Kết quả đầu tư chứng khoán của mình năm 2020
Mình bắt đầu mở tài khoản với các platform (nền tảng) đầu tư chứng khoán từ tháng 5 năm nay, và bắt đầu bỏ tiền vào chủ động quản lý việc đầu tư từ tháng 6 và tháng 7.
Hồi đầu tháng 8, mình đã viết một bài báo cáo lại kết quả đầu tư chứng khoán của những tháng đầu. Cụ thể là mình có tổng tiền đầu tư ban đầu chừng 600 triệu (£20k), tính tới cuối tháng 7 mình lỗ chừng 8 triệu (£271), 1,3% của tiền đầu tư ban đầu. Lúc đó mình đã có nói rằng mình không quá lo lắng vì mình có cái nhìn dài hạn cho việc đầu tư này. Chi tiết ở link này: “Kết quả đầu tư của mình vào thị trường chứng khoán giữa mùa Covid”.
Giờ đã gần hết năm 2020, đầu tư tới giờ cũng đã được nửa năm, mình xin viết thêm một bài nữa cập nhật bạn đọc về kết quả đầu tư chứng khoán của mình và một số điều quan sát được.
Phần 1 của bài viết này sẽ nhìn vào tổng thể các tài khoản, và các phần sau sẽ đi vào chi tiết của mỗi tài khoản cụ thể:
- Tổng kết đầu tư chứng khoán 2020
- Chi tiết portfolio – Fidelity
- Chi tiết portfolio – Trading 212
- Chi tiết portfolio – AJ Bell
- Chi tiết portfolio – HL
Chú ý: Nếu bạn nào chưa quen thuộc với ngôn ngữ chứng khoán có thể xem lại bài viết “Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu”. Trong bài viết mình cũng đã chia sẻ cách đăng ký mở tài khoản với các platform để có lợi nhất về mặt tài chính.
Tổng kết đầu tư chứng khoán 2020
Hay nói chính xác hơn dưới đây là kết quả nửa năm tới ngày 08 tháng 12!
Kết quả nhìn chung của mình như thế nào?
Cuối tháng 7 mình có 600 triệu (£20k) tiền vốn. Những tháng sau mình bỏ thêm vào 160 triệu nữa (£5k). Vậy tổng cộng tiền vốn của mình tới thời điểm này là 761 triệu (£25k).
Với số vốn này, trong khoảng thời gian 6 tháng, mình đã kiếm thêm được 64.8 triệu (£2k), hay nói đúng hơn là giá trị của các quỹ chứng khoán mình mua đã tăng lên 8.5% đem lại lợi nhuận 64.8 triệu (£2k).
Kết quả này cao hơn nhiều so với mình dự đoán lúc đầu, mình nghĩ phần lớn là nhờ tin vui về vắc xin. Với đầu tư chứng khoán, tư tưởng của mình là lỗ không hoảng, lãi không tự đắc, vì chứng khoán ngày hôm nay lên, ngày mai lại có thể xuống. Đặc biệt trong tình hình hiện tại, có nhiều thứ không thể dự đoán trước được, như ảnh hưởng dài hạn của Covid lên nền kinh tế hay việc nước Anh rời khỏi khối châu Âu.
Dù tình hình bất ổn và có tính rủi ro cao, như mình nói ở bài viết từ tháng 8, mình vẫn quyết định đầu tư, vì phần lớn các chỉ số chứng khoán ở các nước phát triển, ngày 1 lên, ngày 2 xuống, nhưng nếu nhìn tổng quan 10, 20 năm, sẽ thấy một xu hướng nhìn chung là đi lên.
Nên nhớ là để quản lý rủi ro, đừng nên bao giờ chỉ dồn hết tiền vào một thứ và nên đầu tư vào quỹ thay vì cổ phiếu riêng lẻ. Có thể xem bài mình viết trước về việc quản lý rủi ro ở đây.
Thông thường các quỹ có phiếu có hai loại:
- Loại quỹ Income Fund sẽ phát cổ tức định kỳ, hường dành cho người muốn có thu nhập ngay tại thời điểm mua.
- Còn loại quỹ Accumulation Fund sẽ không phát cổ tức mà tự động dùng cổ tức này để đầu tư thêm. Loại quỹ này tập trung vào tăng trưởng, thường dành cho người muốn thu nhập trong tương lai.
Tất nhiên hiện tại mình cố mua nhiều các quỹ Accumulation Fund để tập trung tăng trưởng (dù một hai lần đầu vẫn mua nhầm vì còn lơ mơ đọc không kỹ hướng dẫn sử dụng).
Tài khoản nào tăng giá trị cao nhất?
Trong 4 tài khoản của mình, Trading 212 là có lợi nhuận thấp nhất, 2,5% so với 7% tới 10% của ba tài khoản Fidelity, AJ Bell và HL. Đó là do mình sử dụng Trading 212 để mua cổ phiếu của công ty (share) và ba tài khoản còn lại chỉ mua quỹ (fund).
Quỹ thường có rủi ro thấp hơn cổ phiếu của công ty đơn lẻ, vì quỹ là một rổ các cổ phiếu của các công ty và nếu một vài công ty đi xuống thì quỹ cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Mình cũng sử dụng Trading 212 để mua quỹ, hiên tại chưa nhiều nhưng trong tương lại có ý định tăng số quỹ lên. Trading 212 dùng khá tốt, điểm lợi nhất là hoàn toàn miễn phí, thích hợp cho người mới bắt đầu. Trading 212 có offer tặng một cổ phiếu miễn phí được lựa chọn ngẫu nhiên (giá trị tối đa £100) nếu mở tài khoản qua link giới thiệu.
Các phần dưới đây sẽ đi vào chi tiết các cổ phiếu và quỹ cổ phiếu trong mỗi tài khoản của mình.
Chi tiết portfolio – Fidelity
Fidelity là tài khoản chính của mình. Giá cả của Fidelity phải chăng (phí platform 0.35%) và cũng có nhiều lựa chọn quỹ. Đặc biệt nếu đăng ký với Fidelity qua TopCashBack sẽ lấy lại được tối đa 2.1% (mình bỏ vào £5,000 lúc ban đầu và lấy lại được £105). Chi tiết mình đã chia sẻ trong bài “Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu”.
Hiện tại đứng đầu trong danh sách lợi nhuận cao của mình là hai quỹ liên quan tới công nghệ, Legal & General và Polar Capital với 17.7% và 16.5% lợi nhuận.
Sau đó là quỹ Baillie với lợi nhuận 14.9%. Quỹ này đầu tư nhiều vào các công ty trong ngành máy tính phần mềm, dược phẩm và công nghệ sinh học. Công ty đang nổi TELSA cũng có mặt trong quỹ.
Các quỹ của Vanguard là loại quỹ giá rẻ không có quản lý chủ động thường lên xuống theo các chỉ số cố phiếu chung chung.
Hiện tại trái phiếu nhà nước của mình đang bị lỗ nhẹ. Thường trái phiếu nhà nước và cổ phiếu hay di chuyển ngược nhau. Nếu thị trường cổ phiếu biến đối xấu với giá trị cổ phiếu đi xuống, mọi người sẽ đổ xô đi mua trái phiếu nhà nước vì nó an toàn hơn, khiến giá trái phiếu tăng lên. Còn nếu cổ phiếu đi lên, không ai thèm mua trái phiếu, giá trị trái phiếu sẽ giảm. Mình mua trái phiếu chủ yếu là đề phòng rủi ro, hiện tại chưa có ý định bán vì chưa biết nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào.
Chi tiết portfolio – Trading 212
Các cổ phiếu của các công ty Mỹ như là Amazon, Microsoft hay Netflix trong portfolio của mình hiện đang lỗ vì hai lý do:
- Thứ nhất là do mình mua cổ phiếu không đúng thời điểm đúng lúc giá cổ phiếu đang leo thang lên rất cao.
- Thứ hai là do đồng đô la đang đi xuống.
Vàng (iShare Physical Gold), vâng điều hay ho của thế giới công nghệ ngày nay là không cần mua thỏi vàng cất vào tủ vẫn có thể đầu tư mua bán theo giá vàng. Giá vàng hiện tại đang xuống làm mình lỗ nhẹ xíu.
Như mình nói ở trên, Trading 212 có offer tặng một cổ phiếu miễn phí được lựa chọn ngẫu nhiên (giá trị tối đa £100) nếu mở tài khoản qua link giới thiệu.
Chi tiết portfolio – AJ Bell
Các quỹ trong tài khoản này cũng đều là các quỹ trong Fidelity. Mình đầu tư vào tài khoản này để tận dụng offer top-up 25% của nhà nước. Mình bỏ vốn vào £2k, và nhận được top-up £500.
Chi tiết portfolio – HL
Đây là tài khoản lương hưu nhỏ của mình (mình có quỹ lương hưu riêng khác với chỗ làm), được chồng mình mở từ năm 2018, nhưng phải đến năm nay mình mới tự quản lý. Trong tài khoản này, ngoại trừ quỹ Fidelity MoneyBuilder Dividend do chồng mình mua từ trước, các quỹ còn lại mình mua theo các quỹ trong tài khoản Fidelity của mình đã chia sẻ ở trên.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về chủ đề tài chính cá nhân ở link này: Tài chính cá nhân
Nếu bạn muốn online kiếm thêm chút tiền bỏ túi trong thời kỳ ở nhà tránh Covid thì có thể đọc thêm bài ở link này: Kiếm thêm chút thu nhập online với 20 cogs
Đây là link giới thiệu về mình cho các bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
Hãy kết nối với mình trên facebook ở đây: Chuyện của Ngân
Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee Miền Nam| Shopee Miền Bắc
Và đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).
Disclaimer:
Chú ý mình không phải là một chuyên gia tài chính và không thể cho lời khuyên tài chính. Tất cả những chia sẻ ở trên đều từ trải nghiệm và tìm hiểu của bản thân. Mình không khuyên mọi người nên đầu tư giống mình. Tất cả quyết định đầu tư cần tìm hiểu kỹ càng và dựa trên hoàn cảnh của bản thân.
Ngân Jones @chuyencuangan
Chị ơi cho em hỏi một người mới bắt đầu trong lĩnh vực tài chính thì em cần học và đọc những kiến thức gì trước khi bắt đầu với chứng khoán ạ.
Theo chị thì mình nên tìm đọc các bài viết của những người khác nhau để biết có những điều gì mình cần lưu ý. Chị tự làm nghiên cứu tìm hiểu trên mạng thôi. Khi đọc nhiều bài thấy mọi người bắt đầu nhắc tới những cái giống nhau là mình biết mình không đi chệch hướng. Nếu để chắc ăn hơn em cũng có thể thử nói chuyện với các chuyên gia, những người đã có kinh nghiệm dày dặn trọng lĩnh vực này. Vì chị đọc tiếng Anh nên chị hay thích theo dõi các blogger về tài chính của Anh và Mỹ, họ có báo cáo rất cụ thể về việc đầu tư của họ.