Sự hi sinh và hạnh phúc gia đình
1. Gần đây tôi đọc nhiều bài viết khác nhau về sự hi sinh của người phụ nữ. Có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói phụ nữ nên hi sinh cho gia đình. Có người nói hãy dừng hi sinh và yêu lấy bản thân mình trước.
Còn theo tôi thì: Hãy ‘hi sinh’ nhiều vào, nhưng không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông. Rốt cuộc thì hạnh phúc hôn nhân không chỉ gây dựng bởi một mình người phụ nữ hay một mình người đàn ông, mà nó là sự tạo hợp của cả hai cá thể.
Tuy nhiên nếu ‘hi sinh’ bắt nguồn từ yếu tố ngoại cảnh, ‘buộc phải hi sinh’, nó sẽ gây sự cam chịu và lâu ngày sinh oán trách. Chỉ có ‘hi sinh’ đến từ tình yêu, và sự cân nhắc lựa chọn có chủ ý mới có thể mang đến sự hài lòng và hạnh phúc lâu dài. Trong trường hợp này, ‘hi sinh’ sẽ không còn mang cái ý nghĩa mất mát nữa.
Tôi lấy ví dụ của bản thân tôi. Trước khi nghỉ thai sản công việc của tôi hết sức thuận lợi, được cấp trên đánh giá cao, con đường thăng tiến mở rộng. Chế độ nghỉ thai sản ở Anh thường là một năm. Tôi xin nghỉ tự do thêm hai năm để chăm con. Nghỉ việc lâu không chỉ thiệt hại về mặt tài chính mà còn làm chậm sự nghiệp. Các bạn bè đồng lứa sẽ đều là cấp trên khi tôi quay trở lại.
Bây giờ tôi là một bà mẹ bỉm sữa ‘ăn bám’ chính hiệu. Ngày ngày chăm con, dọn dẹp, nấu cơm chờ chồng về. Người khác nhìn vào có thể nghĩ tôi hi sinh sự nghiệp cho gia đình. Nhưng bản thân tôi thì chẳng thấy mình phải hi sinh ở chỗ nào. Thực chất tôi đang HƯỞNG THỤ cuộc sống. Đây không phải là cái tôi PHẢI làm, mà là cái tôi MUỐN làm và THÍCH làm.
Tôi thích được dành thời gian với chồng con. Tôi thích được ở bên con nhìn con lớn mỗi ngày. Tôi muốn được cùng con khám phá cả một thế giới mới mẻ rộng mở phía trước. Tôi cũng rất thích vào bếp nấu món ngon cho chồng, cho con. Và đặc biệt thích nhìn chồng con vui vẻ hạnh phúc.
Đây là lựa chọn của tôi và tôi rất hạnh phúc với lựa chọn này. Với tôi sự nghiệp không phải là cái quan trọng nhất. Đạt được sự nghiệp để làm gì nếu mất đi thời gian với những người thân yêu nhất.
Lấy ví dụ khác về chồng tôi. Ngày trong tuần nào anh cũng ra khỏi nhà từ 6 rưỡi sáng, về tới nhà lúc gần 7 giờ tối, đi làm không chỉ nuôi vợ nuôi con mà còn nuôi cả em vợ ăn học. Về tới nhà là cùng tôi cho con ăn, chơi với con, giúp con tắm, rửa bát dọn dẹp, giặt quần áo. Tiệc tùng nhậu nhẹt gì ở công ty cũng cố tránh để có thể về với vợ con. Người khác có thể nghĩ anh hi sinh thời gian vui chơi bạn bè cho gia đình. Nhưng anh thì không bao giờ coi đó là một sự hi sinh. Đây là lựa chọn của anh, là cái anh muốn làm và thích làm, là cái mang lại cho anh hạnh phúc.
Vì vậy trên lý thuyết chúng tôi ‘hi sinh’ những thứ khác cho gia đình. Nhưng trên thực tế chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy đấy là một sự hi sinh vì nó mang lại cho chúng tôi hạnh phúc.
2. Một yếu tố rất quan trọng khác cho hạnh phúc gia đình đó là trân trọng sự ‘hi sinh’ của đối phương, mặc dù bản thân đối phương có thể không cho rằng cái họ làm là một sự hi sinh.
Tôi không bao giờ xem nhẹ những điều mà chồng làm cho gia đình, hay cho rằng đó là trách nhiệm nghĩa vụ của anh. Tôi luôn biết ơn anh và cảm thấy thật may mắn khi có anh ở bên cùng tôi trải qua những thăng trầm của cuộc sống.
Tôi cũng biết chồng tôi luôn trân trọng những thứ tôi làm cho anh và cho con. Anh thể hiện ra bằng cả lời nói và hành động. Anh không ngại nó lời cám ơn, những lời yêu thương ngọt ngào có cánh. Anh luôn quan tâm tới suy nghĩ cảm xúc của vợ và đỡ đần vợ trong mọi chuyện.
3. Vậy tóm lại bí quyết hạnh phúc của vợ chồng tôi là gì? Rất đơn giản, nhưng nó đòi hỏi cố gắng của cả hai bên:
• Trân trọng cái mà đối phương làm cho mình dù là nhỏ nhất và
• Tự hỏi bản thân mình: ‘Hôm nay tôi có thể làm gì cho cô ấy/ anh ấy để yêu cô ấy/ anh ấy nhiều hơn?’
***