2023-04 Venice (Ý)
1.
Đây là bức ảnh mình chụp trước cầu Than Thở tại Venice nước Ý. Venice có nhiều cảnh đẹp nhưng chiếc cầu Than Thở này đặc biệt thu hút sự chú ý của mình. Đó là vì trường đại học Cambridge cũng có một chiếc cầu bắc qua sông Cam tại St John’s college mô phỏng lại chiếc cầu Than Thở này ở Venice. Mình còn nhớ những ngày tháng sinh viên mỗi lần đi qua con cầu tại Cambridge vẫn thường ngẩn ngơ nhìn ra dòng sông ngắm những con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Không ngờ hơn chục năm sau lại có cơ hội đặt chân tới chiếc cầu bản gốc tại Venice.
2.
Venice xinh đẹp đúng như danh tiếng người đời vẫn ca ngợi trên đài báo và trong các tác phẩm văn học. Bất kể góc phố nào cũng có thể khiến người ta dừng lại ngơ ngẩn vì vẻ nên thơ dịu dàng của sông nước.
Mình đặc biệt thích những khi nắng lên, vệt nắng vàng len lỏi trải dài trên các bức tường. Con hẻm nhỏ ẩn hiện mảng sáng mảng tối.
3.
Nơi gia mình ở là một nhà trọ B&B (Bed & Breakfast) trong trung tâm Venice. Nhiều người tới Venice có thể chọn ở bên ngoài thành phố rồi hàng ngày đi tàu 30 phút vào trung tâm, giá cả khách sạn sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên vì muốn trọn vẹn trải nghiệm Venice nên gia đình mình chọn ở trong trung tâm.
Chủ nhà là người Venice đã sống trong thành phố nhiều thế hệ. Một điều mình rất thích trong các chuyến đi du lịch là cơ hội được hỏi thăm về cuộc sống của người dân địa phương. Một buổi sáng cô con gái của chủ nhà giúp phục vụ bữa ăn sáng, mình có dịp hỏi thăm vài ba câu. Cổ nói là Venice không còn được như trước kia. Người Venice thường tự hào vì nguồn gốc của họ và muốn gắn bó lâu dài qua nhiều thế hệ với vùng đất này. Tuy nhiên gần đây nhiều người Venice phải chuyển đi vì lượng khách du lịch tới Venice quá đông gây khó khăn cho cuộc sống của người bản địa. Theo mình được biết Venice đã bắt đầu cấm các tour lớn đông khách du lịch và đang cân nhắc triển khai thuế du lịch.
4.
Một trong những địa điểm phải đến ở Venice là quảng trường Piazza San Marco.
Dọc hai bên quảng trường có nhiều quán xá nhà hàng.
Ở phía cuối quảng trường là một bến bờ trải dài dọc kênh đào nhìn sang những tòa nhà tráng lệ trên các hòn đảo đối diện.
St Mark’s Basilica là nhà thờ nổi tiếng được xây dựng vào năm 1092. Đây là ví dụ phổ biến nhất về kiến trúc Byzantine của Ý. Đứng từ trên đỉnh tòa nhà có thể nhìn được toàn cảnh trên cao của quảng trường.
Một địa điểm không thể không vào xem tại quảng trường là cung điện Dodge’s Palace. Mình rất ấn tượng với những căn phòng lớn với mái trần nạm vàng và trang trí bằng những bức họa cổ điển. Khi tới phía trong chiếc cầu Than Thở nổi tiếng, mình cũng như những khách du lịch khác thi nhau chụp ảnh dù con đường tối om không thích hợp cho việc chụp ảnh một chút nào.
5.
Cầu Ponte di Rialto là cây cầu lớn bắc qua Kênh đào Grand. Đây vừa là điểm thu hút khách du lịch vừa là tuyến đường dành cho người đi bộ quan trọng nối liền các quận San Polo và San Marco. Nhiều thế kỷ trước, cây cầu là cách duy nhất để qua kênh.
Đứng trên cầu có thể nhìn thấy toàn cảnh sông nước người mua kẻ bán đông đúc bận rộn.
Dọc hai bên cầu là những cửa hàng cửa hiệu bày bán đồ cho khách du lịch.
6.
Một điều không thể không làm khi tới Venice là đi tàu dọc kênh đào.
Hai bên bờ là những tòa nhà xinh đẹp với kiến trúc và trang trí khác nhau. Mình luôn bị thu hút bởi hình ảnh con thuyền Gondola dập dềnh trên sóng nước.
7.
Gia đình mình cũng tìm tới thăm khu ghetto của người Do Thái. Đó là một khoảng sân nhỏ với các toà nhà vây quanh và một vài ghi chép về lịch sử. Giữa sân có hai anh chàng do Thái đang say sưa chơi nhạc.
8.
Ngày cuối cùng ở Venice sau khi đã thăm thú những điểm du lịch chính, mình tìm tới Squero di San Trovaso, xưởng sản xuất những con thuyền Gondola lâu đời nhất Venice.
Mình rất thích cuộc khám phá nho nhỏ này vì con đường nằm ở mạn bên ngoài vắng vẻ hơn so với khi vực trung tâm. Thi thoảng bắt gặp một vài cửa hàng đồ ăn khách khứa đông đúc ngay cạnh con kênh đào. Nắng vàng, người người cười nói trong tay dung đưa ly rượu cốc bia… Cảnh tượng ngập tràn sức sống.
9.
Đồ ăn ở Venice ngon không có chỗ nào để chê.
Mình mê mẩn với pizza, mì ống, bánh mì và kem ly.
10.
Lần đi chơi nước Ý này mình đột nhiên có hứng thú với nhiều thứ mà trước đây mình chưa từng nghĩ tới. Ví dụ đi ngắm đồ thủy tinh mỹ nghệ ở làng Murano của Venice, lựa những chiếc cốc với màu sắc họa tiết xinh đẹp bỏ hộp mang về, chợt nảy ra suy nghĩ tại sao không thử tự mình làm ra những sản phẩm như thế, vậy là liền lên mạng tìm lớp thổi thuỷ tinh.
Xong đi dạo quanh Venice vào cửa hàng của hiệu lựa mua quần áo, chợt muốn tăng vốn hiểu biết về lĩnh vực thời trang, lại lên mạng tìm hiểu về các lớp đồ hiệu cao cấp. Cuối cùng trên đường về lựa nước hoa tại sân bay, lại nghĩ tại sao không tự pha chế ra nước hoa với mùi hương mà mình yêu thích nhỉ. Vậy là vài phút sau đã có ngay thông tin về lớp dạy pha chế nước hoa 😆. Được cái ở London cái gì cũng có, muốn học gì cũng sẽ có người dạy cho. Vậy là lịch trình những năm tới sẽ tương đối bận rộn với con đường “học vấn”.
Điều khá thú vị khi mình lên mạng tìm hiểu lớp này lớp kia là nhiều người tham gia những lớp học này với con cái của họ. Một người đã để lại lời nhận xét trên trang web rằng cô ấy tham gia workshop pha chế nước hoa với con gái và đã có một thời gian rất tuyệt. Trang web lớp thổi thủy tinh thì có ghi trẻ em trên 9 tuổi có thể tham gia tất cả các workshop của họ. Mình chợt nghĩ thật tuyệt vời nếu hai mẹ con mình có thể cùng nhau học hỏi khám phá những lĩnh vực mới.
11.
Để khuyến khích sở thích khám phá, mình sắm cho cô bé một chiếc máy ảnh riêng, và mỗi lần đi chơi về đều cùng cô bé dùng phần mềm vi tính thiết kế album ảnh. Cô bé thiết kế 2 trang, còn mình thì thiết kế 1 trang. Mình bảo cô bé khi nào album đã hòm hòm số trang thì mẹ con mình in ra thành album ảnh nhé. Cô bé cũng hăng hái chụp ảnh lắm, thi thoảng lười quá hoặc bận ăn kẹo ăn kem thì bảo mẹ chụp hộ.
Bình thường cô bé, vẫn là một cô bé, hay thích chụp động vật, đồ chơi hoặc những thứ được cho là là lạ thú vị. Tuy nhiên có một lần bước chân ra khỏi một con hẻm của Venice, cô gái bảo mình: “Mẹ ơi, chụp lại cho con, con muốn nó trong trang ảnh của con.” Mình ngẩng đầu và nhìn thấy trước mặt, không phải là một bạn động vật hay một thứ lạ lùng gì đó, mà là một góc phố rất Venice, con đường hẻm dài với cây cầu nhỏ bắc qua kênh đào, cả khung cảnh lung linh rực rỡ trong màu nắng vàng. Mình thoáng ngạc nhiên nhận ra cô bé của mình cũng đã bắt đầu phát triển nhận thức với vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh.
12.
Tại quảng trường Piazza San Marco khi hòa vào dòng khách du lịch xếp hàng quanh Vương Cung Thánh Đường Thánh Marco, mình ngẫu hứng hỏi cô gái: “Con năm nay bao tuổi?”
Cô gái trả lời: “Con 7 tuổi.”
Mình hỏi tiếp: “Con đi bao nhiêu nước rồi?”
Cô gái đảo mắt suy nghĩ rồi bảo: “Con không biết, 3 hoặc 4 nước chăng?“
Mình cười: “Không, số nước con đi còn nhiều hơn số tuổi của con đấy. Con đã đặt chân tới 12 quốc gia không tính nước Anh. Đó là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Áo, Malta, Đức, Croatia, Thuỵ Điển, Malta và Việt Nam. Có một vài nước con đã quay lại nhiều lần, nếu tính thành phố trên thế giới thì con số còn cao hơn thế nhiều.”
Rồi mình hỏi con gái mình: “Con đoán xem lần đầu tiên mẹ đi nước ngoài là năm mẹ bao nhiêu tuổi?”
Cô gái lắc đầu tỏ ý không biết.
Mình bảo: “Là năm mẹ 15 tuổi đấy. Con có thể tưởng tượng được không? Con bắt đầu đi nước ngoài từ khi con 1 tuổi, khi con còn chưa biết đi, mẹ thì phải tận tới khi 15 tuổi mới đặt chân ra khỏi Việt Nam.”
Cô gái ngạc nhiên: “Tại sao lại thế ạ?”
Mình trả lời: “Tại vì hồi mẹ còn bé ở Việt Nam, đi du lịch không phổ biến, đặc biệt là đi du lịch nước ngoài, vì lúc đó mọi người đều rất bận rộn làm ăn kiếm sống, đi du lịch là một thứ xa xỉ.”
Mình rất yêu quý tuổi thơ của mình và chưa từng một giây phút nào muốn nó khác đi. Tuy nhiên, mình phải thừa nhận một trong những điều mình cảm thấy rất hài lòng tại thời điểm này chính là có thể cho con mình cơ hội bước ra thế giới từ sớm, được thử những thứ khác nhau, có những trải nghiệm thú vị. Mình đã gặp rất nhiều những con người trẻ tuổi thú vị tại London với vốn hiểu biết sâu rộng về thế giới, và khi hỏi ra thì phần nhiều là do có cơ hội tiếp xúc từ bé. Mình mừng là mình không có con quá sớm, mà quyết định dành thời gian phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, có sự trưởng thành nhất định trong nhận thức và tâm lý, để tới khi có con thì đã sẵn sàng cho con và bản thân những cơ hội như thế.