Review TV series: Fleabag (Anh, 2016/ 2019)
Thể loại: Hài kịch
Kịch bản: Phoebe Waller-Bridge
Đạo diễn: Harry Bradbeer
Diễn viên: Phoebe Waller-Bridge, Hugh Skinner, Sian Clifford, Brett Gelman, Bill Paterson, Andrew Scott, Olivia Coleman
Số mùa: 2
Số tập: 12 (6 tập/ mùa)
Độ dài: 25 tới 28 phút/ tập
Công ty sản xuất: Two Brothers Pictures Limited
Nhà phân phối: BBC
Đánh giá IMDb: 8.3/10 (14.970 đánh giá)
Fleabag là một TV series hài kịch của Anh được trình chiếu trên kênh truyền hình đài BBC mà mình tình cờ khám phá dạo gần đây. Series không dài, tổng cộng cả hai mùa chưa đến 6 tiếng. Mùa một trình chiếu cách đây ba năm (2016), còn mùa hai mới chiếu từ tháng 3 năm 2019.
Fleabag kể về câu chuyện của Fleabag, một người phụ nữ trẻ (32 tuổi) sống tại Luân Đôn. Cô đang trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần sau một sự cố mới xảy ra, quán cà phê trong bờ vực đóng cửa, mối quan hệ với người trong gia đình căng thẳng, mối quan hệ với bạn trai cũng không còn cứu vãn được…
Mùa một của series tập trung vào quá trình nhân vật vượt qua chuyện đã xảy ra. Mùa hai bắt đầu mở ra chương mới, đào sâu vào khía cạnh tình yêu.
Nội dung phim không phải quá đặc biệt nhưng cách kể chuyện thực sự có sự phá cách. Xuyên suốt bộ phim, nhân vật chính Fleabag thường xuyên quay ra nhìn vào camera, nói với camera, ngay khi đang giao tiếp với các nhân vật khác, hay thậm chí đang giữa lúc đang… làm chuyện ấy. Đây là một cách rất sáng tạo để người xem bước vào thế giới nội tâm của nhân vật, và cảm thấy mình là một phần của bộ phim. Giống như người xem đang có mặt tại đó, nhưng là một người vô hình trong bối cảnh mà chỉ nhân vật chính có thể nhìn thấy và đối thoại cùng. Đặc biệt là khi nhân vật chính có tính cách khá hài hước, cách đánh giá tình huống có nét rất riêng, khiến những tương tác riêng tư với người xem trở nên vô cùng thú vị.
Ví dụ trong cảnh quay dưới đây, Fleabag tới nhà thờ dự lễ vì chót cảm nắng với vị mục sư. Đang ngồi trong nhà thờ, cô quay lại nhìn camera kiểu như muốn nói: “Đúng vậy, tôi đến đây là có mục đích đen tối muốn cua vị mục sư kia.”
Nhân vật Fleabag được đào sâu và khắc họa rất rõ nét. Nhưng các nhân vật khác trong phim cũng không kém phần thú vị. Mỗi nhân vật có vấn đề riêng của họ. Ví dụ Claire, chị gái của Fleabag, nhìn từ ngoài vào là một người phụ nữ có tất cả. Cô xinh đẹp, cô có gia đình ổn định, cô thành đạt trong sự nghiệp, trên con đường thuận lợi để trở thành chủ của hãng luật. Nhưng tận trong sâu thẳm, cô luôn có chút ghen tị với Fleabag, vì cô luôn cảm thấy mình không thú vị bằng Fleabag, không thu hút người khác như Fleabag. Cô cũng có những vấn đề khó khăn trong hôn nhân với người chồng nghiện rượu.
Cách hai chị em Fleabag đối xử với nhau thi thoảng có phần khắc nghiệt nhưng đến cuối cùng thì họ vẫn là hai người chị em thân thiết, yêu thương nhau, luôn ở bên nhau khi cần. Phản ánh nhiều mối quan hệ ruột thịt ở ngoài đời. Mình rất thích nhân vật người chị này và tình cảm của hai người trong phim. Tình chị em thực sự là một điểm nhấn của phim.
Trong gia đình của Fleabag có người mẹ kế, một người độc mồm độc miệng, ra mặt thể hiện sự không ưa đối với Fleabag.
Tình cảm giữa mẹ kế và con chồng không hề tốt đẹp. Thậm chí còn có cảnh đẩy nhau tát nhau toé lửa. Nhân vật này rất thô lỗ, đối xử với Fleabag khá quá quắt, nhưng lại mang đến không ít sự hài hước cho bộ phim. Có lẽ sự mâu thuẫn giữa mẹ kế con chồng này phần nào thể hiện sự thật cuộc sống, chỉ có điều trong phim nó trần trụi hơn.
Trong phim có nhiều nhân vật phụ khác, và nhân vật nào cũng có điểm nhấn riêng, được đào sâu vào tính cách và nội tâm, không ai bị nhạt nhoà.
Nhân vật mình cảm thấy có phần không thích lắm là nhân vật Boo, người bạn thân thiết của Fleabag, một người có ảnh hưởng lớn lên cuộc đời Fleabag. Có lẽ chủ yếu vì nhân vật này có nét yếu đuối, mong manh dễ vỡ gì đó.
Nhân vật nam chính xuất hiện trong mùa 3 thực ra mình cũng không thích bằng các nhân vật khác. Tính cách anh chàng cũng được, nhưng chưa để lại cho mình ấn tượng mạnh. Tương tác giữa Fleabag và anh chàng được khắc họa tốt nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ độ sâu.
Theo mình thì điểm trừ của phim là chửi bậy quá nhiều. Nhân vật nào cũng phải chèn từ chửi f*** trong câu nói. Mình không ngại nghe phim có từ chửi, nhưng cứ liên tục nghe thì cũng cảm thấy ngứa tai. Và trên thực tế mình không thấy người Anh thực sự chửi bậy nhiều như vậy.
Nội dung sex của phim cũng tương đối nhiều, vì nhân vật chính là một người nghiện sex. Đây vốn là một chi tiết gây cười cho bộ phim, nhưng có lẽ ít tình tiết sex thì sẽ tốt hơn.
Trong mùa hai, nhân vật nam chính là một cha xứ nhà thờ. Dù là theo dòng nhà thờ khác với dòng của mình, nhưng mình cảm thấy phim khắc họa hình ảnh cha xứ không được đúng lắm. Vị cha xứ này chửi bậy khá nhiều, và có vẻ không có Đức tin nhiều.
Nhìn chung mình thấy đây là một series hài có chiều sâu. Nhiều đoạn đối thoại sâu sắc khiến mình phải rơi nước mắt. Nhân vật trong phim rất đậm chất Anh Quốc. Phong cách nói chuyện và biểu cảm của nhân vật nữ chính giống một người bạn người Anh ngoài đời của mình một cách đáng ngạc nhiên.
Phim dựa trên bối cảnh Luân Đôn nên nhiều cảnh trong phim rất quen thuộc, như là cảnh đợi xe buýt, cảnh cầu Luân Đôn, cảnh nhà cửa…
Một điểm đặc biệt khác của series này là diễn viên chính trong vai Fleabag, Phoebe Waller-Bridge, cũng chính là người viết kịch bản đồng thời là nhà sản xuất, và chị gái của cô, Isobel Waller-Bridge là người soạn nhạc cho series.
Nếu không ngại chửi bậy và cảnh sex, thì đây là một series rất đáng xem.