Những yếu tố giúp mình thăng chức hai bậc trong vòng ba năm
Mình bắt đầu đi làm lại sau khi nghỉ thai sản mùa hè năm 2017. Tính tới thời điểm này là đã gần ba năm. Trong ba năm này mình đã làm ba công việc ở ba nơi khác nhau.
Công việc đầu tiên, công ty M, nhân viên kế toán, 9 tháng. Công việc thứ hai, Bộ B, quản lý, 18 tháng. Công việc thứ ba, Bộ H, quản lý cấp cao hơn, tới giờ là 6 tháng. Nếu dịch ra chức vụ ở Việt Nam chắc nôm na là nhân viên, phó phòng, rồi trưởng phòng. Cấp trên mình hiện là phó giám đốc.
Khi được nhận vào công ty M, đó là lần nhảy việc chính thức đầu tiên của mình kể từ khi tốt nghiệp, vì lúc đó mình vẫn đang nghỉ thai sản với công ty kiểm toán. Lần nhảy việc đó, lương mình tăng được khoảng £5,000 (~£146tr). Đến lần nhảy việc thứ hai từ công ty M sang Bộ B, mình hoàn toàn không được tăng lương vì chuyển ngành, từ tư nhân sang nhà nước. Đến lần thứ ba, mình được tăng lương £13,000 (~£380tr) vì lên bậc trong cùng một ngành. Vậy tính ra trong vòng ba năm, tổng tăng lương là £18,000 (~£526tr). Đó là một điểm lợi lớn của việc nhảy việc tăng chức.
Nếu so với mặt bằng chung trong ngành kế toán, mình lên tới chức “trưởng phòng” sau sáu năm kinh nghiệm (không tính hai năm nghỉ thai sản), cũng có thể coi là nhanh. Ví dụ, sếp của mình ở Bộ B cũ, cũng từ Big4* ra như mình, lên tới cấp bậc “trưởng phòng” sau tám năm kinh nghiệm. Trong nhóm chín đồng nghiệp cũ cùng cấp tốt nghiệp bằng chuyên ngành cùng năm ở Big4, mình là người thứ ba đạt cấp độ này, tuy nhiên, hai đồng nghiệp kia không có đợt nghỉ dài như mình. Ở cả hai Bộ mình đã làm, ngoại trừ một hai sinh viên thực tập mới ra trường, phần lớn các đồng nghiệp cấp dưới trong đội đều lớn tuổi hơn mình.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ năm yếu tố giúp mình thành công tăng chức nhanh:
1. Làm việc có trách nghiệm hết sức mình
Điều quan trọng nhất cho sự thăng tiến trong bất kỳ công việc nào, cấp độ nào, cũng là tinh thần làm việc có trách nghiệm hết sức mình, không ngại khó, ngại khổ. Điều này bao gồm làm việc cần mẫn chăm chỉ ngay cả khi sếp không ngồi bên cạnh, hay khi ngồi làm việc tại nhà một mình không ai nhìn không ai quản; cũng bao gồm sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Phải có tinh thần trách nhiệm thì người khác mới có thể tin tưởng giao việc cho mình. Phải có tinh thần trách nghiệm thì mới có thể quản lý người khác. Và tin hay không tin, sự cố gắng bạn bỏ vào công việc, dù không chủ động quảng bá cho thiên hạ biết, người khác tự động sẽ nhìn thấy.
Mình nhớ ngày xưa khi còn làm ở công ty kiểm toán, công việc thường là các đề án riêng lẻ cho các khách hàng. Mỗi đề án, đội trưởng sẽ phải lên kế hoạch chọn thành viên cho đội. Mỗi lần như thế những thành phần được hốt nhanh trong vòng một nốt nhạc đều là những người có tiếng thơm làm việc có trách nghiệm hết mình. Những người 9 giờ tới chỗ làm, cả ngày chỉ ngồi đợi tới 5 giờ để đến giờ về, sẽ không bao giờ được giao cho trọng trách gì quan trọng.
Thêm một điểm lợi nữa là, càng bỏ nhiều sức lực cố gắng vào công việc mình làm, bạn sẽ càng yêu công việc của mình hơn, càng cảm thấy có động lực để làm tốt, và bạn sẽ nhìn ra được những điểm thú vị và cơ hội mà trước đây bạn không thấy.
2. Tìm hướng giải quyết chứ không thụ động chờ đáp án
Khi gặp phải vấn đề trong công việc, nếu việc đầu tiên bạn làm là chạy đi tìm sếp thì bạn cần phải suy nghĩ lại.
Không người nào có thể tiến xa bằng cách ngồi chờ đáp án. Sếp là người như thế nào? Sếp là người ra quyết định giải quyết vấn đề. Nếu muốn trở thành sếp thì cần phải học cách động não giải quyết vấn đề.
Hãy suy nghĩ kỹ: Vì sao lại có vấn đề này? Đó là vấn đề tự mình có thể giải quyết hay cần sự trợ giúp của người khác? Có bao nhiêu hướng giải quyết khác nhau? Điểm lợi điểm hại của mỗi hướng là gì? Hướng nào là hướng nên đề xuất với sếp?
Nếu không biết cách phải bắt đầu như thế nào, hãy quan sát những người xung quanh. Chọn những người luôn có những đề xuất hay, ý tưởng tốt, hỏi thăm kinh nghiệm bí quyết của họ. Và hãy bắt đầu từ những vấn đề nhỏ nhất, chủ động tìm những phương án khác nhau. Ngày qua ngày nó sẽ dần trở nên dễ dàng. Tháng qua tháng, nó sẽ bắt đầu biến thành bản năng.
3. Áp dụng điểm mạnh của bản thân
Nếu bây giờ có ai hỏi bạn: Hãy nói cho tôi biết ba điểm mạnh của bạn? Bạn có thể trả lời ngay tắp tự không?
Đây là một câu hỏi phỏng vấn rất phổ biến, và cũng chính là câu hỏi phỏng vấn mình đã định ra cho ứng cử viên của mình trong buổi phỏng vấn tuần tới.
Nếu bạn không có câu trả lời, rất thì bạn nên dành thời gian ngồi xuống, nhìn lại những điều mình đã trải qua và viết xuống tập giấy ba cái gạch đầu dòng. Nó không chỉ giúp bản có thể trả lời phỏng vấn một cách trôi chảy, mà sẽ còn giúp bạn nhìn ra thể loại công việc gì bạn sẽ làm tốt, và hướng đi cho sự nghiệp của bạn về lâu về dài.
Ví dụ, trong trường hợp của mình, khả năng hiểu và áp dụng kế toán phức tạp giúp mình nổi trội hơn các ứng của viên khác. Vì vậy mình luôn tìm những công việc cần phải hiểu và áp dụng nhiều kế toán phức tạp để điểm nổi trội giúp mình ghi điểm.
Trong trường hợp của bạn có thể là khả năng giao tiếp, khả năng tổ chức, khả năng phân tích dữ liệu, hay khả năng sáng tạo…
4. Nắm bắt lấy cơ hội
Nếu nhìn thấy cơ hội trước mắt, đừng bao giờ chùn bước với những suy nghĩ như là: mình chưa có đủ kinh nghiệm, có đầy người khác giỏi hơn mình, liệu mình có làm được không…
Thời điểm mình được bạn mình giới thiệu cho công việc “trưởng phòng” ở Bộ H, mình không biết mình có đủ khả năng không, nhưng khi thấy mình có thể làm được 70% những trách nghiệm đề ra trong tờ quảng cáo tuyển việc, mình đã bạo dạn đăng ký, và mình đã thành công trở thành ứng cử viên phù hợp nhất.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những lý do tại sao đàn ông thường ở chức vụ cao hơn phụ nữ đó là vì khi nhìn thấy một công việc đòi hỏi cao, đàn ông thường không chùn bước nắm lấy cơ hội cho dù chưa đạt được hết các điều kiện ghi ra. Trong khi phụ nữ sẽ rụt rè và tự thuyết phục mình thoái lui.
Vì thế khi nhìn thấy cơ hội thích hợp, hãy nhanh tay nắm lấy.
5. Nhiệt tình quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp
Thế giới rất nhỏ và ngày một trở nên kết nối, đặc biệt khi bạn làm trong một ngành nghề gì đó, rất có thể bạn sẽ gặp lại những đồng nghiệp này ở một nơi nào khác, và cũng có thể họ sẽ trở thành ban tuyển sinh trong đợt phỏng vấn của bạn. Đó là điều đã xảy ra trong cuộc phỏng vấn của đội mình cuối năm ngoái. Một anh đồng nghiệp làm cũng mình ở Bộ cũ, thường lờ tịt email của mình, nổi danh tiếng làm việc không chủ động nhanh nhẹn, đã đăng ký cho một đợt tuyển dụng mà mình là thành viên trong ban phỏng vấn.
Một ví dụ khác về sự tiện dụng của duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp xung quanh đó là khi mình nhảy việc từ công ty M sang Bộ B. Mình biết tới công việc ở Bộ B cũng là do anh cấp trên cũ của mình liên lạc. Trước kia ở công ty kiểm toán, mình và anh có mối quan hệ làm việc tốt, anh đã không ngần ngại liên lạc gọi mình tới đăng ký, còn giúp đỡ cho lời khuyên trong quá trình tuyển dụng.
Và không ít lần trong quá trình tuyển dụng mình đã nghe những câu như: Tao đã nghe được về A từ B, A là một ứng cử viên tốt…
Tuy nhiên, điều tối quan trọng hơn tất cả trong những lý do kể trên, một khi bạn nhiệt tình quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, bạn sẽ dần phát triển được những mối quan hệ chất lượng. Bạn sẽ thấy mình thuộc về một nơi nào đó, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để làm tốt công việc, bạn sẽ tìm được những giá trị lớn lao, và bạn muốn đóng góp nhiều hơn. Công việc sẽ không còn đơn thuần là kiếm miếng cơm manh áo.
*Big 4: Là nhóm bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.
Mình hi vọng bài viết trên hữu ích cho bạn. Hãy đăng ký theo dõi blog ở phần phía trên phía bên tay phải và nhận email thông báo khi có bài viết mới nhé. Nếu bạn có câu hỏi gì hãy để lại lời nhắn dưới phần bình luận.