Phát triển khả năng thích ứng phục hồi đối diện khó khăn thất bại
Mình nhớ mấy năm trước khi công việc của mình bận rộn lên tới đỉnh điểm. Tối muộn phát hiện ra lỗi sai hệ thống.
Sếp: “Đội IT về hết rồi, sao giờ?”
Mình suy nghĩ suy nghĩ: “Thì mình sửa luôn chứ làm sao nữa ạ.”
Sếp: “Mình sửa luôn giờ á?”
Mình: “Vâng, giờ em nhập dữ liệu sửa, anh ấn nút xác nhận.”
Sếp: “Thật. Làm luôn?”
Mình gật đầu quả quyết: “Vâng, làm luôn.”
12 giờ đêm xong việc, mình và sếp hối hả rời khỏi chỗ làm đi vội ra trạm tàu bắt chuyến tàu cuối. Sáng ngày hôm sau, hơn 7 giờ sáng mình đã có mặt ở chỗ làm. Tầm hơn 9 giờ sếp bước vào, nhìn cái bản mặt toe toét cười tay hí hửng vẫy vẫy của mình, sếp trợn mắt hỏi: “Đêm qua mày có ngủ tí gì không thế hả Ngân?”
Suốt hơn tháng, mình cứ thế là người rời cuối cùng, và là người đến đầu tiên. Đến mức đồng nghiệp bắt đầu đùa: “Cái Ngân nó cắm trại ngủ luôn ở chỗ làm chúng mày ạ. Tao chẳng bao giờ thấy nó về, sáng tới nơi thì đã thấy nó ở đây.” Và trong những tháng ngày khó khăn nhất, mình lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, vỗ tay hô hào “Cố lên anh em, chúng ta sắp tới đích rồi”. Bất cứ trở ngại xuất hiện trước mắt, mình ngay lập tức lên kế hoạch đập tan.
Và sau khi đã đến đích an toàn, nhờ những trải nghiệm này mình đã nắm được cơ hội mới. Cái ngày mình ngồi nói chuyện với sếp trước khi chuyển chỗ làm, sếp đã bảo: “Một trong những điểm mạnh của mày chính là “resilience”.”
Quả thật “resilience” là điều đã giúp mình rất nhiều, không chỉ thăng tiến trong sự nghiệp, mà còn trong mọi mặt của cuộc sống.
—-
Vậy “Resilience” là gì?
“Resilience” nghĩa là sự đàn hồi, là khả năng thích nghi, ứng phó và phục hồi khi đối diện với khó khăn và thất bại.
Nhà tâm lý học Susan Kobasa đã chỉ ra ba yếu tố quan trọng của khả năng thích ứng và phục hồi này:
• Challenge – Thử thách: Những người có khả năng thích ứng phục hồi thường xem khó khăn là một thử thách để tôi luyện, xem sự thất bại là một cơ hội để phát triển. Họ không xem thất bại là phản ánh của sự thiếu sót yếu kém của bản thân.
• Commitment – Tận lực: Người có khả năng thích ứng phục hồi thường tận lực với cuộc sống của họ, với các mục tiêu họ đặt ra. Họ không chỉ tận lực với công việc, mà còn với mối quan hệ, với những thứ mà họ quan tâm trong cuộc sống.
• Personal control – Kiểm soát cá nhân: Người có khả năng thích ứng phục hồi sẽ dành thời gian và năng lượng vào những thứ hỏi có thể kiểm soát được, và dành ít thời gian lo lắng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát.
“Resilience” không phải sinh ra là có, mà như bất cứ các kỹ năng nào khác, khả năng thích ứng phục hồi này hoàn toàn do luyện tập và trau dồi nâng cao theo thời gian.
—-
Vậy làm thế nào để nâng cao khả năng thích ứng phục hồi của bản thân?
1. Ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, tập thể dục thường xuyên:
Có thực mới vực được đạo, có ngủ đủ giấc ngủ đúng giờ mới có sức lực và tinh thần để ứng phó. Trong thời kỳ bận bịu nhất, mình luôn chú ý tới miếng ăn giấc ngủ, dù có về muộn đến sớm mình vẫn đảm bảo ngủ 8 tiếng. Vì thế mà nếu chẳng may có một ngày phải ở lại chỗ làm tới tận 12 giờ đêm, mình vẫn có sức từ những hôm trước để bù vào. Và nếu có thể dành thời gian tập thể dục thể thao hàng tuần sẽ giúp ích rất nhiều cho cả thể chất và tinh thần.
2. Thay đổi cách nhìn nhận sự việc:
Khi một trở ngại hay thất bại nào đó ập đến, thay vì vò đầu bứt tai “Thật không thể tin điều này lại xảy ra với mình” hay “Mình thật rồi tệ mình thật bất tài vô dụng”, hãy chủ động thay đổi cách nhìn về tình huống:
• Trở ngại là một thử thách để giúp mình tôi luyện và thất bại là cơ hội để học hỏi để trở nên tốt hơn. Người chưa đối mặt với thử thách sẽ không thể trưởng thành, và người chưa gặp phải thất bại sẽ khó có thể thành công.
• Trở ngại và thất bại là một thứ tạm thời chứ không phải là tình trạng lâu dài mãi mãi.
• Trở ngại và thất bại chỉ bó gọn trong một mặt cụ thể, chứ không phản ánh các mặt khác của cuộc sống. Ví dụ: mình làm chưa tốt một đề án. Điều này không có nghĩa là mình chẳng thể làm tốt điều gì, hay mình làm gì cũng dở tệ. Mà đơn thuần là với cái đề án cụ thể này, mình làm chưa tốt.
3. Không ca thán đổ lỗi mà hãy hành động:
Thay vì ca thán, đổ lỗi cho người này người kia, cái này cái kia, hãy suy nghĩ điều gì mình có thể làm, điều gì mình đã có thể làm khác đi, làm tốt hơn và biến nó thành hành động cụ thể. Tuy nhiên hãy tập trung vào điều mình có thể kiểm soát được. Đừng lãng phí thời gian lo lắng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Tiếng Anh còn gọi là: “Control the controllable”.
Trong ví dụ đề án làm chưa tốt ở trên, không ngồi đay nghiến bản thân hay đổ lỗi cho sếp chưa chỉ dẫn mình, đổ lỗi cho đồng nghiệp không cung cấp thông tin, mà hãy xin feedback từ quản lý, cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp, nhìn lại những điều mình đã làm và lên kế hoạch bắt tay làm lại đề án cho tốt hơn.
4. Tìm cho mình những khoảng thời gian thư giãn
Không ai có thể liên tục làm việc với cường độ cao đối mặt với trở ngại thử thách. Dù bận rộn thế nào, hãy cố tìm cho bản thân ít nhất nửa tiếng, một tiếng mỗi ngày để thư giãn. Có thể là ngồi xuống đọc sách, hãy lắng nghe những bản nhạc yêu thích, có thể là chỉ nằm nghỉ trong yên lặng. Bất kỳ hoạt động nào có thể mang tới sự thư giãn cho tình thần, để dừng suy nghĩ, để có cơ hội hồi phục.
5. Tìm người để chia sẻ
Một điều không kém phần quan trọng là chia sẻ với người mình có thể tin tưởng về những điều mình đang trải qua, có thể là người nhà, có thể là bạn thân, cũng có thể là đồng nghiệp. Không có gì cô đơn hơn là phải đối mặt với trở ngại một mình. Vì thế hãy tìm cho mình những con người đồng hành, hay ít nhất là những con người đứng ở bên không ngừng lắng nghe, cổ vũ và ủng hộ.
6. Nghĩ tới những con người đã từng trải qua tình huống còn khó khăn hơn
Mỗi lần gặp khó khăn mình thường nghĩ tới một số tấm gương, những con người có thể giúp mình lấy lại động lực tinh thần. Hai con người đầu trong danh sách này mình hoàn toàn không phải là fan của họ, thậm chí không đặc biệt quý mến gì họ, nhưng sự thích ứng phục hồi của họ truyền cảm hứng cho mình.
Người thứ nhất là Hoàng Thuỳ Linh. Là một ngôi sao đang trên đà tỏa sáng khi mình còn là một học sinh, vì một scandal lớn mà cả hơn chục năm sau sự nghiệp hoàn toàn bị nhấn chìm. Vậy mà mặc cho bị chửi rủa thế nào, bị ném đá thế nào, Hoàng Thuỳ Linh vẫn quay trở lại, vẫn ngẩng đầu vượt qua.
Người thứ hai là cựu thủ tướng Anh Theresa May. Lên làm thủ tướng do kế nghiệm chứ không qua bầu cử của dân chúng, Theresa May không có sự ủng hộ của nhiều phía, đặc biệt khi phải dẫn dắt quốc gia vượt qua giai đoạn rời khối châu Âu đầy tranh cãi. Một ngày mình đọc trên báo tại một buổi họp báo có người gây rối khiến May phải không xong bài phát biểu mà bật khóc rời khỏi sự kiện. Vậy mà ngày hôm sau lại thấy nữ thủ tướng đứng phát biểu trong một sự kiện khác, vẫn tự tin vẫn đĩnh đạc như thể ngày hôm qua chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Và người cuối cùng, cũng là người quan trọng nhất với mình, đó là Chúa Giê Su. Chúa Giê Su bị tra tấn, bị đánh đập, bị phỉ nhổ, bị nhạo báng, bị treo trên cây thập tự giá. Khó khăn là thế mà Chúa vẫn vượt qua được thì cái mình đối mặt có là chi.
Vì thế hãy lưu giữ lại hình ảnh và câu chuyện của những con người tạo cho bạn cảm hứng và động lực. Và mỗi lúc đối mặt trở ngại hãy suy nghĩ họ đã làm những gì, khó khăn vậy họ còn vượt qua được, mình chắc chắn sẽ ổn thôi.
—-
Các tư liệu hữu ích
1. Sách:
• Cuốn sách này thì mình đã giới thiệu nhiều rồi nhưng vẫn xin nhắc lại ở đây vì vô cùng hữu ích cho chủ đề này, sách “Tâm lý học thành công” của tiến sỹ Carol Dweck.
Link mua sách ở VN – Tiki | Shopee |
Link mua sách ở Anh – Amazon
• Cuốn sách thứ hai là cuốn “Dấn thân” của Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành của Facebook, mình cũng đã từng giới thiệu trước đây.
Link mua sách ở VN – Tiki | Shopee |
Link mua sách ở Anh – Amazon
2. TedTalks: Danh sách TedTalks về chủ đề Resilience (có phụ đề tiếng Việt)
3. Nguồn tham khảo cho bài viết:
https://www.mindtools.com/pages/article/resilience.htm
https://ideas.ted.com/8-tips-to-help-you-become-more-resilient/
—-
👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2 |
Chi oi trong bai viet nay chi noi chi luon dam bao ngu 8h de duy tri suc khoe. Nhu vay chi co ngu trua khong a hay la ngu lien mach 8h tu dem den sang a?
Chị không ngủ trưa em ạ, chỉ là nghe từ đêm tới sáng. Ở bên Anh mọi người thường không có thói quen ngủ trưa.