Kết quả đầu tư của mình vào thị trường chứng khoán giữa mùa Covid

Hiện mình đang có £20k (~600tr) trong 4 platforms, phần lớn là thể loại tài khoản lợi thuế (ISA shares, Lifetime ISA và SIPP). Ngoại trừ tài khoản lương hưu SIPP mở với HL từ năm 2018, ba tài khoản còn lại với Fidelity, Trading 212AJ Bell đều mở từ ba tháng trở lại đây. Như đã chia sẻ từ bài viết “Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư”, portfolio của mình đa dạng có cả cổ phiếu, mutual fund, index fund, và ETF. Nếu bạn nào chưa quen thuộc với ngôn ngữ chứng khoán có thể xem lại bài viết “Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu”. Trong bài viết trước mình cũng đã chia sẻ cách đăng ký mở tài khoản với các platform để có lợi nhất về mặt tài chính.  

Bài viết này mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn về các cổ phiếu và quỹ chứng khoán trong portfolio của mình, kết quả đầu tư, và những bài học rút ra từ những tháng đầu chủ động trong việc đầu tư.

Mọi người có thể bấm link để đi thẳng tới các mục dưới đây:

Tổng kết tháng 7 năm 2020
Những bài học rút ra
Chi tiết portfolio – Fidelity (£11k ~ 330 triệu đầu tư, lợi £19, 0.2%)
Chi tiết portfolio – Trading 212 (£1.5k ~ 43triệu đầu tư, lỗ £58, -3.8%)
Chi tiết portfolio – AJ Bell (£2k ~ 59 triệu đầu tư, lỗ £13, -0.7%)
Chi tiết portfolio – HL (£5.5k ~ 161 triệu đầu tư, lỗ £228, -3.9%)


Tổng kết tháng 7 năm 2020

Tính tới thời điểm cuối tháng 7 này, mình hiện đang lỗ tổng cộng £271, tính ra là lỗ 1.3% của tiền đầu tư £20k ban đầu. Phần lớn liên quan tới tài khoản lương hưu SIPP mở từ năm 2018. Thực ra tài khoản này do chồng mình mở để chuyển lương hưu của mình từ công ty cũ sang. Khi đó mình vẫn mù tịt về thị trường chứng khoán, thậm chí còn không biết tới sự có mặt của tài khoản này tới tận gần đây, và chỉ bắt đầu chủ động đầu tư từ mấy tháng trước. Nếu không tính các đầu tư từ trước, thì thua lỗ của mình tầm £83 (~2.5 triệu, khoảng 0.5% của tiền đầu tư ban đầu).

Tháng 7 vừa rồi thị trường chứng khoán lên cao trong nửa tháng đầu rồi bắt đầu đi xuống từ giữa tháng. Mình chứng kiến lợi nhuận của tài khoản Fidelity của mình vọt lên £220 rồi tụt xuống dần tới £19 mà thấy cũng thấy hơi xót xót. Một cho những lý do cho sự đi xuống của thị trường chứng khoán cuối tháng này là do sự lên giá của đồng bảng Anh, khiến các nhà đầu tư nước ngoài lưỡng lự hơn khi rót tiền vào Anh mua cổ phiếu cổ phần. Một khi đã ít người mua thì giá cả tự nhiên sẽ đi xuống.

Tuy nhiên mình không cảm thấy quá lo lắng. Trên thực tế mình đã chuẩn bị tinh thần rằng thị trường chứng khoán sẽ còn đi xuống nữa khi các chính sách cứu trợ của nhà nước dừng lại hẳn, người người mất việc, nhà nhà vỡ nợ.

Nếu còn xấu nữa tại sao mình lại không quá lo lắng? Và nếu mình đã nghĩ nó sẽ đi xuống tại sao mình lại nhảy vào tại thời điểm này?

Well, đó là sự khác nhau giữa trading (mua bán lấy lợi nhuận nhanh theo thời thế) và investing (đầu tư lâu dài). Những người muốn kiếm lợi nhuận nhanh theo thời thế cần phải liên tục theo dõi thị trường, mua ra bán vào liên tục. Thứ nhất mình không có thời gian, thứ hai mình có thể đoán nhưng tiên đoán có thể hoàn toàn trật lất, và thứ ba theo quan điểm của mình, trading khi không có đủ kiến thức và thông tin thì cũng không khác cờ bạc gambling là mấy. Mình dại mấy cũng không dám dính vào cờ bạc! Được chưa thấy có khi đã mất hết rồi.

Cái mình muốn theo đuổi là việc đầu tư dài hạn. Thị trường chứng khoán có thể đi xuống ngày hôm nay, có thể đi xuống ngày mai, thậm chí có thể đi xuống trong vòng một năm tới, nhưng về lâu về dài, 10, 20 năm nữa, chắc chắn sẽ đi lên khi nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Dù quá khứ không thể nói hết được về tương lai, nếu nhìn vào xu hướng của các chỉ số thì sẽ thấy một xu hướng là lên lên xuống xuống nhiều nhưng nhìn chung là đi lên trong khoảng thời gian dài hạn, khi mọi thứ lên giá và nhiều giá trị được tạo ra hơn bởi nền kinh tế.

FTSE 100 = Chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London.

S&P 500 = Chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Tất nhiên nên mua vào thời điểm thị trường xuống thấp nhất, nhưng vì mình không đoán được khi nào thị trường xuống thấp nhất, nên mình áp dụng chiến thuật:

1) Nếu thấy thị trường lên lên xuống xuống không rõ ràng, rót tiền đều đều mỗi tháng một chút.
2) Nếu thấy thị trường đi xuống đều đều, đợi thêm một chút để xem sẽ xuống tới mức nào trước rồi mới mua.
3) Nếu thị trường lên quá cao, nên tránh xa (bài học rút ra từ việc đu trend/FOMO (fear of missing out) tháng vừa rồi, mình mua một số cổ phiếu khi giá đang lên cao, cuối cùng mua trúng lúc giá lên cao nhất).

Chú ý việc “chắc chắn sẽ đi lên” của thị trường chứng khoán là áp dụng với thị trường và nền kinh tế nhìn chung. Trong khủng hoảng tài chính, sẽ có công ty phá sản và hoàn toàn không đi lên được. Chính vì thế mình hạn chế mua cổ phiếu riêng lẻ của các công ty, chỉ mua một số công ty mà mình thấy an toàn và có triển vọng sống sót. Phần lớn đầu tư của mình là dồn vào các quỹ, và kể cả khi đầu tư quỹ, mình cũng dàn trải ra các loại quỹ khác nhau để dàn trải rủi ro, đồng thời quan sát và học hỏi.


Những bài học rút ra

Đúng là phải làm rồi thì mới biết. Đọc nhiều thế nào thì cũng không bằng trải nghiệm của bản thân. Một số điều mình rút được ra trong vài tháng vừa qua là:

1. Diversify! Diversify! Diversify! (Đa dạng hóa portfolio để dàn trải rủi ro!)

Mình rất mừng vì đã có quyết định sáng suốt mua nhiều thể loại các fund khác nhau. Trong tài khoản Fidelity của mình, mình mua cả index fund và mutual fund. Mình không chỉ mua các quỹ cổ phiếu mà còn mua quỹ trái phiếu nhà nước. Thường mình sẽ không mua trái phiếu nhà nước vì tỉ lệ lãi suất thấp, nhưng khi nền kinh tế lung lay, trái phiếu nhà nước sẽ thành món hàng an toàn. Trong tài khoản Trading 212, mình mua một chút cổ phiếu để thử nghiệm, nhưng cũng mua quỹ ETF. Với ETF, mình không chỉ mua quỹ cổ phiếu, mà còn mua quỹ chỉ số giá vàng. Rốt cuộc tất cả cổ phiếu đều đi xuống, chỉ có giá vàng là đi lên.  

Tuy nhiên một điều mình thấy là dù có đa dạng hóa thế nào trong portfolio chứng khoán này, thì phần lớn các quỹ cổ phiếu đều bị ảnh hưởng theo cùng một xu hướng. Chính vì thế, mình không bỏ hết tiền vào thị trường chứng khoán mà còn rót vào bất động sản, startups và các loại đầu tư khác như mình đã nhắc qua trong bài “Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư” và sẽ chia sẻ thêm trong các bài tới.

2. Không đú trend

Như nói ở trên, trong tài khoản Trading 212, mình mua cổ phiếu của một số công ty lớn như là Amazon, Microsoft, Netflix… tại thời điểm giá cổ phiếu lên nhanh. Lúc đấy mình cũng hơi lưỡng lự vì không biết đây liệu có phải là một cái bong bóng sắp vỡ hay không, hay vẫn còn lên nữa. Nhưng mình quyết định thử một chút cho biết và kết quả là mua ngay vào lúc giá cao tới đỉnh điểm. Tới hiện tại tổng thua lỗ là tầm £50. Bài học cho lần sau là nếu đã thấy lên quá cao, nên đề phòng cẩn thận.

3. Nếu không chuẩn bị tinh thần cho khả năng thua lỗ, thì không nên tham gia vào thị trường chứng khoán

Ai đầu tư thì cũng vì hai chữ lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải đầu tư lúc nào cũng có lợi nhuận. Dù mình đã nói ở trên là thị trường kiểu gì cũng đi lên, nhưng nếu trót mua nhiều vào đỉnh điểm, có nhiều người phải đợi 10 năm để hoàn vốn. Tất nhiên trong quá trình mình học hỏi để giảm thiểu rủi ro và tạo ra lợi nhuận tốt, nhưng mình cũng phải chuẩn bị tinh thần rằng có đầu tư thì sẽ có khả năng thua lỗ, và giữ một khoản riêng an toàn trong ngân hàng dù lãi suất thấp.

4. Cẩn thận tìm hiểu rõ chi phí các quỹ khác nhau

Khi đầu tư phải cẩn thận đọc kỹ để hiểu rõ các quỹ đánh phí bao nhiêu. Mình có đầu tư vào một số quỹ chi phí cao (mutual fund thường phí cao hơn index fund). Lý do chi phí cao là có quản lý quỹ chủ động đầu tư và trên lý thuyết là sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Mình muốn thử nghiệm cả quỹ chi phí thấp và cao và theo dõi về lâu về dài.

5. Cần phải theo dõi thị trường thường xuyên

Dù không muốn liên tục mua ra bán vào, hàng ngày mình vẫn theo dõi giá cả lên xuống và đọc các bài viết liên quan. Hàng tháng mình ghi lại chi tiết đầy đủ. Nếu quỹ mutual fund nào hay cổ phiếu nào có dấu hiệu xấu hẳn, thì có thể mình sẽ phải ra quyết định rút tiền vốn lại.


Chi tiết portfolio – Fidelity

Tài khoản Fidelity này của mình là tài khoản lợi thuế ISA, tức là những đầu tư vào tài khoản này sẽ không bị đánh thuế cá nhân. Mình dùng Fidelity làm tài khoản chính sau khi đã đọc nhiều các bài viết so sánh trên mạng. Giá cả của Fidelity phải chăng (phí platform 0.35%) và cũng có nhiều lựa chọn quỹ. Đặc biệt nếu đăng ký với Fidelity qua TopCashBack sẽ lấy lại được tối đa 2.1% (mình bỏ vào £5,000 lúc ban đầu và lấy lại được £105). Chi tiết mình đã chia sẻ trong bài “Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu”.     


Chi tiết portfolio – Trading 212

Tài khoản Trading 212 của mình là một tài khoản đầu tư bình thường sẽ bị đánh thuế. Lý do mình phải mở tài khoản bình thường thay vì tài khoản lợi thuế, vì một năm mỗi người chỉ có thể mở một tài khoản lợi thuế ISA Shares và mình đã mở với Fidelity cho năm thuế 2020-21. Trong tài khoản với Trading 212 này mình chọn mua Amazon, Microsoft và Netflix vì nghĩ là những công ty này an toàn và là cái người ta vẫn cần trong thời gian mùa dịch. Mình chọn Legal & General Group và AstraZenca vì đọc được một bài viết nói rằng hai công ty này có tiềm năng đi lên, giá cổ phiếu thấp hơn giá trị của công ty. Tuy nhiên, như mình đã nói ở trên, mình không có ý định đầu tư quá nhiều vào cổ phiếu riêng lẻ, chủ yếu là mua một ít cho biết.

Under Armour là cổ phiếu miễn phí mình được Trading 212 cho khi mở tài khoản qua link giới thiệu của một người bạn. Khi đăng ký với Trading 212 qua link giới thiệu www.trading212.com/invite/FzYebZmo, người đăng ký sẽ được cho 1 cổ phiếu miễn phí với giá trị tối đa £100 (chú ý người giới thiệu cũng được 1 cổ phiếu miễn phí ngẫu nhiên, tuy nhiên chỉ tới một giới hạn nhất định, còn người đăng ký sẽ tiếp tục được nhận free share khi dùng link).  


Chi tiết portfolio – AJ Bell

Tài khoản AJ Bell của mình là tài khoản lifetime ISA, mình mở để tận dụng offer của nhà nước là top up 25% cho đầu tư tối đa £4,000. Mình không có ý định đầu tư nhiều hơn £4,000 trong tài khoản này, vì tiền trong tài khoản này chỉ có thể lấy ra để mua căn nhà đầu tiên hoặc ở tuổi 60. Mình đã mua nhà và có khoản lương hưu riêng với chỗ làm hiện tại, nên cảm thấy không cần thiết phải đầu tư quá nhiều vào đây.


Chi tiết portfolio – HL

Như đã nhắc ở trên, HL có tài khoản SIPP lương hưu của mình. Mình không có ý định đầu tư thêm. Một phần platform chi phí cao hơn các platform khác, phần khác vì mình đã có quỹ lương hưu riêng với chỗ làm hiện tại.


Link tới các bài viết khác

Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về chủ đề tài chính cá nhân ở link này: https://www.chuyencuangan.com/category/tai-chinh-ca-nhan/

Nếu bạn muốn online kiếm thêm chút tiền bỏ túi trong thời kỳ ở nhà tránh Covid thì có thể đọc thêm bài ở link này: https://www.chuyencuangan.com/kiem-them-chut-thu-nhap-online-voi-20-cogs/

Đây là link giới thiệu về mình cho các bạn đọc mới của blog: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/

Hãy kết nối với mình trên facebook ở đây: https://www.facebook.com/chuyencuangan/

Và đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).

Disclaimer:

Chú ý mình không phải là một chuyên gia tài chính và không thể cho lời khuyên tài chính. Tất cả những chia sẻ ở trên đều từ trải nghiệm và tìm hiểu của bản thân. Mình không khuyên mọi người nên đầu tư giống mình. Tất cả quyết định đầu tư cần tìm hiểu kỹ càng và dựa trên hoàn cảnh của bản thân.  

Trên blog của mình có thể có link affiliate trong một số bài viết. Điều này có nghĩa là nếu bạn chọn đăng ký qua link của mình, mình có thể được một ít hoa hồng để trả phí duy trì blog, và bạn sẽ không mất gì cả. Chú ý là đây không phải là blog bán hàng, mình chia sẻ chủ yếu vì sở thích. Nếu có giới thiệu cái gì thì đó là vì mình có sử dụng, thấy hữu ích và muốn chia sẻ với mọi người.

2 Replies to “Kết quả đầu tư của mình vào thị trường chứng khoán giữa mùa Covid”

    1. Mình cũng chưa tìm hiểu là ở Việt Nam có mở tài khoản được hay không, nhưng có lẽ là hơi khó vì thường người ta phải kiểm tra địa chỉ nhà. Để bao giờ mình tìm hiểu thêm và sẽ nói rõ nếu ở VN cũng làm được.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!