Dạy con làm điều khó, làm điều con không thích
Cô bé Anna nhà mình không thích đánh răng. Vì theo cô bé, mùi vị của kem đánh răng rất tệ. Mỗi lần đánh răng đều có nhiều cái nhăn nhó, nhiều lời kêu ca.
Tối nay tới lượt mình đưa cô bé đi đánh răng. Như mọi lần, cô bé cẩn thận kiểm tra để chắc chắn rằng mẹ không bỏ quá nhiều kem đánh răng. Trước khi mẹ đưa bàn chải vào miệng, cô bé chú ý đứng cạnh cái bồn rửa để có thể nhanh chóng nhổ kem đánh răng ngay ra. Và khi mẹ giúp đánh răng, mặt cô bé nhăn nhó tỏ rõ sự không thích thú gì. Tuy nhiên cô bé vẫn để mẹ làm và không phản kháng.
Nhìn gương mặt trông rõ khổ sở của cô bé, mình mỉm cười bảo: “Mẹ biết Anna không thích đánh răng vì mùi vị của kem đánh răng rất tệ. Tuy nhiên cuộc sống là như vậy, có nhiều cái mình không thích nhưng mình vẫn phải làm. Ví dụ như lúc ăn tối vừa rồi con không thích ăn cá nhưng con vẫn phải ăn. Con biết vì sao không?”
Với cái dũa vẫn ở trong miệng, cô bé ngước nhìn mẹ trả lời: “Con phải ăn để con không bị bé đi.”
Mẹ gật đầu cười: “Đúng rồi, con ăn để con có năng lượng và lớn lên khỏe mạnh. Vậy con biết vì sao con phải đánh răng không?”
Cô bé gật gật đầu: “Đó là để răng của con không bị có lỗ.”
Mẹ lại cười: “Đúng rồi, để răng của con không bị sâu, không có lỗ. Chính là như vậy, cuộc sống của nhiều cái con không thích, hay con thấy khó, nhưng con cần phải làm vì nó tốt cho con.”
Cô bé không nói thêm gì, chỉ để mẹ đánh nốt cho rồi nhanh lẹ nhổ kem đánh răng ra.
Mình biết chính là nhờ mình và chồng luôn giải thích cặn kẽ, vì sao con cần phải làm chuyện này chuyện kia cho dù nó khó, cho dù con không thích, nên cô bé, dù nhăn nhó kêu ca, nhưng không hề phản kháng, không hề mè nheo, vì cô bé hiểu rõ lý do và biết nó tốt cho mình.
Mình luôn dùng rất nhiều các tình huống nhỏ khác nhau trong ngày như vậy hi vọng sẽ dạy cho con được điều lớn hơn, đó là sự kiên trì làm những điều mình không thích, làm những điều mình thấy khó. Cũng có thể gọi đó là bước đầu dạy cho con tư duy phát triển (growth mindset) và khả năng thích ứng phục hồi vượt qua khó khăn thất bại (resilience).
Mình và chồng không bao giờ dùng biện pháp áp chế răn đe, mà thường là dành rất nhiều thời gian để nói chuyện, để giải thích, để con có thể hiểu rõ lý do nguồn căn và tự bản thân phát triển mong muốn làm nó, thay vì bị áp đặt lên bởi người khác và có tư tưởng “Mình làm vì ba mẹ bảo thế”. Việc đơn giản để xác nhận xem con có hiểu chưa chính là hỏi: “Con biết vì sao con nên làm điều này không?”
Ngoài việc giải thích và hỏi han, mình và chồng còn dạy con bằng cách lấy bản thân làm gương và, thêm một phần rất quan trọng nữa, đó là chủ động lên tiếng giải thích cho con về những điều mình làm và những điều mình muốn truyền dạy cho con.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ học rất nhiều từ việc quan sát cách ứng xử và lối sống của ba mẹ chúng. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ba mẹ cần chủ động dạy dỗ đối thoại thì mới có thể truyền dạy được lối tư duy (có thể xem thêm trong sách “Tâm lý học thành công” của tiến sỹ Carol Dweck mà mình đã giới thiệu từ trước).
Ví dụ, buổi chiều nay, chồng mình tập thể dục. Vì đầu gối chồng bị chấn thương sau một lần bị ngã không thể tập chạy, chồng lấy bài tập thể dục từ một cái app điện thoại và chăm chỉ tập theo hàng ngày.
Tập một hồi, đến cái bài này, chồng bảo: “Ồ, bài này là bài khó nhất đây. Mọi người đừng có nói gì với anh nhé, vì anh cần sự tập trung cao độ.” (Là một bài kết hợp chống đẩy với vung tay vung chân gì đó)
Con đang ngồi chơi bên cạnh, quay sang hỏi: “Ba có muốn chuyển sang bài khác bớt khó hơn không?”
Anh ba liền trả lời, và tất nhiên không quên nắm lấy cơ hội dạy con luôn: “Không con ạ. Bài khó nhất mới là những bài chúng ta nên làm. Đó là những bài tốt cho chúng ta vì nó giúp chúng ta trở nên mạnh hơn. Cũng giống như khi con luyện tập đàn piano, cứ liên tục chơi cái bài mà con đã biết rồi thì chẳng có ích gì bởi vì con sẽ không học được cái gì mới. Chỉ khi con chơi những bài khó hơn, thì con mới có thể học được cái mới và chơi tốt hơn được.”
Cô con gái chăm chú lắng nghe rồi chạy ra giúp ba đếm nhịp tập thể dục.
Mình ngồi nghe hai ba con nói chuyện mà không khỏi mỉm cười. Đây chính là tinh thần của nhà mình. Khó, ta không bỏ cuộc mà cứ thế tiếp tục tiến lên.
Bản thân mình, mình cũng cố gắng tuần nào cũng tập chạy, cố gắng đọc nhiều sách bổ ích, cố gắng làm những điều mình chưa thích lắm nhưng mình biết là tốt cho mình, và mỗi lần như vậy, mình đều nói với con rằng: “Mẹ cũng thấy khó lắm con, nhưng khó mới là tốt cho mình và mình càng nên làm. Và cái gì cũng vậy, chỉ cần dành thời gian chăm chỉ luyện tập và luyện tập đúng cách, con sẽ có thể làm được thôi.”
💪
—-
P/S:
👉Bài viết trước về Resilience – “Khả năng thích ứng phục hồi”
👉 Sách “Tâm lý học thành công” của tiến sỹ Carol Dweck:
-Link mua sách ở VN – Tiki | Shopee
-Link mua sách ở Anh – Amazon
👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2
—-