Chuyển từ wordpress.com sang wordpress.org và bắt đầu “sự nghiệp” kiếm tiền qua blog

Hồi mới lập blog, mình phần lớn tập trung tương tác với bạn đọc trên facebook blog, và chỉ chủ yếu muốn có một trang website tổ chức lại các bài viết, đồng thời backup các bài viết đề phòng trường hợp facebook có vấn đề. Chính vì thế mình không tìm hiểu nhiều mà chọn thẳng luôn wordpress.com, đơn giản vì nó miễn phí và nhiều giao diện đẹp. Nhiều lúc mình cũng hơi ngứa mắt với mấy cái quảng cáo linh tinh vớ vẩn tự dưng chèn vào giữa bài viết đẹp như hoa của mình, nhưng xài chùa nên không dám mở mồm kêu ca.

Rồi một ngày đẹp trời sau 4 năm dùng chùa wordpress.com, đầu óc tinh thông cái kiểu gì mà tự dưng mình ngồi ngẫm. Thay vì để wordpress hưởng lợi hết từ tiền quảng cáo từ các doanh nghiệp, sao mình không thử bon chen xin chia vài đồng.

Vậy là mình lên mạng google “Làm thế nào để kiếm tiền qua blog” (thời buổi này cái gì cũng google hết). Và tèng téng teng… cư dân mạng khuyên dùng Google AdSense, một chương trình hiển thị quảng cáo chạy bởi Google.

Từ trước tới nay, wordpress đăng quảng cáo trên trang blog của mình. Nếu ai mà click vào link quảng cáo, thì WordPress sẽ nhận được hoa hồng từ công ty quảng cáo. Sử dụng Google AdSense, vẫn với số lượt click như thế,  nhưng tiền hoa hồng quảng cáo từ trang của mình thay vì rơi hết vào túi WordPress sẽ rơi vào túi của mình.

Tuy nhiên sự đời quả không đơn giản. Trên đời này không bao giờ có tiền chùa, tiền dễ kiếm. Wordpress.com miễn phí hóa ra không cho phép sử dụng Google AdSense. Cũng dễ hiểu thôi, họ cung cấp dịch vụ miễn phí tất nhiên họ muốn lấy lợi lại từ tiền quảng cáo.

Vậy là mình bắt đầu lao đầu vào tìm hiểu “Làm thế nào để kiếm tiền qua blog”, “Làm thế nào để kiếm tiền với AdSense”, “Làm thế nào để kiếm tiền với AdSense bằng blog miễn phí”… Và mình đã khám phá ra cả một thế giới digital marketing ngoài kia mà mình chưa bao giờ biết tới, một thế giới mà không hiếm người đã trở thành triệu phú qua việc viết blog.

Mình thì không có ước mơ trở thành triệu phú qua việc viết blog. Vì cũng giống như bất kỳ ngành nghề nào, để trở thành triệu phú không dễ, luôn phải bỏ rất nhiều mồ hôi công sức, và cũng cần có cái sở thích và năng khiếu phù hợp. Những người thành công là những người dành 50 tới 100 giờ mỗi tuần đầu tư vào blog, thực sự coi nó là sự nghiệp chứ không chỉ là một thú vui.

Mình ở hiện tại chỉ muốn viết để thỏa mãn bản thân, để có thể ghi lại sự trưởng thành của bản thân và chia sẻ với thế giới những điều hay ho trong cuộc sống, chứ chưa muốn bỏ việc chạy theo nghề blog. Tuy nhiên, nhờ việc tìm hiểu này mà mình cũng khám phá ra nhiều cái lợi của việc chuyển từ wordpress.com sang wordpress.org, là lý do thúc đẩy mình “chuyển nhà” cho blog.

Dưới đây mình sẽ chia sẻ về một số điều mình tìm hiểu được, và biết đâu có thể giúp ai đó bước đầu trở thành triệu phú từ việc viết blog (nếu trở thành triệu phú thật thì đừng quên mình nhé :).


Có thật người ta có thể trở thành triệu phú bằng việc viết blog?

Thật luôn!

Mình cũng thấy choáng khi tìm ra được nhiều trang blog dạy kiếm tiền qua blog vì họ đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc viết blog. Ví dụ:

Grant Sabatier, sau khi đã trở thành triệu phú sau 5 năm viết blog về việc quản lý tiền nong và lập blog kiếm tiền, đã xuất bản cuốn sách  để chia sẻ về các phương thức kiếm tiền để đạt được sự tự do tài chính (ở bên Anh/Mỹ này từ “Financial Freedom”, “Tự do tài chính”, nghĩa là không cần làm mà cũng có tiền tiêu), bao gồm kiếm tiền qua blog. Sách của bác Grant này có thể tìm được trên trang Amazon UK ở link này (có cả bản Kindle trên link nếu bạn nào không sống ở UK): Want to makek $75,000 a month and quit your day job?“. Hai vợ chồng nhà McManus cũng đã viết ebook về việc kiếm tiền qua blog: “How to Start a Blog – Free Step-by-Step Beginners Guide to Building a Blog for Those Interested in Making Money and Having Fun!”

Michelle Schroeder-Gardner viết blog về việc quản lý tiền nong, bắt đầu từ $672 đô/ tháng vào tháng 5 năm 2012 tới $11,927/ tháng vào tháng 10 năm 2013, và trở thành triệu phú vào năm 2017 với tổng thu nhập của năm là 1.5 triệu đô la. Vậy là 5 năm để trở thành triệu phú. Michelle cũng đã từng lên Forbes: “How this 27 year old made 1 million last year”.

Nói chung không hiếm những trường hợp kể trên. Có trường hợp không trở thành triệu phú nhưng cũng kiếm được chừng $50k/ năm. Theo một trang blog mình đọc được, trung bình full-time blogger kiếm được chừng $30k/ năm.


WordPress.com và WordPress.org có khác gì nhau và liên quan gì tới việc trở thành triệu phú?

Kể chuyện nhà người ta để chảy nước miếng thế là đủ rồi, giờ mình quay trở lại chuyện chính.

Một điểm chung của tất cả các triệu phú hay người kiếm tiền từ blog đó là họ không xài chùa wordpress.com hay bất kỳ các trang miễn phí nào. Và thậm chí cả những người viết blog như một thú vui nhưng nghiêm túc một chút (kiểu ít nhất một bài một tháng, chịu khó up ảnh đẹp) cũng sẵn sàng trả tiền cho trang web của mình. Cũng dễ hiểu thôi, dịch vụ trả tiền bao giờ cũng có chất lượng và chức năng tốt hơn các dịch vụ miễn phí, và tạo nhiều điều kiện cho việc kiếm tiền hơn.

Trong quá trình tìm hiểu mình phát hiện ra wordpress.org, và có một sự khác nhau không hề nhẹ giữa wordpress.com và wordpress.org, dù đều là wordpress.

Vậy điểm khác nhau là gì?

Mỗi trang web đều chia ra làm hai phần, nôm na cho những người không chuyên sâu IT như mình là:

  • Hosting: nơi lưu trữ dữ liệu, tức là nơi chứa những bài viết, hình ảnh mình đăng lên blog.
  • Giao diện: là vẻ ngoài của website.

WordPress.com miễn phí cung cấp cả hai thứ trên. Điểm lợi là miễn phí toàn phần, điểm không lợi lắm là:

  • Tên miền hay link tới trang website luôn có đuôi wordpress.com, ví dụ như trang cũ của mình ngansite.wordpress.com. Ngoài việc nhìn không tiện và không được đẹp mắt cho mấy, người khác nhìn vào sẽ biết ngay đó là blog cá nhân, không có nhiều sự đầu tư. Đó cũng là cách wordpress sử dụng dịch vụ miễn phí để quảng cáo cho họ.
  • Không dùng được AdSense để kiếm tiền từ quảng cáo.
  • Không có các plugin để thêm mắm thêm muối cho web.
  • Không sử dụng được các tính năng để quảng bá cho blog.

Nếu muốn dẹp bỏ những điểm không lợi lắm ở bên trên thì cũng được thôi, nhưng phải trả tiền cho WordPress. WordPress hiện có 4 gói khác nhau giá tối thiểu dao động từ £3/tháng (~90k VND) tới £36/tháng (~1 triệu VND). Tuy nhiên gói £3/tháng tương đối hạn chế về tính năng. Và muốn dùng AdSense thì phải chọn gói £20/tháng (~600k VND).

Tất nhiên, mình dù muốn nâng cấp website, cũng không thể nào rút ruột bỏ ra £20/tháng, vì chắc chắc với website thú vui với lượng truy cập ít như website của mình, kiếm £1, £2 còn khó, chứ đứng nói £20/tháng để mà hòa vốn.

Vậy là mình tìm hiểu thêm!

Hóa ra phần lớn mọi người dùng hosting của một công ty và dùng giao diện của một công ty khác. WordPress.org chính là cái loại cung cấp giao diện nhưng không cung cấp hosting.

Ví dụ công ty về hosting là: Bluehost, GoDaddy, HostGator, SiteGround, DreamHost…

Ví dụ công ty về giao diện là: WordPress.org, Wix, Weebly, SquareSpace, Medium…

WordPress nhìn chung vẫn được khuyên dùng về mặt giao diện và phổ biến nhất, vì có nhiều lựa chọn khác nhau và dễ sử dụng. Và nếu muốn dùng wordpress cho giao diện thì nên dùng Bluehost cho hosting. Bluehost không chỉ rẻ nhất trên thị trường với tên miền miễn phí mà còn được chính WordPress khuyên dùng. Nếu đăng ký Bluehost thì WordPress giao diện sẽ được cho đi kèm miễn phí.

Vậy là mình sign up cho gói rẻ nhất của Bluehost, tổng giá tính ra là khoảng £3/tháng (~90k VND/tháng). Không chỉ có tên miền vô hợp ý mà còn có thể sử dụng AdSense, và các plugin khác. Thêm cái nữa là mình vô cùng hài lòng với dịch vụ hỗ trợ Chat của Bluehost, giải quyết vấn đề rất nhanh. Tiện thể nói thêm mình đã tìm hiểu (cho em gái mình ở Việt Nam) và biết được Bluehost hoàn toàn có thể đăng ký và sử dụng được ở Việt Nam.


Làm thế nào để chuyển từ wordpress.com sang wordpress.org?

Phần kế tiếp mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách mình chuyển từ trang ngansite.wordpress.com sang trang www.chuyencuangan.com, bao gồm 10 bước sau:

  • Đăng ký với bluehost
  • Chọn tên miền
  • Điền thông tin cá nhân và trả tiền
  • Đăng ký tên miền (domain registration)
  • Xác nhận tài khoản (account verification)
  • Cài đặt WordPress trên Bluehost
  • Chuyển dữ liệu từ wordpress.com sang trang mới
  • Dành thời gian trang hoàng cho trang blog mới
  • Chính thức ra mắt blog mới
  • Để lại tin nhắn cho bạn đọc ở trang cũ

1.   Chọn gói hosting của Bluehost

Đầu tiên bấm vào trang Bluehost: www.bluehost.com

Sẽ ngay lập tức nhìn thấy tấm biển quảng cáo gói rẻ nhất. Bấm vào nút “Get Started”!

Bluehost có 4 gói khác nhau:

Đối với người mới bắt đầu như mình, lượng truy cập ít, chỉ nên chọn gói rẻ nhất. Lợi ích của các gói kia là có thể lập được nhiều website một lúc, nhiều dung lượng hơn. Dùng gói rẻ nhất vẫn có được tên miền (đường link của website) miễn phí một năm. Sau đó muốn gia hạn thêm cũng không đắt, khoảng £10/năm (~300k VND/năm).

Bấm vào nút xanh “Select” để chọn gói £2.43/tháng, và sẽ chuyển sang trang kế tiếp chọn tên miền.

2.  Chọn tên miền

Tên miền là đường link tới trang web. Trong trường hợp của mình là: chuyencuangan.com.

Theo mình thì chỉ nên sử dụng trang này để thử xem tên miền của mình có trùng với ai không và liệu có thể đăng ký với Bluehost không, và nên đợi đặt gói đăng ký với Bluehost trước rồi mới chính thức chọn tên miền sau. Lý do là vì:

  • Tên miền một khi đã đặt là không thể đổi được. Thế nên tốt nhất là nên thực sự chắc chắn trước khi đặt.
  • Ngoài ra, sau khi đăng ký, Bluehost sẽ thực hiện quá trình xác nhận địa chỉ danh tính của người mua, thế nên tài khoản có thể sẽ bị khóa. Mình đăng ký tên miền sau nên vẫn có thể sử dụng các tính năng khác và nói chuyện với support team qua chat.

Nếu muốn thử tên miền, thì chỉ cần đánh tên vào ô trống dưới phần “Create a new domain” rồi bấm nút “Next“.

Nếu tên miền đăng ký được, sẽ có một biển xanh ở trang kế tiếp hiện ra như sau ở đầu trang kế tiếp. Nếu không thì sẽ là biển đỏ. Một cách khác để thử là google tên miền của mình trước khi đăng ký để xem có ai dùng rồi không.

Nếu đã có sẵn domain mua từ các trang khác thì có thể sử dụng hộp “Use a domain you own“.

Nếu muốn chọn tên miền sau, thì bấm vào link ở cuối “I’ll create my domain later“.

3.  Điền thông tin cá nhân và trả tiền

Trang kế tiếp là các thông tin cần điển để hoàn thành việc đăng ký. Tuy nhiên mình sẽ không vội mà điền ngay mà sẽ ngồi… đợi thêm một chút. Vì không lâu sau đó, tấm biển giảm giá này sẽ xuất hiện. Gần như lần nào cũng vậy, giá giảm xuống từ £2.43/tháng còn £2.18/tháng. Tất nhiên mình bấm nút “claim savings” ngay lập tức.

Giờ thì có thể điền thông tin!

Account information

Đầu tiên là thông tin cá nhân bao gồm tên họ, địa chỉ, điện thoại, email. Không cần phải điền tên của doanh nghiệp (Business Name).

Package information

Tiếp theo là thông tin về gói sản phẩm để chọn. Nếu muốn mua sản phẩm giá rẻ £2.18/tháng, buộc phải mua trọng 36 tháng, tổng cộng sẽ là £78.43 cho 3 năm. Nếu muốn mua cho 12 tháng thôi, giá sẽ bị đẩy lên là £4.07/tháng. Tốt nhất là nên chọn cho 3 năm nếu có suy tính lâu dài.

Package extras

Đây là phần phụ thêm, hầu như các phần phụ thêm là không cần thiết ở mức mới bắt đầu, ngoại trừ Domain Privacy + Protection. Gói phụ này giúp bảo mật thông tin cá nhân của mình. Giá của gọi phụ này là £0.81/tháng.

Chú ý, nếu không chọn tên miền từ bước trước thì sẽ không có gói phụ này. Gói phụ này chỉ xuất hiện nếu mình chọn đăng ký tên miền.

Nếu chọn đăng ký tên miền sau, gọi phụ này sẽ xuất hiện sau ở bước đó.

Payment information

Tiếp đó là phần điền thông tin thẻ để trả tiền.

Terms and conditions

Và cuối cùng là phần tiêu chuẩn Terms and Conditions. Chỉ cần tick hai cái ô trống và có thể bấm nút “Submit”.

  • Ô thứ nhất là bắt buộc để chấp nhận điều khoản.
  • Ô thứ hai là để không nhận thư quảng cáo.

4. Đăng ký tên miền (domain registration)

Sau khi đã hoàn thành bước đăng ký ở trên, mình có thể bắt đầu đăng nhập vào Bluehost. Nếu chưa đăng ký tên miền thì nên đăng ký tên miền trước khi cài đặt WordPress. Nếu đã đăng ký tên miền từ bước ở trên thì bước này không cần thiết.

Bấm vào ô nhỏ phía góc trên tay phải để chọn “Profile”:

Ở trang kế tiếp, chọn domain và đăng ký “Register” tên miền.

Chú ý nếu tài khoản chưa được xác nhận bởi Bluehost (xem thêm account verification ở bước sau), phần shopping cart có thể sẽ bị khóa lại và không thể đăng ký. Trong trường hợp này chỉ cần liên hệ với Support Team qua Chat và họ sẽ giúp mình xử lý shopping cart và mình vẫn có thể cài đặt bình thường trong lúc đợi tài khoản được xác nhận.

Để liên hệ Support Team bấm vào hình dấu hỏi phía góc trên tay phải:

Rồi bấm vào “Chat”:

5. Xác nhận tài khoản (account verification)

Account verification là quá trình Bluehost xử lý trong vòng 24 tới 48 tiếng đồng hồ sau khi đăng ký. Người đăng ký cần phải gửi một tấm ảnh của ID có mặt có địa chỉ tới verification@bluehost.com. Nếu account không được xác nhận, sẽ không thể đăng ký tên miền.

Có thể liên hệ Support Team để biết thêm về quá trình và tiến trình.

6. Cài đặt WordPress trên Bluehost

Bước này mất chưa đến 2 phút, chỉ bằng 1 click. Bluehost sẽ hiện thị rõ cài đặt WordPress trên màn hình.

7. Chuyển dữ liệu từ wordpress.com sang trang mới

Nào, giờ đã có một căn nhà trống với địa chỉ đàng hoàng. Bây giờ tới công cuộc chuyển nhà.

Đơn giản là chỉ cần export tất cả từ blog cũ, download files xuống máy rồi import lên trang mới, nhưng đây có thể trở thành một bước khá mất thời gian tùy xem blog có nhiều hình ảnh không.

Export từ blog cũ

Đầu tiên, truy cập vào trang quản trị theo địa chỉ: your-domain/wp-admin. Trong trường hợp của mình sẽ là: ngansite.wordpress.com/wp-admin.

Bước tiếp theo là đi tới menu Tools và chọn Export.

Sau đó chọn Export All.

Email sẽ được gửi tới với tất cả các file .xml.

Download những files này xuống máy vi tính. Nhớ phải unzip files.

Import lên blog mới

Giờ vào blog mới, vào phần admin và chọn Tools > Import.

Đầu tiên là install wordpress importer. Sau đó là run importer.

Và chọn file từ máy và chạy.

Bình thường chỉ cần upload một lần thôi là xong. Một số người chuyển được hết post, nhưng bị mất một số hình ảnh.

Tuy nhiên trường hợp của mình là:

Import lần 1 lên blog mới. Import lần 2 lên blog mới cùng một file đó. Tiếp tục import lên blog mới cùng cái file đó. Tiếp tục import, import, import…

Cuối cùng mất gần 2 ngày trời mình mới import xong hết các nội dung từ files vì mình có quá nhiều hình ảnh và posts. Tổng cộng là 558 posts.

Lần đầu import mình không nhận ra vẫn chưa import xong, vì quá trình dừng lại không hề báo là xong hay chưa.

Chỉ sau này mình mới phát hiện ra, files chỉ hoàn thành khi có cái dòng này ở cuối: “All done. Have fun!”

Ngoài ra, mình cũng cần phải sửa lại link của tất cả các page. Ví dụ, trước đây mình có link trên page Review tới các bài Review, giờ mình phải sửa hết các link này để chỉ tới blog mới. Cũng may nhờ chức năng search và view by category mà việc này cũng khá dễ dàng. Mình chỉ cần chọn category đó và copy và paste links.

Một việc khác mình cần phải làm đó là lật nhanh qua các page của blog mới. Một số bài post hình ảnh đại diện (featured image) không được chuyển qua dù hình ảnh trong bài đều đầy đủ. May mà trường hợp này không nhiều, chắc khoảng 10 bài posts, mình chỉ cần nhanh chóng update từng bài là được.

8. Dành thời gian trang hoàng cho trang blog mới

Phew…

Cuối cùng cũng xong cái bước mệt nhọc kia!

Giờ đến cái bước hay ho thú vị!

Đó là tân trang cho “nhà mới”. Mình bắt đầu dành thời gian lướt qua các Thames để chọn cái phù hợp. Mình rất hài lòng với số lượng Themes cung cấp bởi WordPress.

9. Chính thức ra mắt blog mới

Cuối cùng blog mới cũng đã hoàn thành và sẵn sàng để ra mắt độc giả. Chỉ cần bấm vào nút “Coming soon” ở phía trên cùng bên tay trái trên thanh bar để chính thức launch blog. Nếu không bấm nút này, blog ở chế độ private và không hiện ra cho mọi người thấy được.

10.   Để lại tin nhắn cho bạn đọc ở trang cũ

Bước cuối cùng là để lại tin nhắn cho bạn đọc để mọi người biết đường tìm sang địa chỉ mới.

WordPress có chức năng direct tự động, nhưng không miễn phí, nên rốt cuộc để lại lời nhắn trên  blog cũ vẫn là phương pháp dễ và rẻ nhất.

Chú ý là trên blog mới sẽ không có chức năng following như ở worpdress.com, nên cần phải thêm vào email subscription widget để bạn đọc có thể đăng ký email và theo dõi blog.


Welcome

Tèng téng teng…

Vậy là việc chuyển nhà cuối cùng đã hoàn thành!

Chào mừng mọi người tới nhà mới:

http://www.chuyencuangan.com/

Bước kế tiếp của mình là cài đặt Google AdSense, mình sẽ chia sẻ thêm khi mình hoàn thành bước này.

Nhà mới này không còn nút following như trước, nhưng mọi người có thể subscribe bằng cách để lại email dưới đây để nhận thông báo khi mình có bài viết mới. Nếu có câu hỏi gì thêm, mọi người cứ việc comment câu hỏi phía dưới bài post này nhé!


Disclaimer:

Trên blog của mình có thể có link affiliate trong một số bài viết. Điều này có nghĩa là nếu bạn chọn đăng ký qua link của mình, mình có thể được một ít hoa hồng để trả phí duy trì blog, và bạn sẽ không mất gì cả. Chú ý là đây không phải là blog bán hàng, mình chia sẻ chủ yếu vì sở thích. Nếu có giới thiệu cái gì thì đó là vì mình có sử dụng, thấy hữu ích và muốn chia sẻ với mọi người.

Đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).


4 Replies to “Chuyển từ wordpress.com sang wordpress.org và bắt đầu “sự nghiệp” kiếm tiền qua blog”

    1. Em cảm ơn anh. Em chuyển toàn bộ anh ạ, cả bài viết, cả comment. Mà mất cả hai ngày mới chuyển xong vì nhiều nội dung mà file upload chậm rãi.

  1. Nói chung kiếm tiền từ blog với adsense & affliate… ở thị trường VN không đc nhiều đâu c ơi, mà công sức bỏ vào đó k hề nhỏ, mà còn cần seo nữa blah blah. C có nhiều độc giả vn thì tự bán hàng và xây dựng thương hiệu cá nhân thành kol sẽ ok hơn, dù sao thì vẫn ủng hộ c thành công vì e là 1 độc giả từ blog cũ 🙂

    1. Cảm ơn em nhé. Chị cũng không biết nhiều lắm về thị trường ở VN. Nhưng google thử thì cũng thấy cũng có thấy nhiều bài viết tiếng Việt về affiliate marketing. Chị nghĩ chắc cái này ở VN chắc sẽ dần phổ biến hơn. Nhưng mà đồng ý với em là số tiền kiếm được sẽ ko thể bằng được các blog nước ngoài. Chị cũng chưa có ý định thực sự kiếm tiền từ blog, chỉ là bước đầu tìm hiểu thôi. Vì chị đọc qua thì các blog kiếm tiền thường phải khá cụ thể về một chủ đề chứ ko thể lan man tản mạn đủ mọi thứ như chị được.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!