Sau một ngày sóng gió
Tối hôm qua con ngã trong phòng bếp, không biết bị đập vào đâu mà cằm chảy máu ròng ròng. Ba tất tưởi cầm máu, mẹ gọi cho khoa cấp cứu, rồi cả nhà nhảy lên tắc xi đi thẳng tới bệnh viện. May sao vết thương không sâu, bác sỹ dính vết thương lại, bảo chỉ cần đeo băng chừng 5 ngày là ổn.
Khi về tới nhà, đã quá 11 giờ đêm, ba mẹ tắm rửa nhanh cho con, lau sạch vết máu còn vương lên cổ, rồi hộ tống con trèo lên chiếc giường tầng. Nhìn cô gái nhỏ xíu với miếng băng to đùng choán hết cả chiếc cằm, cố gắng nằm thẳng ngay đơ để không động vào vết thương, mà ba mẹ thấy thương thật là thương.
Ba đứng ở đầu giường trìu mến bảo: “Hôm nay con rất là dũng cảm. Suốt thời gian ở bệnh viện con không khóc tí nào, khi bác sỹ bảo con làm này làm cái kia, con đều làm theo lời bác sỹ không một lời kêu ca.”
Nét mặt cô bé hơi co lại, dường như có chút ngượng ngùng vì lời khen, lại vừa có chút rùng mình nghĩ lại buổi tối đầy sóng gió.
Mẹ đưa ngón tay kéo những sợi tóc loà xoà trên trán cô bé về phía thái dương: “Hôm nay quả là một ngày không dễ dàng. Nhưng con biết không, mỗi lần trải qua khó khăn vậy, con người ta sẽ càng trở nên mạnh mẽ.”
Nghe mẹ nói, nét mặt cô bé liền giãn ra, đôi mắt mở to: “Tại sao hả mẹ?”
“Vì khó khăn giúp tôi luyện con người. Mỗi lần khó khăn, con người sẽ có cơ hội để luyện tập đối mặt với hoàn cảnh, đối mặt với sự khó khăn, và dần dần nâng cao sức mạnh của bản thân.”
Ba gật gù: “Ví dụ như hôm nay, việc con bị đau đúng là không ai muốn. Nhưng khi nó xảy ra rồi, con biết mình phải làm gì, con biết mình phải cầm máu, mình cần phải đi gặp bác sỹ. Và lần sau nếu nó xảy ra tiếp, con sẽ không còn cảm thấy hoảng sợ như hôm nay vì con đã trải qua rồi. Con biết mình có thể đối mặt với nó. Con đã trở nên mạnh mẽ hơn.”
“Con biết không…” Mẹ vẫn xoa đầu cô gái: “Kinh Thánh cũng có viết rằng chúng ta nên vui sướng trong hoạn nạn vì hoạn nạn tạo ra sự nhẫn nại, sự nhẫn nại tạo ra nghị lực, và nghị lực tạo ra hi vọng.”
Cô bé chăm chú lắng nghe. Ba mẹ không biết cô bé hiểu được bao nhiêu nhưng dường như cũng đang suy nghĩ về những điều ba mẹ nói.
Mẹ nói thêm: “Hôm nay con cũng rất là may mắn.”
Cô gái nhướn mày lần nữa: “Tại sao ạ?”
“Đúng hơn là nhờ ơn Chúa bảo vệ cho con.” Mẹ giải thích: “Con chỉ ngã đập cằm chứ không bị đập đầu vì nếu bị đập đầu có thể bị thương nặng hơn rất nhiều. Con cũng có ba mẹ ở ngay bên để nhanh chóng giúp con cầm máu và đi bệnh viện. Có người bị thương khi không có ai ở bên, họ không biết phải làm thế nào, không đến bệnh viện kịp thời có thể khiến vết thương của họ nặng hơn. Vì thế mà chúng ta cần phải cảm tạ Chúa vì đã bảo vệ cho con.”
Cô gái có một vài câu hỏi nữa. Vì sao bị thương ở đầu lại nghiêm trọng, vì sao có người bị thương khi không có ai ở bên… Ba mẹ ở bên giường trả lời hết những thắc mắc này, rồi kể cho cô bé nghe thêm một vài câu chuyện.
Sau đó cả nhà cầu nguyện cảm ơn Chúa và mong Đức Chúa Trời mang tới sự chữa lành…
Đây là cách gia đình mình giúp con vượt qua những khoảng thời gian “giông tố sóng gió”.
Bằng cách thủ thỉ tâm sự khi con đã yên ổn trong chiếc chăn ấm, mình muốn tạo ra một cảm giác an toàn cho con sau những chuyện xảy ra, đồng thời cũng muốn dành một khoảng thời gian chất lượng cùng con nhìn nhận lại những chuyện đã qua.
Có năm điều quan trọng mình và chồng muốn dạy cho con qua chuyện này.
Thứ nhất, mình muốn giúp con nhận ra là bản thân con đã làm rất tốt khi đối diện với tình huống khó khăn. Mình hi vọng điều này sẽ giúp con học được cách ghi nhận những điều đã làm tốt của bản thân, nuôi dưỡng sự tự tin trong quá trình trưởng thành.
Thứ hai, mình muốn giúp con phát triển cách nhìn nhận tích cực khi đối mặt với khó khăn: Trở ngại là một thử thách để giúp mình tôi luyện và thất bại là một cơ hội để học hỏi trở nên tốt hơn. Đây chính là cách để từ từ giúp con phát triển “resilience”, khả năng ứng phó, thích nghi và phục hồi khi đối mặt với khó khăn và thất bại.
Thứ ba, mình muốn dạy con sự biết ơn cho dù đó có là hoàn cảnh khó khăn và tồi tệ đến như thế nào. Con người thường chán nản than phiền khi người ta không nhận ra sự may mắn của bản thân, không biết ơn những gì mình có. Những con người sống với sự biết ơn là những con người hạnh phúc.
Thứ tư, mình muốn con học cách tin tưởng và dựa vào Chúa trong những lúc khó khăn nhất. Vì ba mẹ không thể ở bên con mãi mãi, nhưng Đức Chúa Trời thì có thể và sẽ là nguồn sáng mãi mãi dẫn đường cho con, giúp con có một chỗ dựa tinh thần vững chãi.
Và cuối cùng, sáng hôm sau, con ngủ nướng hơn một chút nhưng vẫn thức dậy ăn sáng và đi học như bình thường. Vì mình muốn dạy con, cuộc sống là như vậy, có những ngày thật khó khăn, nhưng cứ ngủ ngon một giấc, rồi khi tỉnh dậy, lại tiếp tục mạnh mẽ bước đi.
❤
—-
Chú thích:
• Câu gốc trong Kinh Thánh, quyển Romans chương 5 câu 3 và 4:
“…We rejoice in our sufferings, knowing that suffering produces endurance, and endurance produces character, and character produces hope.”
• Trước khi bị các mẹ kêu mình nghiêm khắc quá, mình xin đính chính là việc có đi học hay không phải tuỳ theo thể trạng của con sau tai nạn. Ở đây vết thương không nghiêm trọng, dù gây chút bất tiện khi ăn uống, vẫn hoàn toàn có thể đi học bình thường.
• Hậu trường câu chuyện:
Sáng hai vợ chồng dắt tay nhau đi dạo quanh khu nhà. Mình bảo: “Em đang nghĩ không biết là nên viết gì tiếp nhỉ?”
Chồng: “Chuyện hôm qua gay cấn thế mà em không biết phải viết gì là sao?”
“Chuyện ngã chảy máu thì có gì đặc biệt đâu mà kể.”
“Chuyện ngã chảy máu thì đúng là không có gì đặc biệt, nhưng điều em nói với con sau đó thì đặc biệt.”
Vậy là tèng téng teng, nhờ có gợi của người nào đó mà mình có câu chuyện nho nhỏ để chia sẻ với mọi người. 🙂
—-
👉 Link tới bài viết trước về cách phát triển “resilience”, khả năng thích ứng phục hồi đối diện với khó khăn và thất bại.
👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog.
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1:| Shopee 2
—-