Lời khuyên cho các bạn đang đăng ký xin việc từ góc nhìn của nhà tuyển dụng

2 giờ sáng, không ngủ được, lò dò đi xuống nhà, ngồi vào bàn, bật máy bắt đầu… làm việc. Chính xác hơn là ngồi viết báo cáo về các ứng cử viên mà mình phỏng vấn cho vị trí quản lý cấp dưới trong đội của mình tuần vừa rồi.

Công việc mình tuyển dụng hơi đặc biệt, vị trí quản lý nhưng là bán thời gian, nên không có nhiều đơn đăng ký.

22 đơn xin việc, chọn ra được 5 người phỏng vấn. Thực ra chỉ có 3 người gọi là thích hợp vì vị trí này đòi hỏi kiến thức chuyên ngành tốt và kinh nghiệm liên quan, nhưng để đảm bảo số lượng và đề phòng trường hợp đơn đăng ký không thể hiện được hết con người, mình chọn thêm 2 người.

Thời buổi Covid-19, phỏng vấn không gặp trực tiếp được mà phải dùng video conferencing. Hóa ra cũng dễ dàng, không đến nỗi cập dập như mình nghĩ. Thi thoảng đường truyền kém, hình ảnh mập mờ, giọng nói rời rạc, ban tuyển dụng vẫn nghe được hết, nhưng chỉ tội ảnh hưởng tâm lý cho bạn thí sinh.

Mình thấy cũng buồn cười, thí sinh lo lắng thì dễ hiểu, mình trong ban tuyển dụng, đi hỏi người ta, cũng thấy lo lắng không kém, lo buổi phỏng vấn không được suôn sẻ, lo không chọn được người phù hợp. Thực lòng, phỏng vấn nào mình cũng chỉ hi vọng cho thí sinh làm tốt, làm tốt thì mình mới có thể có ứng cử viên tốt cho vị trí mình đang tuyển dụng.

Sau đợt tuyển dụng này, mình có một vài lời khuyên cho các bạn thí sinh đi xin việc như sau:

1. Tìm hiểu thật kỹ cách thức tuyển chọn của nơi mình đăng ký

Nhà nước không giống như tư nhân. Nhà nước sử dụng hệ thống đăng ký trên mạng riêng, có các câu hỏi và thông tin cần điền vào, chứ không dùng CV hay covering letter, dù các ứng cử viên được phép nộp kèm CV.

Ở vòng tuyển chọn đầu tiên, thực ra mình không được xem CV của các bạn bởi vì mình không được biết tên các bạn, giới tính cách bạn, đội tuổi các bạn, nguồn gốc quốc gia của các bạn. Mình chỉ được xem các câu trả lời cho câu hỏi lựa chọn mà mình đề ra (ví dụ như là hãy kể cho tôi nghe một ví dụ bạn trình bày thông tin phức tạp để thuyết phục người nghe về một vấn đề gì đó). Mình sẽ chỉ được phép đánh giá các bạn qua những câu trả lời này. Đó là cách hệ thống nhà nước đảm bảo độ công bằng, tránh sự bất công lựa chọn dựa trên giới tính, nguồn gốc, tuổi tác.

Không ít lần mình thấy có người đề cho phần trả lời câu hỏi: “Cái này tôi làm thường xuyên trong công việc của tôi, hãy xem CV cho biết thêm chi tiết.” Vậy là chết rồi, vì mình có được xem CV của bạn đâu.

Rồi có bạn không học hỏi trước cách trả lời câu hỏi, trả lời vắn tắt, liệt kê, thay vì đưa ra một ví dụ cụ thể có bắt đầu, có diễn biến, có kết thúc. Nếu câu hỏi kêu viết tối đa 250 từ, vậy thì đừng có viết quá ngắn 100 từ, cũng đừng lan man quá dài 300 từ, chỉ nên viết đúng chừng 250 từ thôi.

2. Tập trung các ví dụ đưa ra trong phỏng vấn vào đóng góp cụ thể của bạn

Ứng cử viên đầu tiên của mình, một người có chuyên môn cao, trả lời trôi chảy hết các câu hỏi về khía cạnh chuyên môn. Mình cũng rất quý bạn ấy vì bạn ấy thể hiện ra là một người rất chăm chỉ, rất chân thành, sẽ cố gắng hết sức mình. Nhưng khi tới các câu hỏi về phần các kỹ năng mềm như là dẫn đề án, giao tiếp, dẫn đội, quản lý…, bạn ấy thường không đưa ra đủ các chi tiết về sự đóng góp của mình, không khiến người nghe thấy được tầm quan trọng của việc bạn ấy làm.

Nhiều người có thói quen kể chung chung như là chúng tôi đã trình bày với sếp về cái này như thế này, chúng tôi đã thuyết phục khách hàng như thế kia… mà không đi cụ thể vào việc tôi làm gì. Luôn phải nghĩ tới “Thế tôi đã làm gì? Tôi đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Đóng góp của tôi là gì?”. Đừng đưa ra ví dụ về một đề án tỷ đô la vô cùng quan trọng, nếu đóng góp của bạn chẳng là mấy.

3. Chuẩn bị nhiều ví dụ với cấu trúc rõ ràng và chi tiết đầy đủ

Cách thức phỏng vấn cho các nơi có thể khác nhau, nhưng phần lớn sẽ có câu hỏi về các kỹ năng mềm. Chẳng ai muốn tuyển một người không biết giao tiếp, không biết làm việc nhóm, không biết quản lý đề án…

Khi đưa ra ví dụ trả lời các câu hỏi kỹ năng mềm này, câu trả lời nên có một cấu trúc chung là:

  • Vấn đề là gì?
  • Tôi đã làm gì cụ thể để giải quyết vấn đề?
  • Kết quả là gì?

Tập trung câu lời xung quanh cái kỹ năng mà ban tuyển dụng muốn hướng tới. Nếu không rõ là ban tuyển dụng đang hỏi về kỹ năng nào thì nên cho vào càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên cũng đừng đi lan man tản mạn quá, dễ bị lạc đề.

Trong phần giải quyết vấn đề, ngoài việc nói về kiến thức và kỹ năng phân tích số liệu, nên nghĩ rộng hơn về những con người mình cần giao tiếp và thuyết phục để giải quyết vấn đề đó: Mình cần phải thuyết ai và mình làm thế nào để thuyết phục họ?

Cho mỗi vấn đề, cũng nên suy nghĩ thêm:

  • Khi giải quyết vấn đề đó, 3 khó khăn lớn nhất tôi gặp phải là gì?
  • Tôi đã làm gì để vượt qua khó khăn đó?
  • Tôi học được điều gì qua vấn đề này?

Ban tuyển dụng rất thích các câu chuyện về sử dụng khả năng của bản thân để vượt qua các khó khăn gặp phải. Thế nên nếu công việc của bạn hiện tại quá an nhàn, quá dễ dàng, không còn gì để học hỏi nữa, có thể bạn nên suy nghĩ đã đến lúc tìm thử thách mới.

4. Trả lời câu hỏi

Điều này vô cùng quan trọng! Dù bạn trả lời hay ho đầy đủ chi tiết thế nào, bạn lạc đề là bạn bị con ngỗng to tướng rồi.

Nhiều bạn, có lẽ vì lo lắng quá độ, trong phỏng vấn bê nguyên si cái mình đã chuẩn bị từ nhà ra mà không nghĩ kỹ ban tuyển dụng đang hỏi cụ thể về khía cạnh nào. Ví thế, chú ý lắng nghe thật kỹ. Nghe không rõ hiểu không thông thì hỏi lại.

Thực ra trong phỏng vấn, khi thí sinh đi lạc đề, mình thường gợi gợi để thí sinh quay trở lại cái mình muốn hỏi. Như đã nói mình thực lòng mong thí sinh làm tốt. Thế nên đừng lo lắng suy nghĩ là ban tuyển dụng cố tình đánh đố mình. Nên cố nắm bắt những câu gợi ý để tìm ra cái mà ban tuyển dụng muốn hướng tới.

5. Là chính mình

Mình có một ứng cử viên, trong phỏng vấn, câu trả lời nào bạn này trả lời cũng rất trôi chảy, bạn biết rõ nên trả lời thế nào để đạt đủ điểm cho câu hỏi. Rõ ràng là có một sự chuẩn bị rất chu đáo. Tuy nhiên cả ba người trong ban tuyển dụng đều cảm thấy có điều gì đó hơi giả tạo gượng ép trong cách bạn ấy thể hiện, và điều này thực sự gây ra sự thiếu thiện cảm. Sự gượng ép giả tạo sẽ khiến ban tuyển dụng đánh mất lòng tin vào những điều bạn ấy nói.

Vì thế khi đi phỏng vấn, đừng cố trở thành người khác cũng không cần phải thổi phồng quá đáng những thứ mình đạt được. Dù bạn có thành công được tuyển chọn, bạn cũng chưa chắc sẽ thích thú gì công việc đó, vì công việc đó vốn đành cho một người khác không phải là bạn.

Mình hi vọng những chia sẻ trên có ích cho các bạn đang vất vả đi kiếm việc, chuẩn bị cho phỏng vấn. Mình sẵn sàng trả lời câu hỏi nếu bạn có câu hỏi gì cụ thể. Chỉ cần để lại lời nhắn cho mình trong phần bình luận dưới bài viết này.


Bạn có thể xem thêm các bài viết khác về chuyện học tập việc làm ở link này: http://www.chuyencuangan.com/category/chuyen-hoc-tap-va-lam-viec/

Đừng quên đăng ký theo dõi blog để nhận thông báo khi có bài viết mới nhé! Phần đăng ký ở dưới bài viết này nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính.


Nguồn ảnh: https://pixabay.com/photos/application-curriculum-vitae-2580867/


7 Replies to “Lời khuyên cho các bạn đang đăng ký xin việc từ góc nhìn của nhà tuyển dụng”

  1. em chào chị ạ, em có đọc mục khác của chị nhưng không thấy phần comment bên đó nên phải hỏi ở bên này, nếu được, chị có thể viết thêm bài về việc đầu tư cổ phiếu cổ phần, đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào các quỹ investment fund,… được không ạ? Em cảm ơn chị. Chúc chị cuối tuần vui vẻ 😀

    1. Chị chào em, chị cảm ơn em đã để lại lời nhắn nhé. Ừ, chị cũng đang có hứng thú viết về chủ đề này nên hi vọng sẽ có nhiều bài hữu dụng cho mọi người.

  2. Em chào chị ạ. Em là 1 người rất thường xuyên theo dõi chị trên Facebook và thấy rất quý chị, ngưỡng mộ từ khả năng chuyên môn đến tính cách. Khả năng chuyên môn thì chị giỏi là chắc chắn rồi, nhưng 1 điều em rất thích ở chị là chị cố gắng làm tốt việc của mình và luôn giúp đỡ người khác, vui vẻ khi người khác tiến bộ, và em cảm giác chị xử lý mọi chuyện khá nhẹ nhàng, ko phải là người thường xuyên cáu giận. Thú thật là em rất thích và ngưỡng mộ những người có tính cách như thế ạ. Vậy nên có thời gian em hơi mất phương hướng rất muốn nhắn cho chị xin lời khuyên nhưng lại thôi. Giờ đọc được bài này thì lại muốn vào com xin lời khuyên quá ạ.
    Đầu tiên, em là sinh viên năm 3 ngành kế toán ạ. Vậy nên em muốn chị có thể cho em lời khuyên về việc làm sao để có chuyên môn tốt và ít quên kiến thức được không ạ? (dù nh môn em cố gắng trong quá trình học và thi điểm cao thì sau đó, phần kiến thức của môn học em vẫn không nhớ nhiều) Trong quá trình bắt đầu đi làm chị có phải xem lại kiến thức của mình không ạ?
    Thứ 2, em cao có 1m47 trong khi em rất muốn thử sức mình thi big 4. Tuy nhiên do không cao lắm nên em rất ngại và luôn suy nghĩ rằng liệu mình có thể trở thành ktv hay không? Vì chị đã từng làm big rồi, chị có thể cho em lời khuyên không ạ?
    Em cảm ơn chị ạ

    1. Chị chào em, chị cảm ơn em rất nhiều vì đã để lại lời nhắn cho chị. Chị thực sự rất vui khi biết được cảm nhận của mọi người khi đọc những chia sẻ của mình. Về việc em hỏi, thực ra quên là một chuyện rất bình thường em ạ, chị cũng quên suốt. Em nên làm notes, để sau này quên có cái quay lại để đọc và gợi lại kiến thức cho mình. Đến bây giờ chị vẫn giữ notes ôn thi từ 7 năm trước. Thêm nữa sau này em đi làm, kinh nghiệm sẽ giúp em nhớ lâu hơn. Không phải mảng kiến thức nào cũng cần và khi đi làm em sẽ chỉ áp dụng mảng kiến thức liên quan. Về việc chiều cao, em có thể hoàn toàn yên tâm là không hề ảnh hưởng tới công việc. Mình làm kiểm toán cần giỏi chuyên môn giỏi kỹ năng chứ không phải mình đi thi hoa hậu. Nếu ai mà không nhận em do yếu tố chiều cao thì em hoàn toàn có thể kiện họ vì đó là phân biệt đối xử.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!