Ông bà nội của Anna

Ngày hôm trước bưu phẩm đến nhà. Như thường lệ một vài lá thư gửi ông Jones bà Jones từ ngân hàng, một vài tờ rơi quảng cáo của mấy cửa hàng takeaway địa phương. Tuy nhiên lần này còn có một bức thư nhỏ nhắn với dòng chữ: Gửi Anna Jones. Chẳng cần mở mình cũng biết là từ ai. Không chỉ vì nét chữ ngay ngắn tròn trịa mà còn vì tên người nhận. Còn ai ngoài ông nội bà nội là người chăm chỉ gửi thư từ cho cô bé Anna.

Từ khi cô bé còn bé tí hin chưa biết đọc chữ, ông bà đã bắt đầu gửi thư từ bưu phẩm đề tên Anna Jones. Khi thì là tấm bưu thiếp từ những nơi ông bà đi thăm thú, khi thì là một tờ tạp chí dành cho trẻ em kèm theo mấy món đồ chơi con con, cũng có khi là một cuốn sách, là một bức thư tay, và có khi là chiếc dây buộc tóc, chiếc tất cháu qua chơi để quên lần trước. Nhìn cô con gái nhỏ háo hức đánh vần tên mình trên chiếc phong bì và đọc những lời nhắn dành riêng cho mình, mình có thể thấy điều này có ý nghĩa rất nhiều đối với cô bé.

Hàng tuần cả nhà mình vẫn thường gọi video cho ông bà. Lần này khi vừa nhấc máy, ông bà đã liền giơ lên một bức tranh vẽ một con chim đậu ở trên cành. Mình nhận ngay ra đó là bức tranh con vẽ mấy hôm trước mà anh chồng khen nức khen nở. Trên bức tranh bây giờ còn có thêm lời đề tặng ông bà. Mình đoán ra là anh chồng hẳn là thích bức tranh đó quá nên đã bảo con viết lời tặng và gửi cho ông bà. Vậy là cả buổi ông bà cầm tranh khen ngợi những chi tiết trong tranh, hỏi cháu là đã dùng những bút màu gì, tô màu như thế nào, trong hộp màu có bao nhiều màu khác nhau, cháu dùng màu gì và không dùng màu gì, đều là những câu hỏi rất cặn kẽ tỉ mỉ thể hiện sự quan tâm thích thú thực sự chứ không phải chỉ đơn thuần là khen cho có.

Đây không phải là lần đầu tiên chồng hướng dẫn con viết lời nhắn gửi cho ông bà. Lần nào nhận được quà hay bưu thiếp từ ông bà, chồng cũng đều ngồi cùng con, cần mẫn hướng dẫn con viết thư tay cảm ơn và hồi đáp. Mỗi lần con làm cái gì hay, chồng cũng đều gửi cho ông bà xem. Khi thì chụp ảnh nhanh gửi qua tin nhắn, khi thì bảo con viết lời tặng và gửi trực tiếp qua đường bưu điện.

Mình cảm thấy có cái gì đó rất ấm áp tình cảm trong hành động của chồng và bố mẹ chồng. Quả thực càng tiếp xúc với bố mẹ chồng, nhìn cách bố mẹ chồng đối xử với mình, với chồng mình, và với con mình, mình càng hiểu rõ hơn tại sao chồng mình lại khôn lớn trở thành một người giàu tình cảm và tinh tế tới vậy. Nếu người khác than phiền về sự mâu thuẫn trong việc dạy con với ông bà, mình thì chỉ luôn tròn mắt thán phục và tự bảo phải học hỏi ở ông bà nhiều hơn.

Mình còn nhớ hồi trước Covid khi sang nhà ông bà chơi. Ông bà trông cháu cho hai vợ chồng mình tung tăng lên phố hẹn hò. Đi chơi một buổi chiều thôi, mà khi về tới nhà, ông bà đã kịp dạy cháu nướng bánh, dạy cháu đá bóng, dạy cháu trồng hoa, dạy cháu chơi đàn thổi kèn. Thậm chí khi ông tìm một đoạn video của một nghệ sỹ chơi đàn trên YouTube để cho cháu xem, ông đặc biệt tìm nữ nghệ sỹ vì ông bảo điều đó sẽ khích lệ cháu nhiều hơn, giúp cháu cảm thấy gần gũi và dễ được truyền cảm hứng.

Đến cuối buổi, đợi cháu chạy đi chơi không ở quanh, ông tranh thủ bảo với bố mẹ cháu: “She is such an enjoyable company. You have brought her up well.” (Dịch nôm na là: “Anna thật là một người bạn đồng hành rất thú vị. Hai con đã nuôi dạy cháu rất tốt.”) Ý là ông đã có thời gian rất vui vẻ với Anna, không phải đơn thuần là trông cháu giùm ba mẹ mà thực sự là rất thích chơi với cháu. Lần nào cũng như lần nào, từng lời nói và cử chỉ của ông bà đều thể hiện rõ việc dành thời gian với cháu là điều mà ông bà vô cùng trân quý.

Trong những ngày Covid, khi cháu không có giờ lên lớp về nhà sớm, để giúp cháu không bị buồn chán khi bố mẹ bận việc, ông bà kiên nhẫn ngồi hàng giờ đồng hồ trên Skype, nhìn cháu vẽ, chơi các trò board games với cháu, nghe cháu đọc sách… Làm mọi thứ online, qua màn hình thật không dễ dàng, đặc biệt Anna không phải là một cô bé thích nói nhiều, nhưng ông bà vô cùng kiên nhẫn. Nhiều lúc thực sự ngồi trong yên lặng tập trung nhìn cháu vẽ và tô màu, đơn thuần là muốn cho cháu có bầu có bạn. Cũng nhờ có vậy mà ba mẹ cháu yên tâm làm việc, và cháu không phải ngồi dí mắt vào cái iPad xem phim.

Nếu để kể về sự tinh tế, tình cảm và tế nhị của bố mẹ chồng mình thì mình có thể suốt cả ngày không hết. Nhìn bố mẹ chồng mình mà mình thực sự cảm thấy có rất rất nhiều điều mình cần phải học hỏi. Nhìn chồng mình, mình có thể thấy rõ sự quan trọng và hiệu quả của việc quan tâm và giáo dục đúng cách từ gia đình. Chính vì thế mà bây giờ mình rất cố gắng học hỏi mỗi ngày để có thể quan tâm và dạy dỗ con cho đúng cách.

—-
P/S:
-Ảnh Anna đọc sách cho ông bà nghe qua Skype. Sau mỗi trang đều giơ sách chỉ cho ông bà xem hình.
-Cách giáo dục con cháu của ông bà nội của Anna có ảnh hưởng bởi văn hoá, giáo dục gia đình, học thức, tính cách… nhưng đặc biệt có nhiều ảnh hưởng từ đức tin và Kinh Thánh (cả hai ông bà đều là người theo Chúa, dòng Tin Lành).

👉Link bài viết khác về bố mẹ chồng mình: https://www.chuyencuangan.com/bo-me-chong-minh/
👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học:
-Tiki: http://bit.ly/2LGCGsx
-Shopee 1: https://bit.ly/34Sazxp
-Shopee 2: https://bit.ly/3n0AIjM

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!