Thôi, dỗi nốt lần này
Càng lớn tuổi mình càng thấy việc giận dỗi thật trẻ con, phí phạm thời gian, làm cuộc sống nặng nề một cách không cần thiết. Thế nhưng thi thoảng mình vẫn không kiềm chế được lên cơn… dỗi. Buồn cười nhất là vừa dỗi vừa thấy mình thật vớ vẩn, nhưng… vẫn dỗi. Trong đầu tự mắng mình: “Dở hơi à, chuyện nhỏ hơn con muỗi dỗi làm cái gì”, nhưng ngoài mặt… vẫn sưng. Được cái mỗi lần dỗi đều có cơ hội nể phục sự bao dung và sức chịu đựng của chồng, và mỗi lần dỗi xong lại tự dặn lòng lần sau rút kinh nghiệm không dỗi nữa.
Một ví dụ là hôm qua dỗi vì một cái chuyện vớ vẩn không thể nào vớ vẩn hơn. Cụ thể là bình thường chồng hay ôm mình gối đầu lên ngực tâm sự nói chuyện trước khi đi ngủ. Nhưng hôm qua khi mình đang chuẩn bị sấn vào, thì chợt thấy chồng chỉ muốn… nắm tay, chứ không tỏ ý muốn ôm. Đúng ngày vào tháng, tinh thần nhạy cảm, đột nhiên cảm thấy sao mà tổn thương sâu sắc, thấy mình giống mấy nhân vật nữ truyện ngược tâm, tình yêu trao đi dạt dào như biển cả, muốn nhảy vào đắm đuối ôm lấy người ta, muốn cảm nhận hơi ấm của người ta, mà nhận lại chỉ có… cái nắm tay đầy khoảng cách.
Kể lại thì nghe càng vớ vẩn nhưng thực ra cũng có lý giải tâm lý. Căn bản mình là người sống tình cảm, giữa hai đứa mình tình cảm thể hiện ra với nhau luôn rất nhiều. Thế nên khi không nhận được những cử chỉ tình cảm như bình thường sẽ cảm thấy có chút chới với. Rốt cuộc thì con người ta vẫn quen với cái người ta luôn nhận được. Người bị ngược đãi nhiều, một ngày không bị mắng chửi mà nhận được một cái liếc mắt, sẽ nghĩ đó là sự quan tâm, sẽ biết ơn sẽ cảm động. Còn người nhận được quá nhiều cử yêu chăm sóc yêu thương, một ngày nhận được cái nắm tay thay vì cái ôm, sẽ chợt cảm thấy hụt hẫng, bị buồn bị tổn thương.
Chồng mình là một người tình cảm, một người thông minh về mặt cảm xúc. Tuy nhiên một phần vì sao chồng mình luôn thể hiện tình cảm dạt dào với mình trong suốt gần 10 năm qua như vậy là do mình rất rõ ràng với chồng cái mình muốn và cần trong mối quan hệ. Khi mình cảm thấy vì công việc hai người chưa dành đủ thời gian với nhau, mình sẽ nói. Khi mình cảm thấy mình cần được ôm hôn nhiều hơn, mình cũng sẽ nói. Khi mình cảm thấy trong một tình huống cụ thể, mình muốn được cư xử thế nào, mình cũng sẽ nói. Thường là nói năng trao đổi văn minh nhẹ nhàng thôi chứ không phải chỉ trích hay hờn dỗi (chỉ là thi thoảng lắm mới dỗi thôi 😆). Mình nghĩ thể hiện rõ cái mình muốn và cần là điều rất quan trọng để duy trì một mối quan hệ bền vững và khỏe mạnh.
Tuy nhiên điều này phải đi kèm với việc lắng nghe đối phương cảm thấy thế nào, cần gì và muốn gì. Mình dỗi cũng chọn lúc lắm. Nếu biết chồng mình đang mệt hay xì chét về việc gì, mình sẽ hạn chế việc để cảm xúc lai láng, sẽ hạn chế sự bực bội của bản thân, và sẽ dùng lý trí để đảm bảo cư xử đúng mực không làm tình huống gây áp lực cho chồng. Những lúc dỗi hờn trót bung ra, thường là lúc mình biết khá an toàn, biết chồng đang trong tâm lý ổn định có thể xử lý được tình huống.
Dưới đây là trích đoạn vài dòng đối thoại từ hôm qua sau khi sự việc xảy ra, sau khi đã hai bên bộc bạch về cảm xúc và tình huống, và chồng đã kéo vợ nằm gối đầu lên ngực mình…
Vợ (vẫn dỗi, hơi đẩy chồng ra): “Từ giờ trở đi, em không bao giờ muốn được ôm nữa.”
Chồng (nói rất bình thản, kéo vợ lại): “Biết làm sao nhỉ, anh lại muốn ôm em, em sẽ phải chịu đựng vậy thôi.”
Vợ (vẫn dỗi): “Nếu anh đã không muốn ôm em, từ giờ em sẽ ngủ phòng riêng. Cứ tưởng là chỉ khi về già người ta mới ngủ riêng, ai dè nó lại xảy ra với em ngay bây giờ.”
Chồng (giọng vẫn đều đều): “Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Em sẽ không bao giờ ngủ riêng dù có là 90 tuổi.”
Vợ (giả vờ kiên quyết): “Không, em đã nói rồi, em sẽ chuyển ra ngủ phòng riêng.”
Chồng (từ tốn): “Vậy thì mình sẽ chuyển vào căn hộ chỉ có một phòng ngủ.” (Rất cao tay 😆)
Vợ tiếp: “Anh biết anh làm sai ở đâu rồi chứ?”
Chồng gật đầu: “Có, anh biết chứ. Anh đã làm em cảm thấy bị từ chối, bởi vì em muốn ôm anh, nhưng anh chỉ muốn nắm tay, khiến em cảm thấy anh không muốn ôm em.” Chồng nói một hơi rồi giải thích thêm: “Tuy nhiên, đó là một sự hiểu lầm. Ở thời điểm đó anh đột nhiên cảm thấy muốn nắm tay trước, nhưng tất nhiên là anh sẽ luôn ôm em trước khi đi ngủ.” Và cuối cùng kết luận: “Anh xin lỗi vì đã làm em cảm thấy tổn thương.”
Chậc, có mở bài thân bài kết luận đầy đủ ý tứ luận điểm như vậy thì vợ chả còn gì để bắt bẻ thêm, chỉ còn biết đe dọa nốt một câu cuối:
“Cho anh biết là em sẽ tiếp tục nói mãi về chuyện này đấy. Ngày mai, ngày kia, rồi một tuần một tháng, em sẽ cứ lôi ra mà nói, cứ tiếp tục dỗi cho anh biết tay.” (Dọa thế thôi, chứ nghe xong bài trình bày bên trên của chồng là hết dỗi luôn rồi. Mấy phút sau sẽ quên luôn chứ chẳng đợi tới mai.)
“Ừ, anh biết rồi.” Chồng gật đầu giọng rất cam chịu, kiểu anh làm anh chịu anh không có gì để kêu. Nghe mà thấy cưng quá cơ. 😆
Thực ra một chút dỗi hờn này lại giúp hai vợ chồng gần nhau hơn. Vì mình cần sự xoa dịu về tình cảm tinh thần trong khi chồng thì hoàn toàn có thể trao được cho mình điều đó. Sau khi chuyện xảy ra thì chồng cũng biết rõ hơn về suy nghĩ và cảm nhận của mình, và mình cũng hiểu hơn về hành động của chồng.
Mỗi lần như vậy, mình cảm thấy có sự đả thông về mặt cảm xúc tư tưởng, cảm thấy có sự gắn kết, yêu thương và cảm phục nhiều hơn dành cho chồng mình. Và mình vẫn tự bảo với mình, thôi nốt lần này, lần sau mình không dỗi nữa.
😆
—-
P/S Ảnh: Tuyết rơi chính thức ở Luân Đôn (ảnh từ tuần trước rồi, hôm nay mới đăng)
P/S Link:
👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki| Shopee 1| Shopee 2