Sự ảnh hưởng của bố mẹ khen chê lên con cái
# 1 – Chê
Con mới mọc thêm hai cái răng cửa ở bên trên. Ngó thấy nó có vẻ mọc hơi lệch, tôi buột miệng:
– Ôi khổ thân con!
Anh ngạc nhiên nhìn tôi:
– Sao lại khổ thân?
– Em sợ nó mọc lệch quá nhìn không đẹp.
Anh nhẹ nhàng bảo tôi:
– Anh thấy em không nên nói thế trước mặt con. Con nghe được sẽ nghĩ là vẻ ngoài quan trọng. Chú trọng quá vào vẻ ngoài cũng không hay lắm.
Tôi suy nghĩ thì thấy anh nói rất đúng. Mặc dù tôi không nói hẳn ra, nhưng trẻ con nó tinh lắm, nhìn thái độ nghe lời nói của người lớn là nó hiểu hết. Bản thân tôi thực ra cũng không phải là đặt năng về vẻ ngoài, nhưng thỉnh thoảng vẫn có nói những câu thiếu suy nghĩ như thế. Bây giờ có con rồi, tôi nhận ra mình phải rất cẩn thận với lời nói của mình.
Tôi có đọc vài cuốn sách về việc dạy con. Tôi thấy hầu hết các sách đều đồng ý là bố mẹ nên tránh chê bai con cái. Những lời như là ‘Con hư quá’ hay ‘Con nghịch quá’ tuyệt đối không nên nói. Nếu mình nói tiêu cực, con cũng sẽ tiêu cực. Nếu mình chê bai con, con sẽ mặc cảm, thiếu tự tin. Thậm chí con có thể dần dần hành động đúng như những lời chê này vì cho rằng đây là tính cách mặc định của mình.
Ví dụ như là hồi bé tôi hay bị chê hậu đậu vụng về. Tôi chẳng biết nó bắt nguồn từ đâu, nhưng tôi bắt đầu thấy mình hậu đậu thật, đi thì ngã, cầm bát thì vỡ, nấu cơm thì dở, nói chung làm gì cũng hỏng. Lúc nào tôi cũng cảm thấy thiếu tự tin, và rồi ngại làm, dở lại càng dở hơn.
Thực ra khi con làm cái gì đấy mà chưa được như ý mình muốn, cách tốt nhất là không nên quát nắng con hay dùng bất kỳ một tính từ gì để chê con, mà nên giải thích tình huống cho con và cùng nhau suy nghĩ giải quyết vấn đề. Sẽ rất tốt cho tính tự lập của con nếu bố mẹ hỏi ý kiến của con, để cho con suy nghĩ và đề xuất cách giải quyết.
Ví dụ trong tình huống làm đổ đồ ăn ra nhà, thay vì mắng và chê ‘sao con hậu đậu thế’, bố mẹ có thể bình tĩnh nói nhẹ nhàng với con:
– Đồ ăn đổ ra nhà rồi. Thế này thì bẩn lắm. Con nghĩ mình nên làm thế nào?
Con có thể đề xuất là dọn nó đi. Nếu con còn nhỏ chưa nghĩ ra được thì bố mẹ có thể gợi ý. Tốt nhất là để con tự dọn. Nhưng bố mẹ cần lưu ý là cần hướng dẫn và làm mẫu cho con. Nếu con chưa biết dọn dẹp trong tình huống này là như thế nào, con sẽ không hiểu mình cần phải làm gì.
Nếu con dọn chưa sạch, nên tránh tranh làm. Làm mẫu không phải là làm hộ. Phải tiếp tục kiên nhẫn hướng dẫn để con có thể tự làm được. Tôi hay nghe nhiều bậc bố mẹ nói ‘Có cái việc này mà làm cũng không nên thân. Tránh ra để mẹ/ bố làm’. Cách giải quyết này không chỉ khiến con thiếu tự tin về bản thân, mà còn không bao giờ học được cách làm tốt hơn.
—
# 2 – Khen
Đấy, đọc sách thấy bảo không nên chê con, tôi cứ nghĩ đơn giản vậy cứ tích cực khen chắc là tốt rồi. Nào ngờ khen cũng cả là một nghệ thuật.
Tôi nhìn thấy trẻ em thì thấy yêu lắm, hay buột miệng khen: ‘Ôi bé xinh quá!’ hay ‘Con mặc váy này đẹp quá!’. Thực ra nghe những lời khen thế này, trẻ em sẽ tự dưng hình thành suy nghĩ là cái đầu tiên mà người khác chú ý tới mình là vẻ ngoài và sẽ có cái nhìn sai lệch về tầm quan trọng của nó. Thay vì bình luận về vẻ ngoài, bố mẹ có thể hỏi con về sở thích của con, những cái con đã làm, hướng con đến những cái giúp cho sự phát triển tâm hồn của con.
Mọi người thường nghĩ là nếu khen con giỏi, con thông minh thì con sẽ giỏi và thông minh thật. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi được khen là giỏi, là thông minh, trẻ sẽ nghĩ thành công là do các tố chất cố định sinh ra đã thế, và mắc lỗi đồng nghĩa với thất bại. Trẻ sẽ không muốn cố gắng thêm nữa vì cho rằng có cố gắng cũng sẽ không có ích gì.
Trẻ cũng sẽ không muốn thử cái mới vì sợ thất bại và sẽ không được cho là giỏi và thông minh nữa. Trẻ sẽ luôn cố tỏ ra là giỏi để có được lời khen ngợi và công nhận của người lớn, thay vì thích thú học tập khám phá những cái mới và biết tự đánh giá bản thân mình.
Tôi còn nhớ trong chính kinh nghiệm của bản thân mình. Khi tôi học phổ thông bên Anh, nhìn thấy điểm số của tôi cao và được trường đại học tốt, ai cũng khen tôi giỏi, thông minh. Điều này tạo cho tôi rất nhiều áp lực. Tôi không muốn làm mọi người thất vọng nên luôn phải gồng mình lên tỏ ra là giỏi. Tôi cũng ngại thử những cái mà tôi nghĩ là khả năng thất bại sẽ cao. Thực ra kết quả học tập tốt của tôi là do rất nhiều công sức tôi bỏ ra để học tập và ôn luyện. Nhưng mà phần lớn mọi người chỉ nhìn vào kết quả thay vì khen ngợi sự cố gắng của tôi.
Chính vì thế, đúng là bố mẹ nên thường xuyên quan tâm khuyến khích con, nhưng thay vì khen con giỏi, bố mẹ nên khen ngợi sự cố gắng của con để con còn cố gắng nhiều hơn nữa, và chỉ cho con thấy lỗi sai là cơ hội để phát triển để làm tốt hơn.
Một số ví dụ như là khi con được điểm 10, thay vì khen ‘Con giỏi lắm’ hay là ‘Bố mẹ rất tự hào về con’, bố mẹ nên nói ‘Điểm 10 này là do sự cố gắng nỗ lực của con’. Hay khi còn làm tốt cái gì đấy, thay vì nói ‘Con làm đúng rồi’ hay là ‘Bố mẹ rất hài lòng về con’, bố mẹ nên nói ‘Con đã có rất nhiều cố gắng’ hoặc là hỏi ‘Con cảm thấy thế nào về việc con vừa hoàn thành?’ để con có cơ hội tự đánh giá.
—
Lời kết
Bố mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất lên sự phát triển tính cách của con cái. Chọn lựa lời nói đúng cách sẽ giúp gieo những hạt giống tốt trong tâm hồn của con.