Công ty M: Tổng kết
Vậy là sau gần 9 tháng, cuối cùng mình đã chính thức chia tay với công ty M. Một khoảng thời gian không dài nhưng cũng có một số điều để viết lại.
1. Đi làm sớm rất có lợi. Mình luôn có mặt ở công ty tầm 7 giờ sáng (giờ hành chính ở đây thường là 8.30 hoặc 9 giờ), vừa yên tĩnh tập trung làm việc, và lại làm được nhiều việc trước khi mọi người khác bắt đầu. Thêm một cái lợi không ngờ tới đó là dễ bắt chuyện với các lãnh đạo hơn, đặc biệt là công ty lúc đó ngồi theo không gian mở.
Thông thường nếu không có việc gì quan trọng, chẳng ai rảnh rỗi mà nói chuyện với mình, đặc biệt là CEO của một công ty lớn như công ty này. Một lần, bác CEO của công ty đến sớm, lúc đấy cả phòng còn chưa có ai mà chỉ có một mình ngồi đấy, bác ấy bình luận: “Chăm chỉ quá nhỉ!” rồi lúc sau tiện đường đi ra ngoài bác ấy qua bắt chuyện với mình.
Bác CEO này tầm 60 tuổi, từ Oxford ra, đã từng làm CEO của nhiều công ty lớn khác, một năm lương bổng từ công ty trả cho bác ấy lên tới vài triệu bảng (đấy là chưa kể bác ấy hẳn có nhiều đất đai và đầu tư ở chỗ khác). Mình quan sát thì thấy phong thái của bác ấy bao giờ cũng rất chậm rãi đĩnh đạc, miệng cười hì hì hà hà. Đến dịp Giáng Sinh thì đi quanh văn phòng phát bánh Giáng Sinh và nói chuyện với từng nhân viên. Nhưng nghe đâu là bác ấy khi vào phòng họp thì cũng kinh lắm, rất đòi hỏi, rất nghiêm khắc.
Một lần mình ra về, đúng lúc thấy bác ấy đi ở phía trước. Mình hơi ngại nên cố tình đi chậm lại. Nhưng tới cửa thì thấy bác ấy đang đứng giữ cửa cho mình. Chắc là liếc thấy mình đi ở phía sau nên chờ. Vậy là mình đi bộ một đoạn với bác ấy và có nói chuyện đôi ba câu, đại khái như vầy:
Bác: “Mày ở đâu?”
Mình: “Cháu ở phía ngoài Luân Đôn, đi tàu. Bác ở đâu, xa không?”
Bác: “Không xa, ở South Kensington.” (Khu vực đắt nhất toàn nhà mấy triệu bảng, ngay trong trung tâm Luân Đôn.)
Mình: “À, vậy tiện nhỉ. Chắc bác tàu điện ngầm à?”
Bác: “Không, tao đi tắc xi.” (Mình đúng là hỏi hơi ngu, chắc hiếm có CEO nào mà đi phương tiện công cộng như tàu điện ngầm.)
Nói chung mình thấy bác ấy với mình chẳng có mấy điểm gì chung để nói, nhưng bác ấy cũng chịu khó nói chuyện với nhân viên.
2. Sau bác CEO là chú CFO. Chú này mới vào công ty chừng một, hai tháng. Chú ấy nhìn đúng kiểu lãnh đạo người Anh điển hình, phong thái giống giống thủ tướng Anh David Cameron. Tốt nghiệp Oxford ra, khởi nghiệp từ PwC, rồi sau đó làm giám đốc ở Dell và leo dần lên các chức vụ quan trọng ở các công ty khác.
Mình và chú nói chuyện có đôi ba lần. Lần đầu là khi chú mới vào đi quanh giới thiệu mọi người. Lần sau là tình cờ gặp ở chỗ nghỉ giải lao pha trà pha cà phê. Nghe đâu chú có tập Yoga, chắc vì thế mà lúc nào cũng thấy rất điềm đạm bình tĩnh.
Với bác CEO thì mình luôn thấy có khoảng cách gì đó, nhưng với chú này, không quen biết mấy, nhưng mình thấy chú có chút gần gũi hơn. Ngày cuối của mình ở chỗ làm, chú đến chào tạm biệt và bắt tay mình. Lúc đó, chú nhìn rất sâu vào mắt mình và nói chúc may mắn, khiến mình cảm thấy người này rất thật tình. Có thể đây là một loại kỹ năng giao tiếp, nhưng phải công nhận rất hiệu quả.
3. Sau chú CFO là chú Finance Director (Giám Đốc Tài Chính). Chú mới 41 tuổi mà có 5 đứa con, con lớn 24 tuổi. Đứa con đầu là khi chú 17 tuổi, tới tuổi 21 tuổi đã có 3 con. Điển hình của việc có con lúc trẻ tuổi mà vẫn thành công. Chú có chia sẻ là việc có con sớm khiến chú phải trưởng thành sớm hơn người khác, và chính vì thế mà thành công sớm hơn người khác.
Điều đặc biệt về chú ấy chính là tính cách vô cùng khác người. Chú ấy hay tuôn ra những câu đùa rất vô duyên, nhưng thường mọi người cũng không thèm để ý vì biết rõ tính cách chú ấy. Ví dụ: biết mình là người Việt Nam mà cứ thi thoảng cố tình tương mấy câu đại loại như: “Giáng Sinh này mày không về Trung Quốc chơi à?”. Hay nói mấy câu kiểu như: “Mày trình báo cáo thì phải viết đầy đủ các phương án chứ. Thế nên tao mới là Giám Đốc, còn mày chỉ là kết toán quèn.” Nói chung cũng học hỏi được nhiều điều từ chú này, nhưng mình thấy với tính cách này, người quý thì sẽ rất quý, còn người không thích thì chắc sẽ rất không thích.
Chú chính là người phỏng vấn và nhận mình vào làm việc. Tiếc là mình không thích phong cách quản lý của chú. Có phần vô tổ chức, thiên về đổ lỗi hơn là động não cùng nhau giải quyết, và thiếu sự đầu tư dài hạn vào nhân viên.
Ngày chia tay, mình bảo chú: “Cảm ơn chú đã nhận cháu vào. Tiếc là không được lâu nhưng cháu đã học hỏi được nhiều điều.”
Chú bảo: “Không có gì. Chuyện đó cũng rất bình thường.” (Ý là chuyện không làm lâu cũng hay xảy ra.)
Mình thành thật: “Chú là một người rất buồn cười.”
Chú cười: “Cũng có nhiều người nói thế.”
Mình: “Cháu nói thật là lúc đầu cháu không quen với mấy câu đùa của chú lắm. Giờ cháu bắt đầu quen hơn, cháu nghĩ chú cũng là một người tốt.”
Chú lại cười hềnh hệch: “Cuối cùng mày cũng nhìn ra hả. Tiếc là muộn rồi nhỉ.”
Mình cũng cười theo: “Vâng tiếc là hơi muộn rồi.”
Hai chú cháu cười cười rồi nói mấy câu chào tạm biệt. Vậy cũng là kết thúc tốt đẹp. Những điều không hay để lại đằng sau, chỉ mang theo những điều tốt đẹp.
4. Người làm mình cảm động nhất trong ngày chia tay đó là một bác làm quản lý của đội khác, tạm gọi là bác X.
Bác chừng năm mươi tuổi, mới vào làm việc công ty này chừng bốn, năm tháng. Bác vào làm quản lý của một phần lớn nhất trong công ty, và cũng là phần có nhiều vấn đề nhất. Vì mới và khó, bác có vẻ lúng túng bắt nhịp với mọi thứ. Mình thường nghe mọi người xung quanh ca thán kiểu như:
“Ông X chẳng biết cái gì.”
“Hỏi ông X cũng như không.”
“Làm việc với ông X khó quá!”
Một lần bác email mình hỏi mình giúp một việc, mà đáng lẽ là bác ấy phải là người làm rồi cung cấp thông tin cho mình. Nhưng thương tình bác ấy mới lại đang chịu áp lực từ nhiều phía, mình có chút kinh nghiệm nên cũng vui vẻ giúp, và cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. Rồi một số lần khác, có mấy cái linh tinh bác ấy hỏi, mình biết thì mình cũng trả lời.
Đến hôm chia tay, đột nhiên thấy bác ấy xuất hiện ở bàn làm việc của mình. Bác đưa cho mình một hộp sô-cô-la bọc gói cẩn thận cùng một tấm thiệp. Ai trong phòng mình cũng rất ngạc nhiên về việc tặng quà của bác vì đội của bác là đội hoàn toàn khác, với cả bác với mình chẳng thân quen gì. Bác nói cảm ơn mình, mà lúc đó mình thấy cảm động quá đỗi. Mình có thể thấy được sự chân thành trong lời cảm ơn này, và cảm thấy việc làm của mình dù nhỏ nhoi nhưng đã mang lại ý nghĩa cho người khác.
Anh cấp trên của mình lúc sau còn nói: “Ông X đang đợt bận báo cáo cuối tháng thế này mà còn nghĩ tới việc mua quà tặng mày, chắc phải quý mày lắm.”
Tự dưng nhận ra rằng thực ra mình không ham giàu, không ham làm cao, mình chỉ muốn làm được nhiều điều có ý nghĩa cho người khác.
5. Lời chia tay mà mình ngạc nhiên nhất là anh lãnh đạo đội Phân Tích Thông Tin, thiên về coding và IT. Mình làm việc với anh ấy cũng mấy lần, nói chung là công việc là chính thôi chứ cũng không biết nhiều về nhau.
Khi mình gửi email chia tay mọi người, anh ấy nhắn lại bảo: “Rất tiếc là phải chia tay em. Chúc mừng công việc mới của em. Anh và đội ở đây đánh giá rất cao về em.” (Nguyên văn là: “I and the team here think very highly of you.”)
Đọc lời anh ấy viết thấy rất vui. Cảm giác là mình cũng đã làm tốt công việc của mình và được người khác có cái nhìn tốt (đặc biệt là mấy người thông minh như các anh làm về coding và IT – hi hi).
6. Đây là công việc đầu tiên sau khi mình nghỉ làm hai năm, mình phải công nhận khi mới bắt đầu mình cảm thấy khá khó khăn. Không chỉ có nhiều thứ phải nhớ lại, nhiều thứ để bắt kịp, mà còn phải chiến đấu với thiếu ngủ, với con ốm. May mắn là sau một thời gian cũng cảm thấy quen dần với công việc.
Mặc dù công việc bận bịu và đòi hỏi hơn mình nghĩ, nhưng mình không hối hận vì đã lựa chọn công việc này. Khi phát biểu chia tay với mọi người trong đội, mình cũng đã nói: “It has been hard work, but when it is hard work, it is when people bond.” (“Thời gian qua đã rất bận bịu. Nhưng khi mà công việc bận bịu và khó khăn, đó là khi mọi người gắn kết với nhau.”) Thế nên dù chỉ 9 tháng, cảm giác đã quen biết được nhiều người và có người cũng khá là thân thiết.
Cũng nhờ có kinh nghiệm 9 tháng này mà mình đã nhận được việc mới sắp tới này. Và quan trọng là nó giúp mình nhận ra khía cạnh nào của công việc khiến mình thích hơn, thể loại tổ chức nào sẽ khiến mình có nhiều động lực làm việc hơn, và thành quả gì mình muốn tạo ra từ công việc của mình.
Rất chia sẻ với em. Chia tay một chỗ làm không bao giờ là điều dễ dàng cả, nhất là nơi đó có những người đáng mến phải không em 🙂
Chúc em vui & thành công ở chỗ mới nhé. Có gì hay lại chia sẻ cho mọi người cùng đọc em nhé.
Chị My
Em cảm ơn chị <3. Em sẽ năng ghi lại để chia sẻ với mọi người :))))