Ở Anh có phân biệt chủng tộc không?
Ngày 25 tháng 05 năm 2020, tại tiểu bang Minnesota của Mỹ, George Floyd bị cảnh sát bắt giữ vì bị cho rằng đã sử dụng tờ 20 đô-la giả trong một cửa hàng. Trong suốt hơn 8 phút, nhân viên cảnh sát đã ghì đầu gối của mình lên cổ của Goerge mặc cho anh liên tục van xin: “Tôi không thở được”. George Floyd đã qua đời sau đó. Sự kiện này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới về nạn phân biệt chủng tộc.
Có lẽ phân biệt chủng tộc ở Mỹ không phải là một chủ đề quá mới lạ với nhiều người. Vậy còn ở Anh thì sao?
Ở Anh ít có vụ việc nào kinh hoàng chết người gây phẫn nộ như ở Mỹ, nhưng liệu điều đó có nghĩa là ở Anh không có phân biệt chủng tộc?
1. Trước hết hãy nhìn vào một số số liệu thống kê:
(i) Theo số liệu từ Met Police, lực lượng cảnh sát của Anh, báo cáo bởi đài BBC tháng 05 năm 2018, khả năng cảnh sát sử dụng vũ lực đối với người da đen cao hơn đối với người da trắng gấp 4 lần. Cụ thể là trong địa phận Luân Đôn, cứ 200 người da trắng thì có 1 người bị sử dụng vũ lực, và trong 200 người da đen thì có 4 người bị. Cũng theo số liệu này, người da trắng có khả năng cao gần gấp đôi được đưa vào bệnh viện chữa trị hơn là người da đen.
(ii) Theo khảo sát của báo Guardian từ 1000 người trong nhóm thiểu số (bao gồm người gốc Á) vào tháng 12 năm 2018:
– 43% nhóm thiểu số cảm thấy rằng đã bị đối xử bất công trong quá trình thăng tiến công việc, cao hơn gấp đôi so với 18% từ nhóm da trắng.
– 38% nhóm thiểu số đã từng bị nghi ngờ oan ăn cặp vặt trong cửa hàng, so với 14% từ nhóm da trắng.
– Khả năng nhóm thiểu số gặp phải hành vi thô tục từ người lạ trong tuần khảo sát cao gấp đôi so với nhóm người da trắng.
2. Tiếp theo là những chia sẻ từ đồng nghiệp xung quanh mình:
Một đồng nghiệp da màu của mình, gốc Ấn, làm quản lý trong nhánh chính sách, gần đây nhận được thư nặc danh:
“Have you ever fought in the war???? Have you had family fight killed in the war??? No! so do not fly VE flags out of the window. You are a family of PAKIS.” (“Mày đã từng bao giờ chiến đấu trong chiến tranh???? Mày đã từng đã bao giờ mất gia đình từ cuộc chiến??? Không! vậy thì đừng có mà treo cờ mừng ngày Chiến Thằng ở Châu Âu từ cửa sổ. Mày là một gia đình của PAKIS.”)
Bức thư này được gửi qua cửa nhà sau khi gia đình anh tham gia cùng cả nước treo cờ mừng Ngày Chiến Thắng ở châu Âu (“Victory in Europe Day” hay còn gọi là “VE Day”, mồng 08 tháng 05), ngày quân đội các nước đồng minh chính thức chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của các lực lượng vũ trang nước Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Một đồng nghiệp da màu khác của mình, gốc Phi, ngày hôm nay đã viết những chia sẻ sau:
“… Tôi cảm thấy mệt mỏi khi người ta lờ tôi đi khi bước vào văn phòng của tôi.
Tôi cảm thấy mệt mỏi khi mất đi những người được gọi là bạn, bởi vì tôi bảo với họ rằng là một người da đen, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi họ gọi tôi là “ghetto*”.
…
Tôi cảm thấy mệt mỏi khi luôn phải cố gắng gấp đôi người khác.
Tôi cảm thấy mệt mỏi khi cảm thấy không được coi trọng.
Nhưng cái chính là tôi mệt mỏi khi cứ phải nói, phải cảm nhận, phải nghĩ về những điều này không ngừng.
Và đoán xem, chẳng có gì thay đổi.”
3. Vậy còn trải nghiệm của bản thân mình thì sao?
Mình đã từng nghe những bạn người Việt kháo nhau lấy tên tiếng Anh để dễ xin việc hơn. Mình đã từng ở trong cuộc họp khi người đối diện luân phiên đảo mắt nhìn những người da trắng ở xung quanh, nhưng trừ mình ra. Mình đã từng nhận những câu chào bằng tiếng Trung Quốc “Ní hảo” mà người lạ qua đường vô duyên hét vào mặt mình.
Tuy nhiên, mình may mắn chưa bao giờ gặp phải những trường hợp nào quá bức xúc và cũng chỉ là họa hoằn lắm mới gặp phải một tình huống mà mình nghĩ người ta đối xử với mình khác vì gốc Á của mình. Chắc chắn so với ví dụ của người đồng nghiệp gốc Ấn kể trên thì những trải nghiệm của mình không là gì.
Phân biệt chủng tộc có tồn tại ở nước Anh, nhưng theo quan điểm của mình thì không nghiêm trọng bằng nước Mỹ tính theo những tin tức hàng ngày về việc người da màu bị đối xử bất công, bị đối xử bạo lực. Phân biệt đối xử ở Anh thường tinh vi ngấm ngầm hơn là bị chửi, bị mắng, bị đánh vì màu da.
Mình nghĩ nước Anh đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao nhận biết về việc phân biệt đối xử và đã có nhiều bước tiến trong khía cạnh này, đặc biệt ở những công ty lớn đa quốc gia và trong nhà nước chính phủ.
Vị dụ Bộ của mình, là một bộ trung ương, vì lịch sử hình thành, đã từng là một bộ nổi tiếng chỉ phù hợp với người từ tầng lớp cao, tốt nghiệp Oxford Cambridge, phần lớn là đàn ông và là người da trắng. Giờ đây, trong bộ đã bắt đầu có nhiều phụ nữ, nhiều người da màu hơn, không chỉ trong cấp thấp và còn trong đội ngũ cán bộ cấp cao.
Để triệt để loại bỏ phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng, chính sách của Bộ là ban tuyển dụng không được biết về tên tuổi giới tính và những thông tin cá nhân khác về ứng cử viên. Trên bản đăng ký sẽ chỉ có những thông tin về bằng cấp và kinh nghiệm việc làm liên quan trực tiếp tới vị trí tuyển dụng. Trong ban tuyển dụng bao giờ cũng phải có đầy đủ thành phần nam nữ, và thành viên từ nhóm thiểu số để loại bỏ việc chỉ chọn thuê người giống mình. Bộ cũng có chương trình huấn luyện riêng dành cho nhân viên từ nhóm thiểu số nhằm nâng cao thành phần thiểu số trong nhóm cán bộ cấp cao. Trong Bộ cũng có một trang Blog, nơi các nhân viên Bộ từ nhóm thiểu số hay chia sẻ về nhưng trải nghiệm của bản thân để nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Tuy nhiên khi mà một tổ chức còn phải ra sức cố gắng nâng cao nhận thức và loại bỏ vấn đề, điều đó thể hiện nó vẫn là một vấn đề nhức nhối và cần sự quan tâm. Rất buồn là đã tới năm 2020 mà vẫn còn có những chuyện như của George Floyd xảy ra, và vẫn còn những lá thư nặc danh gửi tới cửa nhà như trong trường hợp đồng nghiệp của mình.
Mình biết ở những tổ chức nhỏ hơn, đặc biệt là những tổ chức tư nhân, có lẽ là chưa có nhiều những chương trình như ở Bộ của mình, và có lẽ vẫn có nhiều bất cập trong quá trình tuyển dụng, quá trình tăng chức tăng lương thưởng, và có thể có nhiều tình huống phân biệt đối xử trong ứng xử hàng ngày hơn.
Không biết trải nghiệm của các bạn người Việt khác ở nước ngoài như thế nào? Mình rất muốn biết thêm về trải nghiệm của mọi người, nên hãy chia sẻ với mình nhé!
—
Chú thích: *”ghetto” là từ khiếm nhã có ý nghĩa tiêu cực để nói về người da đen
Nguồn ảnh: trang Doris’ Stories
https://www.facebook.com/dorisong322/
Nguồn tham khảo:
https://www.bbc.co.uk/news/uk-england-london-44214748
https://www.theguardian.com/…/revealed-the-stark-evidence-o…