4 năm nhảy việc 4 lần, giờ mình bỏ bộ nhà nước đi làm start-up
1.
Mình lại nhảy việc. Lần này là lần thứ 4 trong vòng 4 năm qua.
Nếu ai đó ngó qua con số mà kết luận rằng: một đứa cả thèm chóng chán, không có sự trung thành, không biết mình thích gì, sự nghiệp sẽ chẳng đi vào đâu.
Thì hoàn toàn sai bét bè be nha!
Mình chuyển việc, nhưng không chuyển ngành. Mình chuyển việc, nhưng đều với mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm giúp mình tới gần với cái đích cao hơn.
Lần đầu mình chuyển việc năm 2017 là khi mình mới quay trở lại sau khi nghỉ thai sản, chuyển từ kiểm toán sang kế toán. Dù nghe có vẻ là chuyển ngành, nhưng thực ra đây lại là một bước chuyển rất bình thường của hai ngành kế-kiểm. Phần lớn kiểm toán, sau 3 năm kiếm được cái bằng chuyên ngành, đều tiếp tục phát triển sự nghiệp theo hướng kế toán.
Lần hai năm 2018 là chuyển từ tư nhân sang nhà nước. Mình làm được chừng 10 tháng thì xác định được rõ hơn là mình muốn xây dựng sự nghiệp trong giới nhà nước. Đây đúng là một bước chuyển lớn đối với mình, nhưng cũng không phải là chuyển ngành. Mình vẫn làm trong ngành kế toán, và kiếm được công việc mới hoàn toàn là nhờ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm xây dựng được từ công việc trước.
Lần ba năm 2019, mình làm được 18 tháng thì chuyển bộ sau khi tìm được vị trí có chức vụ cao hơn. Chuyển việc trong tổ chức nhà nước sau 18 tháng tới 2 năm là một điều khá bình thường. Thậm chí trên hợp đồng của mình của mình còn có điều khoản khuyến khích nhân viên tìm vị trí mới sau 2 năm. Bộ nhà nước thường khuyến khích các chính sách viên làm nhiều vị trí khác nhau để nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng. Tuy mình không làm chính sách mà làm trong tài chính, nhưng mình thấy điều này cũng rất phù hợp với ngành nghề của mình.
Và năm nay năm 2021, sau khi hoàn thành đúng 2 năm ở vị trí hiện tại, mình quyết định thử sức với một thứ mới hơn, đó là đi làm start-up ngân hàng! Thực ra thì mình giật tít thế thôi chứ start-up này vốn từ bộ mà ra. Trên giấy tờ mình vẫn là nhân viên bộ, chẳng qua là xin tạm thời nhảy qua ngân hàng, giúp tổ chức mới bước đầu thành lập, cụ thể là phụ trách mảng thiết lập bộ máy tài chính. Vì thế đây không phải bỏ ngang chuyển ngành, mà sẽ dựa vào những kỹ năng kinh nghiệm có sẵn để phát triển thêm những kỹ năng kinh nghiệm mới.
Vị trí này cao hơn so với vị trí trước của mình, có thời hạn 1 năm, nên có thể gọi là thăng chức tạm thời. Ở vị trí mới này, mình sẽ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn với các lãnh đạo cấp cao, sẽ được tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề có ảnh hưởng chiến lược, sẽ có cơ hội được nhìn bao quát hơn bộ phận tài chính của một tổ chức. Và mình biết đây là những điều quan trọng cần có để tiến xa hơn. Tất nhiên vì đây là một startup, cũng như tất cả các startup khác sẽ có nhiều trở ngại khó khăn, và sẽ là một năm rất bận rộn. Nhưng mình biết càng khó khăn bận rộn thì càng có nhiều cơ hội học hỏi.
2.
Vậy nhảy việc thường xuyên có phải một điều tốt?
Tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ công việc, tuỳ ngành nghề.
Mình không nghĩ có một công thức nhất định áp dụng hết cho tất cả mọi người tất cả tình huống. Tuy nhiên trong nhiều ngành nghề, nhảy việc có suy tính và có mục đích thường giúp tăng lương hoặc tăng chức nhanh.
3.
Vậy làm thế nào để nhảy việc có suy tính và có mục đích?
Mỗi lần trước khi quyết định tìm kiếm cơ hội mới mình đều cân nhắc hai điều:
•Một là: mình còn thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm gì để đạt tới cái đích mình muốn? Tất nhiên “cái đích” không phải ai cũng nhìn ra ngay, vì phần lớn mọi người nhảy vào công việc mù mờ tương lai nó trông như thế nào. Thông thường càng làm nhiều, tích lũy thêm kinh nghiệm, sẽ bắt đầu nhìn rõ “cái đích” hơn. Tuy nhiên, nếu không rõ cái đích cụ thể, thì đặt cái đích chung chung cũng được, ví dụ như là kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm gì sẽ hữu dụng cho phát triển ngành nghề.
•Hai là: mình có thể học hỏi được điều gì mới từ vị trí hiện tại để thêm vào cái còn thiếu kia? Nếu làm thêm một năm nữa, mình có thêm được điều gì hữu dụng vào kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, hay đơn thuần là lập lại một vòng tuần hoàn của năm trước? Điều này đặc biệt cần cân nhắc với các công việc có tính lập lại theo chu kỳ.
Rồi khi cơ hội đến, mình sẽ cân nhắc:
•Mình có thể áp dụng được những điểm mạnh, những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hiện tại nào vào công việc này? Thường nếu có thể áp dụng được nhiều những thứ mình sẵn có, mình không chỉ sẽ cơ hội cao để đạt được nó mà còn sẽ tự tin hơn khi bước vào vị trí mới đó.
•Mình sẽ gặt hái được gì từ cơ hội này? Nó có giúp mình xây dựng thêm được kỹ năng kinh nghiệm để giúp sự nghiệp về lâu về dài không? Đây là cân nhắc quan trọng để giúp nhảy việc có mục đích.
•Mình có cảm thấy hào hứng, muốn bắt tay ngay vào công việc không? Nếu công việc có tốt thế nào mà mình không cảm thấy hào hứng, không phải cái khiến mình thích thú, thì mình cũng sẽ không lựa chọn. Không có sự hứng thú rất khó để tạo ra hiệu quả tốt cho công việc.
Mình cũng dành thời gian nói chuyện với những người đi trước, nghe họ chia sẻ về lựa chọn của bản thân. Mình đặc biệt lựa chọn người có nhiều điểm giống mình về điểm mạnh, kỹ năng và kinh nghiệm để tìm hiểu thêm về các hướng đi phù hợp.
4.
Vậy đấy, 4 năm mình chuyển việc 4 lần. Mình không đếm số để lấy đó làm điều tự hào hay chán nản. Đơn thuần là cơ hội phù hợp đến thì mình nắm nhanh nắm chặt và làm hết sức mình thôi. 🙂
—-
P/S:
👉 Gần đây mình nghe Podcast của chị Nguyễn Phi Vân, cảm thấy rất hữu dụng cho việc phát triển kỹ năng và phát triển ngành nghề. Ví dụ như Podcast “Biết nhiều không biết gì” này.
👉Bài viết trước của mình về việc thăng chức.
👉Các bài viết khác về chuyện việc làm của mình.
👉 Link tới Instagram của mình.
👉 Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog.
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” của mình về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
Này Ngân, bài viết chia sẻ tuyệt vời.
Mình chỉ vừa mới phát hiện ra Blog của bạn. Những câu chuyện đáng đọc.
Mình cảm ơn bạn đã ghé qua blog và để lại lời nhắn nhé <3.