Tham vọng nghề nghiệp

1. Chỗ làm của mình rất hay có các chương trình đào tạo cho nhân viên. Sếp của mình vừa gửi một cái link tới chương trình đào tạo 6 tháng các kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình nhóm, và chiến lược tài chính. Gọi là 6 tháng nhưng không phải chỉ dành 6 tháng đào tạo, mà vẫn làm việc là chính, chỉ thi thoảng tham gia các buổi workshop của chương trình.

Sếp bảo: “Cậu R (một cậu đồng nghiệp cùng cấp với mình) từng tham gia chương trình này, anh cũng tham gia chương trình này rồi, thấy cũng hữu ích đấy. Anh khuyến khích em tham gia.”

Mình nghĩ nghiệp vụ thì mình rành rồi, nhưng những kỹ năng này thì vẫn thiếu xót nhiều, nên gật đầu cái rụp.

Tờ đơn đăng ký không dài, nhưng cũng yêu cầu trả lời một số câu hỏi. Mình liền ới sếp với cậu R, mượn đơn đăng ký của hai người về tham khảo.

Trên tờ đơn có câu hỏi thế này: “What is your career ambition?” (“Tham vọng nghề nghiệp của bạn là gì?”)

Câu trả lời của Cậu R vạch ra một số ý chung chung như là: học hỏi thêm về chiến lược tài chính, mở rộng kinh nghiệm trong các ban ngành nhà nước, quản lý đội và những đề án lớn…

Câu trả lời của sếp đập thẳng ngay vào ý chính, không lằng nhằng dài dòng văn tự: Giám Đốc Tài Chính Bộ.

Mình đọc mà không khỏi bật cười. Vì thân thiết với cả hai, đọc câu trả lời sao thấy thể hiện tính cách của hai vị này rõ thế. Cả hai đều rất giỏi, nhưng một người thì nhẹ nhàng mềm mỏng, được sếp yêu đồng nghiệp quý, luôn muốn cuộc sống vẹn toàn chứ không chỉ chú trọng quá nhiều vào một khía cạnh là công việc. Người kia thì “sắt đá” hơn một chút, thi thoảng khó gần một chút, rất tham vọng, rất tập trung, thích định hướng rõ ràng, tâm trí gần như lúc nào cũng chỉ có công việc công việc công việc.

Mình không nghĩ cái nào hay hơn cái nào. Đơn giản, con người khác nhau, tính cách khác nhau, điều quan trọng với họ trong cuộc sống cũng khác nhau.

Rồi suy nghĩ về bản thân mình, tham vọng nghề nghiệp của mình là gì?

2. Mình luôn muốn sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

Khi còn là một cô bé học sinh mười bốn mười lăm tuổi sinh ra trong một gia đình chú trọng rất nhiều vào giáo dục, điều đó với mình nghĩa là phải giỏi, phải thành công. Lúc đó, đọc những bài báo tuyên dương những người giỏi như là du học sinh X đạt học bổng 7 tỷ vào Cambridge Oxford Harvard, hay nữ doanh nghiệp trẻ tuổi Y giám đốc điều hành công ty ABC thành công rạng rỡ sáng ngời, mình vừa cảm thấy chút ghen tị vừa cảm thấy được truyền động lực để cố gắng nhiều hơn nữa. Lúc đó trong mình cháy bỏng một suy nghĩ: Không có gì con người không thể làm được miễn là có sự cố gắng.

Rồi mình cũng đi du học, cũng được một chút học bổng, cũng vào Cambridge. Vào Cambridge học hành vất vả, nhưng mình cũng được lọt vào trong top đầu, cũng được bằng khen này nọ. Mọi thứ tưởng như rất thuận lợi, từng bước từng bước đạt được ước mơ của cuộc đời.

Nhưng không biết từ lúc nào, mọi thứ dần mất đi ý nghĩa của nó.

Năm hai đại học, mình bị xì chét rất nhiều, chắc có thể gọi tới mức độ trầm cảm nhẹ. Lúc nào cũng cảm thấy áp lực bủa vây, bố mẹ mình không hề ép uổng gì mình, nhưng chính bản thân mình đã tự đặt lên vai mình một gánh nặng phải giỏi phải thành công. Rồi khi bạn bè thầy cô người ngoài cho rằng mình giỏi, tự dưng mình cũng muốn giữ vững cái tiếng vang đó trong mắt người khác. Mình cảm thấy rất khó khăn, rất mất phương hướng. Mình luôn tự hỏi, rốt cuộc sống để làm gì, học tập làm việc để làm gì, nếu chết là hết. Mỗi con người chỉ như một hạt cát trong lịch sử, dù có vĩ đại là mấy thì cũng chết, cũng nhanh chóng trở thành quá khứ…

Chính lúc khó khăn nhất trong cuộc sống của mình, thì mình tìm thấy một thứ ánh sáng mới, một thứ ánh sáng đã thay đổi cuộc sống của mình hoàn toàn.

3. Mình có chú bác sống bên châu Âu. Chú bác mình sang định cư bên này lâu lắm rồi, cũng trải qua nhiều sóng gió thăng trầm. Mỗi người một nước khác nhau, với hoàn cảnh khác nhau. Nhưng khi được mời sang chơi, mình có thấy một điểm chung.

Đó là sự an lành bao trùm trong không khí gia đình, sự yêu thương bao bọc người trong gia đình cũng như sự tử tế nhân ái với những người Việt Nam khác trong cộng đồng người nhập cư. Cũng chính nhờ sự giúp đỡ về tài chính và tinh thần của chú bác mà chị em mình mới có thể thành công học xong đại học bên này.

Cả chú cả bác mình đều nói, chính Đức Chúa Trời, chúa Giê-su, đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ, mang tới sự an lành và yêu thương.

Lúc đó mình ngỡ ngàng lắm. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gần với đạo Phật, Đức Chúa Trời, chúa Giê-su là một khái niệm xa vời. Kiến thức ít ỏi của mình là từ phim ảnh, vài hình ảnh gắn liền với Đạo Thiên Chúa là hình ảnh nhà thờ linh thiêng, hình ảnh dàn đồng ca đứng hát trên bục, hình ảnh cây thập tự giá, hình ảnh con chiên đội khăn trắng vào nhà thờ xưng tội với cha xứ. Mình cứ nghĩ đó đơn giản là một nét văn hoá của người phương Tây, chứ có liên quan gì tới mình đâu.

Nhưng mình cũng tò mò. Nếu chúa Giê-su đã có sức mạnh thay đổi cuộc sống nhiều người trong đó có chú bác mình, mình cũng nên đi nhà thờ cho biết.

Vậy là mình mò tới nhà thờ ngay gần trường, trong trung tâm thành phố Cambridge.

Hoàn toàn trái với những tưởng tượng của mình, không có cha xứ mặc áo kín cổ dài tới gót chân, mà là một vị mục sư mặc áo sơ mi trắng và quần bò. Không có dàn đông ca mặc áo trắng chùm đầu, mà tất cả nhà thờ cùng hát trong những bài hát trẻ trung sống động ca ngợi Chúa. Không có những bài đọc ề à buồn ngủ không ai hiểu gì, mà là những lời giảng khiến người nghe phải suy nghĩ, rất gần gũi với cuộc sống, rất có sức chạm vào lòng người…

Và không biết từ khi nào, mình bắt đầu trông chờ được đến nhà thờ mỗi tuần.

4. Nhiều người có những giây phút mở mắt bỗng ngộ ra chân lý. Còn mình là cả một quá trình dài vỡ lẽ dần dần từ từ.

1 năm, 2 năm, hay thậm chí là 4 năm, 5 năm… từng ngày từng giờ thông điệp về chúa Giê-su, về cái chết của chúa trên thập tự giá để gánh lấy tội lỗi cho mình, càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn.

Mình biết rõ hơn mình là ai, mình cần phải sống như thế nào, mình sẽ đi về đâu.

Mình muốn sống tốt hơn, nhưng không phải vì áp lực của bản thân hay áp lực từ bên ngoài nữa, mà vì trong lòng mình ngập tràn sự biết ơn.

Giống như một con người gần kề với cái chết, sau khi thoát khỏi cái chết trong đường tơ kẽ tóc nhờ sự cứu giúp của một người nào đó chết thay cho anh ta, trong lòng anh ta ngập tràn sự biết ơn. Anh ta muốn sống tốt hơn để báo đáp lại ơn cứu mạng đó. Và nhận ra để được sống như ngày hôm nay trong giờ phút này không phải là một điều hiển nhiên, anh ta bỗng quý trọng cuộc sống của mình hơn.

5. Nhiều người bảo mình rằng, mình may mắn có được một cuộc sống hạnh phúc, có một người chồng tốt, yêu mình hết lòng.

Sự thực “may mắn” có lẽ không phải là một từ chính xác nhất. Vì trong mối quan hệ, cả hai đứa mình đều hướng tới chúa Giê-su cho định nghĩa của “tình yêu”.

Sự tối cao của tình yêu mà mỗi người chồng theo Chúa Giê-su luôn hướng tới đó là yêu tới mức độ sẵn sàng chết thay cho người mình yêu, và tới giây phút cuối cùng trong cuộc đời vẫn còn lên tiếng bảo vệ của người yêu đó dù cô ta có xấu xa tới cỡ nào, giống như Chúa Giê-su giây phút cuối đời vẫn còn van xin với Đức Chúa Trời cho những kẻ đã nhẫn tâm treo mình trên cây thập tự giá: “Fatherforgive them, for they don’t know what they are doing.” (“Cha, xin hay tha thứ cho bọn họ, bởi vì họ không biết họ đang làm gì.“)

6. Bây giờ, sống một cuộc đời có ý nghĩa với mình không còn là phải giỏi, phải thành công nữa. Mà là sống một cuộc đời với sự yêu thương và khiêm nhường để phục vụ những người xung quanh mình, cũng giống như chúa Giê-su, là một vị Chúa nhưng không bao giờ có cái kiêu ngạo của vua chúa, mà tràn đầy tình yêu thương và sự khiêm nhường, không ngần ngại rửa chân cho người khác để thể hiện sự yêu thương và trân trọng.

Điều này không có nghĩa là mình phải sống một cuộc đời không giỏi, không thành công. Nhưng giỏi và thành công không còn là mục đích sống, mà nó đơn thuần là một phương tiện, nếu cần, để đạt được mục đích sống cao hơn, đó là phục vụ lợi ích của những người xung quanh mình.

Mình không còn làm mọi thứ để tôn vinh bản thân mình, để tạo trang sức cho cái tự tôn của mình nữa, mà mình làm mọi thứ vì mình biết ơn Chúa, và vì mình muốn sống cuộc sống ngập tràn sự yêu thương mà Chúa vốn đành cho mình cũng như cho mỗi con người.

Nói thế không có nghĩa mình bỗng dưng trở thành một người hoàn hảo luôn ngập tràn tình yêu thương và sự nhẫn nại với tất cả mọi người xung quanh mình. Mình xa vời từ cái sự hoàn hảo. Vẫn có lúc mình cáu gắt, vẫn có lúc ghen tị, vẫn có lúc nói những lời không nên nói, làm những điều không nên làm. Nhưng mình biết Chúa vẫn luôn cho mình sức mạnh mỗi ngày, từ từ dần dần bền bỉ mỗi ngày để bước theo chân Chúa.

7. Vậy là tờ đơn của mình, cuối cùng mình đặt bút viết:

“My career ambition is to use my strengths and interests to serve the public in the most effective way. In order to do that, I want to continually improve myself.”

(“Tham vọng nghề nghiệp của tôi là sử dụng điểm mạnh và sở thích của mình để phục vụ quần chúng theo cách hiệu quả nhất. Để đạt được điều đó, tôi muốn không ngừng phát triển bản thân mình.“)


Ảnh: Một ngày lao động…

0 Replies to “Tham vọng nghề nghiệp”

  1. E đang trên con đường định hướng nghề nghiệp và cũng cảm thấy hoang mang lắm. E luôn cầu nguyện với Chúa cho e tìm con đường tốt nhất, có 1 cuộc sống hướng tới Ngài và ý nghĩa. Bài viết của c làm e cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chúa chúc lành cho gd c Ngân. Love you <3

    1. Chị cảm ơn em đã chia sẻ với chị những suy nghĩ của mình. Kinh thánh đã nói là “Ask, and it shall be given you; seek, and ye. shall find; knock, and it shall be opened unto you”. Khi em cảm thấy hoang mang, cứ cầu nguyện và đọc kinh thánh em ạ. Chị luôn tìm được nhiều sự khôn ngoan và phương hướng từ lời của Chúa. <3

  2. Ngân em,

    Chị vẫn luôn cảm thấy rất vui & biết ơn khi đọc những bài viết ý nghĩa của em. Thật sự ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, khi gặp những khó khăn quá lớn không biết hỏi ai, chị cũng cầu nguyện. Chị xin Chúa hãy chỉ cho chị cách quyết định đúng đắn. Và chị luôn biết ơn Ngài vì đã luôn chở che, soi sáng & dẫn đường cho chị, cho dù chị không phải là một người có đạo, nhưng chị luôn tin tưởng Ngài, một cách tuyệt đối.

    Chúc mừng em đã tìm thấy tình yêu tôn giáo, từ đó tìm thấ ý nghĩa của mọi việc em làm trong cuộc sống.

    Chị luôn dõi theo em & mong mỏi cho em một cuộc sống an yên & hạnh phúc nhất.

    Chị gửi lời hỏi thăm đến anh Simon.

    Hôn Anna thật nhiều giúp chị nhé em.

    Chị My

    1. Em chào chị, em cảm ơn những lời chia sẻ của chị và cảm ơn chị vẫn luôn theo dõi những bài viết của em <3. Em cầu Chúa cho chị và gia đình luôn được an lành, mạnh khỏe và hạnh phúc. ❤️❤️❤️

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!