹ và các bé học theo. Các bé học ra dấu nhanh hơn học ngôn ngữ nhiều. Cô giáo chia sẻ rằng cô ra dấu với con từ khi bé mới lọt lòng. Đến 5 tháng tuổi con đã biết ra dấu lại để đòi bú sữa.
Tôi giải thích thế vì kiểu lớp này chắc không phổ biến lắm. Giờ tôi vào chuyện chính. Sau khi hát và làm dấu một vài bài, cô giáo mang ra một hộp đầy các xúc xắc với hình dáng màu sắc khác nhau cho các bé chọn.
Đến lượt bé nhà mình. Khi cô vừa đưa cái hộp tới, bé hứng khởi lắm nhào người về phía trước ngay lập tức. Không suy nghĩ nhiều, tôi theo phản xạ kéo một cái dễ cầm trông giống cái mà con có ở nhà lên phía trên để thu hút sự chú ý của con. Cô giáo mỉm cười thân thiện:
– Mẹ của con đã quyết định cho con rồi kìa.
Tôi giật mình. Tôi không nghĩ là cô giáo có ý gì đâu nhưng câu cô nói làm tôi rất suy nghĩ.
Tôi biết có nhiều tình huống tôi sẽ phải giúp con quyết định vì con còn non nớt. Ví dụ như khi con ốm, không muốn uống thuốc vì thuốc đằng, tôi không thể phủi tay bảo ‘Tuỳ con’. Hay khi con muốn đánh bạn, tôi không thể cứ để mặc con mà không can ngăn.
Tuy nhiên có vô số những tình huống mà sự can thiệp của tôi là không cần thiết. Ví dụ như trong trường hợp này, con có chọn cái dài dài dễ cầm hay cái tròn tròn khó cầm thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sống chết của ai.
Vì tôi áp đặt lên con sự lựa chọn của mình, tôi khiến con không thể tự mình khám phá các lựa chọn khác. Có thể âm thanh của cái tròn sẽ hay hơn, có thể màu sắc sẽ bắt mắt thú vị hơn. Mà thậm chí nếu tôi đúng, cái tròn sẽ khó cầm, con sẽ không bao giờ học được điều đấy vì con có cầm nó đâu mà biết. Nói trên mức nghiêm trọng hơn, tôi dập tắt sự sáng tạo và sự tò mò khám phá thế giới của con.
Cũng không phải là tôi muốn làm nghiêm trọng hoá vấn đề. Nhưng tôi sợ nếu mình mà không ý thức được điều này từ sớm nó sẽ bắt đầu ăn sâu vào tiềm thức. Tôi không muốn một ngày nào đó tôi sẽ bảo con: ‘Con phải đạt điểm 10 nhé’, ‘Con phải vào trường chuyên nhé’, ‘Con phải vào đại học nhé’, ‘Con phải làm bác sỹ nhé’, ‘Con phải lấy thằng A nhé’, ‘Con đẻ con đi nhé’, ‘Con ở Anh thôi đừng đi Mỹ nhé’ vân vân và vân vân.
Tất nhiên là tôi vẫn sẽ hướng dẫn con, nói cho con biết suy nghĩ của tôi trong các tình huống. Tuỳ theo độ tuổi của con, sự trưởng thành của con, mà mức độ hướng dẫn bảo ban sẽ khác nhau. Nhưng tôi muốn trong trường hợp nào con cũng có thể nói lên suy nghĩ của bản thân mình, thảo luận với chúng tôi về các lựa chọn, và cảm thấy là quyết định của mình không phải là do bố mẹ áp đặt.
Bố mẹ nào thì cũng muốn tốt nhất cho con. Nhưng cái mình nghĩ là tốt nhất cho con chưa chắc đã thực là cái tốt nhất cho con. Tôi tự bảo mình rằng quyền lựa chọn là quyền căn bản của mỗi con người. Vì thế nó cũng là quyền căn bản của con. Tôi nên tôn trọng điều đó.
———-
Lời nhắn
Nếu bạn nào muốn đọc trên Facebook, đây là link tời Facebook page của tôi:
https://www.facebook.com/Chuyện-của-Ngân-924641300950344