Review book: The Kite Runner – Người Đua Diều (Khaled Hosseini, 2003)

Lần này đi chơi ở Malta, mình mang theo cuốn sách “The last letter from your lover” của Jojo Moyes. Mình bắt đầu đọc tiểu thuyết của Jojo Moyes từ lâu lắm rồi, trên kệ cũng có nhiều tác phẩm của Moyes. Tuy nhiên, đọc đến chương 10 thì có phần thất vọng vì nội dung câu chuyện không phù hợp với tư tưởng của mình. Vậy là liền lên đường tìm kiếm một cuốn sách mới.

Lần mò trong hiệu sách “Agenda bookshop” chật hẹp giữa khu phố mua sắm bận rộn của Valletta, nhìn tầng tầng các đầu sách mà mình hoa hết cả mắt, chẳng biết phải nên chọn cái gì. Cuốn sách đang đọc dở kia làm mình có phần dè dặt, sợ chọn phải một cuốn sách tồi, lại tốn thời gian. Mình lên mạng google những tác giả tiểu thuyết nổi tiếng nhất. Đứng đầu là William Shakespeare và Agatha Christie với khoảng 2 tỷ cuốn sách đã bán. Mình thích đọc cái gì đó hiện đại hơn một chút, nên cuối cùng chọn tác phẩm của Danielle Steel, người đứng thứ 4 trong danh sách với 500 triệu cuốn sách được in ấn.

Mình muốn chọn thêm một cuốn nữa vì đang có khuyến mãi mua một giảm giá cuốn thứ hai. Trong cái danh sách trên Wikipedia không có nhiều tác giả hiện đại, nên mình cũng có hơi chút nản lòng. Đang đưa mắt lia qua các đầu sách, tình cờ nhìn thấy cuốn “The Kite Runner” (“Người Đua Diều”) của Khaled Hosseini. Một cảm giác quen thuộc mơ hồ chợt ập đến. Phải rồi, một người bạn người Scotlen đã từng nhắc tới cuốn sách này, nói rằng đó là cuốn sách yêu thích của bạn. Tuy nhiên vì sao bạn thích nó thì mình không thể nhớ ra được. Đúng lúc nghe tiếng con gái giục ra về, mình liền vớ lấy cuốn sách đi ra quầy trả tiền.

“Em chọn sách gì đấy?” Chồng mình hỏi khi mình bước tới gần quầy thu ngân.

“Cuốn “Fairytale” của Danielle Steel.” Mình nói giơ cuốn sách lên.

Chồng nhún nhẹ vai tỏ vẻ không biết tới cuốn sách này, rồi nói: “Danielle Steel khá là nổi tiếng.” Chồng đảo nhẹ mắt quan sát hỏi: “Còn cuốn nào nữa không?”

Mình gật đầu giơ cuốn sách còn lại lên: “Cuốn “The kite runner” của Khaled Hosseini. Anh có biết cuốn này không?”

“Biết, cuốn này anh đọc rồi.” Ánh mắt chồng nhẹ hấp háy: “Anh không nhớ rõ nội dung, chỉ nhớ đấy là một cuốn sách hay.”

Một vị khách nữ đang chọn sách ở gần đấy có vẻ đã nghe thấy cuộc đối thoại. Cô quay người lại đưa ngón tay cái lên nói tiếng Anh với chất giọng của người dân bản xứ: “This is a very very good book. I highly recommend it.” (“Một cuốn thực sự rất rất là hay. Bạn nên đọc nó.”)

Chà, cũng thú vị đấy. Mình nghĩ bụng. Nếu đã có nhiều người đánh giá cao cuốn sách như vậy, chắc hẳn sẽ không quá tồi.

Và mình đúng đã không phải thất vọng.

Phải nói, một cuốn sách rất xuất sắc, hội tụ đầy đủ mọi yếu tố mà mình tìm kiếm trong một cuốn sách: giàu ý nghĩa nhân văn, cảm động chạm tới lòng người, mở mắt cho mình biết thêm về một đất nước khác trên quả địa cầu. Afghanistan, một đất nước mình không biết gì nhiều ngoài việc đây là một nơi chiến tranh liên miên, là quê hương của một người đồng nghiệp tại chỗ làm, và thật tình cờ người đồng nghiệp này trùng tên với một trong hai nhân vật chính của câu chuyện.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của hai cậu bé sinh ra và lớn lên tại Afghanistan trước những năm 1975. Nhân vật “tôi”, Amir, là người dân tộc Pashtuns (Sunni Muslim), thuộc tầng lớp trên, giàu có danh tiếng. Cha của Amir là một người rất có tiếng tăm và địa vị xã hội. Cậu lớn lên cùng Hassan, là con của một người hầu của gia đình. Hassan là người dân tộc Hazaras (Shi’a Muslim), một dân tộc bị coi thường trong xã hội người Afghanistan. Amir lớn hơn Hassan một tuổi. Cả hai cậu bé đều không có mẹ từ tấm bé và bú chung một bầu sữa mẹ mà lớn lên, đi đâu cũng kè kè có nhau như hình với bóng. Amir rất yêu quý Hasan và đối xử với Hassan như một người anh em thân thiết, nhưng sự phân chia đẳng cấp hằn sâu trong xã hội khiến cậu không thể mở miệng nhận Hassan làm bạn trước mặt những người khác. Trong khi đó Hassan rất biết vị trí của mình, vừa tôn kính, vừa yêu quý trung thành với Amir hết lòng. Có lẽ hai cậu bé sẽ luôn kè kè bên nhau như vậy cho tới khi trở thành những ông lão tóc bạc, nếu không có sự việc xảy ra trong cuộc thi thả diều năm 1975 đó…

Một cách rất khôn khéo, tác giả Hosseini đã lồng ghép trong câu chuyện về hai cậu bé những biến động chính trị, xã hội những năm 1975, khi cộng sản Nga xâm chiếm Afghanistan, khi quân cực đoan Taliban dẹp bỏ cộng sản Nga nhưng lại tạo ra một địa ngục trần gian khác.

Câu chuyện về một đất nước xa lạ, về một dân tộc xa lạ, mà quen thuộc đến kỳ lạ. Những con người sinh lên và lớn lên trong một xã hội phân chia đẳng cấp, những con người vì chiến tranh loạn lạc mà phải bỏ xứ tha phương lánh nạn sang đất Mỹ, những con người từng có chức danh địa vị xã hội sang tới đất Mỹ phải dùng phiếu ăn trợ cấp lao động chân tay khổ cực, ra sức hoà nhập với một nền văn hoá mới, ngôn ngữ mới…

Lối kể chuyện của Hosseini rất lôi cuốn, ngắn gọn xúc tích, không hề lan man tản mạn. Từng câu từng chữ đơn giản không khoa trương không mỹ miều, nhưng chạm đến những cung bậc cảm xúc ẩn sâu nhất. Từ đầu tới cuối câu chuyện, không ít lần cầm cuốn sách trong tay nước mắt mình không ngừng chảy ra, bởi những tình tiết không ngờ tới, bởi những diễn biến tâm lý rất thật rất người. Tình cảm cha con, tình cảm anh em, tình mẹ con, bà cháu, tình cảm vợ chồng, tình cảm đồng hương, tình cảm giữa người và người… Một cuốn sách không dài mà chất chứa đủ thứ loại tình cảm đẹp đẽ, nhiều lúc đẹp tới mức khiến người ta phải nín thở, phải thổn thức nhức nhối trong tim.

Khép cuốn sách lại sau hai ngày ngấu nghiến đọc xen kẽ những cuộc thăm quan thắng cảnh, mình cảm thấy vô cùng hài lòng. Hài lòng với câu chuyện, hài lòng với cái kết, hài lòng với lựa chọn của mình. Và mình chợt nghĩ, viết truyện là phải như thế, động tới lòng người với những cảm xúc chân thật nhất.


Dec 2018 Goodreads: 4.28/5 (2,092,279 ratings; 65,215 reviews)

Link mua truyện ở VN: Tiki | Shopee |
Link mua truyện ở Anh: Amazon (UK)
Link tới các review khác: Review của Blog “Chuyện của Ngân”

0 Replies to “Review book: The Kite Runner – Người Đua Diều (Khaled Hosseini, 2003)”

    1. Cảm ơn bạn đã ghé qua và để lại lời nhắn cho mình nhé. Cũng rất vui được biết blog của bạn, thi thoảng mình sẽ ghé qua :))).

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!