Tuần này ở chỗ làm có gì hay?

Tuần này ở chỗ làm có gì hay?

1. Phát hiện ra chàng mèo của Bộ có 22k followers trên Instagram…

Đang ngồi họp với các cán bộ kiểm toán, một cán bộ bỗng reo lên: “Ô, con mèo của Bộ kìa! Đã nghe tiếng bao lâu mà giờ mới có dịp nhìn thấy tận mắt!”

Ngó ra thấy chàng mèo đen ngoáy mông kiêu kỳ bước đi đằng xa, mặc kệ những con mắt phàm tục đang đổ về phía mình.

“Chàng ta có tới hơn 20k followers trên Instagram đó.” Một nhân viên Bộ lên tiếng.

Những tiếng ồ, à vang lên không dứt. Giữa buổi họp 30 phút, có năm phút ngồi ngắm mèo.

Sau mình lên mạng stalk chàng, hoá chàng chẳng những có gần 22k followers mà còn có một profile wikipedia riêng. Theo Wikipedia, chàng từng sống đời mèo hoang rong ruổi đường phố Luân Đôn với cái bụng đói meo. Tháng 5 năm 2016, chàng được trại động vật cưu mang vào, hai tháng sau thì gia nhập Bộ và được bổ nhiệm làm “Trưởng Bắt Chuột”. Tính tới thời điểm này, chàng đã bắt được 22 con chuột và thêm khuyến mại hai con ruồi.

Tuy nhiên đừng tưởng cuộc đời làm “người” nổi tiếng là dễ dàng. Dạo gần đây chàng phải uống thuốc an thần vì quá xì chét với sự nổi tiếng của mình.

2. Tham gia tuyển dụng cho hai đội kế bên…

Hai đội kế bên tuyển nhân sự, réo mình ngồi vào ban tuyển dụng xem xét cùng. Tuần này là tuần hết hạn nộp hồ sơ, chọn người phỏng vấn.

Một đội có tới gần trăm cái hồ sơ gửi tới cho một vị trí tuyển dụng. May sao hơn nửa là không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên ngành kế toán nên bị loại từ vòng gửi xe, chứ không mình đọc tới sấp mặt cũng không duyệt hết được.

Đúng là phải tham gia tuyển dụng đọc hồ sơ mới thấy được nhiều câu trả lời ứng tuyển lan man không đúng trọng tâm thế nào, và nhận ra tầm quan trọng của việc cần hiểu rõ công việc mình đang đăng ký yêu cầu những kinh nghiệm và kỹ năng gì. Hồ sơ chau chuốt có đầu tư từ một người có thể chỉ ra kinh nghiệm và kỹ năng liên quan luôn dễ dàng lọt vào mắt xanh của ban tuyển dụng.

Hai tuần nữa là vòng phỏng vấn, nhưng không chỉ có phỏng vấn mà còn phải đọc case study và làm presentation. Sẽ có dịp gặp mặt những nhân vật đằng sau những tờ giấy đăng ký này. Có phần hồi hộp thay cho họ.

3. Tham gia chương trình “Accelerate” (“Tăng tốc”)…

Đây là một chương trình hỗ trợ được đưa vào hoạt động vào năm ngoái, dành riêng cho nhân viên thuộc nhóm thiểu số như là da đen, da vàng, LBGT, người khuyết tật… nhằm giúp những nhóm này giành được cơ hội cao hơn trên con đường bước qua ngưỡng cửa lãnh đạo cấp cao.

Hay nói nôm na dễ hiểu trong trường hợp của mình là: Mình là người gốc Á, mà lãnh đạo toàn người gốc Anh, nên mình được tạo cho những cơ hội phát triển đặc biệt dành riêng, với hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều lãnh đạo gốc Á hơn.

Bác Thư Ký Nhà Nước tới phát biểu. Bác bảo: “Bộ phát triển chương trình này, không đơn thuần vì lý do đạo đức, mà là muốn có thể thu hút nhân tài từ tất cả mọi nhóm sắc tộc, mọi thành phần dân số trên cả nước. Chúng ta phải bỏ đi cái ấn tượng rằng Bộ này chỉ dành riêng cho một nhóm người nhất định…”

Bác nói thêm là thành phần nhân viên Bộ cần phải phản ánh dân số ngoài kia. Dân số ngày càng trở nên đa dạng về sắc tộc, thì Bộ cũng phải noi gương. Nhưng Bộ chỉ có thể làm được điều đó, nếu trong bậc lãnh đạo cấp cao có tính đa dạng này, vì lớp người trẻ sẽ nhìn lên lãnh đạo cân nhắc liệu họ có tạo dựng được tương lai ở nơi này không, trước khi đặt bút đăng ký việc làm…

Mình nhớ ngày xưa khi mình sắp đi du học, ba mình bảo rằng: “Sang Mỹ dễ hoà nhập hơn con ạ. Vì họ là đất nước của người nhập cư. Còn Anh Quốc lâu đời toàn người da trắng họ sẽ không chào đón dân nhập cư.”

Điều ba mình nói có lý lẽ của nó. Nhưng mình vẫn khăng khăng sang Anh, lúc đó mình hai lý do: 1) Mình yêu cái tính chất lịch sử lâu đời, nó làm nên màu sắc độ sâu, và 2) mình yêu giọng tiếng Anh của người Anh, nhẹ nhàng uyển chuyển thánh thót.

Rồi sang tới Cambridge, thấy vô cùng quốc tế hoá. Lên tới Luân Đôn, càng thấy quốc tế hoá hơn. Tất nhiên vẫn có vô số những vấn đề bất cập về phân biệt chủng tộc, về khủng hoảng danh tính, nhưng luôn có những cố gắng để tạo ra một xã hội công bằng tốt đẹp hơn.

4. Làm quen thêm được một người bạn Việt Nam mới…

Thông qua chương trình “Accelerate” nói trên, mình tình cờ khám phá ra có một em Việt Nam nữa ở Bộ này.

Khi lướt qua sáu chục cái tên, nhìn thấy cái tên Việt, có cái gì đó thật thân thiết gần gũi. Suốt mười bốn năm qua kể từ ngày đầu tiên mình đặt chân lên Anh Quốc, mình đã luôn cảm thấy vậy. Có lẽ đó là một phần của tình cảm đồng bào mà người ta hay nói đến, sự liên quan gắn kết của những con người cùng chung cội nguồn.

Khi mình nhắn tin cho em, em bảo mình: “Chị là người Việt Nam duy nhất mà em biết ngoài em ra trong Bộ này.”

Mình cũng bảo: “Ừ, em cũng là người Việt Nam duy nhất mà chị biết.”

Có lẽ không có nhiều người Việt sang Anh mà nghĩ tới chuyện làm việc cho chính phủ Anh. Dù sao lương vẫn thấp hơn, bổng lộc cũng không bằng được các công ty tư nhân, các ngân hàng lớn.

Em đùa bảo mình: “Nhưng chúng ta có quyền lực.”

Quyền lực thì cũng có thật, nhưng mà ở trong tay các lãnh đạo cấp cao.

Còn cái mà mình đúng hiện đang có là:

(1) một môi trường làm việc tốt, nhân viên tôn trọng quan tâm nhau, các sếp biết khích lệ và luôn cố gắng tạo điều kiện phát triển cho nhân viên cấp dưới,

(2) một công việc, dù không trực tiếp, những vẫn đang phần nào đóng góp vào phục vụ lợi ích của mọi người xung quanh.

Không nơi nào là 100% hoàn hảo, nhưng hiện, tổng kết tất cả, mình rất hài lòng.

P/S: Ngân voi, à nhầm, Ngân và voi. Về lại Anh, chưa chụp ảnh mấy nên xin dùng tạm ảnh đi chơi Việt Nam.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!