Thay đổi trong công việc đầu năm mới
Dạo này mình không hay viết. Lý do là mình bận. Tháng một thì bận ôn phỏng vấn xin việc. Tháng hai thì bận sum vầy với gia đình em gái từ Việt Nam qua chơi. Giờ đang đi chơi, mới có chút thời gian tranh thủ viết lách một chút.
Nói đến chuyện ôn thi phỏng vấn xin việc. Nếu bạn nào theo dõi blog của mình thì chắc biết mình mới đi làm được hơn nửa năm nay sau khi nghỉ đẻ. Mặc dù thì thoảng cũng khá bận rộn, nhưng công ty tốt, công việc cũng tốt, đồng nghiệp cũng tốt. Mình có ý định làm việc ở chỗ này vài năm thì mới chuyển nhưng ai dè cơ hội này đến bất ngờ quá, mình cũng không lường trước.
Mình nhớ lúc đó cả nước hân hoan vui mừng vì tuyển U23 làm nên lịch sử bóng đá Việt Nam đánh bại Qatar vào vòng chung kết. Còn mình thì cũng không ngủ được, cũng vì háo hức, nhưng là vì đã được nhận vào làm trong bộ phận tài chính của cơ quan chính phủ Anh Quốc, một trong số 25 bộ ban ngành nhà nước.
Suốt cả tháng thấp thỏm lo lắng chuẩn bị, nhoằng một cái tới ngày đi phỏng vấn, và chỉ ngay một tiếng sau khi phỏng vấn thì nhận được tin trúng tuyển. Mọi thứ xảy ra quá chớp nhoáng đến mức mấy tiếng sau khi nhận được điện mà mình vẫn chưa tin nổi vào điều đã xảy ra.
Công việc lần này có ý nghĩa rất nhiều với mình.
1. Thứ nhất:
Từ bé không hiểu từ lúc nào mình đã luôn ấp ủ giấc mơ làm cho nhà nước chính phủ hoặc là tổ chức liên hiệp quốc, vì mình muốn có thể dùng khả năng và sức lực của mình phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải là một cá nhân giàu có nào cả.
Nhưng bản tính mình không thích tranh giành đấu đá, thích sống thẳng sống thật không luồn không cúi, thấy khó có thể trở thành một chính trị gia. Bốn năm mài đũng trên giảng đường nhai đi nhai lại mấy công thức kinh tế, vốn là muốn trở thành chuyên gia kinh tế nhà nước.
Cuối cùng số phận run rủi, bây giờ lại chở thành chuyên viên kế toán trong bộ chính phủ. Giống như là đi đường vòng một hồi, cuối cùng cũng có thể chạm tới cái đuôi của giấc mơ.
Thôi thì không có duyên với chính phủ Việt Nam, thì mình tạm làm cho chính phủ Anh đã.
2. Thứ hai:
Không chỉ được nhận vào làm, mà mình còn được nhận vào vị trí mà mình rất thích và tự cảm thấy kinh nghiệm bản thân nếu so với những người khác có lẽ là chưa bằng để được vào vị trí này.
Dù bắt đầu đi làm từ 6 năm về trước, kinh nghiệm của mình thì mới hơn 4 năm, vì dành 2 năm nghỉ chăm con. Khi rời công ty cũ, mình mới chỉ là đội trưởng, chứ chưa lên chân quản lý. Nhưng thông qua bạn bè trong bộ, mình biết được rằng những người được bổ nhiệm vào vị trí/ cấp độ này, người có ít nhất 6 năm kinh nghiệm, người đã từng làm quản lý được 1, 2 năm.
Bỗng dưng mình cảm thấy hai năm nghỉ chăm con không làm mình quá chậm bước trong sự nghiệp. Mình đang dần bắt kịp các đồng nghiệp cũ của mình.
3. Thứ ba:
Nói thật lòng, dù mình đã ở Anh hơn chục năm, học với người Anh, đi làm với người Anh, nhưng có đôi lúc vẫn cảm thấy không hài lòng với tiếng Anh của mình, và thi thoảng vẫn không hiểu hết được tất cả câu từ ý tứ của mọi người xung quanh.
Mình thuộc dạng không có tài năng về ngôn ngữ, mà chỉ là cần cù bù thông minh. Nhưng vì thiếu cái chữ tài, mà chưa thể nào nói chuẩn được như người Anh, và loại bỏ được những cái sai trong phát âm và ngữ pháp. Đã có lúc mình lo lắng điều này sẽ cản trở sự nghiệp và sự hoà nhập xã hội của mình.
Cuộc phỏng vấn lần này đòi hỏi chuẩn bị hơn rất nhiều so với các lần khác, vì họ chú trọng về các kỹ năng mềm. Mình phải chuẩn bị nhiều ví dụ để thể hiện các kỹ năng mềm khác nhau. Khi tập, mình đã vấp váp rất nhiều vì bí từ và phát âm sai.
Chính vì thế, khi thành công vượt qua cuộc phỏng vấn và nhận được những nhận xét tích cực từ ba vị thành viên ban tuyển chọn, hơn bao giờ hết mình thấm thía ngôn ngữ chỉ là một phần, vẫn còn những cái khác rất quan trọng nếu muốn đạt được thành công nhất định trong phỏng vấn xin việc.
Một số điều trong danh sách của mình là:
i) Biết điểm mạnh của mình là gì, tìm việc phù hợp để phát huy điểm mạnh đó:
Trong trường hợp của mình, điểm mạnh (và sở thích) là khả năng hiểu và áp dụng những phần phức tạp của kế toán chuyên ngành. Mình cố tình xin vào vị trí đòi hỏi nhiều khả năng này để có thể phát huy sở trường. Khi viết đơn xin việc và phỏng vấn, mình cố sắp xếp để điểm mạnh của mình được thể hiện rõ nhất.
Một khi đã chọn đúng việc thì phỏng vấn sẽ dễ dàng hơn nhiều, vì sự yêu thích và đam mê với công việc sẽ tự nó bộc lộ ra. Một trong những phản hồi của ban tuyển chọn đó là họ thấy được sự hào hứng và thích thú của mình với công việc mình làm.
Đây có lẽ cũng chính là điều giúp mình được nhận việc dù kinh nghiệm ít hơn người khác.
ii) Chuẩn bị kỹ càng:
Ai cũng khuyên những người đối mặt với thi cử, với phỏng vấn là phải tự tin bình tĩnh thì mới thể hiện tốt được bản thân mình. Nhưng không phải ai bảo tự tin là cũng tự tin ngay được. Trong kinh nghiệm của mình, gần như trăm lần như một, chuẩn bị kỹ càng chính là bàn đạp cho sự tự tin.
Lần này, mình dành cả tháng, sáng trên tàu đọc tài liệu, tối về tìm hiểu câu hỏi phỏng vấn, viết câu trả lời thành bài bản ra giấy, rồi tập nói đi nói lại tới khi thuộc hết các điểm chính. Có nhiều hôm con đau bụng khóc quấy, mình cũng xì chét lắm. Nhưng phải luôn tranh thủ tìm thời gian rảnh để chuẩn bị.
Mặc dù không đập tan hết được sự hồi hộp, nhưng chắc chắn giúp mình tự tin hơn rất nhiều.
iii) Giữ vững tâm thế “Cố hết sức, nhưng không được thì thôi, thua keo này ta bày keo khác”:
Suy nghĩ này rất quan trọng để không tạo quá nhiều áp lực cho bản thân mình. Công việc thì cuối cùng cũng chỉ là công việc. Không làm việc này thì ta làm việc khác. Tuyệt đối không nên để kết quả của phỏng vấn ảnh hưởng tới sự cố gắng và quyết tâm của bản thân. Nhưng tất nhiên là nên biết học hỏi từ kinh nghiệm để làm tốt hơn lần sau.
iv) Tinh thần:
Một yếu tố rất quan trọng với mình là mặt tinh thần. Vì mình tin vào Chúa, mình tin Chúa luôn theo dõi mình, dẫn đường cho mình. Chúa biết điều gì là tốt nhất cho mình. Thế nên dù được hay không được, mình vẫn cảm thấy rất an lành, vào bước vào phỏng vấn với một sự tự tin thoải mái.
Tóm lại
Mình đang rất vui và háo hức. Biết rất rõ đây mới chỉ là bắt đầu của một chặng đường mới, gian nan vất vả còn chưa biết thế nào, nhưng mình vẫn muốn ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc lúc này, để 10, 15 năm nữa đọc lại sẽ thấy được mình của những ngày xưa ấy.
Chúc mừng em, tiếp tục phấn đấu thành công hơn nữa nhé! 🙂
Ở VN thì anh đã từ bỏ ý định làm cho 1 đơn vị nhà nước ngay sau khi ra trường khoảng hơn 1 năm, vì tiếp xúc với các khách hàng làm trong các cơ quan nhà nước thì thấy mình không hợp với môi trường này 1 tí nào, hề hề.
Em cảm ơn anh :))) Em cũng chưa biết thế nào. Bên này em cũng nghe nói nhà nước bao giờ cũng quan liêu chậm chạp. Nhưng mà chưa thử thì cũng chưa biết thế nào. Thế nên em cũng muốn thử cho biết rồi xem tiếp.
Chị cứ tưởng nhà nước thì chỉ có xứ mình mới quan liêu chậm chạp chứ ở Anh cũng vậy à em? Em cứ đi làm một thời gian rồi chia sẻ cho mọi người cùng biết với nha 🙂
Ở đây nhà nước cũng bị nói vậy đó chị. Dù sao so với tư nhân cũng không thể bằng. Em giờ mới làm cũng chưa biết, nếu có gì hay em sẽ chia sẻ với mọi người.