12 cuốn sách mình đã đọc trong năm 2020
Năm 2020 mình đã hoàn thành xong mục tiêu đọc sách vô cùng khiêm tốn, đó là mỗi tháng 1 cuốn sách. Thực ra mình có hơi “ăn gian” một tí, mấy tháng mùa báo cáo cuốn năm bận rộn, mình không có mấy thời gian giở sách ra, phải đến đợt Giáng Sinh vừa rồi nghỉ covid đóng cửa ở nhà, mình mới đọc một lèo hết vài cuốn để hoàn thành chỉ tiêu cuối năm.
Những năm trước mình hay viết review sau mỗi lần đọc sách, năm nay lười cộng không có thời gian, mình kết hợp luôn hết thành một bài tổng kết cuối năm này, để sau này nhìn lại còn biết mình đã đọc gì.
Ngoài những cuốn sách dưới đây, cũng có một số cuốn khác mình đã mở ra nhưng vì thấy không phù hợp với sở thích nên không đọc hết. Thời gian quý báu, mình không muốn phí phạm vào những cuốn sách mà mình không cảm thấy thích thú hay học hỏi được điều gì.
1. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những tác giả yêu thích của mình. Trong thời gian viết truyện “Dấu yêu Cambridge”, mình cũng hay mở sách của chú Ánh để tìm cảm hứng, vì mình thích không gian tươi sáng và cảm giác hoài niệm tuổi thơ mà sách của chú Ánh mang lại.
Dù rất thích văn phong của chú, mình lại không thích một số các câu chuyện, ví dụ, như các câu chuyện có các bạn nữ bắt nạt dắt mũi các bạn nam, hay nhân vật nam bị ngược tâm một cách thê thảm. Thế nên dù đọc nhiều tác phẩm của chú, có nhiều tác phẩm mình không hối hận vì đã đọc nhưng sẽ không muốn đọc lại, bao gồm tác phẩm “Mắt biếc” nổi tiếng đã được dựng thành phim.
Tuy nhiên, cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” này thì hợp với gu của mình. Cách kể chuyện của chú thì vẫn rất dễ thương lôi cuốn khỏi phải bàn rồi, câu chuyện thì tương đối nhẹ nhàng về cuộc sống qua cái nhìn của đứa trẻ 8 tuổi. Sách được nhận giải thưởng văn học ASEAN năm 2010 và đã bán hơn 400k bản. Cuốn này mình sẽ giữ lại trên kệ để sau này nhơ nhớ những ngày tháng tuổi thơ thì mang ra đọc lại.
Link mua sách: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
2. “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần
Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, một cuốn sách về cuộc đời qua cái nhìn của đứa trẻ 10 tuổi. Có phần hơi giống những tác phẩm của chú Ánh là truyện cho trẻ con nhưng người lớn vẫn sẽ thích đọc. Tuy nhiên mình cảm nhận được lối văn phong khác với chú Ánh, cụ thể là ít miêu tả hơn về những trò chơi tuổi thơ của lũ trẻ ở miền nông thôn, mà nhiều hơn là những bài học đơn giản mà sâu sắc từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Đọc truyện xong sẽ thấy sao cuộc sống thật là đẹp, mọi thứ đều rất mới mẻ tươi sáng qua cái nhìn trong veo của đứa trẻ 10 tuổi. Cuốn sách khiến mình phải dừng lại để ngẫm nghĩ nhiều, là một cuốn sách rất đáng đọc. Sách cũng đã in tái bản nhiều lần và nhận được nhiều giải thưởng. Cuốn sách này vốn do một bạn đọc của blog giới thiệu cho mình, mình rất cảm ơn bạn nhé.
Link mua sách: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
3. “Vẫn còn nhớ nhau” của Nguyễn Thị Hậu
Mình tình cờ tìm thấy cuốn truyện ký này của cô Hậu khi đi một vòng các hiệu sách hốt sách mang về Anh. Cuốn sách nhỏ xinh với cái tên đầy hoài niệm khiến mình phải tò mò dừng lại. Và khi đọc dòng giới thiệu về tác giả, mình liền không chần chừ mà rinh ngay cuốn này về.
Thực ra dòng giới thiệu tác giả chỉ ngắn ngủi như sau:
– Tác giả: tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, quê quán An Giang, sinh tại Hà Nội, sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
– Công việc: giảng dạy và nghiên cứu về khảo cổ học lịch sử văn hóa, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN.
Chính công việc “giảng dạy và nghiên cứu về khảo cổ học lịch sử văn hóa” của cô đã khiến mình cảm thấy đây chắc chắn là một cuốn sách đáng đọc. Mình biết những ngươi làm ngành này, họ phải rất yêu nghề, mà người có tình yêu với nghề nghiệp sẽ có nhiều cái hay để viết, nhiều điều thú vị để kể và truyền cảm hứng cho người khác.
Quả thật mình đã không phải hối hận với lựa chọn này. Cuốn sách này là truyện ký của cô về thời còn đi sơ tán, những câu chuyện thời bé thơ mà cô còn nhớ để ghi lại. Đọc cuốn sách này, mình cảm thấy hiểu thêm về thời sơ tán của Việt Nam, hay ít nhất là cuộc sống và cảm nhận của một đứa trẻ đi sơ tán. Mình rất thích những cuốn sách cho mình thêm hiểu biết về lịch sử như vậy.
Tuy nhiên, điểm mình chưa thích lắm ở cuốn sách này là lối nhân xưng không nhất quán, khi thì là nó, khi thì là cô ấy, khi thì là cô, và thêm nữa là một số câu chuyện về tình yêu ở cuối có phần trừu tượng khiến mình hơi bị rối một chút.
Tóm lại vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc.
Link mua sách: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
4. “Khói trời lộng lẫy” của Nguyễn Ngọc Tư
Cuốn sách này mình đọc từ đầu năm, là cuốn sách cuối cùng mình viết bài review tử tế. Cuốn sách là tuyển tập 9 truyện ngắn của chị Tư. Mình thích cách chị Tư kể từ nhiều ngôi thứ khác nhau đem lại sự đa dạng cho các câu chuyện. Khi là từ ngôi kể của đứa cháu nhân vật chính là dì dượng, khi là từ ngôi kể của em chị chủ nhân vật chính là cô giúp việc trong nhà… Mình cảm thấy có rất nhiều điều để học hỏi từ việc chọn ngôi kể này. Lối văn của Nguyễn Ngọc Tư đúng là rất thú vị, chỉ có điều truyện bi thương nhiều hơn truyện hạnh phúc nên khiến tâm trạng người đọc có phần u ám sau khi đóng cuốn sách lại. Xem thêm chi tiết review ở link này: Review – Khói trời lộng lẫy
Link mua sách: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
5. “Phố” của Chu Lai
Mình quá thích cuốn sách này luôn. Đây cũng là một trong những cuốn sách mình tình cờ tìm thấy trong hiệu trước khi về thăm Việt Nam lần trước. Mình bị hấp dẫn bởi chủ đề cuộc sống của những người dân Việt Nam sau thời chiến tranh nên đã chọn cuốn sách này. Mình cảm thấy ngày xưa đi học bị hổng nhiều trong kiến thức lịch sử, nên bây giờ cố bù đắp lại bằng những tác phẩm về thời chiến và hậu chiến.
Mình cứ tưởng vì tác giả là một Đại Tá, một nhà văn quân đội, lối viết có thể khô khan cứng nhắc, nào ngờ đọc truyện lại cảm xúc dạt dào. Tình cảm nam nữ nhiều chỗ còn miêu tả “bạo” hơn cả những tác phẩm ngày nay. Một câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn, khéo léo đan xen vào những miêu tả rất chân thực về cuộc sống của những người lính sau thời kháng chiến.
Link mua sách: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
6. “Quê nhà” của Tô Hoài
Tô Hoài thì rất nổi tiếng rồi, có lẽ ít người Việt Nam không biết tới Tô Hoài. Tuy nhiên, Tô Hoài nổi tiếng vậy, mình lại chẳng biết gì về tác phẩm của ông ngoài “Dế mèn phiêu lưu ký”. Vì thế mình đã quyết định chọn tác phẩm kinh điển này cho danh sách đọc của mình.
“Quê nhà” nằm trong bộ ba tiểu thuyết “Quê Nhà”, “Quê Người”, “Mười Năm” của tác giả Tô Hoài được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1. Ba cuốn này viết về khoảng thời gian khác nhau, về những con người khác nhau, nhưng có sự nối tiếp trong dòng chảy lịch sử của vùng quê nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. “Quê Nhà” tái hiện lại cuộc chiến đấu anh dung của những anh hùng vô danh, những người vốn chỉ quen với việc cầy cấy trước đó.
Mình phải thú thực mình không quen lắm với lối viết của tác giả Tô Hoài, có nhiều đoạn cảm thấy không được xuôi dòng cảm xúc. Tuy nhiên câu chuyện khá thú vị, và chắc chắn là một tác phẩm nên đọc về giai đoạn thời chiến.
Link mua sách: Tiki | Shopee |
7. “Tuổi 40 yêu dấu” của Ann Lee
Cuốn này mình mới đọc xong vài ngày trước. Một cuốn sách không dày nên mình chỉ dành một hai tiếng đồng hồ là đọc xong.
Thực ra mình không phải là fan của tản văn, vì mình vẫn thích các câu chuyện có mở đầu, có cao trào, có kết thúc, và mình thấy nhiều tản văn cố đưa ra triết lý, nhưng tác giả lại không đủ trải đời, thành ra sách trở thành những ghi chép rất hạn hẹp và phiến diện. Tuy nhiên, mình vẫn quyết định thử mua cuốn này để đọc thử, vì biết đâu lại tạo cảm hứng cho mình viết một cuốn nào đó về tuổi 30.
Và mình phải thừa nhận là mình khá thích cuốn sách này. Tác giả Ann Lee đã khéo léo lồng vào câu chuyện của rất nhiều những phụ nữ ở tuổi 39, 40 để bộc lộ quan điểm về những khía cạnh khác nhau của cuộc sống ở tuổi 40. Đọc sách mà cảm thấy mình biết thêm về nhiều những cuộc đời những số phận khác nhau.
Mình nghĩ cuốn sách này sẽ tạo nhiều cảm hứng cho phụ nữ gặp phải đổ vỡ và muốn làm lại ở tuổi 40. Nhưng kể cả đối với một người đầu 30 có cuộc sống tương đối ổn định như mình, đây vẫn là một cuốn sách thú vị đáng đọc.
Link mua sách: Tiki | Shopee |
8. “Tâm lý học thành công” của Carol S. Dweck
Carol Dweck (sn 1946) là một nhà Tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, bà là giáo sư ngành Tâm lý học tại trường đại học Stanford, đã từng dạy ở trường Đại học Columbia, Harvard và Illinois.
Đây là cuốn sách một người bạn thân từ thời đại học tặng cho mình. Dù được tặng từ cách đây vài năm, nhưng bận rộn nhiều việc mình quên bẵng đi mất, phải tới dịp gần đây mình mới chợt nhớ ra và mới đọc xong gần đây.
Mình phải thừa nhận cuốn sách mang đến rất nhiều điều mới mẻ về cách suy nghĩ và tư tưởng. Mình vốn vẫn tưởng mình là một người có tư duy phát triển (growth mindset), nhưng khi đọc cuốn sách này, mình nhận ra vẫn có nhiều mặt tư tưởng của mình còn cố định (fixed mindset).
Cuốn sách tạo cho mình cảm hứng để cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống và chọn lựa cho mình một tư tưởng đúng đắn để không ngừng tiến lên. Cuốn sách đã thay đổi cuộc sống nhiều người theo hướng tích cực.
Link mua sách ở Việt Nam: Tiki | Shopee |
Link mua sách ở Anh: Amazon
9. “Hướng nội” của Susan Cain
Susan Cain (sn 1968) là một tác giả và giảng viên người Mỹ, tốt nghiệp từ Đại học Princeton và Harvard, là người đồng sáng lập tổ chức “Quiet Revolution”. Susan Cain từng xuất hiện ở TED Talks và bài thuyết trình của cô về “Sức mạnh của người hướng nội” đã lọt vào danh sách những TED talks được xem nhiều nhất.
Đây là một cuốn sách rất nổi tiếng của Susan Cain mà mình mới đọc xong tuần này. Sách chỉ ra nhiều các kết quả nghiên cứu thú vị về nét tính cách hướng nội hướng ngoại, và hữu ích cho cả người hướng nội và hướng ngoại. Sách phân tích về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, bao gồm công việc, mối quan hệ vợ chồng, và mối quan hệ bố mẹ và con cái.
Điều căn bản nhất mình đúc kết được từ cuốn sách là mỗi con người sinh ra đã có một thiên hướng nhất định trong tính cách. Có người thích yên tĩnh, thích suy nghĩ, thích đọc sách, không thích phát biểu trước đám đông. Có người thích tụ tập tiệc tùng, thích là trung tâm của sự chú ý. Nét tính cách nào cũng có điểm lợi và điểm hạn chế. Nếu công việc và cuộc sống yêu cầu, người hướng nội có thể học cách thể hiện ra các đặc điểm của người hướng ngoại và ngược lại, nhưng nên tìm cách để bản thân vẫn có những khoảng thời gian trong ngày sống “thật” với sở thích và bản tính để nạp năng lượng.
Link mua sách ở Việt Nam: Tiki | Shopee |
Link mua sách ở Anh: Amazon
10. “And the mountains echoed” của Khaled Hosseini
Khaled Hosseini là một tác giả rất nổi tiếng trên thế giới và là một trong những tác giả yêu thích nhất của mình. Mình gần như đã mua đủ hết các tác phẩm của Hosseini, và không có tác phẩm nào khiến mình phải thất vọng.
Giống như các tác phẩm khác của Hosseini, “And the mountains echoed” (“Và dãy núi vang vọng”) lấy bối cảnh Afghanistan và bắt đầu bằng câu chuyện của hai anh em bị ly tán từ tấm bé. Sau đó mỗi chương của câu chuyện là cuộc đời của những con người khác nhau. Hosseini có lối kể chuyện rất hấp dẫn, luôn có sự ngạc nhiên lẩn khuất đâu đó. Đọc truyện của Hosseini, mình cảm thấy mình biết hơn một chút về đất nước Afphanistan và con người ở nơi đó.
Link mua sách ở Việt Nam: Tiki | Shopee |
Link mua sách ở Anh: Amazon
11. “The White Tiger” của Aravind Adiga
Đây là tác phẩm được chọn bởi câu lạc bộ sách ở chỗ làm của mình. Aravind Adiga là một nhà văn kiêm nhà báo người Ấn Độ. “The White Tiger” (“Con cọp trắng”) là tiểu thuyết đầu tay của anh, tiểu thuyết này đã giành được giải Man Booker Prize năm 2008. Hiện Adiga đang sống ở Mumbai, Ấn Độ.
“The White Tiger” là câu chuyện về cuộc đời của người đàn ông tên Balram, biệt danh “Con cọp trắng”, vốn lớn lên từ một gia đình rất nghèo ở một làng quê Ấn Độ, sau đó trở thành lái xe và người hầu của một gia đình giàu có, và cuối cùng trở thành ông chủ của công ty tắc xi. Câu chuyện được viết theo lối hiện thực châm biếm, có yếu tố trinh thám ly kỳ, miêu tả rất sống động cuộc sống của những người dân bần cùng của Ấn Độ, sự phân chia giai cấp, sự biến chất thoái hóa của chính trị…
Dù mình không đồng tình lắm với cái kết và cách giải quyết mâu thuẫn của tác giả, mình nghĩ đây là một cuốn sách hay, đáng đọc (và có thể gây nhiều tranh cãi).
Link mua sách ở Việt Nam: Nhà Sách Quốc Tế
Link mua sách ở Anh: Amazon
12. “Girl, Woman, Other” của Bernardine Evaristo
Cũng là một cuốn sách được chọn bởi câu lạc bộ sách ở chỗ làm của mình. Bernardine Evaristo là một tác giả người Anh. Tiểu thuyết “Girl, Woman, Other” là tiểu thuyết thứ 8 của cô, tiểu thuyết đã giành giải Booker Prizer năm 2019 và cô là phụ nữ da màu đầu tiên giành giải thưởng này. Tiểu thuyết này được nhiều người nổi tiếng liệt vào danh sách yêu thích của họ bao gồm Barack Obama. (Câu lạc bộ sách ở chỗ làm của mình rất thích chọn các sách nổi tiếng đạt giải thưởng văn học.)
Cuốn sách này theo chân 12 nhân vật khác nhau trên vương quốc Anh ở các thập kỷ khác nhau nhằm giúp người đọc hiểu thêm về những người phụ nữ da màu ở các thế hệ khác nhau trong quá trình hòa nhập cuộc sống.
Tác giả viết theo lối cải cách, không có dấu chấm hết câu, không viết hoa đầu dòng, không dùng dấu mở ngoặc kép cho lời thoại, nên phải mất một lúc mình mới quen được với cách viết này. Tuy nhiên, khi đã quen với lối viết, mình thấy câu chuyện dễ theo dõi, mở ra nhiều điều mới mẻ. Có thể nói cuốn sách là một trong những tiếng nói góp phần vào cuộc đấu tranh cho nhân quyền của người da màu, của những người ở giới tính thứ ba, và của những người phụ nữ.
Link mua sách ở Anh: Amazon
👉 Link các bài review khác trên blog: Review
👉 Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee 1| Shopee 2
👉 Link tới sách trên Goodreads: Goodreads