Người thuyền trưởng của mình
Cái hôm mà con bị ngã chảy máu, lúc đó mình vừa làm xong việc chuẩn bị đi xuống cầu thang thì nghe thấy tiếng hét, tiếng khóc, rồi nghe tiếng chồng gọi to từ trong bếp giọng đầy khẩn cấp: “Em, em xuống đi. Anh cần sự giúp đỡ.”
Mình hối hả chạy xuống thì nhìn thấy chồng bế ngửa con trong tay, vừa bế vừa ấn giấy dưới cằm của con ra sức tạo áp lực lên vết thương cầm máu. Con thì không ngừng khóc hưng hức, dòng máu đỏ chảy khắp cổ thấm qua lớp giấy. Cảnh tượng quả là không khác gì trong những cảnh tai nạn máu me trong những bộ phim bác sỹ.
Trong tích tắc nhìn thấy mình xuất hiện, chồng bảo: “Tình huống cũng không có gì quá nghiêm trọng, em cứ bình tĩnh nhé. Giờ em lấy thêm giấy cho anh để anh tiếp tục cần máu, rồi cầm điện thoại gọi cho 111.”
Mình liền răm rắp làm theo chỉ thị trong khi chồng bế con ngồi xuống ghế. Ở bên Anh, 999 là số điện gọi cấp cứu khẩn cấp, còn 111 là số điện y tế cho trường hợp ít khẩn cấp hơn. Sau mình có hỏi chồng tại sao không gọi 999, thì chồng có giải thích là tình huống của con chưa phải là quá khẩn cấp có thể gây chết người.
Gọi điện cho 111, đường dây bận, đợi 5 phút không ai cầm máy. Chồng bảo mình lên mạng lấy số điện thoại của khoa cấp cứu bệnh viện gần nhất và gọi cho họ. Mình lại làm theo. Sau đó chồng bảo mình mở Uber tìm tắc xi, mình lại làm theo tiếp.
Bình thường ở chỗ làm, mỗi khi có chuyện gì khẩn cấp, mình là thuyền trưởng, là người chỉ huy con tàu, tìm tuyến đường rồi bảo người này làm cái này, người kia làm cái kia. Nhưng cứ mỗi lần ở nhà có tình huống khẩn cấp liên quan tới máu me là mình lại thường chạy qua chạy lại nghe… chỉ huy.
Sau này khi bình tĩnh nhìn lại, mình nhận ra có hai lý do cho cái sự thụ động của mình. Thứ nhất là do mình là một người mẹ. Mỗi lần nhìn thấy con gặp nạn, phần cảm xúc bản năng trội lên mạnh mẽ quá khiến cái lý trí nó cũng yếu đi. Sự lo lắng hoảng sợ khiến mình phần nào thiếu đi tính quyết đoán.
Nhưng đó không phải là lý do chính. Lý do chính vẫn là vì ở nhà, mình đã có một người thuyền trưởng rất giỏi, một người thuyền trưởng không thoái thác trách nghiệm mà ngay lập tức bước vào vị trí chỉ huy, một người thuyền trưởng không đắn đo chần chừ mà ngay lập tức dang tay che chở cho những con người trên chuyến tàu. Mình không cần phải cố giả vờ mạnh mẽ, mình không cần phải gắng gồng lên trở thành một siêu nhân. Vì mình biết thuyền trưởng của mình sẽ có thể đưa con thuyền qua được hoạn nạn.
Tối hôm đó, khi con đã ngủ ngon trong căn phòng nhỏ, hai vợ chồng cũng yên ấm trong chiếc chăn rồi, chồng quay sang vỗ nhẹ lên tóc mình: “Well done, love. Anh tưởng em sẽ phải rất hoảng hốt, không ngờ em giữ bình tĩnh vậy.”
Mình mỉm cười. Thể nào cả buổi tối thấy chồng không chỉ dỗ con mà con liên tục dỗ mình, mỗi câu nói đều cẩn thận đo lường sự hoảng hốt ở mình.
Mình cũng vỗ vỗ lại lên vai chồng: “Thank you, love. Cảm ơn anh đã bình tĩnh xử lý tình huống và chăm sóc con ở bệnh viện.”
Khi cả nhà ở bệnh viện, do Covid, bệnh viện quá tải chỉ cho một phụ huynh theo con vào bên trong đợi gặp bác sỹ. Khi vừa biết điều đó, chồng liền lôi trong cặp ra cuốn sách và cái điện thoại dí vào tay mình, bảo mình ngồi ngoài đọc sách, còn chồng thì bế con đi vào bên trong. Vì chồng biết vào trong gặp bác sỹ sẽ vất vả hơn, và chồng cũng biết nửa đêm nửa hôm ngồi đợi bác sỹ một mình với đứa con nhỏ bị thương trong tay không phải một cảm giác hay ho gì.
Trước khi bước đi vào trong, chồng còn không quên quay lại dặn dò mình: “Nếu đợi 10 phút không thấy anh ra, em cứ về nhà nghỉ ngơi trước nhé.”
Mình đứng ngẩn người cầm cuốn sách và cái điện thoại trong tay. Từ ngữ chợt bay biến đi đâu hết cả. Trong lòng trào dâng một dòng cảm xúc mãnh liệt.
Ôi, thuyền trưởng của tôi…
Thể nào mà cuộc đời này sóng gió giông tố thế nào, cũng không có gì khiến tôi phải sợ.
😢❤️
—-
👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki| Shopee 1|Shopee 2 |