Chia sẻ kinh nghiệm giúp con tự lập từ sớm

Con tự lập được không chỉ nhàn cho bố mẹ mà còn tốt cho sự phát triển của con. Ai cũng biết thế. Nhưng khi nào thì có thể cho con tự lập? Theo tôi thì ngay từ những năm đầu đời. Nhiều khi người lớn hay đánh giá thấp khả năng hiểu của trẻ. Thực ra bé có thể tiếp thu và hiểu rất nhiều thứ ngay cả khi mới biết bò và chưa biết nói. Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm nhỏ của tôi dưới đây.

Trong bất kỳ tình huống nào tôi cũng suy nghĩ “Làm thế nào mới có thể giúp con tự lập? Làm thế nào để dạy con tự mình làm được?” Khi con ra dấu đòi mình giúp một cái gì đấy, nếu nó nằm trong khả năng của con, tôi sẽ giải thích hướng dẫn cho con và nhiều khi còn làm mẫu để khuyến khích con. 

Ví dụ tầm 11 tháng, con ngồi chơi kiểu gì ngã ngửa ra sau. Trong những trường hợp ngã vấp té mà tôi nhận thấy không nghiêm trọng, tôi không bao giờ phản ứng ngay lập tức. Tôi càng hoảng hốt, con càng nghĩ là nghiêm trọng sẽ đâm hoảng theo và khóc. Thế nên tôi thường bơ đi để xem con phản ứng thế nào trước. Nếu con bị đau thật và khóc ngay lập tức, tôi thường ôm hôn con và dỗ dành đánh lạc hướng con bằng các trò chơi. Tuy nhiên chỉ ôm hôn dỗ dành thôi chứ không đánh chừa cái này cái kia như các cụ nhà mình nhé. Nếu nói đánh chừa nhiều con có thể học đổ lỗi cho ngoại cảnh thay vì rút kinh nghiệm bản thân.

Trong tình huống cụ thể này, con không bị đau vì sàn trải thảm, chỉ hơi bị sốc. Vì con chưa tự ngồi dậy được từ tư thế nằm (có vẻ vì cơ bụng còn yếu), nên phản ứng đầu tiên là giơ tay ra đòi mẹ đỡ dậy. Tôi cù cù trêu con trước để con bớt sốc. Rồi thay vì đưa tay kéo con ngồi dậy, tôi bảo con “Con lật người lại nằm sấp lại thì sẽ có thể ngồi dậy từ tư thế bò” (vì tôi đã nhìn thấy con ngồi dậy từ tư thế này), rồi nằm xuống làm mẫu cho con. Lúc đầu con vẫn chưa biết, mình hướng dẫn các động tác chân tay cho con từng bước và giải thích bằng lời rõ ràng. Sau một hai lần, con tự làm mà không còn đòi mẹ giúp nữa. 

Lần khác con đòi ngồi lên ghế bành. Vì ghế cao nên con không tự trèo được. Thay vì bế con lên ghế, tôi đan hai tay thành bàn đạp cho con để tự mình trèo lên. Từ những việc nhỏ nhặt này, tôi muốn con hình thành thói quen và học cách tự giúp mình.

Những thứ của con, tôi luôn để trong tầm với của con. Trong phòng khách tôi bố trí góc chơi riêng của con với các hộp mở đựng các loại đồ chơi khác nhau để con có thể tự lấy ra chơi. Ví dụ khi con chỉ tay ới tôi lấy quả bóng cho con, tôi bảo con: “Anna muốn quả bóng hồng ở đằng kia à? Anna tự ra đấy lấy nhé.” Ới vài lần tôi không giúp là con phải tự làm. Sách của con cũng được sắp xếp ở ngăn thấp nhất ở tầm với của con. Tầm 14 tháng con đã có thể nhận biết một số sách quen thuộc. Mỗi lần muốn đọc cùng nhau những cuốn này, tôi đều yêu cầu con tự lấy sách ra. 

Video tôi chia sẻ dưới đây là một ví dụ về việc chuẩn bị trước khi đi ra ngoài (con giờ 15 tháng rưỡi). Từ khi con mới sinh, trước khi ra ngoài chơi, khi đeo giầy, đội mũ, mặc áo cho con tôi đều chậm rãi miêu tả cách hành động. Tầm 12 tháng con bắt đầu hiểu là phải làm những việc này trước khi đi ra ngoài. Tôi không lấy đồ giùm con mà bảo con tự lấy giầy, mũ, áo khoác đưa cho mẹ. Việc con tự làm được như là đội mũ, tôi để con tự làm. Việc nào con vẫn chưa đủ khả năng tự làm như là đeo giầy mặc áo, tôi giúp con. Nhưng trong quá trình vẫn luôn miêu tả cái mình làm và dạy con làm những việc nhỏ đơn giản như là tự dính quai giầy, giơ tay lên cho mẹ xỏ tay áo vào.

Chính vì suy nghĩ muốn con tự lập mà tôi chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Ngay từ 6 tháng tuổi đã để con tự bốc tự cầm nắm ăn uống. Mặc dù có khởi đầu chậm và vẫn còn mưa nắng thất thường, con cũng dần ăn uống tự lập một cách thành thạo hơn.

Tôi thấy cái quan trọng trong việc  giúp con tự lập là bố mẹ phải kiên nhẫn dành thời gian giải thích hướng dẫn con, và cho con thời gian tự làm. Nếu chỉ vì thấy con lóng ngóng hoặc chậm chạp mà dành làm, thì con sẽ không bao giờ có cơ hội học hỏi và luyện tập để làm tốt hơn. 


Link tới bài viết về ăn dặm tự chỉ huy:

Link tới mục lục bao gồm các bài viết khác về con cái:

Link tới WordPress blog:
https://ngansite.wordpress.com/

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!