Việt Nam – Hai ngày đầu

1. Đã năm năm rồi mình mới có dịp về Việt Nam thăm quê. Đây là lần mình xa Việt Nam lâu nhất kể từ cái ngày vác ba lô lên đường đi tìm trí thức 14 năm về trước. Dù đã là cuối tháng mười, vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài, mình đã ngay lập tức ngửi thấy mùi đất nồng, mùi không khí ẩm, thật quen thuộc, gợi lên cái cảm giác bồi hồi khó tả trong lòng của một người con đất Việt xa xứ.

2. Nếu mười năm trước, khi là một sinh viên trẻ chưa vào đời, vẫn còn tìm kiếm sự quan trọng của bản thân, tìm kiếm danh tính, tìm kiếm cái tôi, đặt chân tới sân bay nước nhà đã cảm thấy tràn đầy niềm tự hào về cá nhân mình, về những cái mình đạt được. Thì mười năm sau, là một phụ nữ ngoài ba mươi, đã có chồng và con nhỏ, cùng đặt chân lên một sân bay ấy, đã không còn những suy nghĩ về bản thân mình, mà trong lòng chỉ ngập tràn một tình thương khó tả cho con người và mảnh đất nơi này.

3. Con đường từ sân bay trở về lại thành phố Hải Phòng quê hương không nhiều đổi khác. Vẫn những tuyến xe cộ dày đặc người đi lại, xe máy chen chúc với ô tô trên những làn đường. Người người đội mũ bảo hiểm đeo khẩu trang vai khoác áo trống nắng, kín mít từ đầu tới chân cố tránh cái bụi cái nóng của những ngày oi bức. Dù không nhìn thấy nhiều xe thồ hàng chở quá tải như nhiều năm về trước, vẫn thi thoảng nhìn thấy người qua đường liều mạng cố trèo qua thanh chắn giữa đường mặc kệ ô tô xe máy đang lao qua lao lại với tốc độ chóng mặt phía trước và phía sau.

Hơi thở cuộc sống vẫn tưng bừng náo nhiệt như vậy, thậm chí có phần rạo rực hơn với những khu công nghiệp mọc lên đầy rẫy khắp mọi nơi. Nếu trước đây vào các cửa hàng mua sắm trong những khu phố của Luân Đôn, nhìn thấy không thiếu sản phẩm quần áo với nhãn mác “made in Vietnam”, chỉ đơn thuần nghĩ: à, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn. Giờ đã có thể tận mắt chứng kiến hàng trăm hàng nghìn người công nhân may đang hối hả trên đường tới chỗ làm. Đối với một người sống ở Luân Đôn nơi chỉ có dịch vụ tài chính, ngành nghề “công nhân nhà máy” quả có phần lạ lẫm.

4. Đón chào mình ở nhà là… bánh cuốn nóng hổi vừa mới mua ở hàng về. Quả nhiên, ăn ở đâu thì bánh cuốn cũng không thể ngon được bằng hàng nguyên gốc Việt Nam. Từ bánh tráng cho tới mắm chấm, không thể chê được một chỗ nào. Chỉ có thể ngồi đó, vừa ăn vừa khóc thầm trong lòng, ước ao ngày nào cũng có thể được ăn món này. Chả trách mình lại hay… nằm mơ về bánh cuốn tới vậy, và không thể nào không nhắc về nỗi niềm thương nhớ bánh cuốn trong những câu chuyện mình viết về người Việt ở Anh.

5. Ngày đầu tại quê hương, điều đầu tiên mình muốn làm, đó chính là… đi hiệu sách. Ngày thứ hai, cũng là đi hiệu sách, sáng đi, chiều lại đi.

Đối với những con người xa quê như mình, được đọc những tác phẩm văn học Việt Nam không phải là một điều dễ dàng. Chính vì thế khi có cơ hội quý giá như thế này, phải tranh thủ mua một loạt về tích trữ. Cầm những cuốn sách bằng tiếng Việt viết bởi tác giả người Việt mới cóng xinh đẹp trên tay mà cảm thấy như được cầm vàng. Mình có chút hối tiếc là tình yêu với việc đọc không được trau dồi từ sớm, để có thể tiếp cận với “đống vàng” này sớm hơn.

Vậy là sau hai ngày đã tích được đầy chặt một va-li con xách tay, tới mức mà chồng phải gàn: “Thôi em ơi, mua nữa là không có chỗ nhét đâu.” Mình chắt lưỡi bảo: “Anh không thấy 150k mà mua được 4 cuốn sách, chẳng phải mua vàng với giá rẻ sao, phải mua ngay và luôn.” (Ở Anh, trung bình một cuốn sách từ £7 tới £10, tương đương với 210k tới 300k tiền Việt). Nói xong mình lên… tiki đặt hàng mua tiếp (vì không tìm thấy những cuốn này trong hiệu sách).

6. Sáng chiều đi mua sách, tối đi shopping. Em gái hai tốt bụng dẫn vào khu trung tâm mua sắm Vincom. Ở bên Anh, đọc thấy bác Vượng, tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, lọt vào top 200 người giàu nhất thế giới. Về Việt Nam mới thấy… chứng cớ rành rành. VinCom, VinPearl, VinHomes, VinMart… khắp mọi nơi. Một lần nữa mình lại nghĩ Việt Nam quả là một vùng đất đầy tiềm năng. Em gái giới thiệu cho một loạt các nhãn hiệu hàng Việt Nam, chất lượng tốt mẫu mã đẹp giá cả phải chăng, NinoMax, Vascara, TNG, Elise, Pantio… Vậy là vừa có thể làm đầy thêm cái tủ quần áo, vừa có thể ủng hộ nền kinh tế nước nhà. Mình luôn là fan cứng ủng hộ việc mua hàng nội địa địa phương.

7. Mình cũng có dịp tới thăm chỗ làm của em gái, gặp gỡ những đồng nghiệp, những người bạn của em. Đây là một điều rất khác biệt giữa văn hoá phương Tây và phương Đông. Ở Anh, phần lớn mọi người phân rõ chỗ làm và cuộc sống xã hội gia đình thành hai mặt trắng đen không giao thoa. Hiếm có chuyện đưa gia đình từ nước ngoài tới thăm chỗ làm. Nhưng ở Việt Nam, đó lại là một chuyện rất bình thường và mình thực sự rất thích điều này. Nó mang tới một cái gì rất ấm cúng gần gũi giữa người với người.

8. Một trong những điều mình thích thú nhất là cuộc dạo bộ dọc trung tâm thành phố từ cuối bờ hồ Tam Bạc tới nhà hát lớn rồi xuyên thẳng tới hiệu sách Tiền Phong trên đường Lạch Tray, trục đường chính tấp nập bận rộn của thành phố. Thành phố đang tích cực xây dựng nhiều khu vực trong trung tâm với vỉa hè lớn và cây xanh bóng mát và mình không thể ngừng ca ngợi điều này. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần tăng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Dọc bờ hồ, mình nhìn thấy người chạy bộ, người chơi cờ, người câu cá, một vài ba người phì phèo rít thuốc lào… Một cảnh tượng yên bình quen thuộc khiến lòng người rảo bước qua không khỏi khấp khởi niềm vui phơi phới.

Nếu ngày trước đi dạo phố, anh chàng Tây mũi lõ cạnh mình sẽ thu hút sự chú ý. Thì bây giờ anh đã trở thành dĩ vãng, phải nhường lại spotlight cho cô con gái lai. Hết người này tới người kia không ngừng ngắm cô bé, vẫy tay với cô bé và khen cô bé xinh. Cô bé vẫn bị jet lag, vẫn mệt mỏi vì đi đường mệt, và có vẻ bị dị ứng vì gãi rất nhiều. Nhưng bù lại tinh thần cô bé rất tốt, thích ứng thời tiết khí hậu nhanh hơn ông bố Tây kia.

9. Trên đường về nhà từ hiệu sách, ông ngoại Anna đánh xe đưa cả nhà đi thăm một vòng thành phố. Cầu mới, đường mới, khu quy hoạch mới… xinh đẹp tráng lệ. Thành phố thực sự đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Dù trong lòng mình có chút lo lắng khi đi các khu mua sắm không thấy mấy bóng người, lo rằng cung tăng nhưng không đủ cầu, lo rằng thay da chứ không đổi thịt, nhưng mình thầm cầu mong rằng sự thay đổi này sẽ mang đến nhiều đầu tư và phát triển hơn nữa, tạo công ăn việc làm, tăng cao mức thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân thành phố quê hương.

#vietnam

—-

P/S 1: Quá nắng quá nóng nên đi dạo phố người nhàn tênh không mang máy ảnh. Đành đăng ảnh trên máy bay làm minh họa.

P/S 2: Vẫn bị jet lag, thức dậy 2h sáng không ngủ được nên ngồi viết blog tổng kết hai ngày đầu của chuyến đi. 🙂

0 Replies to “Việt Nam – Hai ngày đầu”

  1. Chào mừng chị trở lại quê hương <3 À nếu được thì chị viết thêm một bài về các cuốn sách chị đã mua nha chị, e cũng khá đam mê với sách nên rất muốn tìm hiểu thêm các đầu sách hay để đọc.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!