Mục tiêu và kế hoạch

1. Gần đây mình đăng ký tham gia một chương trình huấn luyện kỹ năng liên bộ nhà nước. Ngày mở đầu của chương trình tập trung vào bài trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs (hay còn gọi là Myers-Briggs Type Indication, MBTI), một phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm để tìm hiểu tâm lý, tính cách cũng như cách con người nhận thức thế giới xung quanh và đưa ra quyết định cho một vấn đề.

MBTI bắt đầu trở nên khá phổ biến, được sử dụng nhiều trong những chương trình đào tạo huấn luyện kỹ năng. Dù MBTI cũng như nhiều các bài kiểm tra tâm lý khác nhận khá nhiều chỉ trích, như là đơn giản hóa tính cách, độ tin cậy thấp, theo mình thấy đây là một bài test khá thú vị.

Thứ nhất, nó cho mình cơ hội nhìn nhận lại bản thân.

Mình là người lấy năng lượng từ việc trò chuyện với người khác, hay từ việc suy nghĩ dành thời gian kiểm nghiệm lại những điều mình đã làm. Mình là người hành động trước khi suy nghĩ, hay suy nghĩ trước khi hành động. Mình nhận thức thế giới qua các giác quan cụ thể như mắt thấy, mũi ngửi, tai nghe, hay thiên về trực giác và những điều trừu tượng. Mình là người logic quyết định dựa vào thông tin, hay là người nghe theo cảm tính; là người thích lập kế hoạch làm chủ tình huống hay là người linh hoạt với hoàn cảnh.

Hiểu rõ được thiên hướng của bản thân không chỉ giúp mình có thể lựa chọn dạng công việc phù hợp, mà còn giúp mình điều chỉnh được suy nghĩ hành động phù hợp với tình huống hơn. Ví dụ, nếu mình biết mình là người hành động trước khi suy nghĩ, lần sau khi đối mặt với quyết định, mình sẽ tự nhủ, à phải dành thời gian suy nghĩ trước.

Thứ hai, MBTI giúp mình nhận thức rõ hơn rằng mỗi người trên thế giới này đều có những cá tính khác nhau không ai giống ai. Vì vậy khi giao tiếp với mọi người, cần phải cân nhắc tính cách của họ để có thể làm việc hiệu quả hơn, thay vì bực bội với sự khác nhau trong phong cách làm việc.

Chú ý là kết quả của bài test có thể thay đổi theo thời gian, vì hoàn cảnh thay đổi, kinh nghiệm khác đi có thể tạo nên những nét tính cách mới ở con người. Và mỗi con người nếu muốn thay đổi đều có thể luyện tập và điều chỉnh xu hướng tính cách của mình. Có thể xem thêm chi tiết về MBTI ở link cuối bài.

2. Mình cũng năng tham dự những buổi nói chuyện chia sẻ của các nhân viên cấp cao trong bộ về kinh nghiệm nghề nghiệp của họ. Càng lớn tuổi mình càng thấm thía rằng phải nghe nhiều tiếp xúc nhiều thì mới biết được thế giới ngoài kia nó như thế nào.

Đây là một vài điều hữu ích mà mình thu thập được, và sẽ cố gắng thực hiện trong những năm tới:

  • Cuộc đời đi làm rất dài, không đi đâu phải vội, đừng rơi vào cuộc so đo ai thăng chức nhanh hơn, mà nên tập trung tìm hiểu mình muốn gì từ công việc và sự nghiệp, và rộng hơn từ cuộc sống của mình.
  • Đúng là nên dành thời gian trau dồi những điểm mình còn yếu, nhưng càng phải dành thời gian làm nhiều và làm tốt hơn những điểm mình vốn đã mạnh.
  • Không chỉ đơn thuần nhìn sự việc bằng mức độ nhận biết ở cấp độ của mình, mà còn học hỏi để có thể nhìn sự việc từ con mắt của những người lãnh đạo ở trên.
  • Kết nối với những người đi trước, những người nhiều kinh nghiệm hơn, nghe họ chia sẻ về con đường sự nghiệp của họ.

3. Mình là một người thích vạch ra đường lối kế hoạch rõ ràng (he he quay lại phần 1 về MBTI, kiểu người thích kế hoạch chính là mình). Mình đã từng ngồi vạch ra kế hoạch 1 năm, kế hoạch 5 năm, kế hoạch 10 năm. Mình nhớ năm mình 18 tuổi, mình đã ngồi vẽ một đường trục dài vạch ra rằng: 21 tuổi tốt nghiệp đại học, 22 tuổi tốt nghiệp thạc sỹ đi làm, 24 tuổi lấy chồng, 25 tuổi đẻ con… Tới giờ 30 tuổi, nhìn lại (may mắn) đã hoàn thành xong hết kế hoạch rồi, dù thời điểm không hoàn toàn giống lúc đầu vạch ra.

Thực ra mình vạch kế hoạch không có nghĩa là mình khăng khăng phải đi đúng cái hướng vậy. Nó chỉ đơn thuần là một cách giúp mình sống một cách có mục đích và cân bằng hơn. Mình khá linh hoạt khi nhận ra kế hoạch không theo ý muốn và dễ dàng thay đổi để phù hợp hơn.

Hiện tại, mình cố gắng chi tiết một chút, mình chia cuộc sống của mình ra làm nhiều “mục” khác nhau: (1) Đức tin tinh thần, (2) Vợ chồng, (3) Con cái, (4) Gia đình lớn (bố mẹ anh chị em), (5) Bạn bè, (6) Sức khỏe, (7) Công việc, (8) Du lịch, (9) Tài chính, (10) Sách, (11) Hoạt động văn hóa giải trí.

Không phải lúc nào cuộc sống cũng cân bằng, nhưng cho mỗi mục, mình cố vạch ra ít nhất một điều mình muốn làm hoặc sẽ làm tốt hơn trong những tháng tới này. Mình cố gắng thực tế nhất có thể, thay vì quá tham vọng và thành ra không thực hiện được. Khi có gia đình con cái rồi mình mới thấm thía hơn cuộc sống bận rộn, nếu bản thân không chủ động sẽ có nhiều cái dễ bị lơ là.

Đây là danh sách hiện tại của mình:

  • Đức tin tin thần: Đọc ít nhất 2 chương kinh thánh một ngày theo thứ tự chương và sách để có thể hoàn thành toàn bộ kinh thánh trong vòng hai năm tới; và tham gia các hoạt động ở chỗ làm ít nhất 1 tuần 1 lần.
  • Vợ chồng: Chủ động dành thời gian chất lượng trò chuyện mỗi ngày, dù chỉ là 10, 15 phút để hiểu suy nghĩ và cảm xúc của đối phương.
  • Con cái: Trân trọng thời gian ở bên con và dành nhiều thời gian dạy con về kỷ luật và cách giao tiếp.
  • Gia đình lớn: Skype ít nhất 2 tuần 1 lần với gia đình ở Việt Nam, và gặp mặt em út mỗi tháng.
  • Bạn bè: Catchup với mỗi người bạn ít nhất 3 tháng 1 lần.
  • Sức khỏe: Chạy bộ ít nhất 2 tuần 1 lần.
  • Công việc: Tập trung làm tốt công việc hiện tại ít nhất 2 năm trước khi tìm kiếm cơ hội mới.
  • Du lịch: Đi du lịch ít nhất 3 lần một năm, ít nhất 1 lần ra nước ngoài.
  • Tài chính: Lựa chọn một tổ chức từ thiện để đóng góp ít nhất trong vòng 1 năm.
  • Sách: Đọc ít nhất 12 cuốn sách một năm (trung bình 1 cuốn 1 tháng), và xuất bản một cuốn sách trong vòng 5 năm tới.
  • Hoạt động văn hóa giải trí: Đi xem nhạc kịch/ ballet ít nhất 2 lần 1 năm.

https://resources.base.vn/hr/mbti-la-gi-ung-dung-cua-mbti-trong-quan-tri-doanh-nghiep-182

Ảnh: Trên đỉnh núi Llangorse xứ Wales.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!