Lương bổng và chi phí sinh hoạt ở Anh

1. Vừa rồi trên một nhóm Facebook có bạn hỏi lương tháng £3.200 sau thuế ở Anh liệu có cao hay không?

Lương tháng £3.200 sau thuế ở Anh tương đương lương cả năm khoảng £51.500 trước thuế.

£3.200 đổi ra tiền Việt là 94 triệu, còn £51.500 là khoảng 1,5 tỷ.

Nói cách khác kiếm ở mức lương 1,5 tỷ một năm, 94 triệu sau thuế mỗi tháng, ở Anh là cao hay thấp?

Bài viết này không có ý định trả lời câu hỏi một cách toàn diện mà đơn thuần là chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình. Đó là vì lương bổng của mỗi ngành mỗi khác, mỗi vùng trên Vương Quốc Anh cũng sẽ khác, khó có thể quy chụp chung. Tuy nhiên ở phần cuối bài mình có trích ra lương trung bình các ngành nghề theo trang BBC cho mọi người tham khảo.

2. Mình từng làm trong ngành kiểm toán. Theo mình quan sát, kiểm toán là một ngành có mức lương trung bình trong lĩnh vực tài chính tại Luân Đôn.

Và đây là thang bậc lương của công ty mình từng làm, theo mình cũng là mức lương chung chung của ngành:

– Khởi điểm: 28.500 bảng ~ 845 triệu (được miễn phí hết các chi phí học bằng kế toán ACA) (lương tháng sau thuế tương đương 1.909 bảng ~ 57 triệu)

– Sau ba năm kinh nghiệm, hoàn thành bằng kế toán: 45.000 bảng ~ 1,3 tỷ (lương tháng sau thuế 2.845 bảng ~ 85 triệu, có thêm thưởng tối đa 10% lương tuỳ theo đánh giá cuối năm)

– Sau 5 tới 6 năm kinh nghiệm, thành công lên chức quản lý (Manager): 53.500 bảng ~ 1,6 tỷ (lương tháng sau thuế 3.297 bảng ~ 98 triệu, thưởng tối đa 15% lương)

– Khoảng từ 7 năm kinh nghiệm trở lên, nếu thành công lên thêm một bậc nữa thành quản lý cao cấp (Senior Manager): 64.000 bảng ~ 1,9 tỷ (lương tháng sau thuế 3.805 bảng ~ 113 triệu, thưởng tối đa 15%)

Tất nhiên càng lên cao nữa sẽ càng kiếm được nhiều hơn, tới chức Giám Đốc cả lương cả thưởng sẽ hơn £100k. Nhưng không phải ai cũng đạt được lên tới các bậc lãnh đạo cấp cao, có nhiều người dừng lại ở cấp Senior Manager.

Như vậy mức lương 3.200 bảng một tháng là tương đương mức độ quản lý đã có ít nhất 5 tới 6 năm kinh nghiệm việc làm.

3. Nói về lương bổng sẽ không có nghĩa lý gì nếu không nhắc tới giá cả cuộc sống. Giá cả cuộc sống của một sinh viên ra trường ở thuê sẽ khác với một gia đình có con nhỏ mua nhà trả góp.

Thông tin về phí sinh hoạt đưa ra dưới đây dựa trên hoàn cảnh của mình hiện tại, đó là một gia đình hai vợ chồng và 1 đứa con tuổi đi học, mua nhà trả góp 30 năm. Nhà nằm ngoài vùng ngoại ô Luân Đôn có 3 phòng ngủ. Hàng ngày đi tàu đi xe vào trung tâm Luân Đôn đi làm. Theo mình thấy là mức sống trung bình của người dân ở đây ở độ tuổi của mình (từ 30 tới 40), không đặc biệt tiết kiệm, nhưng cũng không quá phung phí.

Chi tiết như sau (gia đình 2 người lớn và 1 trẻ nhỏ):

-Tiền nhà trả góp: 1.500 bảng ~ 44,5 triệu
-Tiền thuế nhà, điện, ga, nước bảo hiểm: 400 bảng ~ 11,9 triệu

-Tiền tàu xe đi làm: 390 bảng ~ 11,6 triệu

-Tiền ăn uống cho gia đình: 480 bảng ~ 14,2 triệu
-Tiền chi tiêu tại chỗ làm (ăn trưa, ăn sáng, cà phê…): 200 bảng ~ 5,9 triệu
-Tiền ăn hàng: 150 bảng ~ 4,4 triệu

-Tiền học cho con: 1.160 bảng ~ 34,4 triệu
-Tiền trông trẻ ngoài giờ học: 160 bảng ~ 4,7 triệu
-Tiền hoạt động trường lớp: 20 bảng ~ 0,6 triệu

-Quần áo và đồ dùng gia đình (bao gồm nội thất): 450 bảng ~ 13,3 triệu
-Internet và điện thoại: 80 bảng ~ 2,4 triệu
-Chăm sóc sức khỏe gia đình: 40 bảng ~ 1,2 triệu
-Bảo trì ô tô xăng dầu: 60 bảng ~ 1,8 triệu

-Dịch vụ dọn dẹp (2 tuần 1 lần, 1 lần 3 tiếng): 70 bảng ~ 2,1 triệu
-Quà cáp: 150 bảng ~ 4,4 triệu
-Du lịch: 350 bảng ~ 10,4 triệu

=> Tổng cộng: 5.660 bảng ~ 167,8 triệu

Như vậy với mức lương 3.200 bảng sau thuế, theo mình nếu dành cho một cá nhân không có con cái gì là thừa, nhưng sẽ không đủ thoải mái cho một gia đình 2 vợ chồng và con nhỏ. Mức độ “thoải mái” ở đây nghĩa là không phải lo lắng chi li, có thể đi du lịch, có thể đi ăn hàng, có thể chọn gửi con vào trường tư. Nếu không chọn gửi con vào trường tư, thì tổng chi phí sẽ giảm xuống còn 4.500 bảng ~ 133.4 triệu. Thống kê bên trên chưa bao gồm tiết kiệm cần cho trường hợp bị mất việc, đau ốm dài hạn, hay lương hưu.

Tất nhiên, nếu mình chi tiêu tiết kiệm để ý thì với mức lương nào cũng có thể sống được. Ví dụ, nếu hoàn toàn cắt bỏ tiền học, tiền dịch vụ dọn dẹp, quà cáp, du lịch, ăn hàng, thì tổng chi phí sẽ xuống còn 3.780 bảng ~ 112 triệu.

Nhưng để “sống thoải mái” thì ngày nay ở Luân Đôn chỉ một người đi làm sẽ hơi khó.

5. Như đã nói ở trên, mình xin chia sẻ thông tin về lương trung bình (trước thuế) một số nghề tại Anh, tính theo lương cả năm, dựa theo trang nationalcareers.service.gov.uk (theo BBC News Tiếng Việt). Mình thêm vào lương tháng sau thuế ở trong ngoặc sử dụng trang https://www.thesalarycalculator.co.uk/salary.php.

Lao công: 12.000 – 18.000 bảng (966 – 1.315 bảng/ tháng)

Làm móng: 12.500 – 25.000 bảng (1.003 – 1.711 bảng/ tháng)

Hầu bàn: 12.000 – 27.000 bảng (966 – 1.825 bảng/ tháng)

Đầu bếp: 13.000 – 50.000 bảng (1.031 – 3.128 bảng/ tháng)

Quản lý nhà hàng: 18.000 – 45.000 bảng (1.315 – 2.845 bảng/ tháng)

Nha sĩ: 32.000 – 85.000 bảng (2.108 – 4.820 bảng/ tháng)

Giảo nghiệm tử thi: 85.000 – 115.000 bảng (4.820 – 6.020 bảng/ tháng)

Quan tòa: 112.000 – 215.000 bảng (5.925 – 10.415 bảng/ tháng)

Hải quan sân bay: 21.500 – 36.000 bảng (1.513 – 2.335 bảng/ tháng)

Nhân viên nhà tù: 21.000 – 38.000 bảng (1.485 – 2.448 bảng/ tháng)

Cảnh sát: 21.000 – 41.500 bảng (1.485 – 2.646 bảng/ tháng)

Bảo vệ biên giới: 23.000 – 31.000 bảng (1.598 – 2.051 bảng/ tháng)

Nghị sĩ quốc hội: 80.000 – 142.000 bảng (4.578 – 7.158 bảng/ tháng)

Theo thống kê mới nhất của chính EU, thu nhập trung bình theo giờ cao nhất trong EU là Đan Mạch. Tiếp theo là Ireland, Thụy Điển, Luxembourg, Bỉ, Phần Lan, Hà Lan, Đức, Pháp, và tới Anh. Anh có thu nhập trung bình theo giờ cao hơn Áo, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Malta…


Mình hi vọng bài viết trên hữu ích cho các bạn quan tâm tới chủ đề này. Nếu bạn muốn mình chia sẻ thêm hãy để lại lời nhắn cho mình biết nha.

Đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).

Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/

Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: https://tiki.vn/dau-yeu-cambridge-p70722135.html

Link tới sách trên Goodreads: https://www.goodreads.com/book/show/55707041-d-u-y-u-cambridge

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!