Chia sẻ kinh nghiệm xin việc và phỏng vấn

1. Tổng kết sau 2 tuần bắt đầu xin việc:

Số công việc đã đăng ký: 17
Từ chối từ vòng gửi xe: 1
Phỏng vấn: 1
Đại lý tuyển dụng giới thiệu việc làm đã liên lạc: 5
Website tuyển dụng sử dụng:
http://www.efinancialcareers.co.uk/
https://www.indeed.co.uk/

2. Đến bây giờ phải đi xin việc lại thì mới thấy đúng là tên tuổi của trường đại học và công ty hiện tại của mình giúp rất nhiều để được các đại lý tuyển dụng chú ý tới. Tuy nhiên, họ cũng nói việc mình nghỉ làm hai năm đặt mình vào tình thế bất lợi hơn rất nhiều so các ứng cử viên khác. Để bước chân vào ngành ngân hàng thì khả năng cực thấp vì tỷ lệ cạnh tranh trong ngành rất cao. Có vô khối các ứng cử viên sáng giá khác cũng có lý lịch tương đương mà lại không có hai năm nghỉ như mình.

Thú thực mình cũng chẳng hứng thú mấy với các công việc trong ngân hàng vì thường môi trường cạnh tranh cao, giờ làm việc dài, cũng chẳng khác gì công việc hiện tại của mình. Sau những năm làm việc như trâu bò thâu đêm suốt sáng cuối tuần cũng không được nghỉ, mình bây giờ khao khát một cuộc sống cân bằng. Không thể chỉ quanh năm suốt tháng làm việc, cũng phải dành thời gian với gia đình (đặc biệt là giờ có con nhỏ), và dành thời gian cho những thú vui hay ho thú vị khác.

Tuy nhiên mình rất thích công việc hiện tại của mình và công ty hiện tại là một môi trường lý tưởng để phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp, thế nên mình cũng không muốn từ bỏ nếu không tìm được việc nào khác xứng đáng.

Tóm lại mình muốn kiếm cái gì nó nhàn nhã hơn một tí mà vẫn thú vị và có cơ hội phát triển sự nghiệp về sau. Vì vậy mà mình tập trung vào bộ phận tài chính của các công ty cỡ lớn và vừa.

3. Phỏng vấn của mình là ngày hôm qua, mình chỉ có đúng hai ngày phải chuẩn bị. Mình tập trung vào ba việc sau:

i) Lên website của họ, tìm hiểu về công ty: Công ty có bao nhiêu nhân viên, cung cấp các dịch vụ gì, các hoạt động chính gần đây là gì, tình hình tài chính như thế nào (bao gồm doanh thu lợi nhuận, tài sản, tổng số nợ…)

ii) Mở báo cáo tài chính của họ để nghiên cứu kỹ phần kiến thức nào sẽ liên quan tới công ty, rồi mở tài liệu cũ ra ôn tập. Vì mình không có nhiều thời gian và sau hai năm kiến thức cũng rơi vãi lung tung, nên phải tập trung vào những phần liên quan nhất. May mà mình giữ tất cả các tài liệu từ hồi còn đi học chuyên ngành nên giờ còn có cái để ôn, nhưng mà mình cũng tra trên mạng nhiều. Thời buổi này Google làm mọi thứ trở nên tiện lợi dễ dàng hơn hẳn.

iii) Chuẩn bị cho những câu hỏi có thể đưa ra trong phỏng vấn. Các câu hỏi chính mà mình chuẩn bị là:
– Tell me about yourself. (Nói cho tôi biết về bạn.)
– Why does this role appeal to you? (Tại sao bạn muốn đăng ký cho vị trí này?)
– What will you bring to the role/ organisation? (Bạn có thể mang đến những gì cho chúng tôi?)
– How do you overcome the gap in your knowledge/ skills after two years absent from work? (Bạn làm thế nào để vượt qua được khoảng trống về kiến thức và kỹ năng sau hai năm nghỉ việc?)
– Tell me an example to show your leadership skill/ communication skill/ team working skill/ innovation and creativity. (Cho tôi biết một ví dụ về khả năng lãnh đạo/ khả năng giao tiếp/ khả năng làm việc nhóm/ sự sáng tạo.)

4. Chuẩn bị là thế, còn phỏng vấn diễn ra như thế nào?

Cuộc phỏng vấn này của mình với một công ty tương đối lớn, có 38000 nhân viên trên toàn châu Âu, và 3500 nhân viên ở UK. Phỏng vấn với Financial Controller và Chief Accountant. Trái với lo lắng của mình, họ không hỏi bất kỳ một câu nào về kiến thức chuyên ngành (mình vốn là lo hai ngày ôn không đủ để học lại hết các kiến thức). Họ chỉ tập trung vào CV của mình và tìm hiểu xem mình là người thế nào.

Mở đầu họ đúng là hỏi mình có biết gì về công ty của họ không. Mình nói nói mấy cái mình đọc được trên mạng và thi thoảng nhá thêm mấy con số từ báo cáo tài chính. Mình có thể thấy họ khá ấn tượng về việc mình nắm được số liệu cụ thể. Mình cũng chẳng phải nói nhiều, vì sau đó họ bắt đầu giới thiệu thêm về công ty, về đội ngũ nhân viên trong bộ phận mình đang đăng ký.

Sau đó, họ yêu cầu mình nói về bản thân mình cho họ nghe, dựa trên CV của mình. Họ muốn nghe mình đã làm những gì, có gì liên quan tới công ty của họ. Phần này mình phải cố lôi ra những cái điểm để chứng minh mình là một ứng cử viên thích hợp.

Sau đó họ hỏi thêm một số câu hỏi mà mình thấy rất thú vị:

– What do you not like about your current job? (Bạn không thích điều gì về công việc hiện tại của bạn)
– Why do you want to leave your current job? (Tại sao bạn lại muốn rời công việc hiện tại)
– What achievement do you feel the most proud of? (Thành công nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất?)
– Where do you see yourself in 5, 10 years time?/ What is your career goal? (Trong 5, 10 năm nữa, bạn sẽ thấy mình ở đâu?/ Mục tiêu cho sự thăng tiến trong công việc của bạn là gì?)

Những câu hỏi này dù mình không chuẩn bị từ trước nhưng mà cũng không khó để trả lời vì nó giúp mình suy nghĩ sâu thêm về bản thân và những quyết định của mình.

Họ kết thúc phỏng vấn bằng việc hỏi xem mình có câu hỏi gì cho họ không. Mình hỏi thêm chi tiết về cái vị trí mình đăng ký, về nhóm mà mình sẽ làm việc cùng nếu trúng tuyển, và về trải nghiệm cá nhân của họ trong công ty này.

5. Nhìn chung mình nghĩ phỏng vấn diễn ra khá ổn. Chỉ có một điều khiến mình hơi hối hận đó là có một đoạn mình hơi bị thành thật quá. Mình bảo họ là mình luôn muốn những công việc thú vị, và một trong những nỗi lo là công việc trong bộ phận tài chính của một công ty có thể trở thành rập khuôn buồn chán. Vấn đề ở chỗ công việc nào thì cũng có khía cạnh tẻ nhạt buồn chán. Điều này thì mình không ngại, nhưng mình hi vọng là có cơ hội luôn luôn phát triển và làm thêm những cái mới mẻ thú vị. Mình chỉ lo là vì mình dùng câu từ diễn đạt không thoát ý, họ lại nghĩ mình cả thèm chóng chán, không chịu được buồn tẻ.

Được cái họ phản ứng với cái mình nói theo khía cạnh khá tích cực. Họ nói là tất nhiên là công việc này có những việc nhất định phải làm và sẽ lặp lại hàng tháng/ hàng quý. Nhưng mà họ cũng đang muốn mang thêm vào những cái mới và nói rằng đây là một cơ hội cho mình để phát triển.

Thôi thì coi như là rút kinh nghiệm cho lần sau, ăn nói nó hay ho văn chương hơn một tí.

6. Điều quan trọng trong phỏng vấn là tâm thế của mình, phải bình tĩnh tự tin thì mới có thể thể hiện được hết những điểm hay ho của bản thân.

Chuẩn bị kỹ càng giúp được khá nhiều, nhưng mình cũng phải tự nhủ phỏng vấn không chỉ đơn thuần là họ đang đánh giá mình, mà cũng là mình đang đánh giá họ. Họ sẽ là những người mình làm việc cùng trong tương lai, nếu mình không thích họ thì có được công việc cũng sẽ chẳng thoải mái gì.

Ngoài ra, dù được hay không được thì vẫn là một kinh nghiệm thú vị, gặp gỡ những con người khác nhau, tìm hiểu thêm về những điều mà mình chưa biết trước đây.

Sự thực thì sau cuộc phỏng vấn này mình thấy tự tin hơn rất nhiều. Nó cho mình cơ hội để suy nghĩ về bản thân, về những điều mình muốn cho cuộc sống của mình. Và mỗi lần phỏng vấn xong, luôn có điều gì đó mình học hỏi được để giúp ích cho lần phỏng vấn về sau.

7. Trên đây là một chút chia sẻ kinh nghiệm xin việc của mình trong hai tuần trở lại đây. Nếu có gì hay ho hơn về sau mình sẽ chia sẻ thêm. Nếu ai có câu hỏi gì cũng đừng ngại hỏi mình.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!