Ăn dặm – Các thực phẩm giúp bé tăng cân

Lúc bé nhà tôi tầm 9 tháng tuổi, bé tăng cân rất chậm. Chúng tôi cũng hơi lo lắng nên có tìm hiểu qua xem những đồ ăn nào giúp bé tăng cân và xin được chia sẻ trong bài này.

Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh là cân nặng không phải là tất cả. Nếu bé vui vẻ hoạt bát, vẫn đi tiểu đi ngoài tốt, thì các mẹ không nên quá lo lắng. Nhiều mẹ nói với tôi rằng bé 7, 8 tháng tuổi mà chỉ ăn chơi thôi, chưa không nuốt được nhiều. Tôi xin nhắc lại cho các mẹ yên tâm. Đấy hoàn toàn là điều bình thường. Bé nhà tôi hơn 8 tháng mới bắt đầu nhặt đồ bỏ vào mồm. Lúc đầu cũng chỉ ăn chơi chơi thôi, vất đi là chính. Sau đó từ từ mới tốt lên.

Sau đây là danh sách một số các thực phẩm:

1. Sữa mẹ:

Vâng, sữa mẹ! Mặc dù bé bắt đầu ăn các đồ ăn, vẫn nên tiếp tục cho bé ti thật nhiều. Sữa mẹ chứa một hàm lượng dinh dưỡng lớn, tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu bé không chịu ti, có thể vắt sữa ra trộn vào đồ ăn cho bé. Tôi chưa thử dùng sữa mẹ nấu ăn bao giờ nhưng có một số công thức nấu ăn dùng sữa mẹ. Tôi sẽ chia sẻ dần trong bài sau.

 

2. Khoai lang và khoai tây: giàu khoáng chất, tinh bột và vitamin.

3. Cơm: giàu tinh bột. Có thể nắn cơm thành miếng dài cho bé cầm ăn.

4. Yến mạch: rất giàu tinh bột, là một món ăn lý tưởng cho bữa sáng. Tôi không rõ ở Việt Nam có bán yến mạch không, nhưng tôi sẽ chia sẻ cách chế biến cho những mẹ có thể tìm mua được yến mạch.

5. Trứng: rất giàu protein (trung bình 26g protein trong một quả trứng) và chất béo. Trẻ có thể bắt đầu ăn lòng đỏ trứng từ 8 tháng tuổi. Có thể cho bé ăn lòng trắng trứng từ 1 tuổi vì protein trong lòng trắng trứng có thể gây dị ứng ở trẻ dưới 1 tuổi. Chú ý khi nấu trứng cần nấu chín hẳn. Trứng luộc, trứng rán, trứng đánh, trứng hấp đều tốt cả. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì rán và hấp là dễ cho trẻ bốc ăn nhất vì trứng dính vào nhau và không bị tơi.

6. Thịt, cá: 

Thịt gà thường là dễ ăn nhất vì mềm và không dai. Thịt bò, thịt lợn nên nấu thật mềm nhừ nhưng không nát để bé có thể cầm.

Cá giàu protein, Vitamin D, omega 3 rất cần thiết cho bé. Tuy nhiên trong cá có thể có một hàm lượng thủy ngân nhỏ, vì thế chỉ nên cho bé  ăn cá 2, 3 lần một tuần.

7. Sữa chua: có nhiều cãni và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ngoài ra sữa chua còn giúp tiêu hoá tốt. Tuy nhiên nên chú ý chọn sữa chua có lượng đường thấp và lượng chất béo cao.

8. Dầu ô-liu: giàu chất béo và tốt hơn dầu thực vật. Có thể sử dụng khi rán đồ cho bé.

9. Bơ: rất tốt cho việc tăng cân. Tuy nhiên vì lượng chất béo cao (97%), để tránh nguy cơ béo phì ở trẻ  nên hạn chế từ 1/2 tới 1 thìa cà phê một ngày. Ngoài ra chú ý chọn loại bơ không muối.

10. Chuối: nhiều chất xơ, ka-li, vitamin C, vitamin B6, là thực phẩm rất giàu năng lượng.

11. Đào: nhiều chất xơ, niacin, vitamin A, vitamin C.

12. Lê: giàu chất sắt, chất xơ, vitamin B6, vitamin C.

13. Quả bơ: giàu chất xơ

14. Nước cốt dừa: giúp trẻ tăng cân và tiêu hoá tốt.

***

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!