Để yêu nhau, chúng ta có cần phải giống nhau?

1.
“Để yêu nhau, chúng ta có cần phải giống nhau? Nếu chúng ta không có gì chung thì có thể yêu nhau không?”

“Chúng ta không cần phải giống nhau.” Chồng tôi nói: “Chúng ta có thể thưởng thức thế giới này qua cách nhìn của nhau. Ví dụ, em thích xem phim Hàn Quốc, còn anh thì thích nghe em kể về các bộ phim Hàn Quốc mà em xem, như vậy là anh gián tiếp xem phim Hàn Quốc rồi. Em tham gia vào tổ chức từ thiện về nghệ thuật, nhờ thế mà anh biết là làm từ thiện trong ngành nghệ thuật nó như thế nào…”

Tôi nghĩ cũng đúng. Tôi cũng rất thích nghe chồng tôi kể về chuyện ở chỗ làm, dù tôi chưa trực tiếp làm cho quỹ Hedge Fund, nhưng tôi đã nhìn thấy thế giới đó qua cách nhìn của chồng tôi.

Để yêu nhau, chúng ta không cần phải giống nhau, cái quan trọng hơn là liệu chúng ta có muốn bước vào thế giới của nhau, nhìn cuộc đời qua cách nhìn của nhau.

2.
“Nếu một ngày em hết yêu anh thì sao?”

“Thì anh sẽ lại đổ đầy tình yêu cho em.”

“Anh làm thế nào để đổ đầy?”

“Tùy vào lý do em hết yêu anh, anh sẽ tìm cách phù hợp. Ví dụ, nếu vì anh chưa dành đủ thời gian cho em, anh sẽ dành nhiều thời gian hơn. Nếu vì anh chưa đủ thơm thì anh sẽ luôn mang theo mình một lọ nước hoa xịt khắp mọi nơi…”

“Thế nếu một ngày anh hết yêu em thì sao?”

“Anh không thể nào hết yêu em.” Chồng tôi nói.

“Anh cứ thử tưởng tượng xem.”

“Anh không thể tưởng tượng được. Giống như là bảo anh tưởng tượng một con chim không thể bay, một con vịt không thể kêu quác quác…” Chồng tôi hỏi lại tôi: “Thế em có tưởng tượng được anh hết yêu em không?”

Chồng tôi mới đúng, tôi không tưởng tượng được.

Tôi nhận ra, vì cách chồng tôi đối xử với tôi ngày qua ngày tháng qua tháng luôn nhất quán trước sau như một, với sự yêu thương và tôn trọng, nó đã tạo lên một niềm tin tuyệt đối vào tình cảm của anh dành cho tôi.

3.

“Thế tình yêu đối với anh là thế nào?” Tôi hỏi tiếp.

“Desire, longing and feeling of contentment.” (“Sự khao khát, mong ngóng và cảm giác hài lòng thỏa mãn”) Chồng tôi trả lời.

Tôi suy nghĩ, tình yêu đối với tôi là như thế nào?

Tình yêu với tôi đó là một sự lựa chọn, lựa chọn kiên nhẫn, lựa chọn tử tế, lựa chọn trân trọng, lựa chọn tôn trọng, lựa chọn đặt đối phương lên trên trước nhất trong những quyết định của mình.

Tôi thấy thú vị là chồng tôi đi từ cảm xúc, còn tôi đi từ lý trí. Mặc dù tôi cũng có những cảm xúc như chồng tôi miêu tả, và chồng tôi cũng làm hết những điều tôi lựa chọn.

Đúng là để yêu nhau, chúng tôi không cần phải giống nhau.

Chúng tôi trân trọng con người của nhau.

❤️

P/S: Có một lời bình luận thú vị trên Facebook, mình xin ghi lại ở đây.

Bình luận:

Tôi nghĩ rằng tình yêu đôi lứa cần sự giống nhau và cả khác nhau nữa, giống nhau để đồng điệu, khác nhau để bổ trợ. Anh chị nghĩ rằng mình khác nhau nhưng thật ra anh chị giống nhau đấy chứ, cả 2 đều thích nghe kể chuyện, cả 2 đều có tình yêu dành cho nhau. Cuộc sống này là tương đối mà.

Trả lời:

Xin cảm ơn bạn đã để lại lời nhắn. Lời bình luận của bạn rất thú vị và khiến mình nghĩ tới triết lý học.

Bạn nói đúng cuộc sống là tương đối. Nếu để kể ra những điều giống nhau thì mình và chồng mình tất nhiên có điểm giống nhau. Và một trong những điều giống nhau quan trọng nhất là cả hai đều tin vào Chúa và Kinh Thánh, vì thế mục đích sống, cách nhìn cuộc sống, điều ưu tiên trong cuộc sống đều giống nhau, và cách yêu cũng sẽ giống nhau.

Tuy nhiên mục đích của bài viết không phải là để kể ra điểm giống và khác, mà muốn nói về sự trân trọng sự khác biệt. Trên thực tế Kinh Thánh cũng đặc biệt nhấn mạnh về điều này, yêu người giống mình thì dễ, yêu một người khác mình mới thực sự là tình yêu Kinh Thánh thường nhấn mạnh.

Thông thường khi mối quan hệ dựa quá nhiều vào sự giống nhau đồng điệu có thể sẽ bị lung lay khi cái “sự giống nhau” đó không còn nữa, đặc biệt khi con người luôn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Mối quan hệ dựa trên sự trân trọng chấp nhận và cổ vũ nhau sẽ có nền móng vững chãi hơn.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!