Chuyện anh học tiếng Việt (2)

# 1 – Sáng tác từ tiếng Anh mới

Cứ thỉnh thoảng có hứng tôi lại dạy anh chút tiếng Việt. Đợt này đến chủ đề nước hoa quả, tôi dõng dạc:

– ‘Nước cam’ is orange juice. ‘Nước táo’ is apple juice. You just need to add a fruit after ‘nước’, then it means the juice of that fruit. (‘Nước cam’ là ‘orange juice’. ‘Nước táo’ là ‘apple juice’. Muốn nước quả nào anh cứ nói quả đấy sau từ ‘nước’ là được.)

Anh lẩm bẩm tập nói ‘nước cam’, ‘nước táo’. Sau một hồi, anh quay ra bảo tôi:

– You often address me ‘anh’. My name is Simon. Then by that logic, should ‘nước Anh’ be ‘Simon juice’ in English? (Em hay gọi anh là ‘anh’. Tên anh là Simon. Vậy theo lý luận, ‘nước Anh’ mà dịch ra tiếng Anh sẽ là ‘Simon juice’ à?)

Lý luận của anh tóm tắt lại là thế này đây:

nước = juice

Anh = Simon

==> nước Anh = Simon juice

# 2 – Chửi bậy

Hai năm trước khi chúng tôi về Việt Nam chơi có đi du lịch Hà Nội. Chúng tôi  hay thích đi dạo lòng vòng ngắm phố phường. Một lần đang tung tăng đi dọc phố cổ, tôi nghe loáng thoáng thấy anh nói:

– Mẹ mày…

Tôi giật mình, nghĩ bụng mình có dạy anh chửi bao giờ đâu mà anh lại biết. Mà anh lại là người đặc biệt ghét chửi bậy. Tôi chưa từng bao giờ nghe anh nói bậy bằng tiếng Anh chứ đừng nói đến tiếng Việt. Tôi hỏi lại ngay:

– What did you say? (Anh vừa nói gì cơ?)

Anh bảo tôi:

– We just walked past ‘Mẹ Mày’ street. (Mình vừa đi qua phố ‘Mẹ Mày’ em ạ.)

Mặc dù không rõ đường phố Hà Nội, tôi vẫn dám chắc là không có phố ‘Mẹ Mày’. Tôi chạy ngay ra xem cái biển tên đường. Hoá ra là phố ‘Mã Mây’. Tại dấu tiếng Việt khó quá nên anh vẫn nhầm lẫn lung tung cả. May mà người khác không nghe thấy, không họ lại tưởng là anh chửi họ.

# 3 – Từ giống nhau

Buổi tối, sau khi chúng tôi tắm cho con xong, tôi lấy bàn chải ra chuẩn bị đánh răng cho con. Anh lại trổ tài dạy con tiếng Việt:

– You should say ‘Con muốn brush teeth’. (Con nên nói là ‘Con muốn brush teeth’)

Tôi bảo anh:

– ‘Brush teeth’ is ‘đánh răng’ in Vietnamese. (‘Brush teeth’ thì nói là ‘đánh răng’ trong tiếng Việt)

Anh nhắc lại lời tôi cho con:

– You should say ‘Con muốn đánh rắm’. (Con nên nói là ‘Con muốn đánh rắm’)

Tôi cười phá lên:

– No, it is not ‘đánh rắm’. It is ‘đánh răng’. (Không, không phải là ‘đánh rắm’, mà là ‘đánh răng’)

Anh thắc mắc:

– What? The two words you said sound exactly the same to me. (Hả? Hai từ em vừa nói nghe không khác gì nhau)

Tôi nhấn mạnh:

– ‘Đánh răng’ is brush teeth and ‘Đánh rắm’ is fart. (‘Đánh răng’ là ‘brush teeth’, ‘đánh rắm’ là ‘fart’)

Anh cứ thế luyện ‘đánh răng’, ‘đánh rắm’ một hồi mà vẫn không phân biệt được cái nào với cái nào. Anh bảo tôi:

– I think you should write a post about words that sound exactly the same to Westerners. (Anh thấy em nên viết một bài về những từ tiếng Việt mà người nước ngoài nghe thấy giống hệt nhau)

Một lúc sau con ngủ rồi. Vợ chồng tôi thường hay đánh răng cùng nhau trước khi đi ngủ. Anh lại có dịp thực tập từ mới:

– Em ơi, đi đánh rắm!

Từ nay, ‘đánh răng’ hay ‘đánh rắm’, tôi chắc phải tuỳ tình huống mà suy rồi.

———-

Lời nhắn 

Nếu bạn nào muốn đọc trên Facebook, đây là link tời Facebook page của tôi:

https://www.facebook.com/Chuyện-của-Ngân-924641300950344

2 Replies to “Chuyện anh học tiếng Việt (2)”

  1. Haha. So cute. #2 Chị nghĩ nếu đổi chữ “mẹ mầy” sang “má mầy” thì hợp với câu chuyện hơn. Những mẩu chuyện dí dỏm này cũng tương tự như người Việt học tiếng Anh. Chị cũng có những sai lầm khi phát âm tiếng Anh, buồn cười nhưng có khi cũng mắc cỡ đến phát khóc lên được.

    1. Dạ vâng, đúng là học tiếng nào thì cũng có cái dở khóc dở cười thật. Em cũng nghĩ là ‘má’ thì hợp với ‘mẹ’ hơn, nhưng hôm đấy đúng là em nghe ra ‘mẹ’ thật. Chắc một phần là do em ở miền Bắc mọi người toàn gọi ‘mẹ’ nên nghe nó ra thành thế.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!